Tình hình kinh tế

Một phần của tài liệu Sự chuyển biến về kinh tế, chính trị xã hội của vương quốc Xiêm dưới thời vua Rama IV và Rama V (18511910) (Trang 40 - 47)

B. NỘI DUNG

2.1.1. Tình hình kinh tế

2.1.1.1. Sự chuyển biến trong nông nghiệp

Nông nghiệp trồng lúa nước vốn là ngành kinh tế truyền thống và chủ đạo của Xiêm, đồng thời là nguồn thu chính của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do chính sách của độc quyền của nhà nước trước đây đã làm cho nền nông nghiệp Xiêm không thể phát triển được. Chính vì thế, ngay sau khi lên

ngôi không lâu, năm 1852, vua Rama IV đã ban hành đạo luật tuyên bố hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, sắc lệnh ghi rõ: “Nông nghiệp đã quá bị thiệt hại bởi việc cấm xuất khẩu gạo, bởi nông dân không thể bán sản phẩm dư thừa của họ theo giá thích hợp. Vì thế nhiều nông dân đã trả lại ruộng cho nhà nước, trong tình hình đó nhà nước cũng bị thiệt hại theo, vì không thu được số thuế cần thiết như trước đó. Việc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo được ban hành trên cơ sở đó, để một mặt cải thiện sản xuất nông nghiệp, mặt khác đảm bảo nguồn thu ngân sách chắc chắn, bởi chính các loại thuế sản xuất lúa gạo và thuế xuất khẩu sẽ đem đến cho nhà nước những khoản thu cao” [17, 53].

Sắc lệnh trên đã tháo gỡ được những rào cản lớn đối với nền nông nghiệp Xiêm lúc bấy giờ. Nó vừa góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời cũng góp phần vào giải quyết tình trạng đình đốn trong sản xuất nông nghiệp. Tương tự như vậy, nhà vua cũng cho bãi bỏ việc độc quyền xuất khẩu đường của nhà nước trước đây. Bởi chính sách độc quyền của nhà nước trước đây đã làm cho nền sản xuất đường bị giảm sút nghiêm trọng: Năm 1840 sản xuất được 247 000 picun, đến năm 1847 chỉ còn sản xuất được 150000 picun. Việc xóa bỏ độc quyền thương mại của nhà nước cũng có nghĩa là từ đây về sau các mối quan hệ giữa hàng ngàn cơ sở kinh tế của các nhà sản xuất riêng lẻ sẽ được thực hiện thông qua thị trường.

Những chính sách nói trên của nhà nước đã tạo nên sự chuyển biến đầu tiên trong nông nghiệp, việc trồng lúa gạo xuất khẩu và trồng mía ở những vùng trung tâm Băng cốc và ngoại vi phát triển nhanh chóng. Việc khai khẩn ruộng đất ngày càng được tăng cường, đất đai trồng lúa ngày càng có giá. Các quý tộc phong kiến đua nhau đi xin nhà vua cấp phép để đào các con kênh lấy nước phục vụ việc trồng lúa. Nhà vua cũng lập dự án đào kênh cho riêng mình, các đất đai hai bên bờ kênh được chia hết cho gia đình họ hàng chủ đào

kênh. Nhà vua đã chia khoảng 16200 Rai ruộng đất ở hai bờ kênh cho con cái của mình, các quý tộc khác cũng làm như thế.

Với những chủ trương trên, hoàng gia và các quý tộc Xiêm đã chiếm hữu một diện tích đất đai lớn hơn nhiều so với phần đất họ được ban cấp theo chế độ “Sắc đi na” trước đây và họ trở thành chủ của những vùng đất đai rộng lớn. Chủ đất bắt đầu thuê các lao động tự do cày cấy và trả bằng tiền, chế độ “Ban điền” trước đây bị tan rã, chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về ruộng đất bắt đầu hình thành, việc thu tô thuế bằng hiện vật cũng dần dần được thay thế bằng tiền. Những chủ đất mới đó chính là tiền thân của tư sản nông thôn.

