chủ sở hữu của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam
2.2.3.1. Công cụ quản lý
Tất cả các công cụ quản lý đã được NHNN vận dụng uyển chuyển và ngày càng đầy đủ trong thực tiễn điều hành. NHNN đã thực hiện việc xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các NHTM và sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ quốc gia theo Luật NHNN 2006 và 2010. Các công cụ này đã góp phần hoạch định chính sách tiền tệ quốc gia, quản lý các tổ chức tín dụng theo khung khổ pháp luật và thông lệ quốc tế.
Công cụ thanh tra giám sát của NHTW nhằm buộc các NHTM phải tuân thủ trong phạm vi quy định của khung pháp lý hiện hành về các hệ số an toàn vốn.
Công cụ pháp luật thông qua các văn bản quy phạm pháp luật như Luật (chuyên ngành, luật có liên quan), Nghị định, quyết định, quy chế, thông tư, các chuẩn mực quốc tế…. Thông qua các văn bản quy phạm pháp luật được soạn, NHNN Việt Nam sử dụng quyền lực và chức năng Ngân hàng của Nhà nước để quản lý các NHTM. NHNN Việt Nam xây dựng các Chiến lược phát triển các NHTM, tái cơ cấu các NHTM trong thời kỳ 5 - 10 năm; xây dựng các dự án, đề án và kế hoạch chủ yếu như các Luật NHNN, Luật Các Tổ chức tín dụng, Luật Phòng chống rửa tiền, Luật Bảo hiểm tiền gửi, các Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, đề án hiện đại hóa ngân hàng… Bên cạnh đó là các quyết định, chỉ thị hàng năm để hoạch định, thúc đẩy, giám sát các NHTM trong các hoạt động ngân hàng, trong đó có vấn đề quản lý vốn chủ sở hữu để đạt tới tỷ lệ theo thông lệ quốc tế.
NHNN Việt Nam cũng không ngại ngần khi cần thiết phải sử dụng các công cụ hành chính đơn thuần như quy định về quản lý thị trường vàng, về trần lãi suất huy động vốn, về mua lại các ngân hàng TMCP yếu kém không thể tự cơ cấu được theo kế hoạch của NHNN, thậm chí với giá 0 đồng như trường hợp của VNBC, GPBank và Ocean Bank trong năm 2015.
2.2.3.2. Phương pháp quản lý
Trong suốt thời kỳ đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống NHTM ở Việt Nam, NHNN Việt Nam đã thực hiện tất cả các phương pháp để theo đuổi các mục đích của mình nhằm đạt an toàn và lành mạnh toàn hệ thống.
- Phương pháp hành chính: Trong thực tiễn, NHNN đã sử dụng nhiều biện pháp hành chính để quản lý các NHTM, trong đó có biện pháp về tổ chức cán bộ (thay thế đội ngũ cán bộ lãnh đạo NHTM yếu kém, xử lý nhiều vụ án trong ngành cùng với các bộ ngành chức năng khác, cử cán bộ có kinh nghiệm sang hỗ trợ các NHTM khó khăn, hoặc điều chuyển các cán bộ có kinh nghiệm về bổ sung cho đội ngũ cán bộ tại NHNN). Trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN đôi khi cũng sử dụng triệt để các phương pháp này đồng thời với các phương pháp khác để đạt được các mục tiêu đặt ra trong từng thời kỳ.
- Phương pháp kinh tế: được NHNN Việt Nam thực hiện dựa trên các lợi ích kinh tế, các đòn bẩy kinh tế để tác động lên NHTM thông qua thị trường. Phương pháp này có tính linh hoạt, mềm dẻo và được thực hiện kết hợp với các phương pháp khác. NHNN Việt Nam đã sử dụng triệt để các công cụ của chính sách tiền tệ là nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, dự trữ bắt buộc và các công cụ khác như tỷ giá, lãi suất…một cách linh hoạt.
- Phương pháp thanh tra giám sát của NHTW nhằm bắt buộc các NHTM phải tuân thủ trong phạm vi quy định của khung pháp lý hiện hành. Với sự thành lập Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng trực thuộc NHNNVN theo Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013, NHNN đã thực sự đẩy mạnh hoạt động thanh tra tại chỗ và giám sát từ xa theo quy định của Ủy ban Basel 2. Các nội dung thanh tra được thực hiện theo quy định của Ủy ban Basel, đã phát hiện kịp thời các yếu kém của nhiều NHTM và tổ chức tín dụng để kịp thời xử lý.
- Phương pháp thuyết phục, truyền thông thông qua việc NHTW tổ chức hệ thống thông tin đa chiều, công khai công bố thông tin cho NHTM để từng NHTM tự điều chỉnh các hoạt động của mình theo quy định của NHNN. Kể từ khi ban hành Thông tư số 35/2011/TT-NHNN ngày 11/11/2011, tiếp theo là Thông tư số 48/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 quy định việc phát ngôn và cung cấp thông tin của NHNN Việt Nam, NHNN thường xuyên công bố 5/12 chỉ số cốt lõi trong Bộ chỉ số lành mạnh tài chính theo tiêu chuẩn của IMF là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ số nợ xấu/tổng dư nợ, dư nợ của từng lĩnh vực trong tổng dư nợ, ROA và ROE. Ngoài ra, NHNN đã chủ động, tích cực trong truyền thông và phối hợp chính sách cho công luận thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn để hướng dẫn công luận thấu hiểu và đồng hành cùng NHNN, công khai các hoạt động ngân hàng, kịp thời giải thích chính sách quan điểm của ngành. Hoạt động này đã tạo sự đồng thuận cao từ phía xã hội, mặt khác, tạo cơ hội để nhận được phản biện xã hội đối với quản lý của NHNN.