Hệ thống cỡ số tại Việt nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ứng dụng phương pháp đo gián tiếp 2D và xây dựng hệ thống kích thước cơ thể nam sinh viên phục vụ ngành May (Trang 31 - 34)

Từ những năm 1960 đến nay, khi nền kinh tế bắt đầu phát triển, nhu cầu sản xuất hàng may sẵn tăng cao dẫn đến sự ra đời của các công ty may công nghiệp. Cũng từ đó, yêu cầu nghiên cứu và xây dựng hệ thống cỡ số cho người Việt nam được đặt ra và có các nghiên cứu như sau:

- Năm 1974 - Tiêu chuẩn TCVN 1267-72: Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp đo trực tiếp 45 kích thước trên đối tượng đo là nữ.

- Năm 1974 - Tiêu chuẩn TCVN 1268-72: Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp đo trực tiếp, đối tượng thu thập dữ liệu nhân trắc là nữ, nghiên cứu đã chọn chiều cao đứng và vòng ngực lớn nhất làm kích thước chủ đạo với bước nhảy chiều cao đứng 6cm, vòng ngực 6cm, hệ thống cỡ số quần áo gồm 15 cỡ số.

- Năm 1976 - Tiêu chuẩn TCVN 1680-75: Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp đo trực tiếp 42 kích thước trên đối tượng là nam.

- Năm 1977 - Tiêu chuẩn TCVN 195-76: Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra cắt ngang, phương pháp đo trực tiếp trên đối tượng là nam, đối tượng nghiên cứu là cỡ số áo sơ mi nam, xử lý kết quả đo bằng phương pháp xử lý thống kê toán học, chọn kích thước chủ đạo là chiều cao đứng và vòng ngực lớn nhất với bước nhảy là 6cm cho chiều cao đứng và 4cm cho vòng ngực lớn nhất. Hệ thống gồm 12 cỡ số áo sơ mi nam. - Năm 1977 - TCVN 196-76: Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra cắt ngang, phương pháp đo trực tiếp đối tượng là nam, đối tượng nghiên cứu là cỡ số quần tây nam, xử lý kết quả đo bằng phương pháp xử lý thống kê toán học, chọn kích thước chủ đạo là chiều cao đứng, vòng bụng và vòng mông. Bước nhảy chiều cao đứng là 6cm, vòng bụng là 4cm, vòng mông từ 13cm phụ thuộc vào kích thước vòng bụng.

- Năm 1994 – Tiêu chuẩn TCVN 5781-1994: Phương pháp đo cơ thể người [27] và tiêu chuẩn TCVN 5782-1994: hệ thống cỡ số tiêu chuẩn quần áo [28] đã sử dụng phương pháp đo trực tiếp. Đối tượng thu thập dữ liệu nhân trắc là trẻ sơ sinh, học sinh nữ, học sinh nam, nữ trưởng thành, nam trưởng thành. Hệ thống cỡ số quần áo gồm:

Hệ thống cỡ số quần áo trẻ sơ sinh: gồm 10 cỡ, chiều cao làm kích thước chủ đạo, chiều cao từ 50 đến 104cm với bước nhảy 6cm; Vòng ngực từ 42 đến 56cm; Vòng bụng từ 44 đến 58cm; Vòng mông từ 44 đến 58cm.

Hệ thống cỡ số quần áo học sinh nữ: gồm 16 cỡ, chiều cao làm kích thước chủ đạo, chiều cao từ 98 đến 164cm với bước nhảy 6cm; Vòng ngực từ 56 đến 88cm; Vòng bụng từ 50 đến 68cm; Vòng mông từ 57 đến 91cm .

Hệ thống cỡ số quần áo học sinh nam: gồm 14 cỡ, chiều cao làm kích thước chủ đạo, chiều cao từ 104 đến 170cm; Vòng ngực từ 58 đến 87cm; Vòng bụng từ 53 đến 76cm; Vòng mông từ 60 đến 90cm .

Hệ thống cỡ số quần áo nữ trưởng thành: gồm 10 cỡ, chiều cao từ 146 đến 164cm; Vòng ngực từ 76 đến 90cm; Vòng bụng từ 63 đến 74cm; Vòng mông từ 80 đến 94cm.

Hệ thống cỡ số quần áo nam trưởng thành: gồm 12 cỡ, chiều cao làm kích thước chủ đạo, chiều cao từ 152 đến 176cm; Vòng ngực từ 76 đến 94cm; Vòng bụng từ 66 đến 84cm; Vòng mông từ 82 đến 96cm .

