Lyotard là nhà triết học người Pháp, một trong những người đầu tiên đặt đặt nền móng triết học cho chủ nghĩa hậu hiện đại và khoa học hậu cổ
điển. Ông sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, như triết học, chính trị học, mỹ học và có nhiều phong cách viết đa dạng.
Thời trẻ tuổi, Lyotard học triết học và văn học tại Đại học Sorbonne, bảo vệ luận văn thạc sĩ triết học với đề tài “Sự thờ ơ như một khái niệm đạo đức” (Indifference as an Ethical Notion). Ông dạy triết học tại các trường trung học ở Constantine, Algeria từ năm 1950 đến năm 1959. Từ năm 1959 đến năm 1966, ông làm trợ giảng tại Khoa Triết học Đại học Paris X ở Nanterre. Trong thời gian này, ông thường tham gia các buổi hội thảo về phân tâm học cấp tiến của J. Lacan. Những tư tưởng thai nghén trong thời gian này được Lyotard trình bày trong tác phẩm “Diễn ngôn, hình ảnh” (Discourse, figure) xuất bản năm 1967, ông nhận được bằng tiến sĩ triết học nhờ công trình nghiên cứu này. Từ năm 1968 đến năm 1970, ông phụ trách công tác nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp. Vào đầu những năm 1970, ông được bổ nhiệm làm giáo sư Đại học Paris VIII ở Vincennes và trở thành giáo sư danh dự tại đây vào năm 1987. Lyotard cũng giảng dạy triết học tại các trường đại học ở Paris, là giáo sư Đại học Sant - Deni (1972-87), giảng dạy tại các trường đại học khác nhau ở Mỹ và Canada. Tác phẩm “Trạng thái hậu hiện đại: Báo cáo về Tri thức” (Postmogern Condition: A Report on Knowledge, 1979) làm tên tuổi Lyotard nổi tiếng khắp thế giới. Lyotard còn là người sáng lập và Chủ tịch một thời gian của Trường Triết học quốc tế.
Luận điểm xuất phát trong triết học Lyotard là quan niệm về thực tại. Theo ông, trong thực tại luôn diễn ra những sự kiện đặc thù, kỳ dị, do vậy mô tả mang tính duy lý về chúng không còn xác thực. Trong “Kinh tế tình dục” (Libidinal Economy, 1974), Lyotard khẳng định thực tại bao gồm những sự kiện bất khả tiên đoán, không có tính quy luật khả thể khái quát. Hệ quả của thực tế đó là xuất hiện nhiều cách luận giải, mô tả khác nhau về thực tại và không một luận giải nào trong số đó có kỳ vọng độc quyền chân thực. Các sự kiện luôn vượt ra khỏi những luận giải, mỗi luận giải đều bỏ qua phương diện nào đó của sự kiện. Do vậy, các thể loại mô tả đa dạng sẽ
loại bỏ cấu trúc thống trị trong văn bản và mở ra nhiều cách thực đọc, luận giải và áp dụng đối lập.
Trong tác phẩm “Trò chơi công bằng” (Just Game, 1979), Lyotard đề cập tới vấn đề về chủ nghĩa đa nguyên, nhấn mạnh những cách tiếp cận đa dạng, khác nhau với thực tại. Theo ông, nếu thực tại được cấu thành từ những sự kiện đặc thù, thì không một quy luật phổ biến nào có thể luận giải sự kiện một cách toàn vẹn, vì trong trật tự của sự vật luôn có những khác biệt bất khả quy giản, nói cách khác, thực tại luôn phong phú hơn lý luận. Từ đó, ông kết luận, cần phải tiếp cận với sự kiện cùng với toàn bộ tính toàn vẹn, nguyên trạng của nó, không nên quy giản nó về cái phổ biến.
