Cơ sở của triết học đạo đức Derrida

Một phần của tài liệu Tư tưởng triết học đạo đức của chủ nghĩa hậu hiện đại qua hai triết gia tiêu biểu Lyotard và Derrida (Trang 54 - 60)

Derrida là nhà triết học người Pháp, một trong số những đại biểu nổi tiếng nhất của chủ nghĩa hậu cấu trúc, chủ nghĩa hậu hiện đại. Ông giảng dạy ở Đại học Sorbonne (1960 - 1964), Cao đẳng Sư phạm Paris, là cộng tác viên của các tạp chí “Critique” và “Tail kail”, là một trong những người có sáng kiến thành lập (năm 1983) Cao đẳng Triết học Quốc tế (Paris) và là Giám đốc đầu tiên của nó. Ông giảng dạy tại Học viện nghiên cứu cao cấp về các khoa học xã hội (Paris), tại một loạt trường đại học ở châu Âu và Mỹ, nơi mà các tư tưởng giải cấu trúc đã tạo ra một rong hướng nghiên cứu cơ bản nằm ở giáp ranh giữa phê bình văn học và triết học. Derrida có ảnh hưởng lớn đến lý luận văn học Mỹ hiện đại dưới biến thể hậu cấu trúc chủ nghĩa của nó (Minler, de Mun, Blume). Ông chịu ảnh hưởng của Nietzsche, Husserl, Heidegger, Freud, nhóm Tiên phong trong văn học (Acteau, Batai, Blanso, Closopski, v.v…). Quan điểm của Derrida gần gũi với triết học phân tích lôgíc Anh - Mỹ, song tất cả các giao tiếp của ông với các nhà triết học của trào lưu này (Ostin, Serl) đều không cho thấy việc tìm kiếm tinh thần hiểu biết lẫn nhau, cũng như những giao tiếp của ông với đại diện của các trào lưu triết học Tây Âu hiện đại khác (Gadamer, Rickert, v.v...).

Luận án thứ nhất của Derrida đề cập tới hiện tượng học Husserl (“Vấn đề về nguồn gốc trong triết học Husserl”, chỉ được công bố vào năm 1990). Derrida hình thành với tư cách nhà triết học vào những năm 60. Thí dụ, năm 1967 được đánh dấu bởi việc xuất bản đồng thời ba tác phẩm của Derrida: “Logos và hiện tượng”, “Bút pháp và sai biệt”, “Về ngữ pháp học”, trong đó ông tuyên bố lập trường triết học mới - lập trường mang tính thứ sinh xét về mặt tư liệu (truyền thống triết học) nhưng mang tính cách tân về mặt hiện thực hóa (đọc các văn bản triết học như các văn bản tu từ - ẩn dụ). Derrida đặt ra vấn đề về khả năng cạn kiệt các nguồn lý tính dưới những hình thức mà chúng được các trào lưu triết học phương Tây cổ điển và hiện đại sử dụng. Đối tượng chủ yếu của sự xem xét có phê phán là các văn bản siêu hình học Tây Âu cùng với “chủ nghĩa ngôn ngữ - âm vị - nam tính - thần học - mục

đích - bản thể luận là trung tâm” đặc trưng cho nó, dựa trên quan niệm về tồn tại với tư cách hiện hữu. Derrida nhận thấy điều kiện để khắc phục siêu hình học là phương thức hoạt động triết học giải cấu trúc, làm sáng tỏ trong văn bản những khái niệm trụ cột và lớp những ẩn dụ có thể chỉ ra tính không tự đồng nhất của văn bản và những dấu ấn giống với các văn bản khác. Theo ông, ngôn ngữ triết học nhiều lớp, nguyện vọng của nó về tính chặt chẽ và đồng nghĩa là vô căn cứ. Khi xem khái niệm “tồn tại” với tư cách “hiện hữu” là trụ cột của mọi sự phân lớp phạm trù, những công trình nghiên cứu của Derrida trước hết tập trung vào khái niệm này. Theo Derrida, không thể tồn tại “cái hiện tại sống động” tự nó: quá khứ luôn để lại dấu ấn trong “cái hiện tại sống động”, còn tương lai - phác họa những hình dáng của nó. Do vậy, hiện tại không giống như chính mình, không trùng hợp với chính mình. Nó có liên quan với “sai biệt” và “trì hoãn” (différance). Trên thực tế, cái thứ nhất chỉ có thể là “cái thứ nhất” vì sau đó là cái thứ hai, chính “cái thứ hai” với sự chậm trễ của mình mà tạo ra khả năng có “cái thứ nhất”. Tức là cái ban đầu tự nó không đồng nhất với mình: việc nhắc lại, sao chép, dấu vết, “ghi chép”, v.v. là khởi thủy. Hình thành quá trình vận động bổ sung và thay thế, độc đáo về bề ngoài giống với phép biện chứng: sự bổ sung từ bên ngoài cho chính thể tự đầy đủ, mà nhập vào cái đã bị thiếu, chỉ vì chính thể không phải là chính thể, là cái nhìn chung có thể được bổ sung thêm một cái gì đó.

