Sáng kiến Vành đai và con đường nói chung và con đường tơ lụa trên bộ nói riêng là một trong những dự án đầy tham vọng của người khổng lồ Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ XXI. Với cương vị là nước lớn có nền kinh tế tăng trưởng đứng thứ 2 thế giới và không ngừng trỗi dậy, Trung Quốc đã dùng tất cả những nổ lực của mình tập trung cho việc xây dựng một chiến lược đối ngoại mang tầm cỡ ảnh hưởng toàn thế giới. Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc có thể nói là một đối trọng so với chiến lược Ấn Độ Dương - Thai Bình Dương của chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trung Quốc lập ra con đường tơ lụa trên biển cũng vì nhiều mục đích khác nhau. Quan trọng nhất là việc Trung Quốc đã thể hiện cho thế giới biết rằng: Trung Quốc là một siêu cường đang không ngừng nâng tầm ảnh hưởng và lan tỏa giá trị, tiếng nói của mình trên toàn cầu. Thực thi con đường tơ lụa trên biển mang lại cho Trung Quốc cơ hội cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ, giúp Trung Quốc khôi phục sức mạnh trên trường quốc tế, làm Trung Quốc “vĩ đại” trở lại. Xét về khía cạnh lịch sử, cả con đường tơ lụa trên bộ và trên biển mà Trung Quốc đang nổ lực xây dựng ở thời điểm hiện tại cho chúng ta thấy rằng: Dường như Trung Hoa ngày nay đang nuối tiếc một điều gì đó của Trung Hoa quá khứ. Trung Hoa ngày nay muốn làm sống lại những giá trị tốt đẹp của Trung Hoa tự ngàn xưa. Vả chăng, việc biến giấc mộng Trung Hoa thành hiện thực, phục hưng Trung Hoa thành công một lần nữa sẽ mở ra một viễn cảnh tươi sáng, giàu có và thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung.
Bất kỳ một chính sách đối ngoại nào cũng đều xuất phát từ những nhu cầu của chính sách đối nội. Việc Trung Quốc xây dựng con đường tơ lụa trên biển và che đậy nó bằng những lời lẽ đẹp đẽ, sang trọng và có cánh cũng không đánh lừa được dư luận quốc tế nói chung và một số nước Đông Nam Á nói riêng (Việt
Nam, Singapore) bởi dự án con đường tơ lụa trên biển này không chỉ đơn thuần là hợp tác về kinh tế mà nó còn hàm chứa những yếu tố về chính trị, suy cho cùng cũng vì lợi ích của Trung Quốc, đặt lợi ích của Trung Quốc như hàng đầu. Những nguyên nhân làm nảy sinh và hình thành con đường tơ lụa trên biển đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Dĩ nhiên là việc hợp tác phải có lợi cho đôi bên nhưng bên có lợi nhất vẫn là Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á nếu chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không thấy được lợi ích lâu dài thì có thể sẽ vướng vào “cái bẫy” mà Trung Quốc dàn sẵn. Không ai mù quáng đem số tiền khổng lồ của mình mà đầu tư miễn phí cho bên ngoài. Trung Quốc không đương nhiên mà rót khoảng 150 tỷ USD mỗi năm vào các dự án liên quan ở 68 nước tham gia Đại sáng kiến liên kết kinh tế này. Tất cả đều có mục đích. Sáng kiến con đường tơ lụa trên biển cho đến nay đã trải qua 6 năm. Nếu thành công, sáng kiến này chắc chắn sẽ đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho Trung Quốc, giúp nước này mở rộng thị trường cho hàng hóa và công nghệ của họ.
Phản ứng trước Sáng kiến con đường tơ lụa trên biển này, một số nước Đông Nam Á hưởng ứng tích cực vì lợi ích hậu hĩnh (như: Indonexia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan) nhưng cũng có một số nước phản ứng với thái độ cẩn trọng, dè chừng Trung Quốc (như Việt Nam, Singapore) vì những xung đột và sự bành trướng, bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông khiến cho một số họ nghi kỵ và không muốn phụ thuộc vào Trung Quốc.
Sáng kiến con đường tơ lụa trên biển và vành đai và con đường nói chung cũng gây những tác động không nhỏ đến môi trường của các nước trong khu vực, gây xáo trộn đời sống của người dân địa phương khi các dự án đầu tư thương mại đẩy giá cả sinh hoạt tăng lên, thị trường lao động tại nước sở tại phải cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc, các loại tệ nạn xã hội phát sinh (như việc Trung Quốc đầu tư các sòng bài ở Campuchia); các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia cũng làm nhiều người dấy lên quan ngại và chống Trung Quốc, nhất là thương hiệu “làm từ Trung Quốc” tràn lan, người Trung Quốc cũng di cư tràn lan sang Đông Nam Á. Nguy cơ Đông Nam Á là “một bộ phận lãnh thổ” nối dài của Trung Quốc sẽ thành hiện thực không xa nếu chính quyền các nước dễ dãi để Trung Quốc đầu tư và sa vào bẫy nợ của Trung Quốc.