0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (121 trang)

Đổi mới quan điểm đánh giá và tiêu chuẩn tuyển chọn, sắp xếp

Một phần của tài liệu QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ CON NGƯỜI MỚI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ VIỆC XÂY DỰNG CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 95 -101 )

đội ngũ cán bộ, công chức và lực lượng lao động của xã hội

Sự nỗ lực và tích cực phấn đấu vươn lên về mọi mặt của con người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan, trong đó việc nhìn nhận đánh giá đúng đắn của xã hội đối với trình độ, phẩm chất, năng lực của mỗi người để cân nhắc, bố trí, sắp xếp họ vào những vị trí xã hội và công việc phù hợp là vấn đề có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Thực tiễn cho thấy, để tránh sự chủ quan, tùy tiện trong việc nhìn nhận đánh giá con người, các giai cấp, các thể chế chính trị - xã hội ở các giai đoạn lịch sử khác nhau đều hết sức quan tâm đến việc xây dựng những tiêu chí, chuẩn mực phù hợp, làm cơ sở cho sự đánh giá một cách khách quan, đúng đắn sự phát triển mọi mặt của các cá nhân, qua đó sử dụng tài năng, đức độ của họ một cách có hiệu quả nhất, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đánh giá kết quả phấn đấu rèn luyện về mọi mặt cũng như khả năng, năng lực của mỗi con người, mỗi cá nhân là vấn đề hết sức quan trọng, nhưng lại rất khó khăn. Nếu đánh giá chính xác quá trình phấn đấu vươn lên về mọi mặt và những phẩm chất, năng lực thực sự của mỗi cá nhân sẽ có tác dụng tích cực thúc đẩy họ không ngừng trau dồi và nâng cao đạo đức, tài năng, hoàn thiện nhân cách, đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển của đất nước. Ngược lại, khi xem xét, đánh giá kết quả học tập, công tác, rèn luyện, tu dưỡng của mỗi thành viên trong cộng đồng mà thiếu khách quan, không chính xác thường ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và hành động của họ, làm giảm sút ý chí phấn đấu, nghị lực vươn lên trong cuộc sống của mỗi con người. Vì vậy, để phát huy tính tích cực của cá nhân, khuyến khích họ hăng hái tham gia hoạt động xã hội cần phải làm tốt việc đánh giá phẩm chất, năng lực con người, trên cơ sở đó, tuyển chọn, sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với khả năng, trình độ của mỗi người. Đó là yêu cầu bức thiết trong chiến lược con người ở

93

nước ta hiện nay đồng thời cũng là biện pháp quan trọng để cổ vũ, khuyến khích con người vươn lên về mọi mặt, hoàn thiện và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực bản thân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trước đây, khi xem xét, đánh giá con người, chúng ta thường đặt lên hàng đầu tiêu chuẩn về lý tưởng, quan niệm sống, đạo đức, tinh thần làm chủ, sự dũng cảm, hi sinh... Trong điều kiện chiến tranh, khi cả dân tộc phải gồng mình chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do thì việc đề cao những phẩm chất tinh thần là cần thiết và đúng đắn. Thực tiễn cho thấy nhờ đề cao giá trị tinh thần, tư tưởng nên chúng ta đã huy động được sức lực, trí tuệ của con người Việt Nam vào cuộc trường chinh vĩ đại, chiến đấu và chiến thắng được những tên đế quốc đầu sỏ, tạo ra cơ đồ tươi đẹp của đất nước hôm nay.

Sau năm 1975, cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Điều kiện lịch sử mới đòi hỏi chúng ta phải thay đổi quan điểm, tiêu chuẩn đánh giá con người, trên cơ sở đó, phân công, bố trí công việc phù hợp với tài năng, đức độ của mỗi người. Tiếc rằng điều kiện lịch sử đã thay đổi, yêu cầu phát triển đất nước đang đòi hỏi ở con người Việt Nam những phẩm chất và năng lực mới, song quan điểm, tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất, năng lực, sự phát triển mọi mặt của con người ở nước ta chậm được đổi mới nên việc bố trí công tác, chỗ làm việc cho mọi người nhiều khi thiếu chính xác, không phù hợp với năng lực thực sự của họ. Điều này đã cản trở sự phát triển của đất nước và gây khó khăn cho việc đánh giá trình độ, năng lực của con người Việt Nam. Từ Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng trở đi, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới sâu sắc và toàn diện, đòi hỏi phải có quan điểm, tiêu thức mới trong việc đánh giá con người. Có như vậy, mới đánh giá đúng và định hướng được quá trình phát triển của các cá nhân, đồng thời tuyển chọn, sắp xếp, tạo dựng được một đội ngũ nhân lực có chất lượng tốt, phù hợp với đòi hỏi của đất nước trong điều kiện mới. Để đổi mới quan điểm đánh giá sự phát triển con người, trước hết cần tuân thủ và thực hiện tốt những nguyên tắc: lịch sử -

