7. Kết cấu của luận văn
2.1.1. Tự do cá nhân
Tự do cá nhân là vấn đề cốt yếu trong tư tưởng về tự do của J. S. Mill. Theo ông, quyền tự do cá nhân bao gồm: Thứ nhất,…Quyền tự do tư duy và cảm nhận…Thứ hai, …quyền tự do thưởng thức và mưu cầu…Thứ ba là…tự do liên kết [xem 17, tr. 42]. Ở đây, J. S. Mill không nêu lên chủ thuyết Pháp quyền tự nhiên như các nhà tư tưởng thời kỳ Khai sáng mà ông gắn nó với quyền dân sự và dùng các quyền này làm tiêu chí để đánh giá chính thể. Theo ông, một xã hội được coi là xã hội tự do khi nó tôn trọng một cách tuyệt đối và vô điều kiện tất cả các quyền trên, ngược lại thì không thể gọi là xã hội tự do bất kể hình thức cai trị như thế nào.
Tuy nhiên, trong thời đại mà ông đang sống, khuynh hướng áp chế quyền lực của xã hội đối với cá nhân bằng sức mạnh dư luận và pháp luật đang lan tràn, cơ sở của các quyền tự do chưa được phổ biến nhiều, chưa được đánh giá đầy đủ một cách tương xứng. Vì thế, luận điểm mở đầu cho các quan điểm tự do của ông chính là tự do cá nhân đang bị đe dọa và ngày càng bị xã hội giới hạn. Từ đó, ông triển khai các vấn đề riêng lẻ về tự do cá nhân
Quyền tự do tư tưởng và tự do thảo luận không chỉ được biểu hiện ở tự do thông qua cơ quan ngôn luận là báo chí mà chính là tự do biểu lộ ý kiến. Nếu một chính phủ mưu toan kiểm soát việc cá nhân biểu lộ ý kiến thì "chính phủ sẽ tự biến mình thành công cụ cho sự không dung thứ chung của công chúng" [17, tr. 51]. Tự do tư tưởng và tự do thảo luận là thứ vũ khí quan trọng chống lại sự độc đoán của công luận do chính phủ hoặc một nhóm xã hội chi phối. Khi một ý kiến bị khước từ lắng nghe thì cũng giống như sự "bịt miệng" trong thảo luận. Điều này là vi phạm quyền tự do cá nhân.
Theo J. S. Mill, việc tôn trọng các quyền tự do tư tưởng và tự do thảo luận mang lại nhiều lợi ích trên thực tế, ông viết "Nếu toàn nhân loại đều cùng một ý kiến và chỉ có một người có ý kiến trái lại, thì khi bắt người đó
37
phải ngậm miệng, nhân loại cũng không được biện minh hơn người đó" [17, tr. 51]. Vì thế, việc cấm đoán tự do tư tưởng và tự do thảo luận đã gián tiếp kéo lùi sự tiến bộ của nhân loại ông coi đó là "sự đánh cắp đối với loài người, với các thế hệ mai sau hay hiện nay" [17, tr. 52]. Ngay cả khi ý kiến đó là một ý kiến sai lầm thì việc dập tắt nó vẫn là một điều xấu xa. Từ quan điểm của J. S. Mill về tự do tư tưởng và tự do thảo luận, chúng ta có thể liên tưởng đến quan điểm của Montesquieu về tự do ngôn luận. Thế kỷ XVII, Montesquieu đã cho rằng lời nói là lĩnh vực của tư tưởng, do đó, lời nói dù được thể hiện bằng hình thức ngôn ngữ hay chữ viết thì cũng không thể bị khép tội. Nếu quan điểm này của Montesquieu đã mở đường cho việc phổ biến, truyền bá những tư tưởng, chính kiến mới thì J. S. Mill một lần nữa góp phần khẳng định và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, chống lại các quan điểm cực đoan của tôn giáo, coi con người là những con chiên, tín đồ cần giác ngộ chân lý và phải tuân theo giáo lý cũng như các hành động ngăn cản tự do ngôn luận của thể chế chính trị. Không những thế, lập luận của Mill còn mang giá trị nhân văn sâu sắc, hàm chứa sự khoan dung đối với các ý kiến dị biệt để chấp nhận sự phản biện.
