Các nghiên cứu thực nghiệm liên quan

Một phần của tài liệu Vốn xã hội, sự ưa thích rủi ro và quyết định chơi hụi trường hợp nghiên cứu ở tỉnh bạc liêu (Trang 28 - 35)

2.3.1. Những nghiên cứu trong nước

Trương Đông Lộc (2011): Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm đánh giá thực trạng tham gia hụi và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia hụi của nông hộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Số liệu sử dụng trong nghiên cứu thuộc loại dữ liệu sơ cấp, được

tác giả thu thập từ một cuộc điều tra bằng bảng câu hỏi với tổng số hộ được khảo sát là 734 hộ. Phương pháp thống kê mô tả được tác giả dùng để xem xét thực trạng tham gia hụi của các nông hộ trên địa bàn tỉnh, đồng thời mô hình Probit được sử dụng để phân tích các yếu tố ảnh hưởng để quyết định tham gia hụi của nông hộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Những hộ gia đình có chủ hộ là nữ; hộ có người trong gia đình là thành viên của tổ vay vốn ở địa phương sẽ có xác suất tham gia hụi cao hơn so với những hộ khác. Ngược lại, những hộ có sổ hộ nghèo, hộ có nghề nghiệp chính là từ hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ có xác suất tham gia hụi thấp hơn. Độ tuổi của chủ hộ cũng được nhận thấy là có ảnh hưởng đến quyết định tham gia hụi. Thực tế, chủ hộ tuổi càng cao thì xác suất tham gia hụi của hộ càng thấp.

Nguyễn Văn Vũ An (2014): Mục tiêu của bài viết là phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia hụi và số tiền góp hụi mỗi kỳ của nông hộ ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Số liệu nghiên cứu thuộc loại dữ liệu sơ cấp, được tác giả thu thập từ cuộc điều tra bằng bảng câu hỏi với tổng số hộ được khảo sát là 385. Nghiên cứu ứng dụng mô hình Probit để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia hụi của nông hộ, đồng thời sử dụng mô hình Tobit để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến số tiền đóng mỗi kỳ của nông hộ khi tham gia hụi. Kết quả nghiên cứu từ mô hình Probit cho thấy: Những hộ có hộ khẩu thường trú tại địa phương, những hộ có người trong gia đình là thành viên tổ vay vốn ở địa phương và những hộ cảm nhận thấy có lợi ích từ việc tham gia là đủ lớn so với mức độ rủi ro phải chịu thì sẽ có xác suất tham gia hụi cao hơn so với những hộ khác. Ngược lại, những hộ có sổ hộ nghèo sẽ có xác suất tham gia hụi thấp hơn các hộ khác. Trong khi đó, các yếu tố như độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp của chủ hộ lại được nhận thấy là không có ảnh hưởng đến quyết định tham gia hụi của các hộ. Với mô hình Tobit, kết quả nghiên cứu cho thấy: Những hộ có thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp, hộ có thu nhập cao, hộ có ít thành viên và hộ bàng quan với rủi ro sẽ tham gia hụi với số tiền nhiều hơn những

hộ khác. Các yếu tố khác như độ tuổi và học vấn của chủ hộ cũng được nhận thấy là không có ảnh hưởng đến số tiền tham gia hụi của các hộ.

Lê Khương Ninh và Cao Văn Hơn (2012a): Trên cơ sở hệ thống dữ liệu sơ cấp thu được từ 450 đáp viên được chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên đơn giản, bằng mô hình Tobit, tác giả nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia hụi, cụ thể là số tiền tham gia góp hụi của các cá nhân sinh sống trên địa bàn tỉnh An Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Các cá nhân sống ở khu vực nông thôn, cá nhân có thu nhập cao, cá nhân có nhiều khoản chi bất thường trong năm, cá nhân làm những ngành nghề khó có thể được tài trợ bởi các tổ chức tín dụng và cá nhân có thâm niên trong việc tham gia hụi sẽ có động cơ tham gia hụi cao hơn so với những người khác. Mặt khác, các yếu tố khác như độ tuổi, số lượng thành viên trong gia đình, trình độ học vấn và quan điểm về rủi ro lại được nhận thấy là không có ảnh hưởng đến số tiền tham gia hụi của các cá nhân.

