MỘT SỐ GIẢI PHÁP BẢO VỆ NGUỒN LỢI CÁ THÁT LÁT

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học của cá Thát lát Notopterus notopterus (Pallas, 1769) ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 41 - 45)

1. Tình hình khai thác cá Thát lát ở huyện Phú Lộc

Cá Thát lát có phẩm chất thịt ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn cao cấp phục vụ cho nhu cầu nội địa và xuất khẩu, là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao. Ngoài ra, cá Thát lát còn được xếp vào danh mục của 23 loài cá tự nhiên có khả năng diệt bọ gậy và dùng làm cá cảnh.

Hiện nay việc khai thác cá ở Phú Lộc do các ngư dân đánh bắt. Ngư cụ đánh bắt là: lưới, vó, đăng vợt…đánh bắt nhiều kích cỡ khác nhau. Sản lượng cá Thát lát càng ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân như:

- Việc khai thác quá mức, không bổ sung nguồn giống vào thủy vực, dẩn đến nguồn lợi cá nơi đây dần cạn kiệt.

- Việc đánh bắt cá trong mùa sinh sản, đã hủy diệt nguồn giống cho tương lai.

- Việc khai thác cá thiếu quy hoạch tận diệt bằng nhiều ngư cụ, vào tất cả các thời gian, tất cả các kích thước… Đã làm nguồn lợi cá nơi đây suy giảm một cách nghiêm trọng.

- Tình trạng ô nhiểm môi trường do nguồn từ phân bón, chất bảo vệ thực vật, các hóa chất, các sản phẩm công nghiệp và rác thải sinh hoạt cũng làm cho nguồn lợi cá ở đây suy giảm một cách nghiêm trọng.

Từ những nguyên nhân trên, đã làm năng suất khai thác thủy sản trong thủy vực ngày càng giảm, kích cỡ cá khai thác ngày càng nhỏ. Đó là những dấu hiệu suy giảm nguồn lợi thủy sản nói chung và cá Thát lát nói riêng. Cần phải đề ra những giải pháp thiết thực để bảo tồn đàn cá, giữ cân bằng sinh thái trong các thủy vực của huyện Phú Lộc.

2. Đề xuất một số giải pháp

2.1. Khai thác hợp lí nguồn lợi thủy sản

Qua nghiên cứu kích thước khai thác cá Thát át khai thác ở các nhóm tuổi khác nhau của huyện Phú Lộc, chúng tôi nhận thấy cá sau một năm tuổi có thể cho hiệu quả kinh tế cao thì tỷ lệ cá khai thác chiếm tỷ lệ ở mức trung bình, ngược lại cá

chưa được 1 năm tuổi thì lại khai thác với tỷ lệ rất cao, nhưng phẩm chất lại kém và làm suy giảm nguồn lợi cá một cách nghiêm trọng. Những cá thể cá có kích thước lớn có chất lượng thương phẩm cao nhưng khả năng tái sản xuất chủng quần lại kém, làm giảm sút về số lượng và trữ lượng của chủng quần. Do đó cần có những giải pháp để trẻ hóa chủng quần cá. Những nghiên cứu về sinh học, sinh thái học, đặc điểm nguồn lợi, khả năng đánh bắt, mùa vụ đánh bắt rất quan trọng và cần thiết nhằm phục vụ cho khai thác nguồn lợi một cách hợp lí.

Từ kết quả nghiên cứu và phân tích tình hình thực tế kết hợp với nguyên tắc bảo vệ nguồn lợi, chúng tôi đề xuất một số vấn đề như sau:

- Phải có quy định cụ thể trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản. Cấm đánh bắt bằng các phương tiện có tính hủy diệt như nổ mìn, rà điện. Cần có quy định về sử dụng mắt lưới có kích cỡ nhất định để tránh khai thác những cá thể có kích thước nhỏ, chưa đạt kích thước khai thác. Riêng cá Thát lát chỉ nên đánh bắt cá có chiều dài tối thiểu là 200mm. Vì khi đạt kích thước này cá tăng trưởng chậm và đã có thể dùng làm thương phẩm, đánh bắt cá có kích thước này ngoài việc phục vụ cho nhu cầu của con người còn tạo điều kiện cho các cá thể nhỏ hơn có điều kiện phát triển, giảm sự cạnh tranh trong loài.

- Cần quy định mùa đánh bắt, không nên đánh bắt cá Thát lát đang trong thời kì sinh sản từ tháng IV đến tháng X ở vùng Phú Lộc.

2.2. Nuôi cá Thát lát

Hiện nay người ta quan tâm đến việc sản xuất giống nhân tạo hơn việc sinh sản tự nhiên. Tuy nhiên việc sản xuất giống còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu con giống cho người nuôi. Vấn đề là cần có những nghiên cứu thí nghiệm đưa ra mô hình nuôi thích hợp cho từng địa phương, vùng nước, chủ động mùa vụ, chủ động con giống và nâng dần năng suất nuôi. Những nghiên cứu nên tiến hành từ ngay bây giờ để đánh giá về sự phát triển, tiềm năng sản xuất.

