III. Kiến nghị và giải pháp nhằm duy trì mức nợ công tối ưu cho Việt Nam
1. Phát triển nội lực của nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Trong những năm tới, các giải pháp về chất - bao gồm việc tạo lộ trình gia nhập vào các FTAs, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển dịch mô hình tăng trưởng,
khuyến khích khu vực tư nhân, tăng năng suất lao động… nên được tập trung nhiều hơn để tạo động lực cho nền kinh tế.
Nguyên nhân cần chú trọng vào tốc độ tăng trưởng GDP là do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, tỷ trọng thu ngân sách thấp hơn cùng kỳ năm trước nhưng vẫn phải giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách nhà nước giảm từ 24,8% GDP bình quân giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 21% GDP giai đoạn 2011 - 2015. Cùng với đó, kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn khó khăn đòi hỏi Nhà nước phải có biện pháp miễn, giảm, gia hạn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến nguồn động viên vào ngân sách nhà nước, gây ra những khó khăn trong việc đảm bảo nguồn thu như dự toán. Trong khi đó, các chỉ tiêu về thu ngân sách, chi ngân sách và nợ công đều được tính toán dựa trên dự báo về GDP. Khi mà các chỉ tiêu dự báo về GDP và chỉ số giá GDP thấp hơn dự báo, trong khi Nhà nước vẫn tiếp tục huy động nguồn vốn vay và bội chi theo chỉ tiêu GDP dự kiến, thì nó sẽ đẩy tốc độ tăng trưởng nợ lên cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP thực tế.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa ra một số gợi ý chính sách. Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô để tạo lập niềm tin đối với nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ. “Đáng chú ý, Chính phủ cần giám sát tiến độ thực thi các nhiệm vụ đưa ra trong Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chương trình hành động thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2017 - 2020” - TS Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và Dự báo của NCIF nhấn mạnh. Bên cạnh đó, TS Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc NCIF cũng đưa ra khuyến nghị chính sách, theo đó cần sát sao với diễn biến kinh tế thế giới để kịp thời ứng phó với bối cảnh mới của châu Âu, ứng phó với các chính sách mới của Mỹ; chuẩn bị cho khả năng Hiệp định TPP không còn; ứng phó với rủi ro từ nền kinh tế Trung Quốc;…
Tóm lại, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, duy trì lãi suất ở mức hợp lý để không ảnh hưởng đến chi phí nợ và khả năng vay nợ của Chính phủ, tạo niềm tin của nhà đầu tư vào các công cụ nợ của Chính phủ.