- Năm 2001: TS. Nguyễn Thị Hà Châu với đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống cỡ số quân trang theo phương pháp nhân trắc học”. Áp dụng phương pháp điều tra cắt ngang, đo trực tiếp cho toàn quân cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với số lượng 3528 nam quân nhân, 1621 nữ quân nhân với 52 kích thước đo. Đối với nam quân nhân chọn kích thước chiều cao đứng, vòng ngực lớn nhất và vòng bụng làm kích thước chủ đạo. Đối với nữ quân nhân chọn chiều cao đứng, vòng ngực lớn nhất và vòng mông làm kích

thước chủ đạo. Bước nhảy chiều cao đứng là 6cm, vòng ngực là 6cm, vòng bụng 6cm, vòng mông 6cm. Xây dựng bảng hệ thống cỡ số quân trang gồm 26 cỡ số cho nam và 26 cỡ số cho nữ [14].

- Năm 2001: KS. Trần Thị Hường, PGS.TS Nguyễn Văn Lân với đề tài “Thống kê cỡ số và thiết kế cơ bản trang phục nữ Việt nam “. Áp dụng phương pháp kiểm định các giả thiết trong quá trình xây dựng hệ thống cỡ số trên cơ sở toán thống kê sinh học, xử lý số liệu thống kê bằng Excel. Sử dụng phương pháp đo trực tiếp trên đối tượng phụ nữ chưa sinh con và phụ nữ đã sinh con [25].

- Năm 2009 – Tiêu chuẩn TCVN 5782:2009: Là tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống cỡ số quần áo. Sử dụng phương pháp đo trực tiếp đối tượng trẻ em sơ sinh và mẫu giáo; nữ tuổi học sinh; nam tuổi học sinh; nữ trưởng thành; nam trưởng thành. Đối với cỡ số quần áo nam tuổi trưởng thành gồm 12 cỡ số, mỗi số có 3 cỡ dành cho người gầy (A), người trung bình (B), người béo (C), chọn kích thước chủ đạo là chiều cao cơ thể, vòng ngực, vòng mông. Thông số kích thước cơ bản để thiết kế quần áo nam trưởng thành gồm 11 kích thước với 12 cỡ [30].

- Năm 2009: TS. Nguyễn Văn Thông với đề tài “Xây dựng hệ thống cỡ số quần áo nam, nữ, trẻ em trên cơ sở số đo nhân trắc người Việt nam”. Đối tượng khảo sát nhân trắc: nam giới từ 18÷25 tuổi, nữ giới từ 18÷55 tuổi, trẻ em nam từ 6÷17 tuổi, trẻ em nữ từ 6-17 tuổi. Tác giả đã sử dụng cả hai phương pháp đo trực tiếp và đo gián tiếp 3D. Cỡ mẫu 13.000 người: 3000 nam, 3000 nữ, 7000 trẻ em nam, nữ. Chọn kích thước chủ đạo của chiều cao và vòng ngực, chỉ số drop, vòng bụng và vòng cổ, tùy theo dạng sản phẩm mà chọn kích thước chủ đạo phù hợp. Kích thước chiều cao phân cỡ từ 155÷175cm. Bước nhảy kích thước chiều cao là 5cm. Bảng kích thước cơ thể cho quần áo mặc ngoài nam với dáng người ngực nở (Drop = 18) gồm 22 size với vòng ngực, eo, chiều cao làm kích thước chủ đạo. Bảng kích thước cơ thể cho quần áo mặc ngoài nam với dáng người bình thường (Drop = 12) gồm 30 size với vòng ngực, eo, chiều cao làm kích thước chủ đạo. Bảng kích thước cơ thể cho quần áo mặc ngoài nam với dáng người đẫy đà (Drop = 6) gồm 27 size với vòng ngực, eo, chiều cao làm kích thước chủ đạo [9].

- 2010: PGS.TS.Trần Bích Hoàn chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu thiết kế chế tạo bộ manơcanh công nghiệp may kích thước cơ thể trẻ em bậc trung học phổ thông Hà nội”. Nghiên cứu áp dụng phương pháp điều tra cắt ngang, đo trực tiếp đối tượng học sinh nam bậc trung học phổ thông 15÷17 tuổi trong phạm vi Thành phố Hà nội để ứng dụng trong thiết kế quần áo công nghiệp. Số lượng 36 kích thước nam học sinh. Tác giả sử dụng phương pháp thống kê toán học để phân tích và xử lý kết quả. Nghiên cứu chọn chiều cao đứng và vòng ngực lớn nhất làm kích thước chủ đạo với bước nhảy lần lượt của hai kích thước là 6cm và 4cm [24].

- Năm 2010: KS. Bùi Thúy Nga, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu xây dựng phân cấp các bảng cỡ số cho một số sản phẩm may dành cho phụ nữ”. Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra cắt ngang, ứng dụng phương pháp đo gián tiếp 3D cho 1120 đối tượng là nữ cán bộ nhân viên với 35 kích thước đo. Sử dụng phương pháp thống kê toán học để phân tích và xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS. Đối với sản phẩm dạng ôm sát cơ thể, chọn chiều cao đứng, vòng ngực lớn nhất và chỉ số drop làm kích thước chủ đạo với bước nhảy chiều cao đứng 4cm, vòng ngực 4cm. Đối với sản phẩm không ôm sát chọn chiều cao đứng và vòng ngực lớn nhất làm kích thước chủ đạo, dạng cơ thể A chỉ số drop là 4cm đến 10cm có 34 cỡ số [2].

