Xuất phát từ lập trường triết học chung của mình như đã được chúng tôi trình bày ở phần trên, Derrida xây dựng đạo đức học giải kiến tạo chủ nghĩa. Triết học đạo đức của Derrida được coi là quan điểm kỳ quặc nhất trong những quan điểm triết học đạo đức hiện đại. Tất nhiên, vấn đề về bản chất của tính kỳ quặc này, về các cội nguồn của nó sẽ nảy sinh. Việc khảo cứu tiếp theo cho thấy nó thể hiện ở những thủ thuật của Derrida được ông triển khai trong việc xử lý những thành tố của ngôn ngữ.
Thủ thuật xử lý độc đáo, kỳ quặc những thành tố ngôn ngữ ở Derrida ẩn chứa một lập trường đạo đức học xác định, do vậy chúng ta cần làm sáng tỏ nó. Thủ thuật này được Derrida trình bày rõ nhất và đầy đủ nhất trong tác phẩm “Về bút pháp luận” (De la grammatologie, Paris, 1967) - tác phẩm đã đem lại cho tác giả danh tiếng. Bút pháp luận cũng được gọi là một khoa học nhận thức đặc biệt mà, theo Derrida, có nhiệm vụ nghiên cứu vai trò của “bút pháp” được hiểu theo nghĩa rộng trong văn hóa. Nhiều đề tài trong các tác phẩm nêu trên rất gần với những đề tài của chủ nghĩa cấu trúc, nhưng lại được
kiến giải một cách độc đáo. Điều này cho phép coi quan niệm của Derrida là biến thể phê phán và tự phê phán của chủ nghĩa cấu trúc - biến thể mở đầu vấn đề của chủ nghĩa hậu cấu trúc. Bút pháp luận cố thiết lập một cách tiếp cận mới - nghiên cứu bút pháp với nghĩa tổng quát, với tư cách tổng hòa những điều kiện để có được khả năng có một nghĩa nào đó. Nhưng, vốn không phải là một khoa học thực chứng, bút pháp luận luôn tìm kiếm con đường đặc thù của mình. Tên gọi chung cho con đường đó - “kết cấu”, là cái bắt nguồn từ tính không hiện có của tồn tại với tư cách tính đầy đủ của sự hiện diện. Các phương tiện do phi kết cấu tìm ra để ghi nhận những dấu ấn, những khác biệt có nhiệm vụ đưa chúng ta ra khỏi khuôn khổ của siêu hình học Tây Âu hay ít nhất cũng là chỉ ra giới hạn của nó. Cặp khái niệm cơ bản mà xung quanh đó những thao tác phi kết cấu khác được xây dựng trong tác phẩm là “bút pháp” và “diễn từ”. Trong lịch sử văn hóa, Derrida khẳng định, bút pháp được coi là cái phục tùng diễn từ bằng lời, giống như thể xác - phục tùng tâm hồn, dấu ấn và bản sao - phục tùng thần ngôn, tính chất đầy đủ của nghĩa, nét chữ - phục tùng hơi thở và âm thanh. Những khuynh hướng siêu hình học chung đó trong tác phẩm “Về bút pháp luận” đã được thể hiện ra qua trường hợp hai nhân vật trung tâm - Seauzua và J.-J. Rousseau. Sự không trùng hợp giữa nguyện vọng và lời nói thực tế được thể hiện ra trong văn bản của họ. Chẳng hạn, với luận điểm về địa vị hàng đầu của ngôn ngữ hội thoại đối với bút pháp với tư cách phương tiện để thể hiện diễn từ, Seauzua đã tự mâu thuẫn với khẳng định của bản thân ông về tính tự do tuyệt đối của ngôn ngữ hội thoại. Với việc chú trọng tới tính tự nhiên “không bị hư hỏng” của diễn từ bằng lời, Rousseau trên thực tế đã đi tới các kết luận mà ông không mong muốn. Đó là kết luận cho rằng sự hiện diện trên thực tế là sự vắng mặt, còn bản chất hoàn toàn thuần túy, không bị hư hỏng là nơi trú ẩn của những khuyết tật, của cách phân biệt và cấu âm - cái dẫn đến sự phá vỡ tính chất đầy đủ tự nó. Những mâu thuẫn đó trong văn bản của các nhà tư tưởng nổi tiếng cho thấy rằng, lời nói với một nghĩa nào đó đã là bút pháp, rằng “ngôn ngữ đầu tiên” chưa bao giờ tồn tại dưới hình thức thuần túy, chưa bị thứ văn viết
