TRONG HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU THỦY SẢN CỦA VIỆT NAM
3.1. Xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu cho từng địa phương
Như đã phân tích ở trên, việc phát triển không ổn định và không bền vững của thủy sản Việt Nam, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và một trong những nguyên nhân đó là do thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và các doanh nghiệp sản xuất.
Về phía nông dân, đại đa số các hộ nuôi trồng thủy sản là tự phát, sản xuất đại trà nhưng chủ yếu đầu ra của các hộ nông dân là thông qua thương lái điều này làm cho giá cả không ổn định. Khi nông dân trúng mùa thì giá thu mua thấp, nông dân nếu không muốn bán cho thương lái thì không biết tiêu thụ ở đâu, khi giá cả lên cao thì nông dân thất mùa, không có hàng để bán, như vậy, nông dân thường xuyên bị thương lái ép giá gây thiệt thòi rất nhiều.
Về phía các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thì do không có mối liên hệ trực tiếp với nông dân nên đầu vào của họ cũng chỉ thông qua thương lái, vì vậy, giá cả nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thường khá cao (trong khi nông dân lại thường xuyên bán với giá thấp). Đồng thời khi thất mùa, nguồn cung hiếm thì các thương lái chủ yếu thu mua hàng để bán lẻ ra thị trường để có giá cao hơn so với việc bán cho các công ty chế biến, xuất khẩu làm cho các công ty đôi khi lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu sản xuất, không đủ khả năng thực hiện hợp đồng gây mất lòng tin và uy tín đối với khách hàng làm cho ngành thủy sản không xây dựng được thương hiệu và mất chỗ đứng trên thị trường. Vì vậy, để người nông dân có bán hàng được giá cao hơn, không bị thương lái ép giá còn doanh nghiệp thì có thể đảm bảo được nguồn hàng để thực hiện hợp đồng và xây dựng thương hiệu cũng như thiết lập vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì việc xây dựng một chuỗi cung ứng phù hợp cho ngành này là thực sự cần thiết.
Muốn xây dựng được chuỗi cung ứng này một cách thành công thì trước hết nên lập một chiến lược hỗ trợ về cơ chế chính sách cũng như một phần ngân sách để tổ chức các buổi hội nghị hội thảo để trao đổi thông tin trực tiếp giữa doanh nghiệp với nông dân, xây dựng vùng thí điểm mô hình, sau đó nếu thành công sẽ tiếp tục nhân rộng ra toàn tỉnh để
tránh gây hoang mang cho người dân. Mô hình chuỗi cung ứng đơn giản, phù hợp để áp dụng cho ngành thủy sản được thể hiện như hình bên dưới.
Trong mô hình này, các tỉnh nên kêu gọi sự liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lại với nhau thành một tổ hợp. Trong tổ hợp đó, máy móc thiết bị và dây chuyền sản xuất, chế biến sẽ tập trung về một hoặc hai chỗ có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại và tốt nhất để chỉ tập trung vào nghiên cứu sản xuất và phát triển sản phẩm chứ không kinh doanh. Còn lại hai đến ba doanh nghiệp sẽ phụ trách công tác marketing và bán hàng, nói cách khác, hai hoặc ba công ty này chỉ chịu trách nhiệm tìm kiếm khách hàng và giới thiệu sản phẩm mà thôi chứ không sản xuất (tránh phân tán lực lượng). Và một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa là công tác đảm bảo nguồn cung. Nên có ít nhất một số đại lý làm công tác thu mua nguyên liệu từ nông dân, đại lý này đóng vai trò vệ tinh “chân rết” của tổ hợp. Đại lý đó sẽ đặt tại địa bàn sản xuất của nông dân để thuận tiện cho việc thu mua sản phẩm và đồng thời tiếp xúc với nông dân để hiểu được nguyện vọng của người dân, từ đó đề xuất cách thức hỗ trợ nông dân cho hợp lý. Ở đại lý vệ tinh này cần phải bố trí một vài lỹ sư có năng lực để vừa có thể tư vấn giúp nông dân các vấn đề về dinh dưỡng, tỷ lệ thành phần các chất được phép và không được phép có trong thức ăn chăn nuôi để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ngoài ra, đội ngũ kỹ sư này cũng sẽ thường xuyên giúp nông dân kiểm tra,
phổ biến các biện pháp kỹ thuật phòng ngừa dịch bệnh trong chăn nuôi… Đồng thời với những sự hỗ trợ trên, tổ hợp cũng có thể hỗ trợ nguồn thức ăn, thuốc cho một số hộ nông dân hoặc có thể ứng trước một khoảng chi phí để nông dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, để có thể đạt hiệu quả tốt nhất thì tổ hợp nên ký với từng hộ nông dân hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá phù hợp và tốt cho nông dân, có như vậy thì nông dân mới đảm bảo được đời sống và sẽ trung thành với tổ hợp, đảm bảo cung cấp cho tổ hợp tất cả sản lượng nuôi trồng của mình giúp doanh nghiệp đảm bảo duy trì được sản xuất và chuyên tâm đầu tư vào phát triển thị trường.
Để có thể tồn tại được trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là thực sự cần thiết. Nếu triển khai hiệu quả mô hình chuỗi cung ứng thì ngành thủy sản sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh hơn và bền vững hơn để có thể đóng góp ngày càng nhiều cho GDP, giúp ổn định và nâng cao đời sống của người dân. Và phát triển ổn định là mục tiêu của tất cả các địa phương, vùng miền, quốc gia.