Hiện trạng của quan hệ con người và tự nhiên trong sự phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa con người và tự nhiên trong sự phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay (Trang 54 - 85)

8. Kết cấu của luận văn

2.1Hiện trạng của quan hệ con người và tự nhiên trong sự phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay

Việt Nam hiện nay

Sau hai mươi năm thực hiện quá trình đổi mới (1986 - 2006) môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên của nước ta đã biến dạng đi rất nhiều. Từng ngày, từng giờ chúng ta phá vỡ sợi dây gắn bó giữa con người với tự nhiên. Đất nước đang trong giai đoạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, còn rất nhiều tàn dư của chế độ xã hội cũ, cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, hệ thống pháp luật còn nhiều vấn đề bất cập cần phải bổ sung ... Những bất cập ở mức độ này hay khác chi phối đến hành động tiêu cực của con người đối với giới tự nhiên.

Sự thay đổi đầu tiên phải kể đến là sự suy giảm đa dạng sinh học. Cho đến nay, vai trò của đa dạng sinh học trong đời sống xã hội và trong phát triển bền vững cho mọi quốc gia đã được thừa nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Công ước đa dạng sinh học năm 1992 đã định nghĩa: Đa dạng sinh học là sự phong phú của mọi cơ thể sống, có từ tất cả các nguồn trong hệ sinh thái trên cạn, ở biển và các hệ sinh thái dưới nước khác và mọi tổ hợp sinh thái mà chúng tạo thành. Đa dạng sinh học bao gồm sự đa dạng trong các loài(đa dạng di truyền hay còn gọi là đa dạng gen), giữa các loài (đa dạng loài), và các hệ sinh thái (đa dạng hệ sinh thái)[8, tr. 2].

Đối với cuộc sống con người, đa dạng sinh học có nhiều giá trị to lớn. Về giá trị kinh tế, đa dạng sinh học là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm hầu như duy nhất cho con người. Đa dạng sinh học là nguồn cung cấp nhiều loại nguyên liệu quý cho công nghiệp chế biến. Theo tính toán của các nhà khoa học, hàng năm đa dạng sinh học cung cấp cho loài người một lượng sản phẩm có giá trị là 33.000 tỷ USD. Trong kế hoạch “Hành động Đa dạng sinh học” của Việt Nam (1995) cũng ước tính, hàng năm việc khai thác tài nguyên

nông lâm nghiệp và thuỷ sản của Việt Nam có giá trị nhiều tỷ USD. Năm 2004, riêng hàng xuất khẩu của ngành thuỷ sản Việt Nam đã có giá trị 2 tỷ USD. Ngành nông lâm nghiệp hiện nay đang quản lý nguồn tài nguyên rừng có giá trị cùng to lớn. Với giá khoảng 250 USD/m3 gỗ (chỉ riêng mặt hàng gỗ làm nguyên liệu giấy) đa dạng sinh học đã cho giá trị khoảng 1,5 tỷ - 3,5 tỷ USD. Đó là chưa kể hàng năm rừng đã cung cấp các mặt hàng lâm sản ngoài gỗ đã có giá trị khoảng 1,5 tỷ USD cho xuất khẩu và cũng khoảng đó cho tiêu dùng trong nước. Theo tổng cục Thống kê, năm 2003 ngành nông lâm nghiệp đóng góp một tỷ lệ đáng kể trong Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) gần 21%. Ngành Lâm nghiệp chiếm gần 1,1% GDP, trong khi đó ngành thuỷ sản chiếm 4% GDP [8, tr.14-15].

Thiên nhiên đã ban cho đất nước ta vẻ đẹp hài hoà, nuôi dưỡng con người, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cuộc sống, văn hoá của con người Việt Nam rất gần gũi với thiên nhiên. Nhiều loài cây, con vật đã trở thành vật thiêng hoặc vật thờ cúng đối với các cộng đồng người Việt. Các khu rừng thiêng, núi thiêng ... là những nét văn hoá độc đáo của nhiều dân tộc miền núi. Nhiều loại động vật hoang dã được thuần dưỡng là bầu bạn với con người, gắn bó với cuộc sống con người hoặc thuần hoá để chăn nuôi làm thực phẩm sử dụng hàng ngày. Biết bao thế hệ con người Việt Nam để sống và tồn tại được thì đều phải dựa vào nguồn tài nguyên vô giá này. Trong quá khứ con người Việt Nam cũng đã biết khai thác, sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học để tạo của cải cho xã hội như nghề: thủ công mỹ nghệ, nhuộm, làm hương, lấy nhựa, lấy sơn...Tuy nhiên, do trình độ dân trí thấp, khoa học kỹ thuật không có cho nên cách thức khai thác chỉ dừng lại ở mức độ thủ công. Nhu cầu tổi thiểu là đảm bảo sự tồn tại của người dân chỉ ở điều kiện đủ.

