Quan niệm của C.Mác về sự xóa bỏ tha hoá

Một phần của tài liệu Quan niệm của C.Mác về Tha hóa trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844 (Trang 72 - 78)

“BẢN THẢO KINH TẾ TRIẾT HỌC NĂM 1844”

2.4.Quan niệm của C.Mác về sự xóa bỏ tha hoá

Trong quan niệm của C.Mác, ở các xã hội có sự phân chia giai cấp thành các giai cấp đối lập và quyền sở hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội chỉ thuộc về một giai cấp thì ở đó, tất sẽ dẫn đến sự tha hóa của lao động,

hay lao động bị tha hóa. Đến lượt mình, sự tha hóa của lao động hay lao động bị tha hóa tất sẽ dẫn đến sự tha hóa của con người, sự tha hóa của bản chất con người. Nói cách khác, trong quan niệm của C.Mác, cơ sở xã hội của sự tha hóa con người, sự tha hóa của bản chất con người là chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Từ quan niệm này, C.Mác cho rằng, tiền đề cơ bản cho việc xóa bỏ mọi sự tha hóa trong xã hội, từ sự tha hóa của lao động đến sự tha hóa của con người, là xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Và, khi phân tích xã hội tư bản đương thời, xã hội mà ở đó, những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội thuộc về giai cấp thống trị là giai cấp tư sản, còn giai cấp vô sản - giai cấp bị trị là những người không có tư liệu sản xuất trong tay, họ chỉ là những người lao động làm thuê và bị bóc lột bởi giai cấp tư sản; phân tích sự tha hóa trong xã hội tư bản do chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa gây nên, C.Mác đi đến kết luận, việc “xóa bỏ chế độ tư hữu tư sản” là tiền đề cơ bản cho việc xóa bỏ mọi sự tha hóa trong xã hội tư bản và tiền đề vật chất cho việc xóa bỏ chế độ tư hữu tư sản đó là “lực lượng sản xuất phát triển đến mức độ phổ biến” nhờ một nền công nghiệp đã phát triển đến trình độ cao khiến cho mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất đã trở nên xã hội hóa và sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liêu sản xuất chủ yếu trở nên gay gắt, không thể điều hòa được.

Phân tích tình trạng tha hóa trong xã hội tư bản chủ nghĩa, C.Mác đã chỉ ra phương thức thủ tiêu chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Theo C.Mác, trong xã hội tư bản chủ nghĩa, cả giai cấp tư sản lẫn giai cấp vô sản đều là sự tự tha hóa. Với sự tự tha hóa này, giai cấp tư sản “cảm thấy mình được thỏa mãn và vững vàng” và coi đó là “sự chứng minh cho sự hùng mạnh của bản thân mình”, cho mình cái quyền có được trong sự tự tha hóa đó “cái bề ngoài của sự tồn tại có tính người của mình”; còn giai cấp vô sản thì “cảm thấy mình bị hủy diệt trong sự tha hoá đó, thấy trong sự tha hóa đó, sự bất lực và hiện thực về sự sinh tồn không có tính người của mình” [61, tr.54]. Với sự nhìn nhận như vậy, giai cấp tư sản luôn tìm mọi cách duy trì tình trạng tha

hóa đó, còn giai cấp vô sản, để giải phóng mình ra khỏi tình trạng phi nhân tính do tình trạng tha hóa đó gây nên, tất yếu phải tiến hành một cuộc cách mạng xã hội để xóa bỏ cả sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa lẫn giai cấp tư sản và nhà nước tư bản, giành quyền thống trị chính trị về tay mình, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và chính quyền vô sản.

Theo C.Mác, khi lao động bị tha hóa, nó sẽ làm cho lực lượng sản xuất trở nên xa lạ và thống trị con người; nó không còn là lực lượng của cá nhân nữa, mà là lực lượng của sở hữu tư nhân. Do vậy, theo C.Mác, trong bối cảnh đó, “các cá nhân phải chiếm hữu tổng thể những lực lượng sản xuất hiện có, không những chỉ để thực hiện sự tự mình hoạt động, mà nói chung là để đảm bảo sự tồn tại của mình... Bản thân sự chiếm hữu những lực lượng đó chẳng phải là cái gì khác hơn là sự phát triển những năng lực cá nhân cho phù hợp với những công cụ sản xuất vật chất. Chỉ riêng vì lẽ đó thôi, sự chiếm hữu một tổng thể nhất định những công cụ sản xuất cũng đã là sự phát triển một tổng thể nhất định những năng lực trong bản thân các cá nhân” [62, tr.97].