Nhìn chung, các nghiên cứu trong nước đã chỉ ra rằng: Yếu tố mạng lưới xã hội (đo lường bằng việc tham gia vào tổ vay vốn ở địa phương) và quan điểm về rủi ro được nhận thấy là có tác động lớn đến quyết định tham gia và số tiền góp hụi mỗi kỳ của các hoặc hộ gia đình. Trong khi đó, ở cấp độ cá nhân, quan điểm về rủi ro lại được nhận thấy là không có ảnh hưởng đến số tiền tham gia hụi. Tuy nhiên, quan điểm về rủi ro trong các nghiên cứu chỉ mới được đo lường một cách đơn giản bằng một biến nhị phân, đó là sợ hoặc không sợ rủi ro, trong khi thế nào là cá nhân sợ hoặc không sợ rủi ro thì cũng chưa được các tác giả định nghĩa và đo lường một cách cụ thể. Một hạn chế nữa của tất cả các nghiên cứu trên đều chưa cho thấy ảnh hưởng của yếu tố mạng lưới xã hội không chính thức, lòng tin và sự hợp tác đến quyết định tham gia hụi của các cá nhân trong khi đây là những yếu tố được nhiều nhà kinh tế và khá nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy là có tác động lớn đến việc tham gia, cũng như là đến số tiền góp hụi mỗi kỳ của các cá nhân (Anderson và Baland, 2002; Nguyen, 2009).

2.3.2. Lược khảo các nghiên cứu nước ngoài

Anderson và Baland (2002): Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm khảo sát động cơ tham gia hụi của những người dân nghèo ở Nairobi, Kenya. Dữ liệu nghiên cứu thuộc loại dữ liệu sơ cấp, bao gồm 520 hộ gia đình với 1300 cá nhân được lựa chọn ngẫu nhiên ở một khu “ổ chuột” ở Kibera trong giai đoạn 1996 – 1997. Kết quả ước lượng từ mô hình probit cho thấy: Những cá nhân là nữ và nữ giới đã có gia đình sẽ có xác suất tham gia hụi cao hơn so với cá nhân khác. Ngoài ra, tuổi của các cá nhân cũng được nhận thấy là có tác động lớn đến việc tham gia hụi của họ. Cụ thể, xác suất tham gia hụi của các cá nhân sẽ cao hơn khi tuổi của họ cao hơn. Tuy nhiên, khi đạt đến một ngưỡng tuổi nhất định (cụ thể là 35 tuổi) thì xác suất tham gia hụi cũng bắt đầu giảm. Cuối cùng, yếu tố lòng tin, được đại diện bằng số năm sống trong vùng và ngôn ngữ mẹ đẻ của cá nhân, cũng được tác giả cho thấy là có tác động tích cực đến xác suất tham gia hụi của họ.

Kedir (2005): Sử dụng sữ liệu sơ cấp được thu thập trong năm 1994 bao gồm 1.500 hộ gia đình ở 7 thành phố trung tâm của Ethiopia, mục tiêu của nghiên cứu là nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia hụi của các cá nhân. Kết quả hồi quy bằng mô hình probit cho thấy: Những cá nhân là nam, cá nhân là người đạo hồi, cá nhân có học vấn thấp và cá nhân sống trong gia đình có đông thành viên sẽ có xác suất tham gia hụi thấp hơn những người khác. Yếu tố độ tuổi cũng được nhận thấy là có ảnh hưởng đến quyết định tham gia hụi. Cụ thể, xác suất tham gia hụi của các cá nhân sẽ thấp hơn khi tuổi của họ cao hơn. Tuy nhiên, khi đến ngưỡng tuổi nhất định thì xác suất tham gia hụi lại cao hơn. Đáng chú ý là yếu tố đặc điểm dân tộc, được sử dụng như là chỉ số của sự thân quen và lòng tin, lại được nhận thấy là không ảnh hưởng đến quyết định tham gia hụi của cá nhân. Trong khi đó, biến số chi tiêu cho lương thực (thay thế cho tổng chi tiêu của hộ vì vấn đề nội sinh) được nhận thấy là không ảnh hưởng đến việc tham gia hụi.