Khi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật bùng nổ, đặc biệt cách mạng công nghệ thông tin, nền kinh tế thế giới có nhiều thay đổi tác động mạnh mẽ đến các quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Để thực hiện được con đường phát triển đất nước mà Đảng và Nhà nước đã lựa chọn, biện pháp tối ưu là phải thực hiện quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bởi vì chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một xuất phát điểm thấp, nền kinh tế trì trệ, lạc

hậu. Quá trình này giúp đất nước ta tận dụng được những thành quả của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, phát huy được nội lực và tận dụng những yếu tố ngoại lực.

Nhà nước ta chủ trương áp dụng thành tựu của nền văn minh nhân loại trong phát triển nền kinh tế - xã hội, trong công cuộc đổi mới đất nước. Với việc sử dụng khoa học- kỹ thuật trong việc canh tác và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học, theo tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì ít nhất 30% gia tăng năng suất lúa ở nước ta thời gian qua là nhờ tiến bộ khoa học công nghệ. Chẳng hạn, phổ cập giống cây trồng, vật nuôi có năng xuất cao, chất lượng tốt thay thế phần lớn giống cổ truyền. Những mặt đã làm được ở trên đã hợp thành một hệ thống chính sách tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh, làm cho người dân có thực quyền của người làm chủ ruộng đất, quyền tự do mua bán sản phẩm, vật tư, hàng hoá... tạo động lực giải phóng sức sản xuất trong nông thôn, tạo ra tốc độ tăng trưởng GDP tương đối cao và ổn định so với cùng lĩnh vực nông nghiệp của các nước khác trong khu vực. Đời sống của phần lớn nông dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có bước phát triển mới.

Cơ cấu ngành và cơ cấu vùng đã bắt đầu có bước chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Mấy năm gần đây, sau khi đẩy lùi được nạn đói giáp hạt, yêu cầu của sự phát triển và nhu cầu của thị trường người tiêu dùng đang tiến tới không những ăn no, mà phải ăn ngon. Như vậy, khi nền kinh tế có sự thay đổi theo chiều hướng tiến lên, thì nhu cầu của con người cũng đòi hỏi cao hơn. Để đáp ứng nhu cầu này, chúng ta đã thực hiện hoạt động khai thác tự nhiên như khai thác gỗ, củi, thực vật, động vật... phục vụ cho những sinh hoạt của con người. Do có sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật hiện đại cho nên cách thức thoả mãn nhu cầu cũng khác nhiều so với thời kỳ trước đổi mới. Nhưng cũng chính từ đây nảy sinh mâu thuẫn, việc chúng ta áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là cách lựa chọn tối ưu nhưng do trình độ dân trí của người lao động thấp, khả năng vận hành máy móc tiên tiến, hiện đại còn nhiều hạn chế. Đội ngũ kỹ sư có tay nghề của ta còn thiếu và yếu. Chúng ta thực sự chưa có điều kiện để nhập khẩu những máy móc hiện đại nhất, cho

nên những công nghệ khi nhập khẩu vào nước ta thường là đã lạc hậu rất nhiều so với xu thế của thời đại. Người dân lại trải qua một thời kỳ dài rất khó khăn khi họ có điều kiện thoả mãn nhu cầu của mình thì sẵn sàng làm tất cả mà không tính đến những hậu quả về sau.

Tuy rằng hàng nghìn năm nay cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên của mình và rất khôn khéo thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt để trường tồn nhưng khai thác với cách thức, quy mô và tốc độ như hiện nay thì chưa bao giờ đạt tới, do đó mà không thể lường trước hết được những hậu qủa xấu. Đối với một nước nghèo và kém phát triển thì tăng trưởng kinh tế nhanh là một đòi hỏi bức bách, nó là phương tiện chủ yếu để từng bước xoá đói, giảm nghèo, làm cho dân giàu, nước mạnh. Nhưng dường như có tính quy luật, tăng trưởng kinh tế ở các nước kém phát triển thường hay kéo theo những tổn thương nặng nề cho môi trường vì sự tăng trưởng kinh tế ở đó không thể có được nếu như không huy động tối đa các nguồn lực, trước hết là tài nguyên thiên nhiên của quốc gia.