Trong xã hội tư bản, người thực hiện sự chiếm hữu toàn bộ những lực lượng sản xuất đó là giai cấp vô sản. C.Mác viết: “Chỉ có những người vô sản thời nay, hoàn toàn bị tước mất mọi sự tự mình hoạt động, mới có khả năng đạt tới sự tự mình hoạt động đầy đủ, không hạn chế, đó là sự chiếm hữu tổng thể những lực lượng sản xuất và do đó, phát triển tổng thể các năng lực” [62, tr.97]. Và, khi những người vô sản liên hợp lại thành “những cá nhân liên hợp”, thành giai cấp để “chiếm hữu toàn bộ tổng thể những lực lượng sản xuất thì chế độ tư hữu cũng bị thủ tiêu” [62, tr.98].

Xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất để xóa bỏ mọi sự tha hóa trong chủ nghĩa tư bản, theo C.Mác, là sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. Sứ mệnh lịch sử đó, C.Mác khẳng định, là do chính sự phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, bởi “sự tiến bộ của công nghiệp - mà giai cấp tư sản là người đại diện mặc nhiên của nó và không đủ sức chống lại nó - đem sự đoàn kết cách mạng của công nhân do liên hợp lại mà

có, thay cho sự chia rẽ của công nhân do cạnh tranh giữa họ gây nên. Như vậy, cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, chính cái nền tảng trên đó giai cấp tư sản đã sản xuất và chiếm hữu sản phẩm của nó, đã bị phá sập dưới chân giai cấp tư sản” [63, tr.612 - 613]. Rằng, với nền đại công nghiệp đó, chính “giai cấp tư sản sản sinh ra những người đào huyệt chôn chính nó” là giai cấp vô sản. Và, “sự sụp đổ của giai cấp tư sản”, cũng như “thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau” [63, tr. 613].

Sứ mệnh lịch sử đó của giai cấp vô sản, theo C.Mác, còn do chính điều kiện sống của họ quy định, bởi trong xã hội tư bản chủ nghĩa, tình trạng phi nhân tính được biểu hiện cao nhất trong cảnh sống bị bần cùng hóa của giai cấp vô sản. Và, để xóa bỏ tình trạng phi nhân tính này, giai cấp vô sản phải xóa bỏ những điều kiện sinh hoạt của chính mình, mà để làm được điều này, giai cấp vô sản phải xóa bỏ điều kiện sinh hoạt phi nhân tính của toàn xã hội, bởi “trong điều kiện sinh hoạt của giai cấp vô sản thì mọi điều kiện sinh hoạt của xã hội hiện đại đã đạt tới điểm cao nhất của tình trạng phi nhân tính, vì trong giai cấp vô sản thì con người mất đi chính bản thân mình... Song nếu không tiêu diệt những điều kiện sinh hoạt của bản thân thì giai cấp vô sản không thể tự giải phóng được. Nếu không tiêu diệt mọi điều kiện sinh hoạt phi nhân tính của xã hội hiện đại biểu hiện tập trung ở tình cảnh của chính nó thì nó không thể tiêu diệt được điều kiện sinh hoạt của bản thân nó” [61, tr.55-56].

Như vậy, có thể nói, trong quan niệm của C.Mác, xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, thứ sở hữu làm cho lao động bị tha hóa và lao động bị tha hóa khiến cho con người bị tha hóa, không chỉ là tiền đề cơ bản, mà còn là tiền đề tiên quyết để bỏ tha hóa và giai cấp có sứ mệnh lịch sử này là giai cấp vô sản.

