Thực tế, câu chuyện trong dạy học chủ yếu tạo không khí học tập vui vẻ, thoải mái và thân thiện cho học sinh. Ngoài ra một số trường hợp có thể dùng câu chuyện nhằm giúp học sinh có thêm những hiểu biết nhiều hơn về những điều xung quanh ngoài lề những điều được học. Song với các sử dụng câu chuyện để dẫn nhập vào bài, câu chuyện luôn mang trong mình những nội dung hấp dẫn thú vị và logic đối với nội dung bài học mới.
Giáo viên có thể kể chuyện cho học sinh bằng miệng và sử dụng ngôn ngữ cơ thể để diễn giải nội dung câu chuyện. Bằng cách này, giáo viên cần có năng khiếu kể chuyện hấp dẫn thì sẽ dễ dàng thu hút được sự chú ý của học sinh. Tuy nhiên, các câu chuyện nội dung hóa học thì cũng không cần nhiều về diễn cảm mà chủ yếu làm rõ nội dung câu chuyện và vạch ra logic của nó nên chúng ta chỉ cần chuyển tải đầy đủ, chính xác các sự kiện, dẫn dắt học sinh tư duy theo logic của nó và dẫn nhập vào bài học mới.
Nếu chuẩn bị đầy đủ, chu đáo hơn cho bài học, giáo viên có thể kết hợp với các phương tiện hiện đại để minh họa cho câu chuyện của mình bằng các phương tiện dạy học dạng video, tệp tin dưới dạng hình ảnh, âm thanh… giúp cho câu chuyện trở nên sống động hơn. Chẳng hạn giáo viên chiếu hình ảnh nhà bác học, các bút tích khi kể về tiểu sử hay phát minh của họ hay khi muốn minh họa các quá trình thay đổi không gian, hình ảnh, hoạt động thì giáo viên cũng có thể minh họa
chúng bằng các hình ảnh khác nhau. Ngoài ra, giáo viên có thể sử dụng các phương tiện trực quan khác để minh họa cho câu chuyện của mình thêm sinh động, hấp dẫn.
Ví dụ 1 : Câu chuyện về nguyên tố Gali và hai nhà bác học Lecoq và Mendeleev
* Các bước kể chuyện :
- Các em có thể thấy trong bảng tuần hoàn còn có một số các ô nguyên tố còn trống và chu kì 7 vẫn chưa hoàn thành. ( Chiếu bảng tuần hoàn và chỉ một số các ô nguyên tố còn trống).
- Thực tế, khi sắp xếp bảng tuần hoàn, Mendeleev đã có sự dự đoán tính chất của 1 vài nguyên tố chưa được phát hiện. ( Chiếu hình ảnh Mendeleep). Nhưng đó là những phán đoán đúng. Nguyên tố Gali được ông Lecoq phát hiện vào năm 1875 là một trong số đó. ( Chiếu hình ảnh ông Lecoq ).
- Đặt vấn đề : Khi viết thư cho Lecoq, Mendeleev đã nói sự phát hiện ra nguyên tố Gali của ông Lecoq là minh chứng cho sự đúng đắn của định luật tuần hoàn. Vậy định luật tuần hoàn là gì? Nội dung của nó như thế nào? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài học mới hôm nay.
* Phạm vi áp dụng : Mẩu chuyện này có thể dẫn nhập cho :
- Bài 9 Sự biến đổi tuần hoàn tính chất của các nguyên tố hóa học. Định luật tuần hoàn trong chương trình lớp 10 cơ bản.
- Bài 12 Sự biến đổi tính kim loại, tính phi kim của các nguyên tố hóa học. Định luật tuần hoàn trong chương trình lớp 10 nâng cao.
Ví dụ 2 : Sử dụng câu chuyện Số phận trớ trêu * Các bước kể chuyện :
- Trong tiếng Latinh “ atomic” hay trong chữ Hi lạp “ atomos” nghĩa là không chia nhỏ được. Và hai thuật ngữ đó đều được gọi là nguyên tử.
- Nhà bác học người Anh nổi tiếng Joseph John Thomson ( chiếu hình ảnh nhà bác học Thomson) cũng giống như đa số các nhà bác học khác ở thế kỷ 19, tin tưởng mãnh liệt rằng nguyên tử là những phần tử nhỏ bé của vật chất không thể có cấu tạo nào bên trong hết.
- Nhưng vào năm 1903, chính Thomson là người đã đưa ra mô hình đầu tiên giải thích cấu tạo bên trong nguyên tử.
* Đặt vấn đề : Vậy Thomson đã làm gì và điều gì đã xảy ra khiến ông thay đổi quan điểm của mình về nguyên tử như vậy? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong bài học mới hôm nay.
* Phạm vi áp dụng : Câu chuyện có thể dùng dẫn nhập vào bài cho :
- Bài 1 Thành phần nguyên tử hoặc phần I Thành phần cấu tạo nguyên tử hoặc mục I.1 Electron trong chương trình lớp 10 cơ bản.
- Bài 1 Thành phần nguyên tử hoặc phần I Thành phần cấu tạo nguyên tử hoặc mục I.1 Electron trong chương trình lớp 10 nâng cao.
Ví dụ 3 : Lịch sử tìm ra nguyên tố photpho.
* Các bước kể chuyện :
- Các bạn có biết cái tên photpho có nghĩa là gì không? Theo từ tiếng Hilạp thì phosphoros có nghĩa là vật mang ánh sáng.
- Vậy tại sao photpho lại có cái tên đó? Photpho được phát hiện bởi nhà buôn người Đức Hennig Brand khi ông đi tìm “hòn đá triết học”. Không biết ý tưởng chưng cất nước tiểu của ông xuất phát từ đâu nhưng kết quả là ông đã thu được 1 chất rắn có thể phát ra ánh sáng trong bóng tối. Tên của nguyên tố photpho cũng xuất phát từ đó.
- Đặt vấn đề : Vậy tại sao photpho có thể phát ra ánh sáng? Ánh sáng mà photpho phát ra đó là gì? Thể hiện tính chất nào của photpho? Để biết rõ hơn về nguyên tố photpho, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những điều này trong bài học mới hôm nay.