Quá trình đổi mới đất nước đã thực hiện được hai mươi năm, nhưng số lượng tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá nhiều hơn gấp nhiều lần so với số thời gian hai mươi năm ấy.

Trong số tài nguyên đa dạng sinh học phong phú như vậy, biểu hiện tập trung nhất của sự không lường trước các hậu quả khi cố gắng để đạt được một sự tăng trưởng kinh tế nào đó là đất rừng bị tàn phá nặng nề.

Rừng và thảm thực vật rừng là chỗ dựa, là nền tảng của hệ canh tác sản xuất nông lâm nghiệp vùng núi. Do đặc trưng của vị trí địa lý, rừng của nước ta chủ yếu tập trung ở các vùng núi cao và trung du Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên chiếm diện tích tương đối lớn so với diện tích lãnh thổ. Vùng núi của nước ta là địa bàn cư trú chủ yếu của cộng đồng dân tộc thiểu số. Dân số miền núi hiện có khoảng 24 triệu người của 54 dân tộc anh em hiện đang sinh sống trong địa bàn, trong đó có khoảng 9 triệu dân tộc thiểu số, 15 triệu người Kinh. Nông thôn miền núi có khoảng 4 triệu hộ nông dân sinh sống bằng tổng số nông dân của cả nước. Cuộc sống của đồng bào dân tộc miền núi gắn chặt với rừng và đất rừng. Do kinh tế còn lạc hậu, sản xuất mang tính tự nhiên, còn

du canh du cư và phát nương làm rẫy. Cơ cấu chủ yếu là nông lâm, chăn nuôi chưa tách khỏi trồng trọt để đi vào sản xuất hàng hoá. Ngành nghề chưa phát triển làm cho kinh tế miền núi đơn điệu, nặng về nông lâm nghiệp. Đời sống của đồng bào dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp. Tỷ lệ nghèo của miền núi vẫn còn khá cao. Năm 1994 tỷ lệ nghèo đói là 30,4% trong khi cả nước là 18,7%. Năm 2002, tỷ lệ nghèo của miền núi vẫn còn 27,6% tổng số hộ[66,tr. 439]. Số đông người nghèo thường sinh sống ở vùng sâu vùng xa. Một số lớn đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu ở các vùng rừng núi. Cuộc sống xưa nay vốn dựa vào rừng của hàng triệu người và nhu cầu hàng ngày không thể thiếu được về củi làm chất đốt của hàng chục triệu người khác trên khắp đất nước chưa được giải quyết căn bản vẫn đang là mối nguy hiểm thực sự đối với rừng. Bài toán hàng nghìn đời nay về lương thực cho đồng bào trung du và miền núi chưa được giải trong khi lương thực tính theo đầu người cho cả nước hiện chưa cao nhưng thật ra không thiếu. Trong khi đó, phương thức khai thác tài nguyên rừng của đồng bào dân tộc thiểu số là không bền vững (đốt nương, du canh, du cư, khai thác bừa bãi không có kế hoạch...). Vì vậy, càng đói nghèo tác động của nhóm dân cư này lên tài nguyên rừng càng mạnh mẽ. Họ vẫn cứ tiếp tục khai thác rừng nếu như họ không có nguồn thu nhập nào khác. Đó là phương thức sống duy nhất của họ. Một vấn đề nguy hại hơn nữa vì đồng bào dân tộc thiểu số hầu hết trình độ dân trí thấp, thậm chí mù chữ trong khi đó kênh thông tin về việc tuyên truyền chính sách văn hoá xã hội của Đảng và Nhà nước thường chậm, ít mang tính thời sự. Vì vậy, khi tiếp cận với những cách thức khai thác có tính huỷ diệt họ sẵn sàng lựa chọn mà không tính đến những hậu quả về sau.

Bên cạnh nhóm đối tượng khai thác rừng là đồng bào dân tộc thiểu số, thì nhóm đối tượng thứ hai là lâm tặc. Thực chất, lâm tặc cũng là một bộ phận dân cư sống nhờ vào việc buôn bán lâm sản, đây cũng có thể coi là nghề để kiếm sống của họ. Khi nền kinh tế thị trường phát triển, áp lực của thị trường về những sản phẩm chế biến từ gỗ (đồ dùng sinh hoạt, thủ công mỹ nghệ...) tăng lên. Những bộ phận dân cư thấy được lợi nhuận quá lớn thu về từ việc vận chuyển, buôn bán, khai thác lâm sản cho nên chính họ cũng là một tác

