10. Cấu trúc luận văn
1.3.2. Các biện pháp thực hiện dạy học sáng tạo môn vật lí ở trường phổ thông
Năng lực nói chung hay năng lực tư duy sáng tạo nói riêng không phải do bẩm sinh mà có, mà được hình thành và phát triển trong suốt quá trình hoạt động nhận thức của chủ thể. Do đó, muốn hình thành năng lực tư duy sáng tạo phải chuẩn bị cho học sinh những điều kiện cần thiết tạo môi trường thuận lợi để học sinh có thể hình thành và phát triển năng lực tư duy sáng tạo.
1.3.2.1. Tích cực sử dụng các bài tập sáng tạo
Cho học sinh thực hiện các thao tác tư duy với bài tập sáng tạo nhằm kích thích tính sáng tạo của họ, góp phần đào tạo nguồn nhân lực năng động, tháo vát, sáng tạo phù hợp với thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhất là thời kỳ chuyển từ thời đại công nghệ thông tin sang thời đại sáng tạo.[8]
1.3.2.2. Sử dụng chiến lược dạy học nêu và giải quyết vấn đề
Chiến lược dạy học nêu và giải quyết vấn đề có ưu điểm trong việc tạo mâu thuẫn nhận thức, gợi động cơ, hứng thú tìm các mới. Việc thường xuyên tham gia vào giải quyết những mâu thuẫn nhận thức sẽ tạo ra thói quen, lòng ham thích hoạt động trí óc có chiều sâu, tự giác, tích cực. Điều này sẽ góp phần vào việc bồi dưỡng tư duy sáng tạo cho học sinh.
Tùy thuộc vào từng hoàn cảnh mà tạo ra các tình huống có vấn đề, và các mức độ sử dụng thích hợp, nếu cần thiết có thể phối hợp nhiều mức độ khác nhau.[25]
Mức độ thấp nhất: đó là trình bày nêu vấn đề. Ở mức độ này giáo viên vạch rõ quá trình giải quyết vấn đề cho học sinh. Còn người học sinh không tự lực giải quyết vấn đề.
Mức độ hai: tìm tòi một phần. Học sinh giải quyết vấn đề và bài toán với sự giúp đỡ của giáo viên. Ở mức độ này học sinh tự lực giải quyết một phần hoặc một vấn đề nhỏ.
Mức độ ba: nghiên cứu trong học tập. Đây là mức độ cao của dạy học nêu vấn đề, học sinh tự vạch kế hoạch giải quyết vấn đề. Như vậy hoạt động này giống như hoạt động nghiên cứu của nhà khoa học.
1.3.2.3. Bồi dưỡng cho học sinh phương pháp tự học để tiếp cận với sáng tạo
Việc bồi dưỡng phương pháp tự học cho học sinh để phát huy tính sáng tạo là một vấn đề cần thiết, nhưng làm như thế nào đó mới là điều quan trọng.
Kĩ năng tự học và giá trị biểu hiện của việc tự học là những thước đo của tâm lí sáng tạo và sản phẩm sáng tạo. Bước vào thế kỷ 21, kĩ năng đó sẽ tồn tại như một trong những kĩ năng sống mà con người không thể thiếu, đồng thời giá trị đó giúp cho mỗi cá nhân tự khẳng định mình trong xu thế nhảy vọt của thời đại thông tin.
Trong quá trình tự học, học sinh phải biết tin tưởng vào sự sáng tạo của mình biết cố gắng tự quyết, biết suy nghĩ nhiều phương án, thường xuyên tự đặt mình vào lĩnh vực mới, biến suy nghĩ thành hành động. Từ đó, tư duy của học sinh mới được rèn luyện và phát triển.
1.3.2.4. Tăng cường sử dụng các phương tiện dạy học.
Các phương tiện dạy học không những giúp học sinh có điều kiện nhận thức thế giới bên ngoài tốt hơn, rèn óc tư duy sáng tạo, khả năng quan sát phán đoán, kĩ năng xử lý số liệu, sử dụng các thiết bị để đo lường một số đại lượng cơ bản, lắp ráp thí nghiệm... mà còn giảm đáng kể hoạt động của giáo viên. Thông qua những phương tiện trực quan học sinh có thể tự thu nhận kiến thức cho bản thân, muốn khám phá thế giới, kích thích hứng thú đối với người học. Đồng thời học sinh cũng có thể áp dụng một cách sáng tạo những gì mình thu được những gì mình thấy được vào thực tế. Tính sáng tạo còn thể hiện ở việc áp dụng kiến thức vào lĩnh vực khác trong đời sống hàng ngày.[1]
Học sinh lâu nay quen thụ động, ít tự lực suy nghĩ. Giáo viên cần phải biết động viên, giúp đỡ để học sinh mạnh dạn tìm tòi suy nghĩ, tự đề xuất ý kiến của riêng mình, thậm chí học sinh có thể lật ngược vấn đề của câu hỏi hay bài toán. Vì vậy, giáo viên cần phải kiên trì dành nhiều thời gian hơn nữa cho học sinh phát biểu, thảo luận, dần dần tốc độ suy nghĩ và phát biểu của học sinh sẽ nhanh lên.
1.3.2.6. Rèn luyện cho học sinh kĩ năng thực hiện một số thao tác tư duy
Những thao tác tư duy đó là thao tác phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hóa, trừu tượng hóa, cụ thể hóa...đây là một nhiệm vụ khó khăn đặt ra cho giáo viên, bởi giáo viên không thể quan sát được quá trình hoạt động của học sinh. Cách hướng dẫn có hiệu quả là giáo viên đưa ra những câu hỏi mà muốn trả lời học sinh phải thực hiện một số thao tác nào đó. Cứ như thế dần dần học sinh có thể tự tích lũy kinh nghiệm, thực hiện đúng và nhanh.
1.3.2.7. Tổ chức các cuộc thi sáng tạo tài năng trẻ
Hiện nay, ở nước ta cũng như trên thế giới đã tổ chức nhiều chương trình sáng tạo như cuộc thi sáng tạo Robocon, các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, sáng tạo ra các phần mềm về công nghệ thông tin... những cuộc thi này không giới hạn độ tuổi và cũng có rất nhiều học sinh trung học phổ thông thậm chí cả học sinh trung học cơ sở cũng tham gia và đạt giải rất cao. Vì vậy công việc này cần phải được phát huy nhằm kích thích tính sáng tạo của học sinh. Điều này không những giúp chúng ta phát hiện ra những tài năng trẻ mà qua đó có biện pháp bồi dưỡng những con người này thành nhân tài của đất nước.