B. NỘI DUNG
1.6.1. Dẫn chứng tác phẩm văn học
Đối với bài viết của học sinh giỏi, yêu cầu về dẫn chứng tác phẩm văn học cực kì phong phú. Để bài viết sâu sắc, học sinh sẽ phải vận dụng cả Văn học dân gian Việt Nam, Văn học trung đại Việt Nam và Văn học Việt Nam hiện đại. Đôi khi cần huy động thêm văn học nước ngoài để mở rộng kiến thức và so sánh đối chiếu để rút ra nhận xét về điểm tương đồng, khác biệt.
Ví dụ Đề bài :
“Chủ nghĩa lãng mạn tích cực thường đem những nhân vật có tình cảm mạnh mẽ và lí tưởng đẹp đẽ để đối lập với thực tế nghèo nàn và thù địch xung quanh” ( Tr 142. Lí luận văn học, Tập 3, Phương Lựu chủ biên ).
Bình luận ý kiến trên và chứng minh qua các tác phẩm văn học lãng mạn tiêu biểu.
Với đề bài này, học sinh sẽ không chỉ sử dụng dẫn chứng là tác phẩm của Văn học lãng mạn Việt Nam 1930 – 1945 như “Chữ người tử tù”, “Hai đứa
trẻ” mà còn vận dụng cả tác phẩm văn học lãng mạn nước ngoài như “Những người khốn khổ” (Victor Huygô ).
Để chứng minh cho đề bài bàn về vai trò của chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn: Sứ mệnh của thể loại truyện ngắn đặt lên vai các chi tiết nghệ thuật trong
truyện ngắn là những người tí hon mang nhiệm vụ khổng lồ, học sinh đã lấy dẫn
chứng về chi tiết bát cháo hành trong tác phẩm Chí Phèo: “Chi tiết bát cháo
hành xuất hiện ở gần cuối thiên truyện. Chí Phèo sau khi uống rượu ở nhà Tự Lãng không về túp lều của mình mà ra thẳng bờ sông. Ở đó bắt gặp Thị Nở - “người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn, đã thế lại dở hơi, dòng giống của nhà có ma hủi. Người ta tránh thị như tránh một vật nào rất tởm”. Trong khung cảnh nên thơ hữu tình, trăng lấp lánh trên mặt sông, gió thổi mát rượi và những tàu lá chuối “giãy đành đạch như hứng tình”, cùng với hơi men của rượu đã đưa đến một mối tình của hai con người đáng thương Chí Phèo - Thị Nở. Sau đêm trăng gió ấy, Chí bị cảm. Thị thương tình, sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, thị chạy đi tìm gạo và nấu cháo hành mang sang cho Chí.
Bát cháo hành - biểu tượng của tình người ấm nóng duy nhất còn sót lại những nơi khô khát yêu thương. Bát cháo hành đối với mỗi người nó chỉ là những thứ vặt vãnh, vụn vặt, nhất là khi cháo lại nấu bằng bàn tay Thị Nở. Cháo ấy có ngon không ? Chúng ta không biết, chỉ biết một điều nó chan chứa tình người. Một tình người rất thật rất hồn nhiên, vô tư mà không vụ lợi. Nó chỉ đơn giản là bởi thị thấy Chí bị “thổ một trận nhọc” mà không có ai chăm sóc và thị nghĩ ốm như thế thì chỉ có thể ăn cháo hành. Những tình cảm của con người vô lo, vô nghĩa dành cho một con quỷ dữ làng Vũ Đại quả là đáng quý, trân trọng biết bao! Thị Nở xuất hiện cùng với bát cháo hành thổi bùng lên khát vọng yêu thương mà chưa một lần Chí được hưởng. Tình yêu quả là sức kì diệu lớn lao. Mối tình ấy mang trong mình dáng hình một dòng sông sâu chảy. Ở nơi tha thiết ấy, mỗi người lại tìm lại được chính mình. Nhà văn đã phát hiện ra vẻ đẹp tiềm ẩn đằng sau vỏ bề ngoài xấu xí, dở hơi của Thị Nở là khát khao hạnh phúc nhân bản, là tình người giản dị, ấm áp.