động tới, rằng cấu âm (rạch, xoắn, vẽ, chữ cái) là bút pháp với nghĩa tổng quát, hay là “siêu bút pháp” - cái tồn tại trước bút pháp và diễn từ theo cái nghĩa thông thường. Những dấu ấn, quỹ đạo được phác họa bằng các khái niệm tự gọt dũa của Derrida (tính tự gọt dũa là cái mà những khái niệm cần đến để không trở nên cứng nhắc và không biến thành cái tuyệt đối) đã lột bỏ sự đối lập giữa tính đồng bộ và tính gián đoạn luôn giày vò những người theo chủ nghĩa cấu trúc. Dấu ấn với tư cách sự sinh thành của cái phi ký hiệu bởi ký hiệu thường gắn kết không gian với thời gian, gắn kết các dãy những cái có nghĩa phác họa và ngữ âm lại với nhau. Việc kết hợp theo kiểu đó giữa cái phác họa và ngữ âm, không gian và thời gian, ánh sáng và âm thanh, nét chữ và hơi thở, theo Derrida, sẽ giúp chúng ta đoạn tuyệt với các sơ đồ tư duy mang tính thần luận - cái là cơ sở của mọi siêu hình học (Thượng đế có thể không cần đến sự phân biệt (différence) và sự khác biệt (difference) có thể xem xét tính chất đầy đủ của cái hiện tại - vĩnh hằng, còn con người thì không có khả năng làm điều đó). Bút pháp luận nghiên cứu cách “cùng tham gia của những nguyên nhân đầu tiên” luôn được triển khai tiếp trong các khoa học cụ thể này hay khác, ở thời đại bút pháp này hay khác (chữ tượng hình, chữ tượng thanh; chữ ẩn dụ), và chứng tỏ rằng vấn đề bút pháp - đó là cội nguồn của mọi khoa học, trong đó có đạo đức học.
Phong cách làm việc giải kiến tạo của Derrida thực hiện luận điểm ”không phải cái này, không phải cái kia; cả cái này, lẫn cái kia”. Nhìn từ góc độ những thủ thuật quen thuộc của chủ nghĩa duy lý, cách thức suy luận như vậy thể hiện là rất kỳ quặc. Trên thực tế, chúng ta cùng nhau quay lại với những lược đồ tư duy thường được sử dụng để làm rõ hơn nữa tính độc đáo của suy lý triết học đạo đức ở Derrida.
Giả sử, một người nào đó suy luận như sau: 5 > 3, còn 3 > 2, suy ra, 5 > 2. Một một biểu thức toán học đều được xây dựng theo quy tắc “S là P”, sau đó các biểu thức được liên kết thành một chuỗi nhờ từ “suy ra”. Nên lưu ý rằng, trong số học, luận điểm “S là P” cho phép khẳng định “S không là P” một cách hoàn toàn phù hợp với quy luật không mâu thuẫn. Song hoàn toàn
không phải tất cả mọi tác giả đều tuân thủ các quy luật của lôgíc học hình thức. Điều này đặc biệt thể hiện rõ ở Hegel.
Trái ngược với các quy luật của lôgíc học hình thức, Hegel cho rằng A = A và đồng thời A = không phải A. Ông yêu thích bộ ba: định đề - phản đề - hợp đề. Nói cách khác, bắt đầu từ khái niệm A, ông xác định mặt đối lập của nó B, sau đó tổng hợp chúng trong khái niệm thứ ba C (thí dụ: chất lượng - số lượng - độ). Lôgíc học Hegel thường được gọi là lôgíc học biện chứng, tức là chuyển từ một số mâu thuẫn, sự thống nhất giữa các mặt đói lập sang các mâu thuẫn khác, sự thống nhất khác.
Lôgíc học biện chứng của Hegel đưa chúng ta đến việc lĩnh hội một cách bình tĩnh hơn lôgíc học của Derrida cùng với luận điểm “không phải cái này, không phải cái kia; cả cái này, lẫn cái kia”. Để tiếp cận gần hơn nữa với lôgíc học của Derrida, chúng ta cần phải nắm bắt những lĩnh vực hóc búa của vật lý học lượng tử, nhớ lại nhị nguyên luận “sóng - hạt”: khách thể lượng tử lúc là sóng, lúc là hạt.
Các thí dụ nêu trên cho thấy rằng các lược đồ suy luận là rất đa dạng. Lập trường như vậy cho phép thấu hiểu những cách tân của Derrida. Cương quyết khước từ các lược đồ của lôgíc học hình thức, Derrida và các đồng chí của ông bảo vệ luận điểm ”không phải cái này, không phải cái kia; cả cái này, lẫn cái kia”. Đó là dự án lôgíc học của chủ nghĩa giải kiến tạo.
