Khái niệm chung về chủ nghĩa hậu hiện đại

Một phần của tài liệu Tư tưởng triết học đạo đức của chủ nghĩa hậu hiện đại qua hai triết gia tiêu biểu Lyotard và Derrida (Trang 30 - 40)

Để hiểu được triết học của chủ nghĩa hậu hiện đại, trước hết cần nắm vững nội hàm của bản thân khái niệm “chủ nghĩa hậu hiện đại”. Một thực tế hiển nhiên là những sự kiện gần đây đã đưa tới việc mở rộng ranh giới của nền văn minh phương Tây: thành phần của nó bao gồm một số nước Đông Âu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, hiện đại hóa theo khuôn mẫu phương Tây hoàn toàn không phải bao giờ cũng trùng hợp với quá trình tham gia vào thành phần của nền văn minh phương Tây. Thí dụ, có thể coi Nhận Bản là nước tiến xa nhất về phương diện hiện đại hóa. Song, cho dù nước này có tiến xa đến đâu trong việc nắm bắt lối sống phương Tây, những quan hệ xã hội và các công nghệ phương Tây, v.v..., thì lẽ nào nó lại có thể trở thành một bộ phận hữu cơ của nền văn minh phương Tây, hơn nữa là nhiệm vụ như vậy không được đặt ra với nó. Tức, hiện đại hóa không đồng nhất với phương Tây hóa. Mặc dù luận điểm này cũng không thể được lý giải một cách có lợi cho các quan điểm về tính đặc biệt và chủ nghĩa biệt lập. Việc thừa nhận tính đa dạng văn minh của thế giới hiện đại đưa chúng ta đến với khái niệm "chủ nghĩa hậu hiện đại".

Chủ nghĩa hậu hiện đại thường được hiểu là lối sống, lối suy nghĩ, tâm trạng đặc trưng cho các xã hội đã kết thúc giai đoạn hiện đại hoá. Nó còn được đồng nhất với xã hội hậu công nghiệp. Theo lý luận hiện đại hóa, đi vào giai đoạn hậu hiện đại hóa bao gồm các nước phương Tây, cũng như các nước không phải phương Tây nhưng đã tìm thấy ở mình lực lượng sáng tạo để tiến hành hiện đại hóa trên cơ sở của riêng mình. Khác với hiện đại hóa thứ sinh, hiện đại hóa trên cơ sở của riêng mình đòi hỏi phải tính đến những đặc điểm dân tộc và văn minh của nước mình, phải có thái độ thận trọng đối với các truyền thống, với tính độc đáo văn hóa. Xã hội hậu hiện đại dường như hợp nhất các đặc điểm của xã hội hiện đại và của xã hội truyền thống, là một sự tổng hợp độc đáo của chúng. Xã hội hậu hiện đại thay đổi triệt để thái độ đối với quá khứ, đối với truyền thống, đối với cái "không hiện đại" - chúng không bị bác bỏ mà lại tích cực tham gia vào thành phần thời hiện đại, giữ một vị trí xứng đáng trong đó.

Khái niệm “hậu hiện đại” được sử dụng để chỉ đặc trưng mang tính tích hợp của xã hội hiện đại, hình thành trong khuôn khổ tự ý thức về văn hóa của xã hội công nghiệp và cho phép đánh giá giới hạn và khả năng của xã hội hiện đại, bối cảnh hiện đại. “Hiện đại” là khái niệm được thừa nhận trong các quan điểm triết học và xã hội học thế kỷ XX để biểu thị giai đoạn hình thành và tiến hóa của xã hội công nghiệp với tư cách xã hội thay thế cho xã hội truyền thống. Văn hóa triết học thế kỷ XX thường đồng nhất thời hiện đại với việc khẳng định và thắng thế của tính hợp lý, của lý tính công nghiệp, của "thiết kế" Khai sáng. Thời hiện đại được gắn liền với sự giải phóng khỏi sự cưỡng chế vô điều kiện của truyền thống và sự bảo hộ của chính quyền, với tự do phán đoán và lựa chọn, với tính năng động của các quá trình xã hội và với sự hiện diện các chuẩn mực, các mệnh lệnh nghiêm khắc mà việc không tuân thủ có nghĩa là đánh mất địa vị xã hội, là khước từ vai trò định trước. Các tác giả nghiên cứu thời hiện đại như một vấn đề trong văn cảnh như vậy là M.Weber, T.Adorno, A.Hayek, P.Ricoeur, H.Arend, G.Marcuse, M.Fouceau, H.Habermas, v.v... Các bộ phận triết học và thế giới quan của nó là các vấn đề về số phận của lý tính trong lịch sử, về lôgíc thực hiện các dự án giải phóng, khai hóa, hiện đại hóa, về khả năng và giới hạn đảm bảo tự do của con người bằng các phương tiện duy lý.