Theo Derrida, tư duy siêu hình luôn muốn xóa bỏ những dấu ấn chưa có, những dấu ấn sẽ tạo ra sự hiện hữu tự nó. Và điều đó là hoàn toàn dễ hiểu: rất khó tư duy về cái chưa có, vì mọi kinh nghiệm tư duy đều là thử nghiệm, thử thách cái gì đó trong hiện tại. Chính vì vậy mà không một kinh nghiệm riêng biệt nào có thể bác bỏ được triết học về cái hiện có - hiện hữu. Để chỉ ra giới hạn của tư duy siêu hình, thì cần phải có một kinh nghiệm mang tính khái quát nào đó - trải nghiệm văn bản với tư cách văn bản. Văn bản chính là sự thể hiện nguyên tắc khác thường, “quy luật đa dạng”, chưa có nguyên tắc có định hướng thống nhất: đó là một kết cấu thể hiện rõ dấu ấn của nhiều “ghép nối”, nhiều dấu hiệu của những văn bản không thể quy về một tổng hợp nào.

Đặc biệt điều này có liên quan với những câu - đánh dấu, những câu chỉ ra những chỗ dứt đoạn trong văn bản, như “dược liệu” ở Platon (đó vừa là cái ác, vừa là cái thiện, vừa là thuốc độc vừa là thuốc chữa bệnh), “thay thế - bổ sung” ở Rousseau (nguy cơ xâm nhập có vẻ bề ngoài của một nền văn hóa vào tính tự nhiên mà thiếu nó thì không thể có bất kỳ giới tự nhiên nào); “thần hôn nhân” ở Manlarme (tính không thể kết hợp theo lối khác thường giữa trinh tiết và hôn nhân với tư cách là trạng thái phá hủy trinh tiết), v.v...

Trong trò chơi của những nghĩa đó, bộ khung của văn bản được cấu thành. Chẳng hạn, trong một đoạn đối thoại của Platon, Socrates là nhà dược học (tên đao phủ, pháp sư) cái chết của ông vì “dược điện” (thuốc độc) làm cho ông trở thành người chịu tội oan (“Hiệu thuốc của Platon”). Cái thường được coi là công việc của nghệ thuật thì ở đây nó trở thành công việc của triết học. Trong tác phẩm “Về ngữ pháp học”, “Bút pháp và sai biệt” (1967), ông chỉ rõ những dấu ấn của “bút pháp” trong các tác phẩm của Nietzsche và Freud, Husserl và Heidegger, Arteau và Batai, Foucaul và Levinas đã tìm thấy lối thoát ra khỏi thần ngôn cổ điển như thế nào; trong “Các lĩnh vực triết học” (1972), vốn quen coi mình là độc lập và tự đầy đủ, triết học đã buộc phải lên tiếng với tư cách là “cái trống không”, hòa âm theo những văn bản khác; trong “Gieo hạt” (1972), bản thân hình thức và nguyên tắc của tác phẩm bị phủ nhận, còn hoạt động phân định ngữ nghĩa diễn ra giống như “việc gieo hạt” vô tận - theo nghĩa tinh thần và thể xác; “Lập trường” (1972) - tuyển tập những bài phỏng vấn nhằm giải thích rõ những tư tưởng cơ bản của Derrida. Một loạt bài viết của Derrida mang tính chất thử nghiệm thuần túy, không hướng vào gì khác ngoài chính bản thân mình. Đó là “Hành khúc đưa tang” (1974) - sự xung đột rõ nét - ở đôi trang in liền - giữa những tác phẩm của Hegel với những tác phẩm của J. Janet; “Gai nhọn. Phong cách của Nietzsche” (1978) - suy tư chật vật về phụ nữ và những phong cách phù hợp với tư tưởng phê phán “chủ nghĩa ngôn ngữ - nam tính là trung tâm”; “Dẫu đã ký tên: Pongie” (1988) - tác phẩm không phải về F. Pongie và các tác phẩm của ông, mà là về tổ hợp những liên tưởng gây choáng váng được sinh ra bởi những lời

bàn tán về tên tuổi của ông ta. Trong số các tác phẩm lớn nhất ở những năm 80 thì “Tấm danh thiếp. Từ Socrates đến Freud và tiếp theo” (1980) đề cập đến mối tương quan giữa gần và xa, “ở đây” và “ở đó” và một cách tương ứng là những thắng lợi và thất bại trong giao tiếp của con người - trực tiếp hay gián tiếp. “Tâm thần sáng tạo ra cái khác” (1987) hợp nhất các tác phẩm thuộc những thể loại khác nhau xung quanh đề tài chung: tinh thần và tâm hồn là gì? Làm thế nào để có được sự sáng tạo và sự sáng tạo đó do ai thực hiện? Nói chung thì bản thân triết học làm thể nào để có được? Những năm gần đây, Derrida hướng dẫn các cuộc hội thảo đề cập tới các vấn đề “triết học mang tính dân tộc”, phân biệt các truyền thống dân tộc trong tư duy triết học.