Đặt giữa làng Vũ Đại, có lẽ chỉ mình Thị Nở xứng đáng được gọi là người hơn cả. Chính tình yêu thương chân thành, không vụ lợi đã đánh thức phần Người trong Chí. Bát cháo hành giờ đây như một vị thuốc giải cảm. Lần đầu tiên sau khi bị thổ vì say rượu, Chí nhận ra bức tranh cuộc sống đời thường với “những ánh mặt trời rực rỡ”, “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá”, “tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”, “tiếng nói cười ríu rít của những người đi chợ”…Trong những giây phút tỉnh táo, Chí lại nao nao buồn và những kí ức xa xôi trong quá khứ bỗng trở về trong Chí. Ước mơ của một thời niên thiếu “có một gia đình nhỏ. Chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải như xa lắm. Trận ốm đã làm cho hắn biết cái sợ, thấy mình ở cái dốc bên kia cuộc đời, sợ tuổi già, đói rét và ốm đau “già rồi mà vẫn còn cô độc”. Vì thế anh thấy buồn tiếc, bâng khuâng “Chao ôi, buồn! Buồn thay cho đời”. Nhận bát cháo từ tay thị mà hắn “ngạc nhiên và xúc động”. Con quỷ dữ từng làm đổ máu và nước mắt biết bao người dân lương thiện nay thấy “mắt mình ươn ướt” bởi đây là lần đầu tiên Chí không phải dọa nạt hay cướp giật mà vẫn được người khác cho ăn. Chí ăn cháo và thấy cháo hành ăn rất ngon”. Tình người lần đầu tiên Chí nhận được thì sao không ngon cho được. Sự chăm sóc đầy ân tình dẫu chăng còn thô vụng nhưng thật đáng quý biết bao. Còn gì đáng quý hơn khi người ta ốm một mình mà lại được một bàn tay chăm sóc như thế. Bát cháo hành - một sự quan tâm, chăm sóc vô tư của Thị Nở làm Chí nghĩ tới bà Ba Bá Kiến. Hai người đàn bà quan tâm tới Chí nhưng một người mặt hoa da phấn, quần áo là lượt nhưng tâm địa tà dâm chỉ cốt thỏa mãn bản thân, một người xấu ma chê quỷ hờn nhưng tâm địa tốt, quan tâm Chí thật lòng. Bát cháo hành trên tay nghi ngút làm cho Chí “mồ hôi vã ra như tắm” bởi đây là lần đầu tiên Chí được chăm sóc bởi tình yêu mộc mạc của một người đàn bà. Chí nhìn bát cháo hành bốc khói mà bâng khuâng “Hắn thấy lòng mình thành con trẻ, hắn muốn làm nũng thị như với mẹ. Ôi sao mà hắn hiền!”. Bát cháo tưởng vặt vãnh đã trở thành liều thuốc giải cảm hữu hiệu cho Chí.
Bát cháo hành - vị thuốc giải độc của cuộc đời Chí. Không chỉ giải cảm, nó còn là tình người duy nhất đã thức gọi phần lương tri ngủ quên trong lốt “con
quỷ dữ làng Vũ Đại”. Từ ăn năn hối lỗi, Chí bỗng thèm lương thiện! Hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Khát khao bùng trỗi dậy mãnh liệt khiến Chí dồn hết hy vọng vào Thị Nở - cây cầu đưa hắn về cuộc đời lương thiện. Bát cháo hành đã hoàn thành thiên chức thức gọi tình người, khơi hòn than đỏ vùi trong đống tro tàn đang âm ỉ, đưa Chí qua một cuộc lột xác để trở về lương thiện.
Nhưng bát cháo hành cũng là chi tiết đẩy bi kịch của Chí lên đến đỉnh điểm, dẫn tới một kết cục thảm thương đầy đau đớn…” (Lý Diệu Linh – Văn k28 THPT Chuyên Thái Nguyên ).
Như vậy, trong bài văn trên, học sinh đã dùng dẫn chứng đó là chi tiết bát cháo hành trong tác phẩm Chí Phèo để làm sáng tỏ vấn đề lí luận. Để có dẫn chứng về tác phẩm văn học đòi hỏi học sinh phải đọc nhiều và am hiểu nhiều về tác phẩm văn học trong và ngoài nhà trường.