Như vậy, từ một nền nông nghiệp trồng lúa với phương thức canh tác truyền thống phương Đông, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa bắt đầu xâm nhập vào nông thôn, tính chất tự nhiên, tự cung tự cấp dần bị biến mất, thay vào đó là tính chất hàng hóa thị trường. Nông nghiệp Xiêm đang chuyển dần sang phương thức sản xuất lúa gạo hàng hóa để xuất khẩu. Trong giai đoạn đầu của quá trình hội nhập, “kinh tế lúa gạo” là đặc trưng của nền kinh tế Xiêm, sản xuất lúa gạo là xương sống của nhà nước và toàn bộ nền kinh tế. Sự tăng trưởng và ổn định của toàn bộ nền kinh tế gắn liền với sản xuất lúa gạo. Nhờ những chính sách cải cách của vua Rama IV mà sản lượng gạo của Xiêm ngày càng tăng, bảng số liệu sau đây đã chứng minh cho điều này:

Sản lượng gạo sản xuất và xuất khẩu của vương quốc Xiêm từ năm 1857 đến năm 1870.

Năm Tổng sản lượng (đơn vị: tấn) Xuất khẩu (đơn vị: tấn)

1857 1.522.000 68.000

1860 1.586.000 109.000

1870 1.771.000 197.000

Bảng số liệu trên đã cho thấy một sự thay đổi tích cực cả về quy mô lẫn tính chất của nền nông nghiệp Xiêm. Nếu như trước đây sản phẩm của nông nghiệp sản xuất ra chủ yếu chỉ để phục vụ cho nhu cầu trong nước, thì giờ đây nó lại chuyển sang hướng khác đó là xuất khẩu, diện mạo của nền nông nghiệp đã thay đổi hẳn so với trước kia.

Cùng với việc thâm canh lúa xuất gạo, Xiêm còn xuất khẩu những nông sản có giá trị khác như: đường mía, hồ tiêu, vừng, muối, gia súc... song gạo vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu (gạo chiếm 60%, đường 15%, tiêu 3,2%, gia súc 20%....

Do nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng, khối lượng các nông phẩm của nông dân sản xuất ra cũng ngày càng nhiều trên thị trường, nhu cầu dùng tiền để trao đổi trong mọi sinh hoạt cũng lớn dần. Nền nông nghiệp hàng hóa tiếp tục đòi hỏi được giải phóng khỏi mọi rào cản của quan hệ sản xuất phong kiến: giải phóng nông dân, giải phóng nô lệ, tư nhân hóa ruộng đất...

Khi kinh tế có sự chuyển biến, nó cũng đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng một cơ sở hạ tầng phù hợp. Nhận thức được yêu cầu đó, vua Rama IV đã cho xây dựng nhiều con đường mới, đào thêm các con kênh, phát triển thêm phương tiện vận tải thủy. Nhà vua đã cho xây dựng nhiều đường bộ trong thành phố, một trong nhiều con đường đó là đại lộ Cha Rỏn Krung rất rộng lớn trong nội thành chạy dọc theo con sông Chao Phraya. Hai bên con đường này là các dãy nhà công sở, tòa lãnh sự nước ngoài được thiết kế theo dáng dấp châu Âu đã mọc lên.... Ngoài ra còn có các con đường khác cũng được xây dựng. Băng Cốc trở thành đầu mối thương nghiệp và trung tâm buôn bán lớn, sầm uất.

Có thể nói, những chính sách và biện pháp của nhà vua Rama IV đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp đang chuyển dần vào quỹ đạo kinh tế sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, những chính sách của nhà vua mới

chỉ đặt nền tảng ban đầu cho sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa mà thôi. Sau khi vua Rama IV qua đời, Rama V lên nối ngôi tiếp tục sự nghiệp cải cách của cha mình và đưa nền nông nghiệp của Xiêm tiếp tục có những bước phát triển nhanh hơn.

2.1.1.2. Sự chuyển biến của kinh tế công thương nghiệp

Từ nửa sau thế kỷ XIX, hoạt động công thương nghiệp của Xiêm đã có nhiều thay đổi to lớn, hình thành nhiều trung tâm buôn bán và công nghiệp. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã xâm nhập sâu vào các nghành kinh tế này. Dĩ nhiên sự biến chuyển đó chính là hệ quả của những cải cách của vua Rama IV.