Với C.Mác việc xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa - căn nguyên của sự tha hóa chỉ là tiền đề, dẫu đó là tiền đề tiên quyết để xóa bỏ tha hóa. Để xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng tha hóa trong đời sống xã hội, giai cấp vô sản còn phải tiến hành quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội

mới dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đây là một quá trình lâu dài và hết sức phức tạp. Do vậy, ở giai đoạn đầu của nó - xã hội xã hội chủ nghĩa, “cái xã hội … nửa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa, do đó là một xã hội, về mọi phương diện - kinh tế, đạo đức, tinh thần - còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng ra” [68, tr.33], hiện tượng tha hóa trong đời sống xã hội chưa thể bị xóa bỏ hoàn toàn. Bởi lẽ, “chủ nghĩa xã hội không thể xóa bỏ được sự cùng khổ do bản thân tự nhiên quyết định, và chỉ có thể làm cho nó trở thành phổ biến bằng cách cùng một lúc phân phối nó ra khắp toàn thể xã hội” [68, tr.42]. Theo đó, việc xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất không có nghĩa là đã chấm dứt được “sự cùng khổ” do lao động bị tha hóa gây nên và do vậy, mọi sự tha hóa trong đời sống xã hội cũng chưa được xóa bỏ một cách hoàn toàn. Sự phân tích của C.Mác cho chúng ta thấy, hiện tượng tha hóa trong đời sống kinh tế của xã hội là nền tảng của mọi hiện tượng tha hóa khác trong đời sống xã hội - tinh thần, những hiện tượng tha hóa không chỉ có cội nguồn từ đời sống kinh tế, mà do tính độc lập tương đối của chúng, chúng còn có cội nguồn từ các lĩnh vực khác trong những điều kiện nhất định. Do vậy, một khi vẫn còn những điều kiện đó, những “tàn dư” của xã hội tư bản thì hiện tượng tha hóa vẫn còn tồn tại trong chủ nghĩa xã hội. Và, đó cũng là “những thiếu sót không thể tránh khỏi trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa, lúc đó vừa mới lọt lòng từ xã hội tư bản chủ nghĩa ra, sau những cơn đau đẻ dài” [68, tr.35 - 36].

Trong quan niệm của C.Mác, từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản là một thời kỳ quá độ lâu dài, phức tạp. Trong thời kỳ quá độ này, giai cấp vô sản không chỉ có nhiệm vụ cải tạo quan hệ sản xuất cũ dựa trên chế độ tư hữu, mà còn có nhiệm vụ to lớn hơn là xây dựng quan hệ sản xuất mới dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Trong thời kỳ quá độ này, những tàn dư của xã hội tư bản - “kinh tế, đạo đức, tinh thần” vẫn còn, do vậy, những hiện tượng tha hóa nảy sinh ra từ những tàn dư này vẫn còn tồn tại, thậm chí

còn tồn tại lâu dài trong suốt cả thời kỳ quá độ. Do vậy, có thể nói, theo quan niệm của C.Mác, trong chủ nghĩa xã hội, hiện tượng tha hóa vẫn còn tồn tại và đó cũng là “thiếu sót không thể tránh khỏi”. Song, về bản chất, chủ nghĩa xã hội sẽ hướng đến chỗ xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng tha hóa đó. Chủ nghĩa xã hội không tạo ra cơ sở xã hội cho sự phát triển tha hóa. Tha hóa là tàn dư của xã hội tư bản chủ nghĩa mà chủ nghĩa xã hội không thể ngay một lúc xóa bỏ. Hiện tượng tha hóa trong chủ nghĩa xã hội không phải là cái thuộc về bản chất của nó và do vậy, nó không thể trở thành hiện tượng phổ biến trong đời sống xã hội. Tha hóa sẽ bị xóa bỏ trong xã hội cộng sản chủ nghĩa, khi mà trong xã hội đó không còn những cơ sở kinh tế - xã hội cho sự tồn tại của tha hóa. “Chủ nghĩa cộng sản là biểu hiện tích cực của sự xóa bỏ chế độ tư hữu” [75, tr.164] và “với tính cách là sự xóa bỏ một cách tíchcực chế độ tư hữu - sự tự tha hóa ấy của con người” [75, tr.167], chủ nghĩa cộng sản chính là “sự xóa bỏ một cách tích cực mọi sự tha hóa” [75, tr.168]. Đó là kết luận của C.Mác về sự xóa bỏ tha hóa.

Cho đến nay, quan niệm của C.Mác về tha hóa và xóa bỏ tha hóa, nhất là quan niệm của ông về sự tồn tại và xóa bỏ tha hóa trong chủ nghĩa xã hội, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vẫn còn nguyên giá trị và do vậy, vẫn là cơ sở lý luận, phương pháp luận cho chúng ta nhận diện hiện tượng tha hóa trong đời sống xã hội nước ta hiện nay.

Chƣơng 3

Một phần của tài liệu Quan niệm của C.Mác về Tha hóa trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844 (Trang 72 - 78)