B. NỘI DUNG
2.5 Một số lỗi thường gặp trong khi lựa chọn dẫn chứng
Không phải bài làm của học sinh giỏi thì không mắc lỗi về trình bày dẫn chứng. Trong quá trình làm bài, nhiều học sinh hấp tấp hoặc tư duy kém đã không biết cách lựa chọn dẫn chứng tốt nhất để phục vụ mục đích của bài làm. Nhiều bạn mắc lỗi về dẫn chứng như: lựa chọn dẫn chứng không sát, dẫn chứng không tiêu biểu hoặc không sắc nhọn, đưa dẫn chứng theo kiểu liệt kê mà không phân tích, phân tích dẫn chứng chưa sâu, dẫn chứng quan trọng thì không phân tích kĩ mà lại phân tích kĩ dẫn chứng không quan trọng….Đối với kiểu đề làm sáng tỏ một nhận định lí luận qua việc phân tích một vài tác phẩm văn học, các
bạn học sinh giỏi thường phân tích nhưng không bám vào và trở lại xoáy vào nhận định lí luận, gần như tách biệt giữa phần lí luận và phân tích tác phẩm rời rạc.
Ví dụ: cùng một đề bài dưới đây nhưng có những bạn biết chọn dẫn chứng và có bạn thì không biết phân tích dẫn chứng.
Đề bài: Bàn về thơ, Viên Mai quan niệm: “Thơ phải do cái tình sinh ra và đó phải là những tình cảm chân thật”. Bình luận ý kiến trên và làm sáng tỏ vấn đề qua việc phân tích bài thơ “Cảnh ngày hè ( Nguyễn Trãi )”.
Bài làm của học sinh:
Không ai biết chính xác thơ ra đời từ đâu và từ bao giờ. Có thể ngay từ khi con người xuất hiện trên đời này cũng là lúc thơ ca được ban cho sự sống. Thơ thai nghén trong tâm hồn, trái tim của những người nghệ sĩ và trong giây phút thăng hoa của cảm xúc mãnh liệt, các thi sĩ tạo ra thơ và giấu vào trong đó những tình cảm mãnh liệt của trái tim mình. Thơ ca ra đời là như thế. Bàn về nguồn gốc của thơ ca, Viên Mai quan niệm Thơ phải do cái tình sinh ra và đó
phải là những tình cảm chân thật.
Thơ ca là thể loại trữ tình bộc lộ trực tiếp cảm xúc của cái tôi tác giả trước hiện thực đời sống. Ngôn ngữ thơ ca cô đọng, hàm súc và giàu hình ảnh. Thơ ca khác hẳn với đại đa số các tác phẩm tự sự ở chỗ có nhạc điệu, tính nhạc và có vần. Mặc dù gần đây, nhiều nhà thơ lại chuộng lối viết thơ với những câu thơ dài, không có nhịp điệu rõ ràng. Thơ xuất phát từ tình cảm của trái tim thi sĩ. Tình cảm đó bùng phát rất bất ngờ, rất tình cờ, không hẹn trước, không báo trước và người nghệ sĩ phải nắm được nó, thả hồn phiêu theo dòng cảm xúc dạt dào. Chỉ khi thăng hoa, người nghệ sĩ mới có thể tạo ra các tác phẩm thơ ca có giá trị. Vì vậy, chẳng ai có thể đặt hàng trước một bài thơ như một cuốn tiểu thuyết, vì thơ chỉ ra đời khi nhà văn bắt được cái đó chín trong cảm xúc của mình, đẩy nó lên đến mức cao nhất và viết ra những đứa con thơ của mình.
