CHƯƠNG 3 GIẢI PHÁP NHẰM THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG
3.2.1. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng
Để tăng cường liên kết, hợp tác thì yếu tố đầu tiên là vùng cần thành lập một Ban chỉ đạo về FDI. Trong đó, thành viên sẽ là đại diện của từng địa phương trong vùng. Ban này sẽ có vai trò trong việc đưa ra các chiến lược và quyết định liên quan đến FDI của vùng. Như vậy, thì các địa phương mới có sự thống nhất để từ đó thu hút FDI đạt hiệu quả cao.
Các địa phương trong vùng cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của địa phương mình cho phù hợp với quy hoạch vùng được Chính phủ phê duyệt năm 2014. Trong quy hoạch phát triển của một địa phương cần phản ánh các mục tiêu liên kết vùng, nhằm đóng góp vào quá trình thực hiện có hiệu quả quy hoạch vùng. Các địa phương nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách riêng của tỉnh nhưng phải bảo đảm sự thống nhất trong toàn vùng với các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân cấp.
Xây dựng quy hoạch phát triển các lĩnh vực kết cấu hạ tầng KT-XH, các ngành sản phẩm chủ yếu và các đề án về cơ chế chính sách phối hợp phát triển các ngành và lĩnh vực của các bộ, ngành triển khai trên địa bàn tỉnh. Các tỉnh cần phối hợp với các bộ để bảo đảm quản lý ngành trên lãnh thổ được thực thi đúng pháp luật. Các tỉnh cần phối hợp trong khâu lập, thẩm định, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển KT-XH của mỗi địa phương nhằm tránh sự chồng chéo, không phù hợp với định hướng chung của vùng. Ngoài ra, các tỉnh thành cần chủ động tổ chức các hội nghị để bàn thảo về các vấn đề cần giải quyết mang tính liên tỉnh cùng với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan như: sử dụng hiệu quả quỹ đất gắn với bố trí lại các KCN nhằm khắc phục tình trạng lãng phí đất; đào tạo nghề chất lượng cao để giải quyết vấn đề thiếu lao động có kỹ năng; hệ thống giao thông kết nối liên tỉnh trong toàn vùng;...
Dựa theo định hướng phát triển, tại vùng cần chú trọng phối hợp liên kết, hợp tác những nội dung sau đây:
Rà soát các khu kinh tế ven biển để điều chỉnh quy mô và xác định các trọng tâm phát triển cho từng khu, phù hợp với liên kết phát triển vùng. Chủ động hình thành các cụm liên kết công nghiệp dựa trên thế mạnh của từng địa phương trong vùng. Liên kết, hợp tác trong phát
triển nguồn nhân lực: Tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo, cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn để tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề; đồng thời, tập trung dạy nghề chất lượng cao theo đặt hàng của các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế đối với các ngành kinh tế, các lĩnh vực quan trọng của vùng như du lịch, thương mại, vận tải - kho bãi - cảng biển, điện, điện tử, điện lạnh, viễn thông, công nghệ thông tin, cơ khí điện tử...
Liên kết xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật: Các địa phương trong vùng cần tăng cường kết nối hạ tầng giao thông như đường cao tốc, đường ven biển của các địa phương trong vùng; xây dựng cảng biển tổng hợp chung cho vùng. Tiến hành rà soát và chế tài việc thực hiện các quy hoạch đô thị, KCN trong vùng; chú trọng xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng. Thành phố hạt nhân của vùng (Đà Nẵng) cần đi đầu trong việc lập kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng để làm cơ sở các các tỉnh khác trong vùng phối hợp xây dựng, đảm bảo tính nhất quán và sự bổ trợ trong các kế hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sự phát triển chung của toàn vùng.
Liên kết, hợp tác trong công tác bảo vệ môi trường: Xây dựng, rà soát quy hoạch cấp, thoát nước trên toàn vùng, đặc biệt là các khu đô thị, khu tập trung KCN, KCX. Nghiên cứu xây dựng các khu vực chứa chất thải, những nhà máy xử lý chất thải cho các đô thị, chọn vị trí thích hợp trên địa bàn vùng. Tăng cường khung thể chế và các nguồn lực cho công tác giám sát, cưỡng chế. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh trong vùng khi xem xét các dự án đầu tư lớn, có tác động đến môi trường của cả vùng.