B. NỘI DUNG
2.1.3. Sự chuyển biến về xã hội
Cuối thế kỷ XIX, tình hình xã hội Xiêm bắt đầu có sự biến đổi. Sự biến đổi của xã hội xuất phát từ hai nguyên nhân: Thứ nhất, khi kinh tế có sự chuyển biến tất yếu sẽ kéo theo sự chuyển biến về xã hội. Thứ hai là do hệ quả của những cải cách về xã hội của vua Rama IV.
Song song với những cải cách về kinh tế và chính trị, vua Rama IV còn đẩy mạnh những cải cách về xã hội. Theo Rama IV, việc Xiêm đang mở cửa và hội nhập với thế giới bên ngoài thì việc tồn tại của những tập tục lạc hậu lâu đời ở Xiêm là một rào cản lớn cho công cuộc đổi mới đất nước. Chính vì vậy, ngay sau khi lên ngôi, nhà vua đã chủ trương phải xóa bỏ những tập tục lạc hậu ấy.
Đối với các nước phương Đông nói chung và Xiêm nói riêng thì nhà vua là một đấng quân vương, nhưng đồng thời cũng là một thần tượng cao siêu. Vì vậy, mối quan hệ giữa vua với dân chúng trở nên cách biệt xa vời. Từ thời Rama III trở về trước, những tập tục cũ vẫn còn được duy trì như: dân chúng không được nhìn mặt vua, không được xem đám rước vua. Nhà vua Rama IV đã tìm cách hạn chế những tập tục lạc hậu đó, nhằm giảm bớt sự cách biệt giữa nhà vua với thần dân.
Cũng theo tập tục truyền thống cổ xưa từ thời Ayutthaya để lại, hàng năm các quan trong triều đình làm lễ thề trung quân. Sau khi tuyên thệ các quan lại phải uống một thứ nước thề để cam kết nguyện trung thành với vua, nếu tỏ ra có ý đồ phản bội sẽ bị trừng trị bởi các loại hình phạt cho đến khi chết. Nghi lễ ấy chỉ dành độc nhất cho các quan lại trong triều. Sau khi đăng quang, vua Rama IV cho sửa đổi lại lễ tuyên thệ bằng cách vua tự thân uống nước tuyên thề trung hiếu với thần dân trước rồi mới đến các quan lại. Hành động đó của nhà vua là muốn chứng tỏ rằng vua trước hết là vì dân, điều đó nhằm giáo dục cho quan lại và thần dân lòng trung thành gắn bó với vua và ngược lại.
Một thay đổi nữa là nhà vua quyết định cho dùng kì hiệu quốc gia theo kiểu các lãnh sự quán và các cơ quan của nước ngoài đóng ở Xiêm lúc bấy giờ. Ông cho thay kì hiệu cũ là một tấm vải nền đỏ đơn thuần, nay thêu thêm hình con voi trắng ở giữa tấm vải đó.
Ngoài ra, Rama IV còn cho ban hành rất nhiều chính sách đề cập đến việc thay đổi những tập tục trong đời sống hàng ngày như: Cấm gả ép hôn nhân, gán vợ đợ con làm nô lệ khi họ không muốn, tổ chức lễ mừng thượng thọ hay lễ cầu siêu đơn giản.... Thậm chí còn có cả chính sách cho phép các phi tần được tự do rời cung nếu họ không muốn sống trong cung điện nữa. Nhà nước cũng bắt đầu cho thuê nhân công nhằm giảm bớt sự căng thẳng của chế độ lao dịch hàng năm.
Hệ quả của những hành động trên là diện mạo của xã hội Xiêm đang có sự thay đổi, các lề thói và tập tục phong kiến lạc hậu vốn đã tồn tại từ rất lâu đời trong lòng xã hội Xiêm đang từng bước bị xóa bỏ, nếp sống mới tích cực tiến bộ hơn đang dần được hình thành.
Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng, làm chuyển biến xã hội phong kiến Xiêm đó là chính sách giải phóng nô lệ và nông nô của vua Rama IV. Đến giữa thế kỷ XIX, nô lệ ở Xiêm chiếm khoảng 1/3 - 1/4 dân số, và chế độ này lại được pháp luật thừa nhận. Tuy nô lệ ở đây chỉ là nô lệ gia trưởng và tính chất của nó không khắc nghiệt như chế độ chiếm hữu nô lệ ở Hi Lạp và Rô ma thời cổ đại, nhưng sự tồn tại của nó cũng là một rào cản lớn đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là khi mà Xiêm đang hội nhập và hướng tới nền văn minh phương Tây. Rama IV cho rằng, sự tồn tại của chế độ nô lệ là một tập tục nặng nề và lạc hậu nhất trong xã hội. Nô lệ ở Xiêm có đặc điểm là không phải đóng thuế đi lao dịch, vì thế có nhiều người tự bán mình làm nô lệ và không muốn được giải phóng. Tình trạng đó làm cho số lượng nô lệ ngày càng có chiều hướng gia tăng. Do đó, ngay sau khi lên ngôi, nhà vua đã ban
hành đạo luật cấm những người tự bán mình làm nô lệ. Nhà vua cũng đã ban hành một số đạo luật về việc giải phóng nô lệ. Năm 1865, nhà vua ban hành đạo luật cấm bán làm nô lệ những trẻ em trên 15 tuổi khi chưa được chúng đồng ý. Đây là đạo luật có ý nghĩa đầu tiên trong việc giải phóng các nô lệ ở Xiêm, tuy chưa triệt để nhưng nó có tác dụng làm giảm sự gia tăng số lượng các nô lệ, nhất là số nô lệ ở tuổi vị thành niên. Năm 1868, nhà vua lại ban hành thêm đạo luật cấm chồng bán vợ làm nô lệ khi vợ không đồng ý.
Những đạo luật trên của vua Rama IV là bước đi ban đầu trong việc xóa bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ ở Xiêm, bước đi thận trọng và dè dặt đó là một sự chuẩn bị về tinh thần và thời gian cho chủ nô cũng như nô lệ. Chủ nô không bị đột ngột khi bị mất đi quyền lợi nhân lực của mình, còn nô lệ cũng được chuẩn bị về mặt tinh thần để có khả năng sinh sống bình thường như mọi người dân sau khi được giải phóng.
Từ những chính sách cải cách của vua Rama IV về xã hội cùng với sự chuyển biến của nền kinh tế đã làm cho xã hội cổ truyền của Xiêm bắt đầu có sự phân hóa giữa các giai cấp. Sự phân hóa đầu tiên diễn ra trong giai cấp phong kiến, với chính sách cho phép quý tộc phong kiến đào các con kênh và sau đó chia đất đai hai bên bờ kênh cho vợ con gia đình mình đã tập trung trong tay họ những số lượng đất đai rất lớn, hình thành một tầng lớp chủ đất mới. Ngoài ra, còn có những loại chủ đất vắng mặt, họ bỏ tiền mua đất đai nhưng không trực tiếp canh tác mà cho thuê lại. Đó được gọi là những “Hầu bao bí mật”, những chủ đất kiểu này bao gồm nhà vua, những thương nhân, tư sản người Hoa.
Như vậy, so với chính sách ban điền “sắcđina” của chính quyền phong kiến Xiêm trước đây, đến nay, những quý tộc hoàng gia, con cái quý tộc phong kiến đã có số đất đai lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên số lượng đất đai đó tồn tại dưới hai hình thức: Một là các quý tộc sở hữu đất đai không sống bằng
chính tên của mình tại đó mà lại cho thuê canh tác và thu thuế bằng tiền, còn họ vẫn sống ở kinh đô. Thứ hai là họ đem bán đất đai đó để lấy tiền. Những người mua đất đai đó là những thương nhân, tầng lớp cho vay nặng lãi, đây cũng là một tầng lớp chủ đất mới, họ thuê mướn nhân công tự do và trả công bằng tiền.
Sự xuất hiện của tầng lớp chủ đất mới sở hữu một số lượng lớn đất đai đã bắt đầu tiến hành bóc lột theo một phương thức khác, bóc lột nhân công lao động trả tiền lương. Đây chính là tầng lớp tư sản nông thôn, sau này hợp thành giai cấp tư sản Xiêm.
