Tình hình chính trị

Một phần của tài liệu Sự chuyển biến về kinh tế, chính trị xã hội của vương quốc Xiêm dưới thời vua Rama IV và Rama V (18511910) (Trang 47 - 54)

B. NỘI DUNG

2.1.2.Tình hình chính trị

Là vị vua của đất nước Phật giáo nhưng lại biết cả tiếng Anh và tiếng Latinh, am hiểu văn minh phương Tây và tình hình quốc tế lúc bấy giờ hơn nhiều vị vua khác cùng thời ở châu Á. Ngay sau khi lên cầm quyền, Rama -

Môngkut đã cho thi hành một loạt các biện pháp để củng cố quyền lực của mình và tăng cường nội lực của đất nước theo hướng cải cách, duy tân. Đây là một chính sách hết sức khôn khéo, chính sách này có sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống Xiêm với hệ tư tưởng các nước phương Tây nhằm hài hòa mối quan hệ giữa tồn tại và phát triển đất nước.

Đầu tiên, Rama IV dựa hẳn vào tầng lớp phong kiến cao cấp có tư tưởng tiến bộ, học vấn phương Tây như mình. Chỉ vài ngày sau khi bước lên ngai vàng, ông đã bổ nhiệm ngay người đứng đầu phái cải cách là Pia Xurivôngxê vào chức “kalakhôm” (tức bộ trưởng bộ quốc phòng), và thay đổi một loạt chức vụ quan trọng khác trong chính quyền bằng người của phe cải cách. Đại sứ Mĩ là T.Harris có mặt ở Xiêm khi đó đã viết: “Dòng “kalakhôm” tiếp tục tăng cường ảnh hưởng và sự giàu có của mình đến mức lúc này người của họ chiếm giữ hầu hết các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước” [14; 66]. Đặc biệt ông cũng bổ nhiệm ngay người em - đồng thời là trợ thủ, cố vấn đắc lực và đáng tin cậy nhất của mình là hoàng thân Ítxarát vào chức “Uparát” (tức phó vương). Ítxarát là người có tư tưởng cấp tiến và một bộ óc sắc sảo, đồng thời là người có tư tưởng Âu hóa mạnh mẽ đến mức ông đặt tên cho con mình là G.Oasinhtơn. Điều đó có nghĩa là Rama IV đã công khai đứng hẳn về phe cải cách, và không chỉ có vậy, ông trở thành thủ lĩnh tối cao của phe cải cách. Phe cải cách đã giành được ưu thế hoàn toàn so với phái bảo thủ trong triều đình và trong giai cấp quý tộc phong kiến Xiêm.

Tuy nhiên, ủng hộ phe cải cách và là thủ lĩnh tối cao của phe cải cách không đồng nghĩa với việc đàn áp phe bảo thủ. Trái lại, đối với những đại thần có công, chẳng hạn như Đít Bunnac và Tat Bunnac trong gia đình Bunnac nổi tiếng ở Xiêm, nhưng lúc này đã tỏ ra bảo thủ, thì trong khi tìm cách loại bỏ họ ra khỏi đời sống chính trị đất nước bằng những biện pháp ôn hòa, Rama IV vẫn ban thưởng cho họ rất hậu hĩnh, thậm chí phong cho họ

những danh tước rất cao. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, vì nó xoa dịu các đại thần phong kiến bảo thủ không còn giữ được các chức vụ quyền lực lớn, và giảm thiểu khả năng chống đối của phe bảo thủ.

