Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư

Một phần của tài liệu tiểu luận kinh tế khu vực thu hút vốn FDI tại vùng kinh tế trọng điểm miền trung trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 32 - 37)

CHƯƠNG 3 GIẢI PHÁP NHẰM THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG

3.2.5.Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư

Trung đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư

Chất lượng nguồn nhân lực có vai trò quyết định tới thành công của ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật hiện đại và nâng cao năng suất lao động. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thì cần giải quyết các vấn đề sau:

- Xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực theo hướng tăng cường sự liên kết của các tỉnh trong vùng KTTĐ miền Trung gắn với yêu cầu, mục tiêu chiến lược phát triển KT-XH của vùng. Cũng như các vùng KTTĐ khác trong cả nước, vùng KTTĐ miền Trung cho đến thời điểm hiện nay chưa xây dựng được quy hoạch phát triển nguồn nhân lực cho toàn vùng. Mỗi tỉnh trong vùng tự xây dựng quy hoạch riêng cho tỉnh mình, nhưng hoàn toàn chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh trong vùng. Do đó, việc đưa ra một quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chung cho cả vùng KTTĐ miền Trung là một việc làm cần thiết và đòi hỏi có sự bàn bạc, thảo luận chung. Việc xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực cho cả vùng sẽ góp phần làm tăng tính liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, tạo nên sự thống nhất cao không chỉ trong phát triển nguồn nhân lực mà còn tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội khác trong vùng. Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực vùng song song với quy hoạch hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho vùng, nhất là hệ thống cơ sở đào tạo nghề, hệ thống cơ sở đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao, lao động quản lý. Các địa phương trong vùng cần nhìn nhận lại việc thành lập các trường đại học tràn lan như hiện nay. Cần quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo hệ đại học, cao đẳng và TCCN cho phù hợp nhu cầu thực tế của vùng, tiến tới hiện đại hóa, đưa một số trường đại học trọng điểm lên đạt chuẩn trong khu vực.

- Xây dựng khung chính sách phát triển nguồn nhân lực ở vùng KTTĐ miền Trung. Vùng KTTĐ miền Trung có nhiều đặc thù riêng, trong đó, có rất nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển KT-XH nói chung và thu hút FDI nói riêng. Các chính sách phát triển nguồn nhân lực vùng KTTĐ miền Trung cần được xây dựng theo hướng khai thác và phát huy được những lợi thế riêng có của vùng như tập trung và tạo thuận lợi cho việc hình thành và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ nhân lực quản lý hành chính nhà nước, đội ngũ các nhà khoa học và công nghệ (đặc biệt là nhóm chuyên gia đầu ngành), đội ngũ doanh nhân, chuyên gia quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp.

+ Các chính sách phát triển nguồn nhân lực cần được xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện và môi trường hình thành đội ngũ nhân lực có thể chất tốt, phát

triển toàn diện về trí tuệ, ý chí, năng lực, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, tác phong làm việc, tinh thần kỷ luật cao.

+ Các chính sách phát triển nguồn nhân lực nói chung và các chính sách phát triển nguồn nhân lực vùng KTTĐ miền Trung nói riêng cần được xây dựng phù hợp với bối cảnh phát triển hiện nay, đặc biệt phải gắn với yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong điều kiện hiện nay của vùng KTTĐ miền Trung, chính sách đầu tư cho giáo dục đào tạo nên hoàn thiện theo hướng:

Để thực hiện đào tạo nghề và thu hút được người học, cần coi trọng và đổi mới công tác hướng nghiệp. Định hướng nghề nghiệp đúng đắn, cung cấp đầy đủ thông tin về các ngành nghề, thông tin về nhu cầu của vùng đối với các ngành nghề đó cho học sinh sẽ giúp cho học sinh và các bậc phụ huynh có cái nhìn đúng đắn về việc học nghề, để họ thấy rằng con cái họ có rất nhiều lựa chọn cho nghề nghiệp của mình, mà không nhất thiết phải vào đại học. Chính sách đầu tư cho đào tạo nghề trong vùng cần tập trung ở một số khía cạnh như:

+ Thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề và phương thức đào tạo. Bên cạnh các trường công lập do Nhà nước đầu tư, cần tạo chính sách thuận lợi để khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tăng đầu tư kinh phí để xây dựng, phát triển hệ thống đào tạo trong doanh nghiệp, thông qua đó góp phần đào tạo trực tiếp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

+ Thực hiện chuẩn hóa trong đào tạo nghề, từ nội dung, chương trình học, phương pháp đào tạo đến đội ngũ giáo viên. Đồng thời, đầu tư, hiện đại hóa hệ thống máy móc, mô hình phục vụ cho giảng dạy và học tập nghề.