2.3. Quản lí và giáo dục cộng đồng ý thức bảo vệ nguồn lợi

Nguyên nhân chính của việc làm suy giảm nguồn lợi cá Thát lát là do ý thức bảo vệ của người dân chưa cao, người dân đánh bắt bởi nhu cầu mưu sinh và không có kế hoạch đã làm suy giảm nguồn lợi nghiêm trọng. Nếu giải quyết được vấn đề này thì đàn cá Thát lát sẽ được bảo vệ và phát triển hiệu quả. Có thể tiến hành bằng nhiều cách khác nhau:

- Tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ quản lí và nhân dân những kiến thức về ý nghĩa và nguyên tắc của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản để họ trở thành những hạt nhân thực hiện và tuyên truyên rộng rãi cho mọi người trong cộng đồng.

- Xây dựng các mô hình mẫu về việc nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường cho các cán bộ quản lí và ngư dân tham quan, học tập.

- Hình thành các nhóm tổ sản xuất ngư nghiệp để họ thường xuyên trao đổi với nhau trong việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.

- Giải pháp nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi phải được tiến hành thường xuyên, liên tục trong nhiều năm nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong việc gìn giữ thiên nhiên nói chung, nguồn lợi thủy sản nói riêng.

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

Từ những kết quả nghiên cứu về một số đặc tính sinh học của cá Thát Lát, chúng tôi có một số kết luận và đề nghị như sau:

1. Kết luận

1.1. Ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, cá Thát lát có chiều dài khai thác từ 76 - 270mm, ứng với trọng lượng 4 - 208g. Cá có 3 nhóm tuổi, tuổi cao nhất là 2+ . Số lượng cá thể chiếm tỷ lệ cao nhất thuộc nhóm tuổi 0+. Nhóm tuổi 0+ và 1+ kích thước và trọng lượng cá đực cao hơn cá cái. Ở nhóm tuổi 2+ trọng lượng trung bình của cá cái cao hơn cá đực.

Phương trình tương quan giữa chiều dài và trọng lượng cá có dạng: W=21793×10-9×L2,79024

1.2. Tốc độ tăng trưởng của cá Thát lát khá nhanh, chiều dài trung bình của cá Thát lát ở các nhóm tuổi 0+, 1+, 2+ trong tự nhiên lần lượt là 132,25mm; 194,62mm; 234,17mm. Sau một năm tuổi cá tăng trưởng nhanh về chiều dài, khi đạt đến một kích thước nhất định sự tăng trưởng về chiều dài chậm lại nhưng lại tăng nhanh về trọng lượng.

Phương trình sinh trưởng theo Bertalanffy có dạng: - Về chiều dài: Lt =479,3× [1-e-0,22129×(t+0,97232)] - Về trọng lượng: Wt = 889,3×[1-e-0,03167×(t+0,32972)]2,79024

1.3. Thành phần thức ăn của cá khá phong phú và đa dạng, gồm 40 loại thuộc 7 ngành động - thực vật khác nhau, trong đó ngành Chân khớp (Arthropoda) chiếm ưu thế về số lượng thức ăn. Cá Thát lát là loài ăn tạp, nghiêng về thức ăn động vật nhiều hơn. Phổ thức ăn được mở rộng từ nhóm cá có kích thước nhỏ đến nhóm cá có kích thước lớn.

Cường độ bắt mồi của cá Thát lát khá cao, nhóm cá có cường độ bắt mồi cao nhất là nhóm tuổi 1+,và thấp nhất là nhóm tuổi 2+.

Mức độ tích lũy mỡ của cá Thát lát ở Phú Lộc cao. Nhiều cá thể có độ no bậc 3 và bậc 4.

Hệ số béo của cá Thát lát khá cao. Hệ số béo theo Fulton và Clark có sự sai khác lớn, phản ánh đúng mức độ tích lũy chất dinh dưỡng của cá. Trong cùng một nhóm tuổi cá cái có hệ số béo cao hơn cá đực.

1.4. Cá Thát lát sinh sản vào mùa ít mưa từ tháng V đến tháng X. Sau 1 năm tuổi, cá có chiều dài trung bình 194,62mm, trọng lượng trung bình 58,45g đã thành thục sinh dục và tham gia sinh sản.

Về tổ chức học tuyến sinh dục cho thấy cá Thát lát đẻ nhiều lần trong đời sống và đẻ nhiều đợt trong năm. Sức sinh sản của cá cao. Sức sinh sản tương đối trung bình 9,6 trứng/g cơ thể cá, sức sinh sản tương đối cao nhất thuộc nhóm tuổi 1+

đạt 9,7 trứng/ gcơ thể cá. Sức sinh sản tương đối tăng dần theo tuyến tính kích thước và trọng lượng, trung bình đạt 714,05 tế bào trứng trên một cơ thể cá.

2. Đề nghị

- Cần phải nghiên cứu kỹ thật cho cá sinh sản nhân tạo, để phát triển nhanh mô hình sản xuất giống cá Thát Lát, phát triển nuôi trồng loài cá này phù hợp các thủy vực.

- Cần có những quy định cụ thể về mùa vụ khai thác, kích cỡ lưới đánh bắt phù hợp cho từng loại cá. Có biện pháp nghiêm minh đối với những hoạt động đánh bắt có tính chất hủy diệt, nhằm mục đích bảo tồn nguồn giống và bảo vệ nguồn lợi cá Thát Lát ở huyện Phú Lộc nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học của cá Thát lát Notopterus notopterus (Pallas, 1769) ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 41 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(45 trang)
w