Theo Lyotard, mọi diễn ngôn đều là những tự sự, trần thuật. Mọi lý luận, mọi quy luật đều chỉ là tổng thể những tự sự. Ông phủ định diễn ngôn tự tuyên bố mình là chân lý, đồng thời bác bỏ ý niệm về đại tự sự (siêu tự sự), những lý luận phổ quát tự mạo nhận mình là cơ sở cho phán quyết trong mọi tình huống. Theo Lyotard, minh họa rõ nhất cho kiểu lý luận triết học như vậy là toàn bộ triết học duy lý, đặc biệt là triết học Hegel, tức thứ triết học tự mạo nhận mình là đỉnh cao, tinh hoa trong nhận thức chân lý nói riêng và trong văn hóa nói chung. Theo ông, lập trường triết học này tất yếu dẫn tới chủ nghĩa cực quyền. Do vậy, Lyotard khẳng định, chủ nghĩa đa nguyên là câu trả lời phù hợp nhất với khát vọng dân chủ. Nó thực chất là khước từ những phán quyết phổ biến mang tính cực quyền và thay thế chúng bằng những phán quyết cụ thể đa dạng, là khước từ các lược đồ lý luận có kỳ vọng áp dụng được vào mọi tình huống và thay thế chúng bằng các lý luận đa dạng được áp dụng cho từng tình huống cụ thể. Có thể thấy, chủ nghĩa đa nguyên được Lyotard bảo vệ là nỗ lực đưa ra những phán quyết về vấn đề “chân, thiện, mỹ” không bị định trước bởi những chuẩn tắc.
Như vậy, chủ nghĩa đa nguyên Lyotard bác bỏ mọi chuẩn tắc phán quyết phổ biến, nhưng con người cần phải phán quyết do nhận thức và cuộc sống đòi hỏi. Từ đó là một vấn đề nảy sinh: phán quyết sẽ thế nào nếu thiếu chuẩn tắc? Lyotard nêu ra hai phương án trả lời của Kant và Nietzsche. Theo
Kant, con người phán quyết nhờ năng lực tự kiến tạo của tư duy, và Kant coi năng lực này là một bí ẩn. Theo Nietzsche, phán quyết biểu thị khát vọng (ý chí) quyền lực. Lyotard không quan niệm chủ nghĩa đa nguyên là phán quyết thiếu chuẩn tắc. Thực ra, theo ông, nó là phán quyết không có chuẩn tắc phổ biến. Lyotard chỉ chống lại sự tồn tại của một diễn ngôn duy nhất đưa ra những phán quyết xác thực cho mọi tình huống. Chủ nghĩa đa nguyên đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt từng tình huống cụ thể, tạo dựng những chuẩn tắc cụ thể theo yêu cầu của tình huống đó thông qua hành vi khẳng định của năng lực tưởng tượng. Điều đó cho phép chúng ta có được những chuẩn tắc và những phán quyết phong phú. Nói cách khác, chủ nghĩa đa nguyên phản ánh sự tồn tại của nhiều quy tắc phán quyết.
Trong tác phẩm “Trạng thái hậu hiện đại: Báo cáo về Tri thức”, Lyotard quan tâm tới vấn đề quan hệ giữa tri thức và quyền lực. Ông đưa ra giả thuyết cải biến địa vị của nhận thức trong bối cảnh văn hóa hậu hiện đại và xã hội hậu hiện đại. Ông gắn liền chủ nghĩa hậu hiện đại về khoa học, triết học, thẩm mỹ học và nghệ thuật với thái độ không tin tưởng vào siêu (đại) tự sự, với khủng hoảng của siêu hình học và của thuyết phổ độ toàn thể (universalisme). Các đề tài về entropi, bất đồng, đa nguyên, thực dụng của trò chơi ngôn ngữ đã loại bỏ các “đại tự sự” về biện chứng, khai sáng, nhân học, chú giải học, chủ nghĩa cấu trúc, chân lý, tự do, công bằng, v.v... Tiến bộ của khoa học hiện đại đã biến mục đích, chức năng, nhân vật của triết học lịch sử cổ điển và của triết học lịch sử hiện đại thành các yếu tố ngôn ngữ, các giá trị thực dụng của văn hóa hậu hiện đại mang tính phản phân cấp, chia nhỏ, khoan dung cùng với sự nhạy cảm tinh tế của nó với tính dị sinh của các khách thể. Sự đặc thù của trạng thái hậu hiện đại thể hiện ở thái độ thất vọng đối với lý tưởng gần đây về tính khoa học gắn liền với việc đem lại tinh thần, sắc thái lạc quan cho các hệ thống, sức mạnh và hiệu quả của chúng. Liên hệ những phát minh khoa học với những vấn đề đạo đức và chính trị làm sáng tỏ mối nguy hiểm của việc biến tri thức mới thành hàng hóa thông tin - nguồn gốc của lợi nhuận và công cụ cai trị. Nhân đây, những đánh giá về tính chân thực
và tính khách quan của nhận thức khoa học được bổ sung các định hướng giá trị - mục đích: không những tính hiệu quả mà cả tính công bằng, nhân văn và cái đẹp.