Không chỉ dừng lại ở việc cải tổ về nhân sự trong triều đình Băng Cốc sao cho những người có tư tưởng cải cách, duy tân có thể có được ưu thế, Rama - Môngkut còn đi xa hơn hướng này bằng cách mở cửa bang giao với nước ngoài. Hành động đầu tiên của ông thể hiện tư tưởng mở cửa giao lưu với bên ngoài đó là trong lễ đăng quang của mình, vua đã cho mời nhiều khách nước ngoài và thành viên các phái đoàn ngoại giao đến dự và vào hội kiến với nhà vua tại cung điện hoàng gia. Rama IV đã cho thành lập các lãnh sự quán tại các nước phương Tây và một số nước khác trên thế giới, nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các nước này. Bước tiếp theo, ông chủ động kí với các nước tư bản phương Tây những hiệp ước không bình đẳng. Tháng 4 - 1855 toàn quyền Anh ở Hồng Kông là Jonh Bowring đến Băng Cốc, chỉ sau 15 ngày đàm phán hai bên đã kí kết hiệp ước Anh - Xiêm với các nội dung cơ bản sau:

1. Xiêm phải thực hiện tự do thương mại.

2. Anh được lập lãnh sự quán tại Băng Cốc và công dân Anh được hưởng quyền lãnh sự tài phán. Nếu phạm tội họ được xét xử trên cơ sở luật pháp của Anh và chịu trách nhiệm trước lãnh sự quán Anh tại Băng Cốc.

3. Người Anh có quyền sở hữu đất đai trong khu vực có bán kính bằng 24 giờ đi thuyền cách trung tâm Băng Cốc.

4. Tàu chiến Anh có thể vào cửa sông Mê Nam, đến tận cảng Pắc-nam. 5. Các khoản thuế đánh theo chiều dài và chiều rộng của tàu Anh (theo Hiệp ước Anh - Xiêm năm 1826) được hủy bỏ để thay thế bằng thuế nhập khẩu 3% đối với tất cả các loại hàng hóa. Việc xuất khẩu củng chỉ chịu một loại thuế mà thôi, có 64 loại hàng hóa xuất nhập khẩu theo đó đều có mức thuế là 3%.

Ngoài ra công dân Anh còn được quyền tự do thăm dò và tổ chức khai thác khoáng sản sâu trong bất cứ khu vực nào của Xiêm.

Nhìn vào nội dung trên của hiệp ta thấy, đây rõ ràng là một hiệp ước không bình đẳng, trong đó Anh gần như là thỏa mãn mọi yêu cầu, còn phía Xiêm lại phải chịu nhiều thiệt thòi. Chẳng hạn, ở điều 1 quy định Xiêm phải thực hiện tự do thương mại, tức là phải xóa bỏ độc quyền của nhà nước về ngoại thương, theo đó hàng hóa Anh được tự do tràn vào thị trường Xiêm. Ở điều 2 của hiệp ước quy định, công dân Anh được hưởng quyền lãnh sự tài phán, tức là nếu người Anh phạm tội trên đất Xiêm thì họ được xét xử trên cơ sở luật pháp của Anh... chính quyền Xiêm không có quyền xét xử họ. Tại điều 3 của hiệp ước lại quy định: Người Anh có quyền sở hữu đất đai trong khu vực có bán kính bằng 24 giờ đi thuyền cách trung tâm Băng Cốc, tức là một trong những vùng lãnh thổ màu mỡ nhất của Xiêm. Điều 4 của hiệp ước quy định tàu chiến Anh có thể vào cửa sông Mê Nam, đến tận Băng Cốc. Với điều khoản này thì hạm đội Anh có căn cứ tại Xingapo đã có khả năng kiểm soát được toàn bộ vịnh Xiêm la. Đặc biệt, với điều khoản thứ 5 quy định tất cả các loại hàng hóa chỉ chịu 1 mức thuế nhập khẩu là 3%, có 64 loại hàng hóa được được áp dụng mức thuế như trên...

Đến năm 1856, Xiêm và Anh còn ký thêm một bản công ước đặc biệt gồm 12 điều khoản bổ sung cho Hiệp ước năm 1855. Trong đó có điều khoản rất quan trọng cho phép các công dân Anh từ các lãnh thổ châu Âu cũng như châu Á có thể nhập cảnh vào Xiêm mà không bị cản trở.

Như vậy, với Hiệp ước Anh - Xiêm năm 1855 và Công ước năm 1856 bổ sung sau đó, triều đình Rama IV đã “mở toang” cánh cửa đất nước đối với Anh.

