0
Tải bản đầy đủ (.doc) (44 trang)

Tính cấp thiết của đề tài

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA SINH VIÊNNGHIÊN CỨU ƯƠNG GIỐNG TÔM CÀNG XANH(MACROBRACHIUM ROSENBERGII) BẰNG CÔNG NGHỆBIOFLOC Ở CÁC MẬT ĐỘ KHÁC NHAU TỪGIAI ĐOẠN PL10 ĐẾN PL40 (Trang 25 -26 )

Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) là loài tôm nước ngọt có kích thước lớn, thịt thơm ngon có giá trị dinh dưỡng cao, được ưa chuộng và được nuôi nhiều nước trên thế giới (FAO, 2010). Diện tích và sản lượng tôm càng xanh nuôi không ngừng tăng nhanh trên thế giới, nhất là các nước Châu Á (New, 2005). Sản lượng tôm càng xanh toàn cầu năm 2012 đạt 220.254 tấn (FAO, 2014). Trong số những quốc gia nuôi tôm càng xanh, các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, Indonesia, Việt Nam là những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất hiện nay (FAO, 2014). Đối với Việt Nam, Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm nuôi tôm càng xanh của cả nước. Theo thống kê, năm 2014, ĐBSCL gồm cả các tỉnh nuôi vùng nước ngọt và nước lợ có tổng cộng 12.851 ha nuôi tôm càng xanh, đạt sản lượng 6.695 tấn (Tổng cục Thủy sản, 2014). Theo kế hoạch của ngành thủy sản đến năm 2020 thì diện tích nuôi tôm càng xanh cả nước là 32.060 ha và sản lượng đạt 60.000 tấn, tăng bình quân 11,6%/năm (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, 2009). Tuy nhiên, việc chủ động nguồn giống cho nuôi tôm thương phẩm cả về chất lượng và số lượng chưa đạt hiệu quả cao. Các mô hình ương tôm hiện nay như ương trong ao, vèo, bể xi măng,… còn nhiều hạn chế như mật độ thấp (100- 1.500con/m2), tiêu tốn nhiều nước, chi phí thức ăn cao, không đảm bảo an toàn sinh

học khi ương ngay trong ao nuôi thương phẩm (Nguyễn Thanh Phương và ctv, 2003), nên việc ứng dụng công nghệ biofloc để ương giống tôm càng xanh phục vụ cho nuôi tôm thương phẩm là rất cần thiết.

Biofloc được nghiên cứu và ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản trong thời gian gần đây (Conquest and Tacon, 2006). Công nghệ biofloc được ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản là một giải pháp hữu hiệu để cải thiện môi trường nước và là nguồn thức ăn tốt cho đối tượng nuôi (De Schryver et al., 2008; Avnimelech, 2012). Trên thế giới, công nghệ biofloc đã được áp dụng trong việc sản xuất, ương giống và nuôi thương phẩm nhiều loài nước lợ mặn như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá rô phi. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì việc ương giống tôm càng xanh theo công nghệ biofloc vẫn còn khá mới mẽ và chưa được nghiên cứu, do đó “Nghiên cứu ương giống tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) bằng công nghệ biofloc ở các mật độ khác nhau từ giai đoạn PL10 đến PL40” nhằm tìm ra mật độ ương thích hợp lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm được thực hiện.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA SINH VIÊNNGHIÊN CỨU ƯƠNG GIỐNG TÔM CÀNG XANH(MACROBRACHIUM ROSENBERGII) BẰNG CÔNG NGHỆBIOFLOC Ở CÁC MẬT ĐỘ KHÁC NHAU TỪGIAI ĐOẠN PL10 ĐẾN PL40 (Trang 25 -26 )

×