III. Kiến nghị và giải pháp nhằm duy trì mức nợ công tối ưu cho Việt Nam
3. Về nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công và đầu tư công
• Bộ Tài chính đầu mối xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ phương án tái cơ cấu nợ công:
(1) Phối hợp cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất các phương án tăng cường phát hành trái phiếu Chính phủ 10 - 15 năm nhằm tăng tính chủ động trong trả nợ. Do việc tăng mạnh khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành trong những năm gần đây, đặc biệt là các kỳ hạn ngắn, đang tạo thêm nhiều áp lực cho nghĩa vụ trả lãi hàng năm. Trong thời gian tới, việc đảm bảo duy trì tỷ trọng của kênh ODA, giãn lộ trình phát hành đồng thời tạo thêm lực cầu mới cho kênh trái phiếu Chính phủ và tập trung cho các kỳ hạn dài (đặc biệt là việc xem xét cho phép thành lập và vận hành các quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện) sẽ giúp giảm bớt áp lực cho mặt bằng lãi suất cũng như chi phí lãi vay hàng năm;
(2) Đổi mới cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, mở rộng đối tượng cho vay đến doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng; và tăng cường trách nhiệm của người vay lại
(3) Nghiên cứu cơ chế huy động vốn vay OCR/ IBRD.
• Gắn tái cơ cấu đầu tư công với tái cơ cấu ngân sách nhà nước, ngành tài chính - ngân hàng, các doanh nghiệp và nền kinh tế. Cụ thể:
o Về ngân sách nhà nước: Từng bước thực hiện cân đối thu chi:
(1) Về nguồn chi: Triệt để tiết kiệm; Đề xuất xã hội hóa các khâu, các lĩnh vực, các ngành nghề có thể xã hội hóa được; Thúc đẩy mạnh mẽ các hình thức đầu tư ngoài ngân sách nhà nước như mô hình hợp tác công tư (PPP) như đã nói ở trên;
(2) Về nguồn thu: (i) Mở rộng cơ sở thuế; (ii) Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt; (iii) Hạn chế gian lận thương mại và hạn chế tiền mặt để chống thất thu thuế; (iv) Nghiên cứu bổ sung một số loại thuế về môi trường...
o Về phía doanh nghiệp: Hoàn thiện hệ thống pháp lý về: thành lập tổ chức định mức tín nhiệm và tổ chức xếp hạng trong nước; quy chế thành lập và hoạt động trung tâm thông tin doanh nghiệp nhằm minh bạch hóa thông tin và khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, giảm dần bảo lãnh của Chính phủ cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhà nước trong vay vốn trong và ngoài nước, tiến tới doanh nghiệp tự vay tự trả. Các tập đoàn kinh tế nhà nước đang được bảo lãnh khoản nợ khoảng 26 tỷ USD, đưa nợ của Chính phủ vượt mức 50,3% GDP cuối năm 2015. Do đó, để đảm bảo an toàn nợ công, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay; tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, thông tin, báo cáo đối với các dự án được Chính phủ bảo lãnh.
Đối với các dự án bảo lãnh kém hiệu quả, Thú tướng yêu cầu phải định kỳ báo cáo nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, nếu doanh nghiệp vẫn còn có thể huy động từ các nguồn vốn khác thì hạn chế việc cho vay ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ. Các doanh nghiệp phải nỗ lực tự thu xếp nguồn vốn đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, đàm phán với bên cho vay để tái cơ cấu khoản vay. Trong năm 2016, xem xét kỹ các dự án ngay từ giai đoạn phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh để hạn chế dần bảo lãnh Chính phủ. Từ năm 2017, tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công. Trường hợp đặc biệt cấp thiết, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp bảo lãnh Chính phủ đối với từng trường hợp cụ thể.
Đối với các dự án đã có chủ trương cấp bảo lãnh, tăng cường công tác thẩm định và tuân thủ các tiêu chí đã được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt bên cạnh các điều kiện cấp bảo lãnh theo quy định Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Thủ tướng giao các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện phương án tái cơ cấu tài chính dự án đã được Thủ tướng phê duyệt trong năm 2016. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh khẩn trương thực hiện việc thế chấp tài sản theo quy định trong năm 2016. Đối với các trường hợp đặc thù, Bộ chủ quản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp dự án đã hình thành xong tài sản nhưng chủ đầu tư không thực hiện thế chấp cho Bộ Tài chính theo yêu cầu, Bộ Tài chính yêu cầu chủ đầu tư trả nợ trước hạn để tất toán bảo lãnh Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các biện pháp phù hợp để đảm bảo công tác cấp bảo lãnh và quản lý bảo lãnh Chính phủ ngày càng hiệu quả theo hướng phù hợp với Luật quản lý nợ công sửa đổi và định hướng của Chính phủ về bảo lãnh. Bộ Tài chính nghiên cứu các biện pháp tăng cường hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý nợ trong việc đảm bảo tuân thủ quy định của người được bảo lãnh, cơ chế xử lý và áp dụng chế tài theo quy định đối với các doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
o Về phía hệ thống tài chính - ngân hàng: xây dựng và vận hành thị trường trái phiếu hiện đại. Đồng thời, phát triển thị trường chứng khoán tạo kênh dẫn vốn trung - dài hạn; hoàn thành tái cơ cấu các tổ chức tín dụng...
o Khắc phục hạn chế chính - vốn đối ứng của dự án ODA: Chính phủ rà soát, ưu tiên bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các chương trình/dự án ODA triển khai đúng theo tiến độ đã cam kết với các nhà tài trợ; Đổi mới phương thức bổ sung nguồn vốn đối ứng với sự cho phép thành phần kinh tế tư nhân tham gia.