94

cụ thể; khách quan, toàn diện và phát triển. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, bảo đảm việc đánh giá sự phát triển của con người một cách khoa học, đúng đắn.Việc đổi mới quan điểm đánh giá phẩm chất, năng lực, sự phát triển của con người Việt Nam hiện nay để sắp xếp, bố trí công tác cần lưu ý:

Phải có cái nhìn tổng thể, phải đứng trên quan điểm hệ thống khi xem

xét, đánh giá sự phát triển của con người. Thực tế cho thấy, con người tồn tại

và phát triển bao giờ cũng là sự kết tinh của nhiều nhân tố: thể lực, trí tuệ, lý tưởng, đạo đức, quan niệm sống, trình độ, năng lực thẩm mỹ, là sự phát triển hài hòa, cân đối giữa mặt sinh vật và mặt xã hội. Vì vậy, xem xét, đánh giá con người nhất thiết phải chú ý đến tính toàn diện trong sự phát triển của nó, tìm ra những nhân tố chủ yếu tác động đến sự phát triển của con người. Có như vậy mới tránh tình trạng hời hợt, phiến diện hoặc lẫn lộn giữa hình thức với nội dung, hiện tượng với bản chất khi nhìn nhận, đánh giá con người.

Dân chủ, công khai và dựa vào tập thể để đánh giá năng lực, bố trí công tác cho phù hợp là yêu cầu đặc biệt quan trọng, cần phải quán triệt trong việc đổi mới quan điểm đánh giá phẩm chất, năng lực của con người.

Xem xét, đánh giá quá trình phấn đấu rèn luyện của mỗi con người và những kết quả mà họ đạt được trong quá trình phát triển phẩm chất, năng lực cá nhân là vấn đề phức tạp. Mỗi người từ sự hiểu biết, từ mối quan hệ, thái độ, tình cảm... với đối tượng mà có cách nhận xét, đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược nhau trên cùng một con người. Để tránh tình trạng này, cần phải đảm bảo dân chủ, công khai khi xem xét tài năng, đạo đức, nhân cách con người, phải dựa vào tập thể, phải lấy ý kiến rộng rãi của mọi người, của các đoàn thể, tổ chức nơi cá nhân đó sống và làm việc. Những nhận xét, đánh giá của các tầng lớp nhân dân sẽ cho phép chúng ta tìm ra được kết luận chính xác, phù hợp, tránh chủ quan, cá nhân chủ nghĩa khi nhìn nhận, đánh giá trình độ, năng lực của mỗi thành viên trong cộng đồng. Thực tế cho thấy, địa phương nào, cơ quan nào thực hiện tốt việc công khai, dân chủ, tôn trọng và biết tiếp thu ý kiến của tập thể trong việc đánh giá năng lực các thành viên, bổ

95

nhiệm cán bộ, sắp xếp làm việc thì thường tìm được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp với công việc được giao, góp phần quan trọng khuyến khích, cổ vũ mọi người vươn lên trong cuộc sống. Trái lại, nếu độc đoán, bè cánh, cá nhân chủ nghĩa khi xem xét, đánh giá con người sẽ dẫn đến tình trạng trù dập, đè nén, ức hiếp những người có trình độ, năng lực nhưng không ăn cánh với những kẻ chuyên quyền, coi thường tập thể. Sự mất dân chủ, thiếu công khai khi xem xét, đánh giá con người, bố trí cán bộ lại là điều kiện để những kẻ cơ hội, bất tài, mất phẩm chất, xu nịnh... chui vào các cơ quan quản lý kinh tế, xã hội đục khoét tiền bạc của Nhà nước và nhân dân, làm ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng đối với Đảng và Nhà nước ta.

Nhanh chóng xây dựng những tiêu chuẩn mới, khoa học làm cơ sở để

đánh giá phẩm chất, năng lực của con người đang là vấn đề cấp bách trong

chiến lược con người ở nước ta hiện nay.

Một trong những nguyên nhân quan trọng, ảnh hưởng đến tính đúng đắn trong việc đánh giá sự phát triển con người thời gian qua là, chúng ta chưa có một tiêu chuẩn khoa học để đánh giá phẩm chất, năng lực của con người ở thời kỳ mới. Do đó sự tùy tiện, thiếu khách quan khi xem xét con người, tuyển chọn công chức, bố trí cán bộ, sắp xếp việc làm là điều khó tránh khỏi và không dễ kiểm soát. Vì vậy, chúng ta cần khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn đánh giá con người trên cơ sở khoa học, hiện đại, phù hợp với đặc điểm dân tộc và yêu cầu về năng lực của con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đất nước. Để đạt được mục tiêu đó, theo chúng tôi, nội dung các tiêu chuẩn cần phải quán triệt các quan điểm của Đảng, của Hồ Chí Minh khi xem xét đánh giá con người. Đây là căn cứ vững chắc nhất để xây dựng tiêu chuẩn mới cho việc đánh giá con người, tuyển chọn nhân lực cho các ngành kinh tế, xã hội và bộ máy quản lý các cấp ở nước ta.

