Từ những kết luận nghiên cứu thu được, nhóm nghiên cứu xin đề xuất một số chính sách liên quan như sau:
Thứ nhất, vì mức chuyển của tỷ giá hối đoái đến các mức giá nội địa là
trung bình thấp, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng, hơn nữa các tác động này đến lạm phát bị triệt tiêu hoàn toàn sau tháng thứ 3, cùng với việc tỷ giá VND/USD của các NHTM luôn kịch trần cũng như việc chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do tương đối cao, do vậy Ngân hàng
trung ương nên áp dụng một cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, mở rộng biên độ dao động. Điều này sẽ tạo ra sự tự do hơn cho chính sách tiền tệ để thực hiện các mục tiêu vĩ mô khác.
Thứ hai, ngoài ra nghiên cứu cũng phát hiện rằng sự can thiệp của NHNN vào thị trường ngoại hối đôi khi đã làm nhiễu và trầm trọng thêm các vấn đề của nền kinh tế do vậy chính sách điều hành tỷ giá cần linh hoạt theo thị trường nhằm giảm bớt những hạn chế của cơ chế tỷ giá hiện tại, nếu không sự can thiệp quá mức của NHNN có thể sẽ làm tổn thương “tính lỏng” của thị trường và đẩy lạm phát ngày càng cao hơn.
Thứ ba, lạm phát cao ở Việt Nam chủ yếu là do cung tiền mở rộng liên tục trong thời gian qua. Do vậy, để kiểm soát lạm phát trước hết cần kiểm soát cung tiền. Ngoài ra, tăng lãi suất VND là một trong những công cụ mạnh để đạt được những mục tiêu về lạm phát. Nghiên cứu cũng phát hiện rằng cú sốc cầu chỉ ảnh hưởng đến lạm phát nhất thời nên NHNN không nên sử dụng các biện pháp can thiệp khi tổng cầu tăng trong ngắn hạn.