Khái niệm "hiện đại" được các nhà nghiên cứu hiện đại sử dụng rộng rãi như là khái niệm cơ sở đối với khái niệm "hậu hiện đại". Khi đó, cả hai thuật ngữ đều không giả định tính xác định rõ ràng về mặt lịch đại của các giai đoạn lịch sử chúng biểu thị. Thế giới được đánh giá là thế giới hiện đại từ thời điểm hình thành triết học lịch sử Thiên Chúa giáo như triết học nhấn mạnh sự khác biệt của thế giới độc thần mới so với các nền văn minh đa thần Địa Trung hải cổ đại. Ngoài ra, khái niệm “hiện đại” còn có chiều cạnh văn hóa: nó xuất hiện với tư cách là công cụ chống lại các hệ thống xã hội phát triển từ các định hướng tinh thần khác nhau (Thiên Chúa giáo và đa thần giáo); chỉ trong Khai sáng Anh và Pháp và trong chủ nghĩa lãng mạn Đức, trọng tâm lần đầu tiên mới được đặt vào các bình diện triết học và chính trị

của thời hiện đại. Từ thời điểm này, vấn đề thời hiện đại tồn tại như là lời đáp lại tư tưởng về sự tiến bộ vô hạn, vô tận và tất yếu. Việc đồng nhất sự tiến bộ của văn hóa, tri thức với tiến bộ của kinh tế, với tiến bộ của quan hệ kinh tế đạt tới đỉnh điểm của mình; điều này dẫn tới sự nhất thể hóa chúng trên thực tế. Rường cột quan điểm của tư tưởng về thời hiện đại là quan niệm phổ độ toàn thể về các quy luật của lịch sử (thống nhất đối với mọi dân tộc và mọi quốc gia) và là quan niệm quyết định luận về các quy luật phát triển (với tư cách các cơ chế hiện đại hóa mục đích và lý tưởng thể hiện trong nền văn minh công nghiệp phương Tây).

Quan điểm về thời hậu hiện đại là phản đề độc đáo đối với lý luận về tiến bộ. Có các quan điểm khác nhau về thời hiện đại - "chủ nghĩa hiện đại công nghệ" và "chủ nghĩa hiện đại tự do". Những người bảo vệ "chủ nghĩa hiện đại công nghệ" xem thời hiện đại như là xã hội trong đó các lý tưởng của thời đại Khai sáng được thực hiện, sự tương tác có suy xét giữa thế giới người và thế giới tự nhiên điều tiết các phương diện khác của tồn tại xã hội (A.Callinicos). Thời hiện đại không những sinh ra châu Âu mà bản thân nó còn là sản phẩm của châu Âu như một hệ thống xã hội năng động mà sự thịnh vượng đã đến vào thế kỷ XIX, tức thời đại chiếm ưu thế của các lý tưởng văn hóa châu Âu. Cách tiếp cận như vậy đã dịch chuyển ranh giới thời gian lịch sử tồn tại trước thời hậu hiện đại: thời hiện đại được đem đối lập không phải với thời cổ đại mà với tất cả các xã hội truyền thống. Thời hiện đại được đồng nhất với xã hội mà trong đó chủ nghĩa cá nhân và các quan hệ xã hội nhất thể hóa thống trị. Thời hiện đại thể hiện là xã hội hậu truyền thống; các khái niệm của lý luận về thời hiện đại được đồng nhất với các khái niệm về chủ nghĩa công nghiệp và chủ nghĩa tư bản. Vai trò của tư tưởng về thời hiện đại bị hạ thấp trong trường hợp này, vì nó cần phải luận chứng rằng, luận điểm về xã hội như một chỉnh thể hữu cơ không phải là chân lý tuyệt đối, nó bị thủ tiêu và thay thế bằng tư tưởng về sự biến đổi xã hội thường xuyên [60, tr.281]. Hiện nay, những người ủng hộ quan điểm hiện đại chủ nghĩa hạn chế thời cận hiện đại ở giai đoạn lịch sử châu Âu từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, còn

một phần ba cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX được họ đánh giá là thời hiện đại nhờ nhấn mạnh ảnh hưởng của lĩnh vực văn hóa - trí tuệ đến động thái xã hội của thời gian này. Trong văn cảnh đó, khái niệm "hậu hiện đại" có nghĩa rằng, quỹ đạo của quan hệ xã hội đi từ các thể chế của thời hiện đại đến một loại hình xã hội mới. Tri thức về bước chuyển này đã rõ ràng, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa bước chuyển như vậy đã diễn ra.