Varadharajan (2004): Nghiên cứu được tác giả tiến hành nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia hụi của những người dân Indonesia. Dữ liệu nghiên cứu được lấy từ cuộc "Khảo sát đời sống hộ gia đình Indonesia” được tiến hành vào năm 1997, với 19.811 đáp viên. Phương pháp thống kê mô tả được tác giả sử dụng để mô tả những đặc điểm của thành viên tham gia hụi. Đồng thời, mô hình probit được dùng để xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia hụi của các cá nhân này. Kết quả ước lượng từ mô hình probit cho thấy: Những cá nhân có trình độ học vấn cao; cá nhân đã lập gia đình; cá nhân là nữ; cá nhân sống ở khu vực thành thị và cá nhân sống trong gia đình có chủ hộ là nữ sẽ có xác suất tham gia hụi cao hơn so với những người khác. Điểm đáng chú ý của nghiên cứu chính là: Các cá nhân nói cùng một ngôn ngữ với những người sống chung cộng đồng làng xã và (2) số năm đã sinh sống trong cộng đồng làng xã đó là những chỉ số có tác động tích cực đến việc tham gia hụi của họ. Kết quả này đã chứng minh cho lập luận của Varadharajan rằng: Các dây hụi chủ yếu được hình thành giữa những cá nhân biết rất rõ về nhau, ví dụ như giữa những người thân trong gia đình, những người cùng sống chung trong một cộng đồng làng xã (mạng lưới xã hội) vì mức độ lòng tin giữa họ thường cao hơn so với những người khác. Nói một cách khác, yếu tố lòng tin đóng vai trò rất quan trọng trong quyết định tham gia hụi của các cá nhân.

Brata (2004): Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm xem xét ảnh hưởng của yếu tố vốn xã hội đến việc tiếp cận tín dụng (cụ thể là lượng vốn tín dụng tiếp cận được) chính thức và tín dụng phi chính thức (bao gồm cả hụi) của các nông hộ ở một ngôi làng của người Javen thuộc Indonesia. Dữ liệu nghiên cứu thuộc loại số liệu sơ cấp, bao gồm 70 đáp viên là các chủ hộ gia đình ở Sanden. Bằng mô hình hồi quy tuyến tính đơn giản (OLS), nghiên cứu đã cho thấy: Những hộ gia đình có chủ hộ tham gia vào các nhóm/tổ chức ở địa phương sẽ có xu hướng ít vay vốn từ khu vực tín dụng phi chính thức. Trong khi đó, các chỉ số khác như việc tham gia ra quyết định cũng như

số lần tham gia các cuộc họp của tổ chức đã tham gia được nhận thấy là không có tác động đến lượng vốn tín dụng phi chính thức mà các nông hộ tiếp cận được.

Lasagni và Lollo (2011): Với dữ liệu thứ được lấy từ "Khảo sát đời sống hộ gia đình Indonesia” được tiến hành vào các năm 2000 và 2007 bao gồm 14.286 đáp viên, mục tiêu của nghiên cứu là nhằm phân tích ảnh hưởng của yếu tố vốn xã hội ở cấp độ cộng đồng đến việc tham gia hụi của các cá nhân. Bằng mô hình probit, kết quả nghiên cứu cho thấy vốn xã hội (được đo lường bằng việc tham gia vào các dự án cộng đồng)

là yếu tố có tác động tích cực đến quyết định tham gia hụi của các cá nhân. Ngoài ra nghiên cứu cũng cho thấy tác động của các yếu tố mang đặc tính cá nhân đến việc tham gia hụi của họ. Cụ thể, những cá nhân là nam, cá nhân đã kết hôn, cá nhân có học vấn thấp sẽ có xác suất tham gia hụi thấp hơn những người khác. Ngoài ra, xác suất tham gia hụi của cá nhân sẽ giảm khi tuổi của họ càng cao, nhưng khi đến một ngưỡng nhất định, xác suất tham gia hụi của họ lại tăng.

