III. Kiến nghị và giải pháp nhằm duy trì mức nợ công tối ưu cho Việt Nam
4. Tăng cường minh bạch hóa thông tin và tuân thủ chặt chẽ kế hoạch quản lý ngân sách
quản lý ngân sách
Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với các Bộ ngành, địa phương:
(1) Tăng cường mức độ chi tiết trong hoạt động thống kê, công bố thông tin về nợ công theo từng cấu thành và tính cập nhật theo từng quý là yêu cầu cần đạt được. Hiện độ minh bạch của các con số thống kê về nợ công của Việt Nam chưa cao, đặc biệt là các số liệu về vay tín phiếu, tồn ngân kho bạc và các khoản thu chi kết chuyển, lãi suất bình quân… Trong khi đó, tỷ trọng của các khoản này thường không phải là nhỏ, được coi là những “khoảng trống” tiềm ẩn có thể làm sai lệch kết quả của công tác dự báo so với thực tế. Bên cạnh đó, việc chậm trễ trong việc quyết toán và công bố thông tin thu chi ngân sách (hiện phải chờ tới 2 năm sau năm tài khóa) cũng gây ra nhiều thắc mắc và có thể ảnh hưởng đến tính hiệu quả kịp thời của hoạt động quản lý, hoạch định chính sách nợ công cho các kỳ tiếp theo.
(2) Chính phủ cần thắt chặt hơn nữa công tác quản lý, gia tăng tính ràng buộc và tuân thủ trong các hoạt động vay nợ và chi tiêu. Mức độ chênh lệch giữa các con số dự toán và quyết toán nên được thu hẹp hết sức có thể. Các mục tiêu về tỷ lệ bội chi ngân sách, quản lý tỷ trọng cơ cấu vay nợ - đặc biệt là nợ nước ngoài thông qua phát hành trái phiếu - cần phải được lên kế hoạch sát với thực tế, đảm bảo tính ràng buộc giữa các mục tiêu và tuân thủ chặt chẽ, tránh các khoản phát sinh ngoài dự kiến như đã xảy ra trong những năm qua.
KẾT LUẬN
Như vậy có thể nói, để đạt được mục tiêu tăng trưởng thì nợ công vẫn thực sự cần thiết cho nền kinh tế của mỗi quốc gia. Tuy nhiên hiện nay, con số bao nhiêu mới thực sự là ngưỡng nợ công tối ưu, hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam vẫn còn nhiều tranh cãi. Thiết nghĩ, vấn đề của nợ công không nằm ở quy mô hay tỷ lệ nợ công trên GDP mà là ở xu hướng tăng trưởng của nợ công, là khả năng trả nợ trong tương lai hay nói cách khác là hiệu quả sử dụng vốn vay. Để hạn chế những hệ lụy của nợ công gây ra thì việc triển khai kịp thời các chính sách và biện pháp quản lý nợ công là một nhiệm vụ quan trọng đối với Chính phủ và các ngành, các cấp để công tác quản lý nợ công tại Việt Nam an toàn và hiệu quả hơn.