Đối với các nhà triết học xã hội và các nhà xã hội học theo chủ nghĩa hậu hiện đại (Touraine, Hiddens, v.v...) thì xã hội thời hiện đại là xã hội cá thể hóa, nguyên tử hóa; nó năng động, các mối quan hệ và tương tác xã hội của nó được tính toán một cách hợp lý, hợp lý hóa được, được nhất thể hóa tối đa. Con người thể hiện là đại diện cho giai cấp, nhóm, còn cá tính của nó là "cá tính của tập hợp" (J.Lyotar). Lịch sử thời hiện đại là lịch sử "chia cắt chậm chạp nhưng không ngừng giữa con người, xã hội và tự nhiên" (A.Touriane). Con người xa lánh tự nhiên, đánh mất năng lực tồn tại một cách sáng tạo trong lịch sử và làm ra lịch sử. Khẳng định cho tư tưởng đó là thực tế chủ nghĩa thực chứng đã trở thành không những tình thái tư duy mà còn là tình thái thực tiễn. Phân tích thời hiện đại, các nhà nghiên cứu nó quan tâm đến sự thay đổi các chức năng của con người trong xã hội và lịch sử, sự biến đổi quan hệ của nó với bình diện "hợp lý" và "duy lý" của chỉnh thể xã hội. Họ vạch ra chất lượng mới của thời hiện đại: nó chuẩn bị cho con người sử dụng của cải như là những giá trị mang tính biểu tượng, chứ không phải như là những giá trị sử dụng; con người hiểu đời sống kinh tế và đời sống xã hội theo cách khác, chủ yếu được thổi phồng đáng kể. Từ lập trường quan hệ giữa thời hiện đại và hậu hiện đại, xã hội được xem xét như là một chỉnh thể phức tạp hơn so với từ lập trường quan hệ "chủ nghĩa công nghiệp - chủ nghĩa hậu công nghiệp". Những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại thừa nhận rằng, xã hội hiện đại đã đạt tới một trình độ phát triển, khi mà một mức độ tự do lớn chỉ đạt được khi có sự chuyển biến xã hội của thế giới phương Tây. Họ tập trung không hẳn vào việc nghiên cứu các đặc trưng khách quan của thế giới hiện đại mà chủ yếu vào quan hệ quan hệ "con

người - thể chế", "con người - xã hội", họ có thiên hướng xem xét các sự biến đổi hiện tại trong tâm lý xã hội. Quan điểm về thời hiện đại khắc phục cách tiếp cận xã hội học thiển cận với thế giới công nghiệp, tổng hợp các luận cứ và các khái niệm triết học, xã hội học, tâm lý học và văn hóa học trong tri thức về xã hội. Thời hiện đại thể hiện là đặc trưng cho hoạt động sống của con người thông qua một tổ hợp những quy trình và thể chế được đồng nhất với thời hiện đại. Những người ủng hộ quan điểm về thời hiện đại và thời hậu hiện đại không tán thành định hướng xuất phát của học thuyết về xã hội thông tin (tri thức là quyền lực); tri thức nhiều hơn về thế giới không đảm bảo quyền lực lớn hơn đối với thế giới: những sự hiện xã hội không tương giao với kinh nghiệm của con người. Sự giám sát về mặt công nghệ đối với các thể chế xã hội trên quy mô toàn cầu là không thể. Nhận thức về thời hiện đại thông qua định hướng văn hóa có ý nghĩa then chốt đối với việc lý giải thời hiện đại trong chủ nghĩa hậu hiện đại.