Sau hiệp ước Anh - Xiêm, Rama IV tiếp tục kí các hiệp ước tương tự với Mĩ, Pháp (1856), Đan Mạch (1858), Bồ Đào Nha (1859), Hà Lan (1860), Phổ (1862), Thụy Điển, Na Uy, Ý, Bỉ (1868).

Những hiệp ước trên có thể coi là những hiệp ước bất bình đẳng, trong đó Xiêm phải chịu một số thiệt thòi, đồng thời gây nên những tác động mạnh về kinh tế - xã hội ở Xiêm, nhưng điều quan trọng là các hiệp ước đó đã tạo ra nhiều mối quan hệ giữa Xiêm với phương Tây. Để học tập phương Tây, nhà vua cho nhiều cố vấn, gia sư dạy dỗ và giúp đỡ các kinh nghiệm kiến thức văn hóa, khoa học kỷ thuật, quân sự, hành chính, giáo dục, pháp luật... Nhiều người đã trở thành cố vấn đặc biệt trong các vụ, cục của bộ máy nhà nước Xiêm khi đó. “Có lẽ các hoàng đế phong kiến ở Việt Nam, Lào, Cămpuchia, Trung Quốc cùng thời với Rama IV đã không thể có được những bước đi như vậy” [14;67]. Những việc làm trên của Rama IV không phải vì ông là người thông thạo ngôn ngữ và văn hóa phương Tây, mà quan trọng hơn là việc sử dụng các chuyên gia phương Tây của ông nhằm một mục đích lớn lao hơn là để cho “những cái phương Tây phải hàng thế kỷ mới làm được, thì Thái chỉ làm trong vài chục năm” [22; 284].

Trong số 84 cố vấn, chuyên gia nước ngoài khi đó, có nhiều người giữ những trọng trách quan trọng trong chính quyền Xiêm. Bà Leonowens (Anh) gia sư cho các con vua, giáo sư Robet Moran (Anh) những người có ảnh hưởng rất lớn đến vua Rama V sau này. Ông Giắccơmin (Bỉ) làm tổng cố vấn, là người trợ lý đắc lực cho nhà vua trong các chính sách cải cách. Thiếu tá Grini (Ý) phụ trách trường đào tạo các sĩ quan lục quân. Đặc biệt ông Jonh Bowring, người thay mặt nữ hoàng Anh kí hiệp ước Anh - Xiêm năm 1855, không chỉ là người mà vua Rama IV có một tình cảm thân thiện đặc biệt, mà ông còn được giao trọng trách thay mặt nhà vua giải quyết các vấn đề đối ngoại của Xiêm ở châu Âu.

Việc sử dụng người nước ngoài trong bộ máy chính quyền Xiêm, có thể xem là một bước đi táo bạo và không kém phần liều lĩnh của Rama IV. Bởi lẽ, trong khi các vị vua cùng thời với ông ở các nước Đông Nam Á khác thực

hiện chính sách đóng cửa, tuyệt giao với người phương Tây, thì Rama IV lại thực hiện điều ngược lại. Xét cho cùng, hành động đó của ông là sự “nhượng bộ” cần thiết đối với các cường quốc phương Tây, trong bối cảnh Xiêm đang phải đối mặt với những áp lực lớn, thậm chí có nguy cơ bùng nổ chiến tranh. Đồng thời, là một bước cải tổ có tính chất Âu hóa trong lĩnh vực hành chính. Chính Rama IV đã nhận thức được rằng, khi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã xâm nhập vào Xiêm và nền kinh tế đang hòa nhập dần và nền kinh tế thế giới thì với bộ máy nhà nước cũng cần phải có những thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Do vậy, việc cải tổ bộ máy nhà nước theo kiểu châu Âu và việc sử dụng những người phương Tây làm cố vấn cũng là điều cần thiết lúc này. Nhà nước Xiêm vẫn trên cơ sở các bộ từ đầu triều đại Rama, nhưng đã bắt đầu bắt nhịp với cách làm việc mới do người châu Âu đem đến. Những quan lại cao cấp của Xiêm bước đầu làm quen với tác phong hành chính phương Tây, ngược lại những người phương Tây trong chính quyền Xiêm cũng bắt đầu nhận các tước do vua ban kèm theo những bổng lộc nhất định. Bước đi táo bạo này của Rama IV đã phần nào làm thỏa mãn những người châu Âu, từ đó họ gắn bó nhất định với triều đại Rama IV, chính sách này góp phần kìm chế tham vọng xâm lược của các nước, cũng như tạo thế kìm chế lẫn nhau giữa các nước phương Tây ở Xiêm. Về điểm này, Rama IV đã tỏ ra “thức thời” hơn hẳn các ông vua đương thời trong khu vực “một chính sách ôn hòa nhưng cũng không kém phần táo bạo trong việc cải tổ bộ máy nhân sự ấy, tuy chỉ mới bước đầu, song nó hết sức có ý nghĩa trong việc đặt nền móng cho công cuộc đổi mới toàn diện bộ máy nhà nước Xiêm sau này” [17; 66].