Cái nổi bật trong cách triết lý của ông là những môtíp của Fouceault, đến lượt mình, những môtíp này lại làm cho người ta phải nhớ đến Nietzsche: đó là sự phủ nhận suy lý lôgíc của cái Phổ biến với tư cách là suy lý lôgíc của Quyền lực. Các xung động quyền lực, trong một xu hướng khác các xung động độc tài chủ nghĩa của nền văn hóa châu Âu được Lyotard vạch ra qua việc phân tích bản chất tự sự của tri thức. Tự sự đó là một trong nhiều hình thức có thể có của suy lý lôgíc. Sự tồn tại bên cạnh nhau của những tự sự khác nhau trong suốt nhiều thế kỷ là lẽ đương nhiên. Tuy vậy, ở một thời đại nhất định lại xuất hiện hình thức suy lý lôgíc có kỳ vọng giữ một vị trí đặc biệt đối với những hình thức khác. Đó là “suy lý lôgíc chính thống”, tức là thử nghiệm nhằm luận chứng và minh biện cho một thực tiễn diễn ngôn nào đó, thứ thực tiễn đã đặt tất cả mọi thực tiễn còn lại vào địa vị phụ thuộc. Sự xuất hiện của “suy lý lôgíc chính thống”, suy lý có tham vọng giữ vai trò “siêu suy lý lôgíc” hay, cũng hệt như vậy, lời kêu gọi “đại tự sự”, đánh dấu sự bắt đầu của một thời đại đặc biệt - “hiện đại”, hay “tân thời” (tương ứng là sự kết thúc của những “đại tự sự”, sự suy tàn của suy lý lôgíc chính thống trùng hợp với sự kết thúc của “hiện đại” và với sự bắt đầu của “hậu hiện đại”). Mọi “đại tự sự” (“siêu tự sự”) đều cố gắng hợp thức hóa bản thân mình không những với tư cách là những tự sự đúng đắn, mà còn với tư cách là những tự sự xác đáng. Sự chính thống hóa chúng đồng nhất với sự chính thống hóa những thể chế xã hội nhất định, với sự luận chứng và minh biện cho một phương thức xây dựng xã hội nhất định. Do vậy, siêu tự sự gắn chặt với quyền lực. Việc khẳng định một ngôn ngữ (một trong số những “trò chơi ngôn ngữ” có thể có) với tư cách là ngôn ngữ phổ biến trùng hợp với việc khẳng định tính phổ biến của một chế độ xã hội nhất định. Sự thống trị của những quy tắc và chuẩn mực của một hình thức hợp lý “chính thống” và sự coi thường tất cả mọi hình thức khác của nó như những hình thức không có đầy đủ giá trị hay chưa chín muồi
cũng đồng thời là sự coi thường tất cả mọi hình thức sinh sống khác, “không chính thống”. Trên thực tế, như Lyotard chỉ ra, không có và không thể có một ngôn ngữ phổ biến, mà chỉ có những “trò chơi ngôn ngữ” khác nhau. Trong số đó có thể phân biệt trò chơi mở rộng tên gọi (nghĩa) và trò chơi theo chỉ thị (hành động). Nhưng, xét đến cùng, các mệnh đề mở rộng tên gọi lại dựa vào một số quy tắc không mang tính chất mở rộng tên gọi, mà mang tính chất chỉ thị. Để làm lu mờ yếu tố đó, người ta gọi chúng là những mệnh đề siêu chỉ thị. Đương nhiên, cần phải tìm kiếm cội nguồn của những chỉ thị không phải trong lĩnh vực lôgíc, mà trong lĩnh vực xã hội, không phải trong ngữ nghĩa học, mà trong ngữ dụng học. Ngữ dụng học xã hội do Lyotard đưa ra đã làm sáng tỏ sự đan kết đầy phức tạp của những mệnh đề khác nhau, khi mà ở đó cho thấy rằng, không thể thiết lập được một chỉ thị chung cho tất cả mọi “trò chơi ngôn ngữ”. Hơn nữa, việc thiết lập nó là không cần thiết và có hại, vì mọi kỳ vọng nhằm tạo ra những quy tắc và chuẩn mực mang tính bắt buộc chung đều chứa đựng nguy cơ bạo loạn.