Cơ sở của sự phát triển nền kinh tế Xiêm là một nền nông nghiệp nhiệt đới hướng ra xuất khẩu, sự phát triển của công thương nghiệp không tách rời khỏi nông nghiệp, điều này đã được vua Rama IV và sau này là vua Rama V nhận thức bằng các chính sách hết sức cụ thể. Chính vì thế, con đường phát triển của công nghiệp Xiêm không thể không dựa vào nông nghiệp. Nông nghiệp trở thành nguồn tích lũy vốn cho công nghiệp, không chỉ như vậy, mà còn phải là nguồn cung cấp trược tiếp hay gián tiếp nguyên liệu cho công nghiệp. Muốn như vậy, trước hết vua Rama IV đã thi hành các chính sách nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển. Hàng loạt công trình xây dựng như: kênh đào, đường bộ, đường sắt... đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển ấy.

Truyền thống thương nghiệp của Xiêm là trao đổi sản phẩm trong phạm vi làng xã, dưới sự kiểm soát của nhà nước, nếu có buôn bán với nước ngoài thì cũng giới hạn trong phạm vi một vài nước, các sản phẩm chính của nền kinh tế công thương nghiệp Xiêm chủ yếu vẫn là những nông phẩm như lúa gạo, bông, đường, cá, gia vị, gỗ tếch, thiếc. Hoạt động thương mại chủ yếu là do thương nhân người Hoa đảm nhiệm, bởi họ có những ưu thế riêng trong

lĩnh vực này. Nhà nước thường tạo điều kiện cho họ buôn bán hay làm ăn bằng các chính sách như: giúp đỡ về tài chính, bảo vệ chính trị... đổi lại họ phải trả tiền thuê đất, nộp thuế khai thác và một phần lợi nhuận cho nhà nước.

Sau khi lên ngôi, vua Rama IV đã nhận thức được tình trạng quá ư lạc hậu của công nghiệp Xiêm khi so sánh với công nghiệp phương Tây. Từ đó ông ý thức rất rõ về việc tìm cách rút ngắn khoảng cách phát triển của nước mình với các nước phương Tây. Bởi vậy, một trong những biện pháp đầu tiên của vua Rama IV trong kinh tế là mở rộng và kích thích hoạt động ngoại thương phát triển. Muốn đạt được điều đó thì cần phải có những thay đổi vai trò của nhà nước đối với những lĩnh vực mà nhà nước vẫn độc quyền trước thời Môngkut.

Trước đây, trong những năm cầm quyền cuối đời mình, vua Rama III (1824 - 1851) đã cho khôi phục lại độc quyền của nhà nước trong lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo và đường - là hai mặt hàng xuất khẩu quan trọng bậc nhất của Xiêm khi đó. Cho đến khi Rama III qua đời, Xiêm vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo. Giá lúa gạo ở thị trường trong nước rất thấp - chỉ từ 4 đến 6 “ti-can” một thúng. Quý tộc phong kiến có thể thu cho mình số lúa gạo cần thiết thông qua tô thuế hoặc mua tích trữ lúa gạo với giá rất thấp ở thị trường trong nước. Một tình hình như vậy tất nhiên không thể khuyến khích được việc sản xuất lúa gạo hàng hóa và càng không kích thích được sự phát triển quan hệ tiền tệ - hàng hóa trong nông nghiệp nói chung. Hậu quả của tình trạng đó là diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang ngày càng có xu hướng tăng lên.

Nhận thức rõ điều đó, ngay sau khi lên cầm quyền không lâu vào năm 1852, Rama IV đã hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và đường của nhà nước. Sắc lệnh đó không chỉ có tác dụng thúc đẩy nông nghiệp phát triển, mà còn tác động rất lớn đến ngoại thương nước này. Đồng thời, vua Rama IV còn bắt

đầu có những chính sách nhượng bộ đối với tư bản nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp, để dần dần tranh thủ kỷ thuật của phương Tây phát triển nền công nghiệp Xiêm. Đó là một đường lối kinh tế đối ngoại đúng đắn, phù hợp với tình trạng Xiêm lúc bấy giờ.