Về mặt khoa học, tự do tư tưởng và tự do thảo luận cũng là môi trường cho sự giao thoa giữa các lý thuyết khoa học. Trong trường hợp này, Mill lập luận rằng khi các lý thuyết khác nhau va chạm với nhau, thay vì phủ định lẫn nhau, chúng lại chia sẻ chân lý với nhau, bổ sung cho nhau đề hoàn thiện lý thuyết. Tự do tư tưởng và tự do ngôn luận còn là "cách thức duy nhất để con người tiếp cận được với tri thức về đối tượng xem xét" [17, tr. 59]. Bởi lẽ, mọi lý thuyết đều không phải là bất biến, cần phải được liên tục phê phán để có thể thay thế bằng lý thuyết phù hợp hơn với thời đại, kể cả lý thuyết và quan điểm chính trị. Quan điểm này cũng tương tự như quan điểm về tính kiểm chứng cần thiết đối với các lý thuyết khoa học. Vì chỉ có tri thức đúng
38
đắn mới đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội nên tự do tư tưởng và tự do thảo luận không thể bị hạn chế. Việc bác bỏ hay cấm đoán các ý kiến phản biện về mặt khoa học thực ra không thể bắt người có ý kiến phản biện phải thay đổi, nhưng điều nguy hại của hành động này là làm cho người ta phải ngụy trang các ý kiến, hoặc hạn chế sự tích cực đối với việc truyền bá chúng. Trong tình trạng đó, con người "hoặc là uốn mình nói theo những điều nhàm chán cũ rích, hoặc là làm người xu thời phụ họa theo chân lý, luận bàn mọi thứ thiên kinh địa nghĩa cốt sao cho vừa tai người nghe, chứ không phải nói ra những điều thực tin trong lòng" [17, tr. 84-85]. Như vậy, tư tưởng của J. S. Mill thể hiện tinh thần ủng hộ cái mới về mặt tư duy lý luận, chống lại chủ nghĩa rập khuôn, giáo điều.
Tuy nhiên, sự nguy hại của việc nô lệ về tư tưởng và ngôn luận về mặt khoa học không đáng kể bằng đối với cá nhân bởi vì: "Vẫn có được những nhà tư tưởng riêng lẻ trong một bầu không khí chung của tình cảnh. Nhưng chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ có được một dân chúng tích cực về trí tuệ trong một bầu không khí như thế" [17, tr. 87]. Tự do tư tưởng và tự do thảo luận là điều kiện để mỗi cá nhân phát huy tính tích cực của mình từ đó hoàn thiện về tính cách và phẩm chất. Chỉ khi được tự do bày tỏ các quan điểm, suy nghĩ của mình thì con người cá nhân mới thực sự bộc lộ những tính cách riêng, phù hợp với khả năng của họ.
Khi cá tính được thể hiện thì vật cản tiếp theo mà nó vấp phải đó là sự chuyên chế của dư luận. Là người ủng hộ nhiệt thành cho tự do cá nhân, Mill còn phê phán cả sự chuyên chế này và đưa ra quan điểm cần phải "Dành một phạm vi tự do nhất có thể được cho những thứ không là thói quen, để kịp thời có được từ đó những gì thích hợp đặng biến nó thành thói quen" [17, tr. 156]. Không có một phạm vi tự do cần thiết trong những gì đã là tập quán con
39
người sẽ không thể phát triển bản thân đúng nghĩa mà chỉ như máy móc được đúc theo khuông mẫu.
Một khi con người được tự do bày tỏ ý kiến thì nhu cầu tiếp theo của tự do chính là "con người phải được tự do hành động theo ý kiến của mình - thực hành những ý kiến ấy mà không bị cản trở, dù là thể xác hay tinh thần" [17, tr. 131]. Luận giải về tầm quan trọng của quyền tự do thiết kế cuộc sống, Mill khẳng định rằng, nó chính là bộ phận và điều kiện của các giá trị xã hội như văn minh, giáo dục, văn hóa hay nói cách khác tự do thiết kế cuộc sống có lợi cho tiến bộ xã hội. Tiến bộ xã hội sẽ không thể đạt được nếu con người chỉ hành động theo tập quán và những trải nghiệm của người khác, bởi vì xã hội được hợp thành từ những cá nhân riêng lẻ. Để minh chứng cho điều này, ông lấy dẫn chứng với dân tộc Trung Hoa Cổ đại. Trung Hoa đã từng là một dân tộc có nhiều tài năng, về nhiều mặt thậm chí là minh triết. Tuy nhiên, sự chuyên chế của các triều đình phong kiến đã làm cho dân tộc Trung Hoa "Trở nên tĩnh tại - cứ y như thế trong hàng ngàn năm" [17, tr. 165]. Ông cảnh báo rằng, Châu Âu hiện đại mặc dù đạt được rất nhiều thành tựu trong tiến bộ xã hội nhưng sự tiến bộ này vẫn có thể dừng lại khi nó thôi không còn cá tính: "Trừ phi cá tính sẽ khẳng định được mình chống lại cái ách ấy, nếu không thì châu Âu cũng sẽ tiến tới trở thành một Trung Hoa khác, ngay dù nó có lai lịch cao quý và có Ki Tô giáo được rao giảng" [17, tr. 166].
