Đất sản xuất là tư liệu sản xuất chính và mang tính quyết định của hộ gia đình làm nông nghiệp ở nông thôn để tạo ra thu nhập cho hộ gia đình. Không có đất sản xuất phải đi làm thuê trong lĩnh vực nông nghiệp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo của hộ gia đình. Do đó:
Đối với những hộ nghèo có ít đất: Chính quyền phải có chính sách tín dụng gắn liền với chương trình khuyến nông, lâm và ngư nghiệp. Ngoài ra, cần có chính sách cung cấp dịch vụ khuyến công – nông – lâm - ngư, hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề. Các chính sách phải phù hợp với yêu cầu của người dân nghèo và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi người nghèo cư trú và phải phù hợp với trình độ hiểu biết của người nghèo để người nghèo dễ tiếp thu và áp dụng. Công tác tổ chức tập huấn phải được đưa về tận xã, thôn để nhiều người nghèo có điều kiện tham gia. Phát triển các hình thức dạy nghề ngắn hạn tại chỗ cho người nghèo, tạo điều kiện để họ tự tạo việc làm, tăng thu nhập. Xây dựng và chuyển giao các mô hình mẫu về hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề, chăn nuôi, kinh tế vườn đồi, cải tạo vườn tạp, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.
Hỗ trợ phát triển và xây dựng mô hình chế biến, nông lâm sản, tổ chức tham quan mô hình điển hình về giảm nghèo có hiệu quả.
Đối với những hộ nghèo không có đất sản xuất nông nghiệp: Cần có chính sách đầu tư xây dựng, phát triển làng nghề truyền thống và tổ chức các lớp dạy nghề truyền thống cho hộ nghèo và cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh công tác khuyến công, thông qua việc chuyển giao công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất để hướng dẫn người nghèo biết cách làm ăn có hiệu quả; tiếp tục nhân rộng và phát triển các mô hình sản xuất, các làng nghề truyền thống, tạo cơ hội cho người nghèo tham gia sản xuất để tăng thu nhập.
Có kế hoạch quy hoạch, giao đất, giao rừng hợp lý, ưu tiên cho những hộ nghèo không có đất sản xuất nhằm cải thiện đời sống, cũng như góp phần bảo vệ rừng.