Thực hiện chủ trương mở cửa nền kinh tế, vua Rama IV đã chủ động kí với các nước tư bản phương Tây các hiệp ước bất bình đẳng, qua các hiệp ước đó đã xóa bỏ độc quyền thương mại của nhà nước, cơ chế kinh tế được mở rộng đối với các nước phương Tây, đặc biệt là với Anh. Tất cả hàng hóa chỉ chịu một mức thuế duy nhất là 3%, xuất khẩu cũng chỉ có một mức thuế suất

“có 64 loại hàng hóa được hưởng chế độ thuế như vậy”. [17; 130]

Chính sách thuế mới đối với tàu buôn của nước ngoài tới buôn bán với Xiêm đã tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ ngoại thương và đồng thời làm chuyển biến sự phát triển của nội thương nước này. Thương nhân nước ngoài đã được tự do hoạt động thương mại với thương nhân Xiêm, thương mại được đẩy mạnh góp phần kích thích nền kinh tế sản xuất hàng hóa.

Sau hiệp ước Anh - Xiêm (1855), Anh là nước có rất nhiều quyền lợi về kinh tế ở Xiêm. Trong thực tế Anh đã nắm độc quyền đầu tư và khai thác nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khai thác gỗ tếch. Vào thời điểm ngành công nghiệp đóng tàu phát triển mạnh, gỗ tếch là nguyên liệu hết sức quan trọng cần thiết cho ngành công nghiệp này, vì những tính năng đặc biệt của nó như: không bị mối mọt, nhẹ nổi trên nước, bền đẹp.... Trên thế giới vùng có gỗ tếch không nhiều, ở châu Á chỉ có ở Xiêm, Miến Điện, Trung Quốc, Inđônêxia, riêng ở Xiêm có chủng loại gỗ tếch rất quý. Do vậy, người Anh tiến đến độc quyền khai thác gỗ tếch ở Xiêm.

Sự chuyển biến trong lĩnh vực công nghiệp với sự xuất hiện nhiều cơ sở chế biến gạo, gỗ, xây dựng đường sắt, khai thác mỏ thiếc, rừng... mặc dù đều nhằm phục vụ việc xuất khẩu gạo và gỗ sang các nước đế quốc, nhưng

cũng phải thừa nhận đó là một sự thay đổi đáng kể của một xã hội phong kiến phương Đông như Xiêm.

Trước tình hình nền kinh tế có bước chuyển biến tích cực hơn so với trước, đặt ra yêu cầu cần phải thay đổi diện mạo quốc gia, đưa Xiêm trở thành một quốc gia Âu hóa theo kiểu phương Tây. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó thì chính phủ phải có rất nhiều tiền. Để giải quyết nhu cầu về tài chính, nhà nước đã vay tiền của nước ngoài, mặc dù phải chịu những điều khoản ngặt nghèo: Ví dụ Xiêm phải thừa nhận chủ quyền của Anh trên bán đảo Mã Lai đối với 4 tiểu quốc Hồi giáo: Kêlantan, Trenganu, Kêđác, Pơlít, một phần vì phải vay Anh 4 triệu Bảng để xây dựng đường sắt đi đến bán đảo Mã Lai. Về sau, Để tránh phụ thuộc nặng nề vào nước ngoài, chính phủ phải thận trọng trong vay vốn nước ngoài, đồng thời phải tìm nguồn tiền ở trong nước. Nguồn tài chính của chính phủ ở trong nước chủ yếu là thuế khóa. Có rất nhiều loại thuế,

“... thuế hàng hóa 15%, thuế đất và thuế thân 8-12%, thuế đi lại 5%, thuế mỏ và thuế vàng 5%, thuế quan 12-13%, thuế thuốc phiện, cờ bạc 40%” [22; 293].

Tất cả những việc làm trên của vua Rama IV đã tạo điều kiện “mở cửa” cho tư bản nước ngoài xâm nhập vào Xiêm, và có những tác động quan trọng đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Xiêm. Nền kinh tế của Xiêm bắt đầu bị lôi cuốn vào quỹ đạo kinh tế tư bản chủ nghĩa thế giới. Tuy nhiên, những cải cách bước đầu của vua Rama IV - Môngkut cũng chỉ mới đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển của công thương nghiệp ở Xiêm mà thôi. Do vậy, sự chuyển biến của nó cũng chưa nhiều, phải đến thời kì vua Rama V thì sự phát triển của công thương nghiệp ở Xiêm mới thực sự rõ rệt.

Một phần của tài liệu Sự chuyển biến về kinh tế, chính trị xã hội của vương quốc Xiêm dưới thời vua Rama IV và Rama V (18511910) (Trang 40 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(134 trang)
w