CHƯƠNG 3 GIẢI PHÁP NHẰM THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG
3.2.2. Tăng cường đổi mới công tác xúc tiến đầu tư
Trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và nước ta đã trở thành thành viên tổ chức thương mại thế giới (WTO), khi đó các nguồn lực phát triển, nhất là nguồn vốn được tự do di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác, thì việc thu hút FDI đã và đang thực sự là cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, giữa các vùng, miền, địa phương trong nước. Do đó, công tác xúc tiến đầu tư đã trở thành vấn đề cấp bách, nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược thu hút FDI của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Vì vậy, hoạt động xúc tiến đầu tư phải được tổ chức chặt chẽ, có hệ thống và có sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa địa phương với các ngành và các tổ chức, các nhà tài trợ nước ngoài. Song địa phương có nhu cầu thu hút FDI phải chủ động hợp tác với các cơ quan Trung ương, nhất là các cơ quan truyền thông và ngoại giao để tạo hình ảnh riêng của địa phương mình với các nhà ĐTNN.
Để làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, các ban ngành liên quan (Ban xúc tiến đầu tư tại từng địa phương – IPA; Trung tâm xúc tiến đầu tư miền Trung - IPC) cần tập trung giải quyết
một số vấn đề sau:
Xác định đối tượng cần vận động xúc tiến đầu tư: Căn cứ vào tiềm năng nguồn lực, mục tiêu, định hướng phát triển KT-XH của vùng KTTĐ miền Trung và các dự án thu hút FDI để lựa chọn các đối tác đầu tư một cách khoa học, chính xác, đúng năng lực, sở trường của nhà đầu tư. Coi trọng dòng vốn FDI, nhưng thu hút FDI phải có lựa chọn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả KT-XH; các dự án FDI phải được xem xét toàn diện trên cơ sở lợi ích nhà nước, nhà đầu tư, người lao động, lợi ích của địa phương và ảnh hưởng của nó đến xã hội và môi trường. Mặt khác, khi xem xét, thẩm định cấp phép đầu tư FDI cần quan tâm đến các vấn đề khác như: Phù hợp với quy hoạch không gian phát triển KT-XH của vùng; trình độ công nghệ; hình thành đội ngũ lao động có chuyên môn kỹ thuật cao và mang lại lợi ích KT- XH cho địa phương; có ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội, an ninh quốc phòng và cuộc sống của cộng đồng, dân cư hay không; tác động, làm tổn hại đến môi trường sinh thái. Dự án FDI không đạt các tiêu chí trên thì kiên quyết không cấp phép đầu tư. Đồng thời phải tìm hiểu mối quan hệ của đối tác với các khách hàng trên thị trường thế giới và khu vực; khả năng cung ứng vật tư, thiết bị, nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó đưa ra phương thức tiếp cận phù hợp để tạo mối quan hệ hợp tác lâu dài với đối tác.
Đa dạng hoá các hình thức xúc tiến đầu tư. Sử dụng các kênh, loại hình, hình thức truyền thông và tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, ở cả trong nước và nước ngoài để tuyên truyền, quảng bá chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, tiềm năng nguồn lực của vùng, đặc điểm các dự án kêu gọi FDI. Công tác xúc tiến đầu tư phải được tiến hành thường xuyên đến tận các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và có thể tổ chức vận động, xúc tiến đầu tư tại một số địa bàn trọng điểm, nơi có nhiều nhà đầu tư tiềm năng, có khả năng lan toả ra các nước khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Nga, Na Uy, Hoa Kỳ,...
Thành lập cổng thông tin điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu KT-XH của toàn vùng nhằm xây dựng và giới thiệu hình ảnh của vùng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hệ thống thông tin cần đáp ứng những thông tin cần thiết để nhà ĐTNN cân nhắc việc lựa chọn dự án và địa điểm: mục tiêu, vốn đầu tư, phương thức đầu tư, các điều kiện đảm bảo về giao thông, viễn thông, năng lượng, cấp thoát nước, nguồn nhân lực tại chỗ và nguồn nhân lực có thể đào tạo, các ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa; các tổ chức dịch vụ tư vấn về pháp lý, lập dự án, xử lý quan hệ với cơ quan nhà nước, các địa chỉ cần liên hệ để có thông tin về dự án. Đặc biệt cần công khai và minh bạch các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của toàn vùng và từng địa phương, nhất là các chương trình, dự án, đề án liên kết phát triển ngành, lĩnh vực. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi và lòng tin đối với các nhà đầu tư của thế giới, khu vực đến với Việt Nam nói chung và
vùng KTTĐ miền Trung nói riêng.
Nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm của các nước, vùng lãnh thổ và các địa phương khác trong cả nước về xúc tiến đầu tư. Tăng cường hợp tác với các bộ, ban, ngành, đặc biệt với các đại sứ quán của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới và khu vực mà trực tiếp giúp sức là các tham tán thương mại, các lãnh sự quán ở các đô thị lớn trên thế giới. Tổ chức định kỳ hội nghị phát triển vùng nhằm thu hút được nhiều ý kiến đa dạng, nhiều chiều từ các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp, là cơ sở tham khảo quan trọng để các tỉnh, thành phố trong vùng hoạch định chính sách.