Bài toán trong dạy học được coi như một phương pháp dạy học hiệu nghiệm. Việc sử dụng chúng để dẫn nhập vào bài trong dạy học cũng là một biểu hiện của phương pháp dạy học. Vậy một bài toán sử dụng vào quá trình dẫn nhập vào bài cần có những yêu cầu sau :
Thứ nhất, bài toán phải đảm bảo tính khoa học. Trong đó nội dung bài toán phải có sự kết nối với nội dung bài học mới nhằm xây dựng sự chuyển tiếp sang bài mới trôi chảy. Bài toán có thể được xây dựng từ lượng kiến thức cũ hoặc theo cấu trúc kiến thức sẽ được học trong bài học mới. Bài toán dùng để vào bài cần phải có một algorit giải bài tập cụ thể, rõ ràng nhằm giúp học sinh nắm rõ phần kiến thức được đề cập đến trong bài toán.
Thứ hai, bài toán phải đảm bảo tính vừa sức. Vào bài lên lớp là một bước nhằm thu hút sự chú ý của hầu hết học sinh trong lớp học, đảm bảo tất cả học sinh đều có thể tham gia vào quá trình học tập. Nếu bài toán quá khó thường gây cho học sinh
tâm lý chán nản ngay đầu giờ học. Việc này tạo ra tác dụng ngược đối với mục tiêu ban đầu của việc vào bài. Nếu bài tập dễ quá cũng làm cho học sinh cảm thấy nhanh chán với bài học vì nó không tạo ra được động cơ cần phải học tập trong tiết học. Thứ ba, bài toán phải đảm bảo súc tích, ngắn gọn và không mất nhiều thời gian để giải bài toán. Không được dùng các bài tập cần quá nhiều bước giải dài dòng, phức tạp gây mất nhiều thời gian và làm rối quá trình giải bài tập. Điều này làm giảm sự chú ý của học sinh, gây tâm lí mệt mỏi với các bước giải, không thu được sự chú ý ban đầu trước khi bước vào bài mới, đi chệch mục tiêu của bước vào bài.
Thứ tư, bài toán phải đảm bảo chứa đựng những yếu tố có thể xây dựng tình huống để chuyển tiếp sang bài mới. Đó có thể là dạng bài toán ơrixtic chứa đựng những mâu thuẫn nhận thức có thể tạo ra tình huống có vấn đề trong tâm lý nhằm kích thích tư duy, thu hút sự chú ý của học sinh vào bài toán và chuyển tiếp sang bài mới. Nếu không sử dụng bài toán ơrixtic thì có thể kết hợp bài toán tái hiện để xây dựng sự chuyển tiếp sang bài mới một cách trôi chảy.