- Năm 2011: KS.Bùi Thúy Nga, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu ứng dụng thiết bị đo cơ thể 3D trong xây dựng bộ mẫu kỹ thuật chuẩn cho sản phẩm quần âu và áo sơ mi nam. Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra cắt ngang, ứng dụng hệ thống đo gián tiếp 3D đối tượng nam tuổi 18÷35 với số lượng 500 mẫu nhóm tuổi 35÷55 số lượng đo 500 người. Nghiên cứu đã thực hiện khảo sát 30 kích thước cơ thể, xử lý thống kê toán học bằng phần mềm Vnnhantrac. Đối với sản phẩm có yêu cầu ôm sát: chọn chiều cao đứng, vòng ngực lớn nhất, chỉ số drop làm kích thước chủ đạo. Đối với áo sơ mi yêu cầu độ vừa vặn ở cổ và chiều dài tay làm kích thước chủ đạo: chọn vòng cổ và chiều dài tay. Đối với sản phẩm quần chọn kích thước chủ đạo là vòng eo cho nhóm chiều cao đứng 150÷165cm và nhóm người chiều cao đứng 166÷180cm. Đối với bước nhảy: sản phẩm có yêu cầu ôm sát bước nhảy chiều cao đứng là 5cm và vòng ngực là 4cm. Dạng cơ thể A chỉ số drop là 18 gồm 23 cỡ số, dạng cơ thể B chỉ số drop là 12cm gồm 12÷30 cỡ số, dạng cơ thể C chỉ số drop là 6cm gồm 27 cỡ. Đối với sản phẩm không yêu cầu ôm sát có bước nhảy chiều cao đứng là 5cm và vòng ngực là 4cm gồm 38 cỡ [3]. - Năm 2011: ThS.Nguyễn Phương Hoa, NCS.Trần Thị Minh Kiều chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ mẫu kỹ thuật chuẩn cho sản phẩm áo vest nữ Việt nam”. Nghiên cứu áp dụng phương pháp điều tra cắt ngang, ứng dụng phương pháp đo gián tiếp 3D cho đối tượng nữ cán bộ nhân viên lứa tuổi 35÷55 với 35 kích thước đo. Dùng phương pháp thống kê toán học để xử lý kết quả với sự hỗ trợ của phần mềm Vnnhantrac 2.0, Excel. Chọn kích thước chủ đạo là chiều cao đứng và vòng ngực lớn nhất, rộng vai, chỉ số drop. Thực hiện xác định bước nhảy: đối với sản phẩm có yêu cầu ôm sát: bước nhảy chiều cao đứng là 4cm, vòng ngực là 4cm, dài vai là 1cm. Dạng cơ thể X gồm 9 cỡ, dạng cơ thể M gồm 9 cỡ, dạng cơ thể I gồm 8 cỡ [19].

- Năm 2012: TS.Phan Thanh Thảo với nghiên cứu “Xây dựng hệ thống cỡ số quần áo và chế tạo bộ mẫu chuẩn kích thước cơ thể trẻ em lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học địa bàn thành phố Hà nội sử dụng trong thiết kế công nhiệp may”. Tác giả chọn đối tượng nghiên cứu là trẻ em Hà nội, áp dụng phương pháp đo trực tiếp khảo sát nhân trắc và kỹ thuật PCA để xác định kích thước chủ đạo [22].

Nhận xét: Tại Việt nam, hệ thống cỡ số quốc gia năm 1994 đến nay được cập nhật một lần vào năm 2009, tuy nhiên theo tốc độ phát triển thể chất của người Việt nam tiêu chuẩn này đã không còn phù hợp nhưng vẫn chưa được cập nhật. Cũng có nhiều công trình nghiên cứu xây dựng hệ thống cỡ số, tuy nhiên chưa được đầu tư đúng mức nên phạm vi thực hiện, mức độ nghiên cứu áp dụng còn hạn chế, chưa thể là hệ thống cỡ số đại diện cho quốc gia. Năm 2009 TS.Nguyễn Văn Thông cùng cộng sự đã áp dụng thành công phương pháp đo gián tiếp 3D hiện đại, cỡ mẫu tương đối lớn. Đa số các tác giả nghiên cứu chọn kích thước chiều cao cơ thể và vòng ngực lớn nhất làm kích thước chủ đạo với bước nhảy 6cm cho chiều cao và 4cm cho vòng ngực lớn nhất.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ứng dụng phương pháp đo gián tiếp 2D và xây dựng hệ thống kích thước cơ thể nam sinh viên phục vụ ngành May (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)