Triết học hậu hiện đại chủ nghĩa ghi nhận mục đích và ý nghĩa của điều kiện và hoàn cảnh bên ngoài là cái đem lại giá trị cho sự tồn tại của con người cá thể trong thế giới hiện đại. Thời hiện đại nhận được địa vị của khái niệm lý luận phổ biến vào những năm 80 thế kỷ XX trước hết là nhờ các tác phẩm của J.Lyotar. Bối cảnh hậu hiện đại trong văn hóa có những bình diện xác định: định hướng hậu hiện đại cho phép xem xét sự phản kháng của thế giới đối tượng chống lại tác động của con người. Trong ý thức hậu hiện đại, người ta ghi nhận tính cạn kiệt của quan hệ với thế giới, khi mà sự cải biến hiện thực phù hợp với thiết kế lý tưởng của nó thể hiện là phương tiện duy nhất có thể để hoàn thiện nó. Thái độ hoài nghi đối với mọi thử nghiệm cải thiện thế giới tạo ra việc khước từ ý định hệ thống hóa các quan niệm về thế giới, hành động trong nó. Chủ nghĩa hậu hiện đại xuất phát từ sự không có khả năng về nguyên tắc trong việc nhận thức đời sống xã hội, con người và thế giới của nó như tổng thể các hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, biểu tượng khép kín, được tổ chức chặt chẽ. Chủ nghiã hậu hiện đại quan tâm tới việc trong xã hội hiện đại đã hình thành một loại hình tư duy mới không phân tích những

khái niệm căn bản bất biến (thiện - ác, yêu thương - căm thù, chủ nghĩa tư bản - chủ nghĩa xã hội, tự do - tất yếu); lý tưởng của tư duy như vậy là tính phi chủ thể, các dòng mong muốn và xung lượng phi nhân cách, những tính tự phát sinh phi cá tính, các khái niệm này thay thế các khái niệm về chủ thể, phản tư, tính ý hướng. Phương thức nhận thức của chủ nghĩa hậu hiện đại gắn liền với sự giải cấu trúc. Sự giải cấu trúc cho phép không xem xét sự kiện như là sự phản chiếu cái phổ biến, mà đòi hỏi phải nhận thấy cái tự trị trong sự kiện và hiện tượng. Hoài nghi tính tự động của truyền thống, lý luận hậu hiện đại chủ nghĩa xác lập một quan hệ mới "thời hiện đại - lịch sử". Trong chủ nghĩa hậu hiện đại, tư tưởng về mối liên hệ giữa hiện tại và quá khứ, quan niệm mang tính chú giải học về quyền lực của hiện tại đối với quá khứ trở thành một định hướng tự giác và bắt buộc về mặt lý luận đối với quá khứ và truyền thống. Khi không khước từ những khả năng sáng tạo của mình, xã hội cùng với quá khứ cấu thành một sự thống nhất năng động, sự thống nhất này chính là xã hội hậu hiện đại.

Như vậy, khái niệm hậu hiện đại phản ánh tính chất và các xu hướng biến đổi về các phương diện văn hóa xã hội, kinh tế và chính trị - tư tưởng do có tác động của giai đoạn cách mạng khoa học - kỹ thuật hiện đại và của cách mạng thông tin, định hướng nghiên cứu chúng. Tương ứng thì khái niệm này được áp dụng để nhấn mạnh xu hướng chuyển tiếp của loài người sang một thời đại mới. Thời đại hậu hiện đại được đặc trưng bởi sự gia tăng đáng kể tính đa dạng văn hóa và xã hội, bởi việc khước từ sự nhất thể hóa từng chiếm ưu thế và các nguyên tắc về tính hợp lý kinh tế thuần tuý, bởi sự gia tăng khả năng đa phương của tiến bộ, bởi việc khước từ các nguyên tắc hoạt động xã hội phổ biến, bởi việc hình thành một hệ thống kích thích và động cơ hoạt động mới của con người, bởi việc gia tăng vai trò của các nhân tố văn hóa.

Thời hậu hiện đại có nghĩa là khẳng định hệ chuẩn đa nguyên, là khước từ chủ nghĩa châu Âu là trung tâm và chủ nghĩa dân tộc là trung tâm, là tuyên bố nguyên tắc đa dạng hóa sự thống nhất văn hóa, là quan tâm tới cá nhân và thế giới nội tâm của nó, v.v... Cách tiếp cận hậu hiện đại chủ nghĩa

trong chính trị học có nghĩa là quan tâm đặc biệt đến sự gia tăng vai trò của tính đa dạng chính trị và văn hóa, đến sự phổ biến ngày một rộng rãi hơn các giá trị chính trị thời hậu hiện đại, đến vấn đề tính nhất thể trong chính trị và

Một phần của tài liệu Tư tưởng triết học đạo đức của chủ nghĩa hậu hiện đại qua hai triết gia tiêu biểu Lyotard và Derrida (Trang 30 - 40)