nhân gây nên tình trạng cạn kiệt tài nguyên rừng. Với mục tiêu là lợi nhuận cho nên lâm tặc sẵn sàng sử dụng những phương tiễn kỹ thuật để hỗ trợ cho việc khai thác trái pháp luật của mình. Có rất nhiều dẫn chứng cho thấy lâm tặc đã sử dụng những dụng cụ chuyên dụng như: cưa máy, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiên chuyên trở... để khai thác và vận chuyển. Có những cánh rừng chỉ sau một đêm mà đã trở thành bãi đất hoang. Theo nguồn thông tin trong Bản dự thảo số 1 về hiện trạng môi trường quốc gia chỉ tính riêng tháng 6 năm 2005, đã phát hiện được 275 vụ vi phạm khai thác lâm sản trái phép, 1533 vụ mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép [8, tr. 250]. Mặc dù chính phủ cũng đã ban hành luật và sử dụng nhiều chế tài đối với việc khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép nhưng mức độ và hiệu quả đạt được không nhiều, trong khi đó rừng vẫn ngày đêm bị tàn phá.

Trong Kỷ yếu hội nghị khoa học về môi trường và phát triển bền vững

chỉ ra rằng những năm qua rừng đã bị tàn phá nặng nề, hàng năm diện tích rừng mất đi là 100.000 ha trong đó cháy rừng là 10.000ha, đốt nương làm rẫy là 20.000ha, khai thác bừa bãi chặt lạm quá mức 20.000ha và khai hoang trồng cây công nghiệp 50.000ha. Do tình trạng phá rừng nên độ che phủ của rừng đã giảm từ 43% năm 1943 xuống còn 28,9% năm 1993. Tỷ lệ che phủ rừng được coi là thấp hơn nhiều so với ngưỡng của môi sinh [66, tr. 438].

Bên cạnh đó, chúng ta còn chịu sức ép tăng dân số. Khi dân số tăng mức độ đáp ứng nhu cầu của con người cũng tăng theo. Trong vòng 15 năm (1990 - 2004) dân số nước ta tăng hơn 16 triệu người từ 66,0167 triệu người năm 1990 tăng đến 82,069 triệu người năm 2004. Bình quân mỗi năm tăng thêm một triệu người. Đặc biệt dân số thành thị tăng nhanh (tăng thêm hơn 8 triệu người trong vòng 15 năm). Việt Nam là nước có mật độ dân số cao. Mỗi km2 diện tích đất tự nhiên phải tạo đủ sản phẩm để nuôi sống 240 người. Nếu tính riêng đất nông nghiệp thì 1 ha phải nuôi được 860 người. Một số tỉnh miền núi có mật độ dân số tăng nhanh trong những năm gần đây, tỉnh KonTum tăng từ 32,7 người/ km2(2000)lên 37,1 người/ km2(2003), tỉnh Lai Châu tăng từ 34,7 người/km2 (2000)lên 37,9 người/ km2 [8, tr. 17- 18]. Do sức ép của việc tăng dân số mà nhu cầu lương thực trở nên vô cùng cấp bách,

vì vậy tăng diện tích trồng cây lương thực chủ yếu là lúa là đương nhiên. Song tăng như thế nào và tăng ở đâu cho hợp lý thì không được tính toán đầy đủ. Chủ trương phá 20.000 ha rừng đước nhằm tăng sản lượng lúa ở tỉnh đồng bằng cực Nam của đất nước là Minh Hải đã dẫn đến kết cục là rừng mất, lúa cũng không được thu hoạch vì đất mặn và phèn chua [11, tr. 700]. Tài nguyên thiên nhiên thì có hạn mà nhu cầu của con người thì ngày càng tăng. Để giải quyết mâu thuẫn giữa cung và cầu trong nền kinh tế thị trường cách lựa chọn tối ưu nhất của người dân là sử dụng những phương tiện kỹ thuật để chặt cây, phá rừng với mục đích nhanh nhất, nhiều nhất.

Vì vậy, vấn đề thực ra là ở chỗ muốn bảo vệ được tài nguyên thì trước hết phải chú ý đến con người, phải giúp họ giải quyết được những nhu cầu tối thiểu, phải có chính sách thích hợp và sự điều hành vĩ mô hữu hiệu của Nhà nước. Cụ thể là phải thay đổi cơ chế quản lý, cần có một tổ chức thống nhất quản lý đủ khả năng giải quyết những vấn đề khoa học, kỹ thuật và xã hội

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa con người và tự nhiên trong sự phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay (Trang 54 - 85)