5.1.1. Hoạt động và hoạt động sư phạm
a. Hoạt động
Có nhiều định nghĩa khác nhau về hoạt động tùy theo phương diện mà ta xem xét.
Dưới góc độ của tâm lý học, Hoạt động là mối quan hệ tác động của con người và thế giới
nhằm tạo ra sản phẩm cả về phía thế giới và cả về phía con người.
b. Hoạt động sư phạm
Hoạt động sư phạm là hoạt động dạy học (hoạt động giáo dục hiểu theo nghĩa hẹp),
hoạt động cùng nhau giữa giáo viên và trẻ. Hoạt động sư phạm bao gồm hoạt động dạy và hoạt động học, mà ở đó có mối quan hệ tương tác giữa giáo viên và trẻ nhằm thực hiện việc truyền đạt và lĩnh hội những giá trị văn hóa nhân loại. Dạy và học đan xen cùng nhau trong quá trình hoạt động giữa giáo viên và trẻ nhằm cung cấp và lĩnh hội nội dung giáo dục cho trẻ.
Vậy hoạt động sư phạm là quá trình tương tác giữa giáo viên với trẻ mà ở đó giáo viên với tư cách là chủ thể của hoạt động dạy, còn trẻ với tư cách là chủ thể của hoạt động học. Cả hai hoạt động này dựa vào nhau, quy định sự tồn tại lẫn nhau.
5.1.2. Đặc thù hoạt động sư phạm của giáo viên mầm non
a. Mục đích hoạt động sư phạm của giáo viên mầm non
Theo điều 2 của Luật giáo dục nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc". Đây chính là một định hướng quan trọng của nền giáo dục Việt Nam và lao động sư phạm của người giáo viên mầm non ở bất kỳ bậc học nào, cấp học nào cũng đều phục vụ theo mục tiêu đó.
Lao động sư phạm của người giáo viên mầm non là loại hình lao động có ý nghĩa như là một yếu tố xã hội "góp phần sáng tạo ra con người", bước đầu cải biến con người tự nhiên thành con người xã hội, tạo dựng nên con người đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới. Lứa tuổi mầm non là giai đoạn đặt nền móng của sự hình thành nhân cách, do đó lao động của người giáo viên mầm non có một sắc thái rất riêng, khác hẳn so với giáo viên các bậc học khác là tạo bước khởi đầu quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách lâu dài
sau này của con người mới.
b. Đối tượng hoạt động sư phạm của người giáo viên mầm non
Hoạt động lao động sư phạm của người giáo viên mầm non có đối tượng tác động rất đặc biệt- trẻ dưới 6 tuổi, là tuổi bắt đầu hình thành nhân cách, lĩnh hội tri thức, phát triển trí tuệ, hình thành phẩm chất đạo đức con người.
Đối tượng của giáo dục nói chung là con người. Đối tượng của giáo dục mầm non là trẻ em trước tuổi đến trường (từ 3 đến 6 tuổi). Thành quả lao động sư phạm của giáo viên mầm non là sự phát triển , hài hòa của đứa trẻ, mà sự phát triển đó lại phụ thuộc vào đạo đức, trí tuệ, trình độ nghiệp vụ và nghệ thuật sư phạm, năng lực giao tiếp của người giáo viên. Ngoài ra, sự phát triển của trẻ còn phụ thuộc vào những yếu tố khác như: môi trường gia đình, trạng thái tâm lý, khả năng nhận thức hành vi, cách ứng xử của trẻ vào môi trường xã hội , nơi trẻ sinh ra và lớn lên.
Để thực hiện tốt hoạt động sư phạm mầm non, vai trò của giáo viên mầm non không đơn giản. Thực hiện được nó giáo viên mầm non, đồng thời phải am hiểu đặc điểm và trình độ
phát triển về mọi mặt của trẻ em lứa tuổi này.
c. Công cụ lao động sư phạm của người giáo viên mầm non
Công cụ lao động sư phạm của người giáo viên mầm non chính là nhân cách của người giáo viên mầm non.Giáo viên có công cụ đặc biệt đó là trí tuệ và phẩm chất của mình. Nhân cách của người giáo viên như là một cộng cụ lao động thực sự, nó sẽ phát huy tác dụng mạnh
mẽ khi giáo viên có sức thuyết phục lớn đối với trẻ và những người xung quanh.
c. Sản phẩm lao động sư phạm của giáo viên mầm non
Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mĩ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp một ( Điều 22- Luật giáo dục 2005). Những nền tảng ban đầu về nhân cách của trẻ là sản phẩm lao động sư
phạm của người giáo viên mầm non, trước hết được thể hiện ở mục tiêu giáo dục mầm non ở
cuối tuổi mẫu giáo trong chương trình giáo dục mầm non.
d. Thời gian và không gian của người giáo viên mầm non
Thời gian làm việc của người giáo viên mầm non là khoảng thời gian giáo viên gắn với nhiệm vụ chăm sóc, dạy dỗ và giáo dục trẻ ở trường mầm non. Thời gian làm việc ngoài giờ của giáo viên mầm non: soạn giáo án, kế hoạch bài giảng; làm đồ dùng, đồ chơi và tạo môi trường giáo dục thân thiện; tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các hoạt động xã hội khác.
Không gian lao động của người giáo viên mầm non tiến hành ở 2 phạm vi trong nhà trường và ngoài nhà trường. Xuất phát từ không gian và các loại hoạt động ở trường mầm non.
5.1.3. Giao tiếp sư phạm và ứng xử của người giáo viên mầm non
Giao tiếp sư phạm của người giáo viên mầm non được hiểu là sự tiếp xúc giữa giáo viên với trẻ em lứa tuổi mầm non, là sự tiếp xúc giữa giáo viên với cha mẹ hay người thân của trẻ, giứa các giáo viên với nhau, giữa giáo viên với các thành viên khác trong cộng đồng trong mối quan hệ hợp tác để cùng chăm sóc và giáo dục trẻ. Giao tiếp sư phạm của người giáo viên mầm non chủ yếu diễn ra trong mối quan hệ giữa trẻ với giáo viên mầm non thông qua hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ.
Giao tiếp sư phạm của giáo viên mầm non có một số đặc điểm riêng như sau:
+ Nặng yếu tố xúc cảm, tình cảm đó là: , sự yêu thương, quan tâm, săn sóc với trẻ như mẹ chăm sóc con. Nói chuyện với trẻ cần nhẹ nhàng, vui tươi và chậm rãi để trẻ cảm thấy gần gũi.
+ Cần nghiêm khắc với trẻ trong quá trình giáo dục. Nếu giáo viên không nghiêm khắc với trẻ, trẻ sẽ sinh ra nhờn. Do vậy, có lúc cần nhẹ nhàng nhưng cũng cần nghiêm khắc và dứt khoác đối với trẻ.
- Giáo viên cần kiên trì và nhẫn nại với trẻ. Do khả năng ngôn ngữ và tư duy của trẻ mầm non còn hạn chế, nên giáo viên biết điềm tĩnh và lắng nghe trẻ nói và trả lời trẻ khi trẻ hỏi.