Cũng do những chính sách cải cách của nhà vua mà các hoàng thân, bộ trưởng, quan lại, viên chức cao cấp... trở thành tầng lớp sở hữu đất đai lớn, tuy họ bị mất nhiều đặc quyền đặc lợi đối với nông dân trước đây, nhưng bù lại họ có nhiều ruộng đất và có lương cao. Trong các điền trang của họ vẫn còn duy trì lối bóc lột địa tô nửa phong kiến.
Tầng lớp thứ hai là các phong kiến loại trung, họ bị mất đi nhiều quyền lợi với nông dân, không có ruộng đất nhiều như đại phong kiến, nhưng vẫn có lương. Nhóm này tập trung chủ yếu ở các tỉnh, địa phương xa trung tâm. Họ tỏ ra không hài lòng lắm với chính sách của nhà vua.
Như vậy, giai cấp phong kiến đã bị phân hóa thành hai nhóm, đến thời trị vì của vua Rama V thì sự phân hóa đó còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn. Giai cấp phong kiến về cơ bản vẫn là giai cấp thống trị có đặc quyền đặc lợi, sở hữu nhiều đất đai. Trong nông nghiệp bắt đầu có dấu hiệu chuyển từ sở hữu ruộng đất lớn phong kiến sang sở hữu ruộng đất tư bản tư nhân, nhưng sở hữu tư bản tư nhân chưa đủ sức để thay thế hoàn toàn sở hữu phong kiến.
Trong khi giai cấp phong kiến có sự phân hóa như trên thì giai cấp nông dân cũng có sự biến động mạnh mẽ. Những chính sách của Rama IV đã dẫn đến việc giải phóng nông dân khỏi những nghĩa vụ lao dịch nặng nề đối
với nhà nước phong kiến. Mặt khác, khi nền nông nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ vào quỹ đạo kinh tế hàng hóa, người nông dân Xiêm cũng gia nhập vào hàng ngũ những lao động tự do (trước đây vốn chủ yếu là người Hoa) làm theo mùa vụ và được trả lương bằng tiền tại các nhà máy xay xát, các đồn điền mía, hay các vùng trồng lúa gạo xuất khẩu. “Lao động tự do đã xuất hiện, trở thành hàng hóa có thể mua bán” [60; 67].
Như vậy, trải qua 17 năm trị vì đất nước (1851 - 1868), với tư tưởng “mở cửa” hòa nhập với thế giới bên ngoài, củng cố và đổi mới bộ máy chính quyền trung ương, bãi bỏ độc quyền thương mại của nhà nước cũng như bãi bỏ các tập tục lạc hậu và chế độ nô lệ.... là tất cả những gì mà Rama IV- Mongkut đã làm. Những chính sách đó của ông đã làm cho vương quốc Xiêm có sự chuyển mình tích cực. Do vậy, ông được đánh giá là vị vua xuất sắc, người có công đưa Thái Lan thoát khỏi quá khứ nghèo nàn, lạc hậu, làm cho đất nước ngày càng phát triển hiện đại hơn. D.G.E. Hall đã nhận xét về Mongkut như sau:
“Có thể sẽ không quá lời nếu nói rằng Siam phải chịu ơn Mongkut hơn bất cứ ai khác về việc nước này đã duy trì được nền độc lập của mình trong khi cuối thế kỷ XIX, tất cả các khu vực khác đều bị đặt dưới sự cai trị của châu Âu. Bởi vì hầu như ông là người duy nhất nhận thấy rõ rằng nếu Trung Quốc đã thất bại trong chính sách đóng cửa của mình trước áp lực của châu Âu thì Siam phải thỏa hiệp với các lực lượng bên ngoài đang đe dọa mình và bắt đầu thích nghi với thế giới mới, trong đó chủ nghĩa truyền thống Á châu đã tỏ ra lỗi thời và không hiệu quả” [12; 962].
Năm 1868, vua Rama IV qua đời khi sự nghiệp của ông còn đang dang dở, nhưng cơ đồ mà ông tạo dựng nên không dừng lại ở đó, nó được tiếp tục phát triển và hoàn thiện bởi người kế vị ông - vị vua anh minh - Rama V - Chulalongkorn.
2.2. Vương quốc Xiêm trong giai đoạn trị vì của Vua Chulalongkorn - Rama V (1868-1910)