Nếu không xuất phát từ tình cảm thì thơ sẽ chẳng còn là thơ nữa. Tình cảm và cảm xúc chính là cội nguồn của thơ ca. Người đọc thưởng thức thơ cũng chính là để tìm lục đằng sau những câu chữ ngôn từ một tình cảm, cảm xúc chân thật, mãnh liệt, một triết lí, bài học mà nhà văn muốn gửi gắm. Tình cảm trong
thơ không phải là tình cảm đơn thuần, đó phải là những giọt tình cảm tinh túy được chiết xuất từ trái tim. Một tác phẩm thơ chân chính không thể dung nạp những tình cảm hời hợt, sáo rỗng, nhạt nhòa. Đó phải là những cảm xúc thăng hoa của trái tim, thấm nhuần tư tưởng và siêu thăng dưới ánh sáng của lí tưởng thời đại thì mới có thể tạo nên những kiệt tác vĩ đại, in sâu vào lòng người đọc. Vì chỉ có những tình cảm mãnh liệt mới có đủ khả năng kết nối những tâm hồn đồng điệu, hướng con người tới cái tốt, cái đẹp và phê phán cái ác, cái xấu. Một tình cảm chân thật sẽ cảm hóa được hàng triệu trái tim. Một con mắt nhân đạo sẽ thắp sáng hàng triệu tâm hồn. Một bài thơ vĩ đại sẽ thay đổi cuộc sống của hàng triệu con người. Vì với thơ, tình là gốc và những tình cảm chân thật đó sẽ kết nối, cảm hóa trái tim của con người.
Thế nhưng thơ không chỉ đơn giản là tình cảm. Muốn tạo ra một tác phẩm thơ có giá trị cần phải có sự kết hợp hài hòa của tình cảm và nghệ thuật, tức là cảm xúc bên trong và hình thức bên ngoài. Nếu thơ mà chỉ có hình thức mà không xuất phát từ tình cảm thì sẽ chỉ là những câu từ có vần, có nhịp chứ chưa phải là thơ ca và người tạo ra tác phẩm đó chỉ là những người thợ chứ không phải nhà thơ chân chính. Còn nếu chỉ có tình cảm mà bỏ qua mặt nghệ thuật thì bài thơ sẽ rơi vào hố sâu tình cảm, không thể tìm thấy đường ra. Một tác phẩm chỉ được coi là kiệt tác vĩ đại khi nó là sự kết hợp hài hòa, tinh tế và sáng tạo giữa tình cảm bên trong và hình thức bên ngoài.
Câu nói trên của Viên Mai cũng đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của người nghệ sĩ và độc giả trong quá trình sáng tác và thưởng thức thơ ca. Trên cương vị là một người nghệ sĩ, các nhà văn cần phải sống với nghệ thuật, rèn luyện cho mình một đôi mắt tinh tế và một tâm hồn nhạy cảm với cuộc sống. Bên cạnh đó còn cần phải nắm được những giây phút thăng hoa của cảm xúc để tạo ra những vần thơ có giá trị. Còn đối với độc giả, khi thưởng thức thơ ca cần phải nghiền ngẫm suy nghĩ và tìm ra trong bài thơ tình cảm và các triết lí nhân sinh mà nhà văn muốn gửi gắm thông qua tác phẩm của mình.
Câu nói của Viên Mai đã đề cập đến nguồn gốc, một đặc trưng cơ bản của thơ ca, đó là tình cảm. Và những tình cảm trong thơ phải là tình cảm chân thật, trong sáng thuần khiết và mãnh liệt.
Trong nền văn học Việt Nam, Nguyễn Trãi xứng đáng là một đại thi hào dân tộc. Thơ Nôm của ông là bông hoa đầu mùa tuyệt đẹp, hứa hẹn một vụ mùa bội thu của nền văn học dân tộc. Với tập thơ Quốc âm thi tập bằng chữ Nôm, Nguyễn Trãi đã làm nên niềm tự hào của dân tộc. Tập thơ với 254 bài thơ đã thể hiện sâu sắc chân thực con người của Ức Trai cũng như những suy nghĩ, trăn trở và nỗi niềm của ông. Và trong số đó, bài thơ Cảnh ngày hè là một trong những bài thơ không chỉ khắc họa chân dung của một thi sĩ với tâm hồn nhạy cảm yêu thiên nhiên mà còn thể hiện suy tư của một vị khai quốc công thần, hết lòng vì dân vì nước.
