Chủ thể phát hành là tổ chức huy động vốn bằng cách bán trái phiếu cho người đầu tư. Chủ thể phát hành là Chính phủ và các doanh nghiệp, hoặc các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Chính phủ
Chính phủ tham gia vào thị trường trái phiếu với hai tư cách:
Thứ nhất: Chính phủ với tư cách là người tổ chức và quản lý thị trường mà
đại diện là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức, hướng dẫn và quản lý các thị trường chứng khoán, đồng thời soạn thảo các văn bản pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán để trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, cũng như tổ chức và thực hiện các văn bản đó. Ngoài Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các cơ quan quản lý Nhà nước khác như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính… cũng có vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý đối với các thành viên tham gia thị trường.
Thứ hai: Chính phủ tham gia thị trường như một người phát hành chứng
khoán. Để tài trợ cho các dự án đầu tư hoặc chi tiêu, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu để huy động vốn. Vai trò của Chính phủ đối với sự hình thành và phát triển TTTP là rất quan trọng, đặc biệt là đối với các thị trường mới phát triển như thị trường trái phiếu Việt Nam.
Các doanh nghiệp
Các doanh nghiệp là chủ thể quan trọng, cung cấp các loại hàng hoá cho thị trường chứng khoán. TPDN có mức độ rủi ro cao hơn TPCP và là một công cụ hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Các doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu để thu hút vốn trên thị trường. Doanh nghiệp có thể tự phát hành hoặc thông qua đại lý hay bảo lãnh phát hành.
Phát triển hoạt động phát hành chứng khoán của các doanh nghiệp sẽ đa dạng hoá các công cụ đầu tư, đồng thời tạo điều kiện phát triển các dịch vụ cho các trung gian tài chính như: Nghiệp vụ đại lý, bảo lãnh phát hành, nghiệp vụ ngân hàng tín thác, tư vấn phát hành…