Tanaka, Camerer và Nguyen (2006): Sử dụng kết hợp dữ liệu thứ cấp được lấy từ bộ dữ liệu “Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2002” cùng với dữ liệu do chính các tác giả khảo sát ở các ngôi làng của Việt Nam, mục tiêu của nghiên cứu là xem xét mối tương quan giữa mức độ giàu có, lịch sử chính trị, sự lựa chọn nghề nghiệp và các biến số khác với sự ưa thích rủi ro, sự ưa thích về thời gian và mức độ lòng tin giữa các cá nhân. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy: Việc tham gia hụi được nhận thấy có mối tương quan với sự ưa thích rủi ro của các cá nhân. Cụ thể, những cá nhân tham gia vào hình thức hụi đấu giá được nhận thấy là những người sợ rủi ro nhiều hơn những người khác. Lý do, theo tác giả, là vì hụi đấu giá được xem như là một hình thức bảo hiểm giúp các cá nhân chống lại với rủi ro.

Tanaka và Nguyen (2009): Sử dụng kết hợp dữ liệu thứ cấp được lấy từ bộ dữ liệu “Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2002” cùng với dữ liệu do chính các tác giả khảo sát ở các ngôi làng của Việt Nam, mục tiêu của nghiên cứu là xem xét

mối tương quan giữa quyết định tham gia hụi và sự ưa thích rủi ro và mức độ lòng tin của các cá nhân. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy: Quyết định tham gia hụi được nhận thấy là không có mối tương quan với hệ số sợ rủi ro của các cá nhân. Tương tự, kết quả ước lượng từ mô hình hồi quy probit cũng chỉ ra rằng: Sự ưa thích rủi ro của các cá nhân là không có tác động đến quyết định tham gia hụi của họ.

Nguyen (2009): Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm xem xét xem liệu các cá nhân "thiên lệch về hiện tại nhiều hơn – greater present biased" sẽ có xu hướng tham gia hụi nhiều hơn hay không cũng như nhằm kiểm định giả thuyết cho rằng hụi có phải là vấn đề cam kết để tiết kiệm hay không. Số liệu của nghiên cứu được kết hợp từ hai nguồn: số liệu thứ cấp, được lấy từ "Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam" VHLSS năm 2002, bao gồm hơn 75.000 hộ gia đình, và số liệu sơ cấp được tác giả lựa chọn từ VHLSS 2002 để tiến hành phỏng vấn thực nghiệm bao gồm 6.975 hộ gia đình. Kết quả hồi quy bằng mô hình probit cho thấy: Những người mà mức độ niềm tin vào cộng đồng của mình càng lớn thì xác suất tham gia hụi của họ càng cao. Đồng thời,

những người ít sợ rủi ro hơn là những người có xác suất tham gia hụi cao hơn so với những người khác.

Tóm lại, hầu hết những nghiên cứu thực nghiệm của các tác giả trên đều đã cho thấy: Vốn xã hội (bao gồm mạng lưới xã hội, lòng tin và sự hợp tác) và sự ưa thích rủi ro của các cá nhân (hoặc hộ gia đình) là những yếu tố có tác động đến quyết định tham gia vào hoạt động hụi của họ. Tuy nhiên, vốn xã hội hầu như mới được xem xét trên khía cạnh lòng tin (Anderson và Baland, 2002; Varadharajan, 2004; Nguyen, 2009) và/hoặc mạng lưới xã hội chính thức (Brata, 2004; Lasagni và Lollo, 2011) trong khi yếu tố mạng lưới không chính thức và sự hợp tác lại chưa được xem xét đến, mặc dù đây là những thành phần quan trọng của vốn xã hội, và đã được khá nhiều nhà kinh tế (Geertz, 1962; Ardener, 1964; Besley, Coate và Loury, 1993) chỉ ra là có tác động lớn đến quyết định chơi hụi của các cá nhân.

CHƯƠNG 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Vốn xã hội, sự ưa thích rủi ro và quyết định chơi hụi trường hợp nghiên cứu ở tỉnh bạc liêu (Trang 28 - 35)