Người theo chủ nghĩa giải kiến tạo không bằng lòng với luận điểm “S là P”. Ông ta cho rằng:
Nó ghi nhận một nghịch lý nào đó. Vì theo định nghĩa thì S khác với P và, do vậy, luận điểm “S không phải là P” cũng xác đáng. Triết lý cần phải cho phép khắc phục nghịch lý. Giải kiến tạo mệnh đề đang phân tích, thay các từ bằng các từ thay thế, chính nhà triết học làm “xói mòn” nghịch lý ban đầu, được hình thành dưới hình thức đối lập thô thiển. Giải kiến tạo là phương thức thấu hiểu văn bản. Văn bản được giải kiến tạo một cách càng đa diện hơn thì nó càng được thấu hiểu tốt hơn. Thấu hiểu các từ và các vật đòi hỏi phải đưa
chúng vào một chuỗi vô tận những từ được giải kiến tạo, những mối liên hệ qua lại giữa chúng được thực hiện theo các quy luật của cái đẹp [44, tr.172].
Ở đây, chúng ta đi vào chính bản thân hạt nhân của lập trường triết học đạo đức Derrida. Điều quan trọng đối với ông không phải là phân tích (vì nó dẫn tới những yếu tố đơn giản nhất, do vậy loại bỏ thành thố chủ quan như tiền đề của lập trường đạo đức), không phải là phê phán, cung cấp phương pháp, không phải là hành động (vì chúng đòi hỏi tiền đề định trước, do vậy cũng loại bỏ tính chủ quan thuần túy của cá nhân), mà là tự kỷ luật nội tâm nghiêm ngặt như điều kiện để giải mã ngôn ngữ với tư cách phương tiện tư duy, phương tiện chế định lập trường hiện sinh của cá nhân, vả lại ngôn ngữ là ngôi nhà của tồn tại người.
Như vậy, với Derrida thì hình ảnh đích thực của nhà triết học (mẫu hình lý tưởng về con người) là “nhà triết học , họa sĩ” (ông đánh giá cao Nietzsche chính ở điểm này). Theo quan điểm như vậy, điều quan trọng đối với con người không phải là bản thân các văn bản, ngôn ngữ mà nó đang luận giải, điều quan trọng hơn đối với nó là thái độ của bản thân đối với văn bản, ngôn ngữ, thái độ bộc lộ ra trong quá trình tìm hiểu văn bản, ngôn ngữ, cũng như là phong cách làm việc của bản thân, tính khả tri của phong cách diễn ngôn của bản thân, sự khác biệt, độc đáo của nó so với phong cách diễn ngôn của những người khác như nhân tố quyết định cá tính, nhân cách, nếp sống độc đáo của cá nhân con người. Nội dung, sắc thái ẩn náu trong phương pháp, hoạt động giải kiến tạo còn thể hiện ở chỗ chủ thể giải kiến tạo không có kỳ vọng đưa ra các cách đặt vấn đề rõ ràng và tiến cử bất kỳ giải pháp (chống thói độc đoán, tôn trọng tự do cá nhân), mà chủ yếu quan tâm để làm cho hành vi của mình trở thành đối tượng xứng đáng được những người khác quan tâm. Điều quan trọng là phải hiểu được tại sao và trong hoàn cảnh nào con người tham dự vào sáng tạo, vào quá trình triển khai luận chứng cùng với một mức độ tự do cá nhân nhất định. Thành tố thẩm mỹ đóng vai trò quan trọng trong suy lý của mỗi cá nhân.
Chúng ta xem xét thủ thuật giải kiến tạo thông qua thí dụ bàn luận về hệ vấn đề đạo đức học. Vào tháng năm năm 1991, Derrida được mời tham gia vào một tiểu luận dành cho sự nghiệp sáng tạo của ông. Ông được mời tham gia vào cuộc tranh luận dưới hình thức rất tế nhị. Derrida sử dụng lời mời này để bàn luận về các vấn đề đạo đức (Bổn phận là gì? Trách nhiệm là gì?). Một điều tuyệt vời là lúc đầu ông đặt tên cho tiểu luận của mình là “Đáp lại” (sau đó nó được đổi tên thành “Khát vọng”). “Đáp lại” chỉ ra vấn đề trách nhiệm là vấn đề trung tâm của đạo đức học. “Khát vọng” là từ thay thế cho “Đáp lại”, là kết quả của một công việc giải kiến tạo.