Chính sách trên của vua Rama IV cũng minh chứng cho tư tưởng đặc sắc của ông khi cho rằng: “Nếu Trung Quốc đã thất bại trong chính sách đóng cửa của mình trước áp lực của châu Âu, thì Xiêm phải thỏa hiệp với các

lực lượng bên ngoài đang đe dọa mình và bắt đầu thích nghi với thế giới mới” [12; 962].

Đồng thời với việc sử dụng người phương Tây trong bộ máy hành chính nhà nước, Rama IV còn tiếp tục có những biện pháp nhằm đổi mới các lĩnh vực khác. Ngành tư pháp Xiêm trong mắt của các cố vấn phương Tây thật lạc hậu, vua Rama IV mong muốn cải tổ theo khuôn mẫu của phương Tây, nhưng ông cũng nhận thấy điều đó là quá mới mẻ đối với dân chúng Xiêm, vì thế ông đã bắt đầu tiến hành trong phạm vi triều đình. Nhà vua cho rằng, vị chánh án là người có trách nhiệm trọng đại quyết định số phận sinh mạng một con người, do đó phải do dân bầu ra, như kiểu phương Tây. Một cuộc bầu cử chức chánh án tòa án tối cao đã được tổ chức tại triều đình với kết quả nhà vua đạt số phiếu cao nhất. Kết quả của cuộc bầu cử tuy chưa phản ánh đúng dự định và mong muốn của nhà vua, song đó cũng là một bước đổi mới hết sức có ý nghĩa làm tiền đề cho những bước đổi mới tiếp theo sau này.

Như vậy, với những cải cách về chính trị hành chính của Rama IV như trên ta thấy rằng, nền chính trị Xiêm đang có một sự thay đổi lớn. Nếu như nền kinh tế Xiêm có sự chuyển biến từ tự cấp tự túc, khép kín sang nền kinh tế hàng hóa, thì về mặt chính trị lại đang có xu hướng chuyển biến từ một mô hình nhà nước phong kiến phương Đông sang mô hình nhà nước kiểu phương Tây. Những tư tưởng bảo thủ của chế độ phong kiến đã bắt đầu nhường chỗ cho những luồng tư tưởng mới từ bên ngoài du nhập vào. Tuy nhiên, những cải cách trên của Rama IV mặc dù có đem lại những thay đổi nhất định trong bộ máy nhà nước Xiêm, nhưng đó cũng vẫn chỉ là những thay đổi về hình thức. Nhà nước Xiêm vẫn là một chính quyền phong kiến chuyên chế đẳng cấp, về cơ cấu không có gì thay đổi. Bộ máy hành chính địa phương vẫn còn nguyên vẹn, hoàn toàn chưa đụng chạm đến. Nhưng tất cả những gì mà Rama IV làm đã đặt cơ sở cho những cách cách sâu rộng hơn của vua Rama V - Chulalonkonr sau này.

Một phần của tài liệu Sự chuyển biến về kinh tế, chính trị xã hội của vương quốc Xiêm dưới thời vua Rama IV và Rama V (18511910) (Trang 47 - 54)