+ Nhà nước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho con em người nghèo, đồng bào dân tộc có điều kiện học tập không chỉ ở bậc trung học, mà cả bậc đại học; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là con em nông dân bị nhà nước thu hồi đất nông nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp, mở rộng đô thị và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Tiếp tục thực hiện chính sách đầu tư cho giáo dục cao đẳng và đại học vùng KTTĐ miền Trung trong thời gian tới rất cần nhân lực có trình độ cao, trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học để giúp cho vùng có những bước đi lớn trong phát triển. Đây là nhóm nhân lực đặc biệt như nhân lực cho các cơ sở đào tạo (giáo viên, giảng viên), đội ngũ cán bộ công chức, các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp, nhân lực làm việc trong các khu công nghệ cao…Bên cạnh hoàn thiện chính sách đầu tư từ Ngân sách nhà nước, cần hình thành và hoàn thiện các chính sách thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho giáo dục đào tạo và dạy nghề. Hoàn thiện chính sách đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên, nhất là đội ngũ giáo viên dạy nghề.

Trong những năm tới, các tỉnh, thành phố trong vùng cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên, giảng viên và thiết lập hệ thống đánh giá định kì giáo viên theo tiêu chuẩn. Có chính sách ưu tiên và tạo cơ hội cho giảng viên đại học được đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ở nước ngoài. Các trường đại học cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong vùng và có cơ chế buộc các giảng viên phải đi thực tế tại doanh nghiệp nhằm nâng cao kiến thức thực tế. Từng bước hoàn thiện quy chế làm việc và chính sách lương đối với giáo viên, giảng viên để họ có thể sống bằng lương, giúp cho đội ngũ giáo viên, giảng viên có thể chuyên tâm vào công việc, đầu tư nhiều thời gian và công sức

cho công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng giảng dạy đồng thời loại bỏ được những tiêu cực phát sinh trong giáo dục đào tạo như dạy thêm, học thêm,...

KẾT LUẬN

Vùng KTTĐ miền Trung là một trong những vùng KTTĐ của cả nước, hội tụ đầy đủ những tiềm năng và lợi thế trong thu hút FDI. Khu vực FDI trong vùng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng theo hướng CNH, HĐH; góp phần tạo việc làm;góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu và từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu của vùng. Vai trò đầu tàu, động lực trong phát triển kinh tế của vùng KTTĐ miền Trung nhờ đó cũng dần được khẳng định. Mặc dù vậy, bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động của khu vực FDI trong vùng KTTĐ miền Trung cũng đang đặt ra những trở ngại trong việc phát triển KT-XH của vùng. Những tác động tiêu cực của khu vực FDI đối với vùng đó là: vấn đề chuyển giá và hạch toán lỗ của một số doanh nghiệp FDI, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng đối với một số doanh nghiệp trong nước, gây ô nhiễm môi trường, tranh chấp lao động và đình công có xu hướng gia tăng trong các doanh nghiệp FDI, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trong vùng.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của FDI thì vùng KTTĐ miền Trung còn cần phải nỗ lực hơn nữa, cần phải có quy hoạch mang tính lâu dài và bền vững trong việc thu hút FDI nhằm tận dụng được những lợi thế của mình. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cần phải thống nhất với nhau trong vấn đề thu hút FDI tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu mà không quan tâm đến sự liên kết của vùng. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ và gần đây nhất là việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức trong thu hút FDI. Việc chuẩn bị tốt sẽ giúp cho vùng hạn chế được những ảnh hưởng xấu đồng thời tận dụng được những cơ hội để từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của vùng, đồng thời tạo động lực phát triển cho các địa phương lân cận đúng với vai trò của vùng.

Một phần của tài liệu tiểu luận kinh tế khu vực thu hút vốn FDI tại vùng kinh tế trọng điểm miền trung trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 32 - 37)