Bước ngoặt 6 tuổi

Một phần của tài liệu Bài giảng tâm lý học trẻ em 2 (Trang 38 - 39)

Trong quá trình phát triển của trẻ em trong xã hội hiện đại, các nhà tâm lý học xem thời điểm lúc trẻ tròn 6 tuổi là bước ngoặt quan trọng. Phía bên này là một đứa trẻ bé nhỏ đang phát triển để hoàn thiện các cấu trúc tâm lý của con người, với hoạt động chủ đạo là vui chơi mà chưa thể thực hiện được bất kỳ một nghĩa vụ nào của xã hội. Còn phía bên kia là một học sinh đang thực hiện một nghĩa vụ xã hội trao cho, bằng hoạt động học tập nghiêm túc. Đứng về mặt phát triển tư duy thì bên này cột mốc đứa trẻ mới chỉ có biểu tượng về sự vật, sang phía bên kia nó đang hình thành những khái niệm khoa học về sự vật. Theo J.Piaget, phía bên này cột mốc là thời kỳ tiền thao tác, sang bên kia là thời kỳ thao tác, có nghĩa trẻ có thể sử dụng thao tác đảo ngược để tiến hành tư duy trừu tượng.

Bước vào trường phổ thông, là một bước ngoặt trong đời sống của đứa trẻ. Đó là sự chuyển qua một lối sống mới với những điều kiện hoạt động mới, chuyển qua một địa vị mới trong xã hội, chuyển qua những quan hệ mới với người lớn và bạn bè cùng tuổi.

Tuổi mẫu giáo lớn là thời kỳ trẻ đang phát triển vào bước ngoặt đó với sự biến đổi của hoạt động chủ đạo. Hoạt động vui chơi vốn giữ vai trò chủ đạo trong suốt thời kỳ mẫu giáo, nay những yếu tố của hoạt động học tập bắt đầu nảy sinh để tiến tới giữ vị trí chủ đạo ở giai đoạn sau bước ngoặt 6 tuổi. Bởi vậy, GS.TS Hồ Ngọc Đại đã có lý khi cho rằng, 6 tuổi là một bước ngoặt hạnh phúc. Sau 6 tuổi trẻ em sẽ đến với thầy với bạn, đến với nền văn minh nhà trường hiện đại để có thêm những gì không có, không thể có trong quá khứ 6 năm qua của cuộc sống thường ngày ở gia đình và ở trường mẫu giáo.

Qua trò chơi, từng tí một, trẻ chuyển những quan hệ xã hội khách quan vào trong nhân cách mình, tạo ra đời sống nội tâm bằng sự trải nghiệm. Kết quả là tạo ra một cách nhìn nhận

bản thân mình: sự hình thành ý thức cá nhân. Nhờ đó trẻ nhận ra vị trí nhỏ bé của mình trong đời sống của xã hội (người lớn) mình còn chưa biết gì. Sự đánh giá này là một bước tiến về

chất trong quá trình phát triển tâm lý, tạo ra cuộc khủng hoảng mới lúc 6 – 7 tuổi. Những câu hỏi về thế giới xung quanh cứ dồn dập nảy sinh mà trẻ không thể tìm được câu trả lời đích thực trong các trò chơi. Do đó, hoạt động vui chơi dần dần mất đi ý nghĩa chủ đạo và hơn nữa trong nhiều công trình nghiên cứu, người ta đã xác định rằng ở trẻ 6 tuổi có sự phát triển mạnh mẽ về hình thái và chức năng của não. Trọng lượng bộ não của trẻ 6 tuổi đã đạt tới 90% trọng lượng não của người lớn. Trình độ tổ chức các vùng khác nhau của não, khả năng tích

tụ máu ở não của trẻ 6 tuổi đã đủ chín muồi để có thể lĩnh hội và xử lý lượng thông tin khá lớn và phức tạp. Đó cũng chính là điều kiện thuận lợi để trẻ em thực hiện một loại hoạt động mới, tức là hoạt động học tập.

Do đó, bước ngoặt 6 tuổi là một sự kiện quan trọng, khiến các nhà giáo dục phải quan tâm, một mặt là để giúp trẻ hoàn thiện những thành tựu phát triển tâm lý trong suốt thời kỳ mẫu giáo, mặt khác là tích cực chuẩn bị cho trẻ có đủ điều kiện để làm quen dần với hoạt động học tập và cuộc sống ở trường phổ thông.

Một phần của tài liệu Bài giảng tâm lý học trẻ em 2 (Trang 38 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(48 trang)