Derrida ý thức rất rõ rằng ông phát biểu về những vấn đề quan trọng nhất đối với triết học. Ông cố gắng bác bỏ ý kiến về chủ nghĩa giải kiến tạo như một hình thức vô đạo đức, nhưng ông cũng không muốn tiên định một chủ nghĩa đạo đức mới có khả năng biến thành giáo lý. Phù hợp với những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa giải kiến tạo, ông hiểu rất rõ rằng chỉ riêng một việc nhắc đến các vấn đề đạo đức đã chuyển dịch người suy luận vào một tình huống nghịch lý: không có một sự rõ ràng nào cả, chỉ toàn là những nghịch lý, những sự lập lờ, những điều kỳ quặc.
Derrida lưu ý đến tính vô đạo đức của những kẻ truyền bá đạo đức giả dối là kết quả lĩnh hội một cách không phê phán những kết luận đạo đức nào đó:
Phải chăng là có đạo đức và có trách nhiệm nếu hành động theo các nguyên tắc đạo đức chính vì (tôi xin nhấn mạnh một lần nữa) có ý thức bổn phận và trách nhiệm? Tất nhiên là không phải: điều đó sẽ được bản thân tự nhiên lập trình một cách quá đơn giản; trở thành người có đạo đức vì lý do có ý thức đạo đức (thấu hiểu đạo đức), ý thức được sự vĩ đại của nguyên tắc v.v., là rất vô đạo đức [44, tr.210].
Trở thành người lịch sự do có ý thức lịch sự, trở thành người có trách nhiệm do có ý thức trách nhiệm là chưa đủ. Việc phục tùng đơn thuần quy tắc đe doạ sẽ dẫn đến sự giả nhân giả nghĩa. Do vậy cần phải thông qua quyết định ở bên ngoài quy tắc. Những vấn đề cấp bách nhất: tính đạo đức của đạo đức học là gì? Tính đạo đức của đạo đức là gì? Trách nhiệm là gì? - vấn chưa
nhận được câu trả lời chung và chính xác. Bao giờ cũng có nguy cơ gánh vác lấy trách nhiệm giả dối thay vì trách nhiệm đích thực. Hơn nữa là chúng ta không nhận thấy điểm dừng của các trò chơi sáng tạo ở trong giải kiến tạo.
Derrida suy luận như sau. Nếu ông nhất trí tham gia vào tiểu phẩm, thì ông: 1) bị lâm vào một tình huống khá kỳ quặc khi cố gắng đồng thời đáp lại 11 đối thủ, 2) bắt buộc phải cho rằng cần đáp lại tất cả mọi thứ (phải chăng điều này chứng tỏ tính ngây thơ và đê tiện vô hạn?), 3) thể hiện thái độ kiêu ngạo và trịnh thượng đối với những người khác, 4) không chạy trốn khỏi tự hoài nghi một cách vênh váo mà “không một sự đáp lại nào có thể né tránh được” [44, tr.250]. Nếu chấp nhận sự không đáp lại với tư cách sự đáp lại lời mời tham ra, thì ông sẽ bị đe dọa bởi những mối nguy hiểm mới vì: 1) biểu thị thái độ khá không nghiêm túc đối với những người đưa ra lời mời, 2) đi theo con đường sử dụng ngôn ngữ hiếu chiến và mỉa mai, 3) không tuân thù nguyên tắc lịch sự (mà điều này là vô đạo đức), 4) không đáp lại ở nơi nó đòi hỏi phải có.
“Vậy cần phải làm gì? Không thể đáp lại. Không thể đáp lại vấn đề về sự đáp lại". Một nghịch lý vô tận phong tỏa chúng ta: tôi cần phải và tôi không cần phải không..., điều này là cần thiết và không thể, v.v... [43, tr.32]. Trái ngược với ý kiến phổ biến, hóa ra ngôn ngữ không thuộc về vấn đề, không thuộc về sự đáp lại là những cái có giới hạn. Derrida nhận thấy lối thoát ra khỏi tình huống là ở chỗ ghi nhận sự hiện diện của bí ẩn, của bí ẩn về những khát vọng, bí ẩn vãn xa lạ với ngôn ngữ. Bí ẩn là "cái không đáp lại". ở đâu mà "đòi hỏi sự đáp lại và trách nhiệm, thì ở đó quyền về bí ẩn trở nên có điều kiện". Trong khi đó bí ẩn về khát vọng vẫn tồn tại và nó không cho phép đánh bại nó. Đó là đạo đức học giải kiến tạo chủ nghĩa, nó phát hiện ra bí ẩn về khát vọng với tư cách cái không quy về được ngôn từ. Bí ẩn về khát vọng