Đề cập tới lập trường triết học của Derrida, chúng ta cần phải nhắc tới tác phẩm “Về bút pháp luận” (De la grammatologie, Paris, 1967), vì nó biểu thị rõ nhất và đầy đủ nhất lập trường ấy. Cùng với các tác phẩm đã xuất bản trong thời gian đó - “Tiếng nói và hiện tượng” và “Bút pháp và khu biệt” (1967), nó đã làm cho tác giả trở nên nổi tiếng trong giới triết học hiện đại. “Bút pháp luận” cũng được gọi là một khoa học nhận thức đặc biệt mà, theo Derrida, có nhiệm vụ nghiên cứu vai trò của “bút pháp” được hiểu theo nghĩa rộng trong văn hóa. Nhiều đề tài trong các tác phẩm nêu trên rất gần với những đề tài của chủ nghĩa cấu trúc, nhưng lại được đưa ra theo một cách kiến giải độc đáo. Điều này cho phép coi quan niệm của Derrida là biến thể phê phán và tự phê phán của chủ nghĩa cấu trúc - biến thể mở đầu vấn đề của chủ nghĩa hậu cấu trúc. Bút pháp luận cố thiết lập một cách tiếp cận mới - nghiên cứu bút pháp một cách tổng quát, với tư cách tổng thể những điều kiện để có được khả năng có một nghĩa nào đó. Nhưng, vốn không phải là một khoa học thực chứng, bút pháp luận luôn tìm kiếm con đường đặc thù của mình. Tên gọi chung cho con đường đó “cấu trúc”, là cái bắt nguồn từ tính không hiện có của tồn tại với tư cách tính đầy đủ của sự hiện diện. Các phương tiện do giải cấu trúc tìm ra để ghi nhận những dấu ấn, những khác biệt có nhiệm vụ đưa chúng ta ra khỏi khuôn khổ của siêu hình học Tây Âu hay ít nhất cũng là chỉ ra giới hạn của nó. Cặp khái niệm cơ bản mà xung

quanh đó những thao tác giải cấu trúc khác được xây dựng trong tác phẩm là bút pháp và diễn ngôn [43, tr.42-43]. Trong lịch sử văn hóa, Derrida khẳng định, bút pháp được coi là cái phục tùng diễn ngôn bằng lời, giống như thể xác phục tùng tâm thần, dấu ấn và bản sao phục tùng thần ngôn, tính chất đầy đủ của nghĩa, nét chữ phục tùng hơi thở và âm thanh. Những khuynh hướng siêu hình học chung đó trong tác phẩm “Về bút pháp luận” đã được thể hiện ra qua trường hợp hai nhân vật trung tâm Seaucua và J.-J.Rousseau. Sự không trùng hợp giữa nguyện vọng và lời nói thực tế được thể hiện ra trong văn bản của họ. Chẳng hạn, với luận điểm về địa vị hàng đầu của ngôn ngữ hội thoại đối với bút pháp về bút pháp với tư cách phương tiện thể hiện diễn ngôn, Seaucua đã tự mâu thuẫn với khẳng định của bản thân ông về tính tự do tuyệt đối của ngôn ngữ hội thoại. Với việc chú trọng tới tính tự nhiên “không bị hư hỏng” của diễn ngôn bằng lời, Rousseau trên thực tế đã đi tới các kết luận mà ông không mong muốn. Đó là kết luận rằng, sự hiện diện trên thực tế là sự vắng mặt, còn bản chất hoàn toàn thuần túy, không bị hư hỏng là nơi trú ẩn của những khuyết tật, của cách phân biệt và cấu âm - cái dẫn đến sự phá vỡ tính chất đầy đủ tự thân nó. Những mâu thuẫn đó trong văn bản của các nhà tư tưởng nổi tiếng cho thấy rằng, lời nói với một nghĩa nào đó đã là bút pháp, rằng “ngôn ngữ đầu tiên” chưa bao giờ tồn tại dưới hình thức thuần túy, chưa bị thứ văn viết động tới, rằng cấu âm là bút pháp với nghĩa tổng quát, hay là “siêu bút pháp” - cái tồn tại trước bút pháp và diễn ngôn theo nghĩa thông thường. Những dấu ấn, quỹ đạo được phác họa bằng các khái niệm tự gọt dũa của Derrida (tính tự gọt dũa là cái mà những khái niệm cần đến để không trở nên cứng nhắc và không biến thành cái tuyệt đối) đã lột bỏ sự đối lập giữa tính đồng bộ và tính gián đoạn luôn giày vò những người theo chủ nghĩa cấu trúc. Dấu ấn với tư cách sự sinh thành của cái phi ký hiệu bởi ký hiệu thường gắn kết không gian với thời gian, gắn kết các dãy những cái có nghĩa phác họa và ngữ âm lại với nhau. Theo Derrida, việc kết hợp theo kiểu đó giữa cái phác họa và ngữ âm, không gian và thời gian, ánh sáng và âm thanh, nét chữ và hơi thở sẽ giúp chúng ta đoạn tuyệt với các sơ đồ tư duy mang tính thần

