Về kỹ thuật lập pháp

Một phần của tài liệu Trả hồ sơ điều tra bổ sung trong vụ án hình sự (Trang 65 - 66)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung trong những trường hợp sau:

a) Khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;

b) Khi có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác; c) Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Dùng từ “bị cáo” tại điểm b trong trường hợp này là không chính xác vì theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Tố tụng hình sự thì “bị cáo” là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Còn tại khoản 2 Điều 176 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử… Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên Tòa phải ra một trong những quyết định sau:

a) Đưa vụ án ra xét xử;

b) Trả hồ sơ điều tra bổ sung;

c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Như vậy, theo quy định của điều luật thì sau khi được phân công chủ toạ phiên toà Thẩm phán phải ra một trong các quyết định, trong đó có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung và đưa vụ án ra xét xử. Trong quyết định này tồn tại trong cùng một điều luật nên không thể xảy ra cả hai trường hợp, nên khi nào ra quyết định đưa vụ án ra xét xử mới gọi là bị cáo còn khi đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì chưa đưa vụ án ra xét xử nên bị can vẫn là bị can chứ không thể nào là bị cáo được. Tuy nhiên theo điểm b khoản 1 Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự lại quy định “Khi có căn cứ để

cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc đồng phạm khác” thì xem như đã chồng chéo với quy định tại khoản 2 Điều 176 Bộ luật Tố tụng hình sự. Như vậy, theo quy định của Điều 176 Bộ luật Tố tụng hình sự khi áp dụng vào trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung thì “bị can” vẫn là “bị can” chứ không phải là “bị cáo”. Nguyên nhân của quy định không thống nhất là do kỹ thuật lập pháp nghiên cứu chưa kỹ về trường hợp này, chưa nghiên cứu tổng thể quy định của tất cả các điều luật để cho chúng phù hợp với nhau. Chính vì mâu thuẫn, chồng chéo này mà gây ra hậu quả sẽ làm ảnh hưởng tới quyền lợi của con người, vì nếu quy định là bị can thì mới chỉ bị khởi tố về hình sự mà thôi, trong quá trình điều tra đó có thể được vô tội mà không cần phải đưa ra xét xử. Còn đối với bị cáo thì lúc này Tòa án đã đưa vụ án ra xét xử. Nếu đi so sánh với hai khái niệm này với nhau thì chúng có ảnh hưởng khác nhau, từ “bị can” thì thấy tính chất cũng như mức độ nhẹ hơn, còn dùng từ “bị cáo” thì khác hoàn toàn tính chất và mức độ nhìn vào sẽ phức tạp hơn. Chính vì vậy để Bộ luật Tố tụng hình sự có sự thống nhất với nhau đề nghị, sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự lần tiếp theo cần thay từ “bị cáo” thành từ “bị can” tại điểm b khoản 1 Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi đã sửa đổi được như vậy nó sẽ giúp cho những quy định của pháp luật không bị chồng chéo nhau, không có sự mâu thuẫn với nhau đối với hai điều luật, cũng như những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự được đảm bảo không còn gặp những khó khăn khi tiến hành áp dụng điều luật. Lúc đó quyền lợi của con người được thực hiện đúng với quy định của pháp luật hình sự.

Một phần của tài liệu Trả hồ sơ điều tra bổ sung trong vụ án hình sự (Trang 65 - 66)