Theo quan điểm của J. S. Mill, tự do thiết kế cuộc sống còn là tiền đề của sự sáng tạo, từ đó làm xuất hiện các cá nhân kiệt xuất. Các cá nhân này sẽ đón góp cho sự phát triển chung của xã hội. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do thiết kế cuộc sống: "Có khả năng đốt lên ngọn lửa hứng khởi trong điều kiện tinh thần dân chúng được thức tỉnh, và xung động được tạo nên có thể đưa trí tuệ của ngay cả những người bình thường nhất lên tầm cao hướng tới phẩm giá của những hữu thể có suy nghĩ" [17, tr. 87]. Ông lấy dẫn
40
chứng về các thời kỳ rực rỡ trong lịch sử Triết học, trong đó có thời kì nở rộ của Triết học cổ điển Đức thế kỉ XVIII với các tên tuổi lừng danh như: Goethe, Fichthe, Kant, Hegel, Feuerbach,…
Ông đặc biệt lưu ý và khuyến khích các cá nhân xuất sắc, các thiên tài hiếm hoi trong cuộc sống. Ông nêu quan điểm cần phải tạo điều kiện cho họ bộc lộ tài năng của bản thân: "Tôi đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của các thiên tài và sự cần thiết phải cho phép họ được tự do bộc lộ bản thân mình, cả về phương diện tư tưởng lẫn thực hành" [17, tr. 151]. Từ sự ưu ái thiên tài của Mill, chúng ta có thể liên tưởng đến hình tượng siêu nhân F. Nietzsche. Nietzsche phê bình các giá trị cổ truyền và dựng thuyết siêu nhân tức thuyết con người mới. Hình tượng siêu nhân đẹp nhưng không có thực nên mãi chỉ là khát vọng của con người. Còn J. S. Mill lại khẳng định "Tôi không ủng hộ cái kiểu "sùng bái anh hùng", cổ vũ cho người hùng thiên tài đoạt quyền cai trị thế giới, bắt thế giới phải tuân theo mệnh lệnh của hắn bất kể là mệnh lệnh gì" [17, tr. 154-155]. Thiên tài theo quan niệm của J. S. Mill là những con người của cuộc sống hiện thực, gắn liền với những nhu cầu của cuộc sống thường ngày, trưởng thành trong bầu không khí tự do.
Quyền tự do được hiểu như là điều kiện văn hoá cần thiết cho sự phát triển mọi khả năng của cá nhân vì lợi ích lâu dài của xã hội. "Thiên tài chỉ có thể tự do hít thở trong một bầu không khí tự do" [17, tr. 148]. Sự đa dạng của con người cần được tôn trọng, cùng một lối sống, có khi là phù hợp với người này nhưng lại có thể là không đối với người khác: "Đó là những khác biệt của con người trong nguồn vui, trong sự cảm ứng với nỗi đau, và đó là tác dụng của các điều kiện khác nhau về vật chất và tinh thần lên con người; cho nên nếu không có sự đa dạng trong các kiểu cách sống của con người, thì con người chẳng những không chia sẻ được hạnh phúc với nhau mà còn không
41
vươn hết tầm vóc trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ mà bản thân con người có khả năng đạt tới" [17, tr. 115].
Bằng việc đề cao thiên tài, Mill thể hiện mong muốn xây dựng một tầng lớp trí thức ưu tú, ông gọi đó là "clerisy", tức là như tầng lớp "tinh hoa". Cơ hội được tham gia vào tầng lớp này được dành cho tất cả mọi người "…cùng tranh đua chung, nhờ vậy cho nên niềm vui thăng tiến không còn là đặc tính của một giai cấp, tầng lớp đặc biệt mà là của mọi giai cấp" [17, tr. 168]. Ông cho rằng, trong xã hội Anh đương thời, tầng lớp trí thức ưu tú phải có trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Ông yêu cầu phải loại bỏ hình thức cai trị quý tộc dựa vào yếu tố cha truyền con nối, thay thế bằng tấng lớp tinh hoa chính trị được bầu cử một cách dân chủ.