luận là cơ sở của mọi siêu hình học (Thượng đế có thể không cần đến khu biệt (différence) và khác biệt (difference) có thể xem xét tính chất đầy đủ của cái hiện tại - vĩnh hằng, còn con người thì không có khả năng làm điều đó). Bút pháp luận nghiên cứu cách “cùng tham gia của những nguyên nhân đầu tiên” luôn được triển khai tiếp trong các khoa học cụ thể này hay khác, ở thời đại bút pháp này hay khác (chữ tượng hình, chữ tượng thanh; chữ ẩn dụ), và chứng tỏ vấn đề bút pháp là cội nguồn của mọi khoa học.

Từ những tác phẩm nêu trên, có thể trình bày khái quát lập trường triết học của Derrida như sau. Quan điểm triết học do J.Derrida xây dựng được hiểu là chủ nghĩa giải kiến tạo. Giống như nhiều nhà triết học hiện đại khác, Derrida ủng hộ nguyên lý về tính tương đối của ngôn ngữ: đối tượng triết lý có là gì đi chăng nữa thì việc tiếp cận với nó được mở ra không theo cách nào khác như là trong quá trình hoạt động ngôn ngữ. Chính nó cấu thành trung tâm của triết lý. Vấn đề là thực hiện hoạt động ấy như thế nào [44, tr.16-39]. Triết học giải kiến tạo chủ nghĩa giải quyết vấn đề ấy thông qua những luận điểm cơ bản sau đây.

Thứ nhất, hãy bắt đầu triết lý từ việc hình thành các cặp đối lập: cái biểu thị/cái được biểu thị, ngôn ngữ nói/ngôn ngữ viết, trả lời/im lặng.

Thứ hai, hãy đem lại cho cặp đối lập tính chất của nghịch lý và, do đó, hãy hướng tới tư duy nghịch lý.

Thứ ba, giải kiến tạo là làm việc với những thành tố của văn bản, với những từ và những mệnh đề, là việc thay thế chúng bằng một chuỗi những cái thay thế.

Thứ tư, giải kiến tạo là sự bổ sung không chấm dứt những thành tố xuất phát của văn bản.

Thứ năm, hãy thực hiện trò chơi chữ, trong đó các từ được khu biệt và, vốn được đưa vào quá trình thay thế, chúng thực hiện quá trình khu biệt.

Thứ sáu, sự khu biệt biến các từ và các vật chúng biểu thị thành dấu vết của những thành tố xuất phát.

Thứ bảy, hãy đem lại cho mỗi quy tắc hay khái niệm tính chất phản thân dưới hình thức mệnh đề: “A không phải không A có nghĩa là gì?” (thí dụ: “trả lời không phải là không trả lời, tức im lặng, có nghĩa là gì?”).

Thứ tám, hãy thực hiện yêu cầu về khả năng thay thế tuyệt đối, mối liên hệ phổ biến giữa các từ. Vì mục đích đó, hãy sử dụng những sự đối chiếu, những đồng hình, nhưng sự thay thế, những sự hoán đổi giữa các từ và các chuỗi từ, những ẩn dụ, những phúng dụ và những câu dẫn.

Thứ chín, hãy sử dụng rộng rãi sự phân tích các từ về mặt hình thái học và từ nguyên học, kể cả những phiên bản của chúng trong tiếng nước ngoài.

Thứ mười, hãy xem xét giải kiến tạo như việc thực hiện một khát vọng triết lý bí ẩn nào đó.

Thứ mười một, hãy nói ra cùng một điều và đưa nó vào địa điểm khác, tạo ra cơ hội cho thi ca, hãy hướng đến cái đẹp hơn.

Một phần của tài liệu Tư tưởng triết học đạo đức của chủ nghĩa hậu hiện đại qua hai triết gia tiêu biểu Lyotard và Derrida (Trang 54 - 60)