Cảnh ngày hè đã thể hiện sâu sắc tình yêu thiên nhiên của Nguyễn Trãi
thông qua bức tranh ngày hè tươi vui, tràn đầy sức sống:
“Hòe lục đùn đùn tán rợp giương Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”
Bức tranh mùa hè với gam màu nóng kết hợp hài hòa với màu xanh của lá cây đang độ mơn mởn. Đọc câu thơ ta tưởng tượng như đang hiện trước mắt khung cảnh mùa hè tràn đầy sức sống với màu đỏ của thạch lựu, màu hồng của vườn sen, bên trên là ánh chiều tà đang dần buông xuống, những chiếc lá xanh màu đậm điểm xuyết giữa trùng trùng nào hoa lựu, cây hòe lục…Sự kết hợp tuyệt vời giữa màu sắc càng được tô đậm bởi đường nét của hoa lá. Tất cả đều trong trạng thái ứ đầy, chỉ trực chờ gạt bỏ hết mọi chướng ngại vật để trào ra, tuôn ra khoe sắc với đời. Nguyễn Trãi dường như đã đắm mình trong cảnh sắc tuyệt vời của thiên nhiên mùa hè. Ông thưởng thức từng sự vật, quan sát một cách tinh tế để cảm nhận sự căng tràn sức sống hiện hữu sau mỗi bông hoa, chiếc lá của thiên nhiên.
Không chỉ có vậy, Nguyễn Trãi còn lắng nghe âm thanh của thiên nhiên, của cuộc sống để đưa nó vào trong bức tranh của mình:
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”
Biện pháp đảo ngữ nhằm nhấn mạnh âm thanh tuyệt vời của cuộc sống. Đồng thời cũng giúp người đọc hình dung dường như Nguyễn Trãi đang nhắm mắt vào, lắng tai nghe mọi chuyển động xung quanh và khi bắt gặp một âm thanh nào đó, ông mới vội mở mắt ra xem nó là gì. Nguyễn Trãi đã yêu và trân trọng vẻ đẹp của cuộc sống thiên nhiên đến độ như vậy.
Thế nhưng trong bài thơ, ta vẫn không thấy một Nguyễn Trãi hoàn toàn hòa mình vào thiên nhiên:
“Rồi hóng mát thuở ngày trường”
Tại sao được hóng mát mà Nguyên Trãi lại thở dài ? Nhịp câu thơ chậm, buồn như một tiếng thở dài não nề trước sự nhàn rỗi. Bởi lẽ Nguyễn Trãi là một người hết lòng yêu nước, thương dân và không phải tự nhiên ông lại về quê để hòa mình vào thiên nhiên như vậy. Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thành công, Lê Lợi lên ngôi vua, do nghe một số tên lộng thần nên đã nghi ngờ Nguyễn Trãi. Thi sĩ không được trọng dụng nên đành về ở ẩn, sống một cuộc sống “nhàn rỗi”. Thực chất ông không hề muốn một cuộc sống như vậy. Với một người tích cực nhập thế như Nguyễn Trãi, trong khi đất nước lại vừa thái bình, điều ông muốn là trị nước an dân, chăm lo đời sống của toàn dân, chứ không phải có thời gian rảnh rỗi của một ngày dài. Ông muốn có một chiếc đàn như vua Nghiêu Thuấn, đàn khúc Nam phong đất nước thái bình:
“Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng Dân giàu đủ khắp đòi phương”
Cái tình trong “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi là sự kết hợp giữa tình yêu thiên nhiên sâu sắc và lòng yêu nước, thương dân, muốn cho nhân dân một cuộc sống no đủ. Tình cảm là nguồn gốc của thơ ca. Và tình cảm trong thơ phải là những tình cảm chân thật mãnh liệt.
Như vậy bài viết của em học sinh trên đã mắc lỗi phân tích dẫn chứng sa rời với nhận định lí luận khiến bài văn rời rạc trong mạch lập luận, thiếu tính liên kết lôgic. Hầu hết học sinh đều mắc lỗi tách rời dẫn chứng và nhận định lí
luận. Khi phân tích dẫn chứng các em chưa biết trở lại xoáy vào nhận định cho sâu sắc. Vì thế giáo viên luyện đội tuyển học sinh giỏi phải cho viết nhiều lần để rèn cho các em kĩ năng này.