Như vậy, tư tưởng chính trị của J. S. Mill đề cao quyền tự do cá nhân, coi đó là quyền cơ bản, đầu tiên của con người. Mọi biểu hiện chống lại quyền tự do cá nhân đều bị lên án. Con người phải được tự do tuyệt đối, "không thể bị cường ép một cách hợp pháp phải làm hay phải nhẫn nhịn điều gì" [17, tr. 36]. Tuy nhiên, con người không phải là một cá thể riêng biệt mà luôn được đặt trong mối quan hệ với xã hội. Vậy quyền tự do của cá nhân đến đâu? Quyền uy của xã hội đến đâu? Để trả lời cho những câu hỏi này, Mill cũng xác lập một giới hạn cho các quyền tự do của cá nhân và quyền uy của xã hội.
Cũng phân tích luận điểm mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ của cá nhân và xã hội, Rousseau cho rằng: Con người sinh ra vốn tự do, tức là sự tự do của cá nhân đến từ tự nhiên chứ không phải từ xã hội. Tuy nhiên, trong trạng thái tự do thiên nhiên, con người gặp phải nhiều thử thách quá lớn, không thể tự vượt qua. Do vậy, họ chấp nhận từ bỏ quyền tự do để bảo vệ an ninh qua một sự thỏa thuận chung gọi là "Khế ước xã hội". Theo Rousseau, để giữ được quyền tự do mà vẫn được bảo an, con người có nghĩa vụ tôn
42
trọng pháp luật do chính họ lập ra. Ngược lại với Rousseu, J. S. Mill không cho rằng cơ sở của mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ của cá nhân và xã hội là Khế ước xã hội. Theo ông thì đây là mối quan hệ tất yếu, ông cho rằng "bất cứ ai nhận được sự bảo hộ của xã hội cũng có bổn phận hoàn trả lợi ích trở lại và bản thân sự kiện được sống trong xã hội cũng nói lên điều không thể thiếu được, rằng mỗi người phải bị ràng buộc tuân thủ theo một đường hướng cư xử đối với những người khác" [17, tr. 171]. Khi luận bàn về nguyên tắc cá nhân phải chịu sự ràng buộc từ xã hội, J. S. Mill đã chỉ ra hai nguyên tắc chuẩn mực cho các hành vi của cá nhân: "thứ nhất là, không làm hại đến lợi ích của nhau;…; thứ hai là, mỗi người phải thực hiện bổn phận đóng góp (được xác định trên nguyên lý bình đẳng nào đó) lao động hay hy sinh để bảo vệ xã hội và các thành viên của nó khỏi bị xâm hại và quấy rối" [17, tr. 172]. Các lợi ích cá nhân chính là các quyền mà cá nhân được hưởng. Các lợi ích này phải đảm bảo không xâm hại đến lợi ích của xã hội. Là nhà đạo đức học theo quan điểm của chủ nghĩa Công lợi, tư tưởng về mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội của ông cũng được xây dựng trên các nguyên tắc của chủ nghĩa Công lợi. Thứ lợi ích dùng làm thước đo của chủ nghĩa Công lợi để đánh giá một hành vi đúng hay sai không phải là lợi ích riêng của người có hành vi đó mà là lợi ích chung của mọi người trong cộng đồng. Do vậy, mặc dù ông đề cao quyền tự do cá nhân nhưng ông không tách rời khỏi mối liên hệ với xã hội, cộng đồng. Cá nhân chỉ được tự do khi các quyền tự do của anh ta không xâm hại đến tự do của mọi người và hạnh phúc của toàn xã hội.
Xã hội với tư cách là người bảo hộ cho mọi thành viên lại có quyền áp chế cá nhân theo những nguyên tắc nhất định. Cá nhân có bổn phận phải tuân theo sự áp chế của xã hội. Khi một cá nhân từ chối thực hiện bổn phận của mình đối với xã hội thì "xã hội được biện minh cho việc ép buộc những điều kiện ấy bằng mọi giá đối với ai muốn từ chối không chịu thực hiện" [17, tr. 172].