Tiêu chuẩn mới phải bao quát được các mặt trong chỉnh thể con người, phải thấy được mối liên hệ, sự tác động qua lại giữa đạo đức, lý tưởng, quan

96

điểm sống với tài năng, năng lực, sức khỏe trong việc hình thành nhân cách con người. Tất nhiên, tùy vào điều kiện cụ thể, có thể nhấn mạnh mặt này hoặc mặt khác, song đó chỉ là thứ yếu, không nên lạm dụng. Con người dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều tồn tại và hoạt động với tư cách là một thực thể vẹn toàn với những phẩm chất, đặc trưng riêng của nó. Vì thế, tiêu chuẩn mới cần phải coi trọng cả tài và đức trong đó đức là gốc, phải trân trọng mọi kết quả phấn đấu vươn lên hoàn thiện phẩm chất, năng lực của các cá nhân.

Trong điều kiện phát triển mới của đất nước, tiêu chuẩn để đánh giá sự phát triển của con người Việt Nam phải được đặt trên nền tảng chất lượng mới, cao hơn. Việc xem xét phẩm chất, năng lực của con người Việt Nam hiện nay cần phải liên hệ chặt chẽ với cách đánh giá chung của các nước trong khu vực và trên thế giới, để thấy được mặt mạnh, mặt yếu, trình độ phát triển và năng lực của con người Việt Nam, trên cơ sở đó xác định được tiêu chuẩn phù hợp, không chỉ đánh giá đúng mà còn khuyến khích và tạo điều kiện cho sự phát triển ngày một cao hơn trí tuệ, đạo đức, sức khỏe, trình độ thẩm mỹ của người Việt Nam. Trong tiêu chuẩn mới để đánh giá sự phát triển mọi mặt con người hiện nay, chúng ta nên chú trọng đến cách thức "làm người", trách nhiệm công dân của các thành viên trong cộng đồng. Đây là tiêu chuẩn cơ bản và hiện đại để đánh giá mức độ phát triển của con người trong thời đại hiện nay. Ý thức công dân tốt, trách nhiệm xã hội cao là kết quả tác động của nhiều yếu tố: lý tưởng, quan điểm sống, đạo đức, trí tuệ, lòng nhân ái, tính cộng đồng... của con người. Xây dựng một xã hội trong đó mỗi người luôn thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm đối với công việc chung, mang hết tài năng, sức lực của mình cống hiến cho sự phát triển đất nước là mục tiêu quan trọng của Đảng và nhân dân ta. Muốn đạt tới điều đó, nhất thiết phải có những con người có lý tưởng, quan điểm sống mới, cao đẹp: mình vì mọi người; gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau; luôn hành động vì hạnh phúc của đồng bào, đồng chí như Hồ Chí Minh đã từng nêu lên. Do đó, trong tiêu chuẩn mới đánh

97

giá sự phát triển của con người, cần phải đặt lên rất cao vấn đề ý thức trách nhiệm công dân.

Con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc cũng là điều phải đặc biệt chú trọng trong tiêu chuẩn đánh giá sự phát triển con người trong thời kỳ đổi mới ở nước ta. Coi trọng những giá trị tốt đẹp trong truyền thống dân tộc, tiếp thu, kế thừa tinh hoa văn hóa cha ông để làm phong phú các năng lực của con người Việt Nam đang là vấn đề lớn của chiến lược con người, của việc xây dựng và phát triển con người mới ở nước ta hiện nay. Xây dựng và phát triển con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chỉ được đo bằng tri thức khoa học hiện đại, ý thức công dân cao mà còn ở trình độ hiểu biết, nắm bắt, tiếp thu các giá trị cao đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc mà cha ông ta đã tốn bao mồ hôi, xương máu để tạo dựng nên. Trong xu thế hội nhập hiện nay của thế giới, vấn đề có tính toàn cầu là làm sao bảo vệ được bản sắc riêng của các dân tộc, hội nhập thành công về kinh tế nhưng không bị thôn tính, hòa tan về văn hóa. Kinh nghiệm cho thấy, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trong thời đại mới, trước hết phải có những con người biết quý trọng những giá trị văn hóa của dân tộc mình, biết kế thừa, nâng cao và làm tỏa sáng những giá trị đó trong cộng đồng thế giới. Từ rất sớm, trong chiến lược con người của Việt Nam, Đảng ta và Hồ Chí Minh hết sức coi trọng việc giáo dục những giá trị truyền thống của dân tộc, của cách mạng cho mọi người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Kết quả nghiên cứu của công trình khoa học công nghệ cấp nhà nước KX-07 cho thấy tuyệt đại đa số người Việt Nam được hỏi (81,15%) đã trả lời rất tự hào về truyền thống dân tộc [44, tr.50]. Đây là nét đẹp trong tâm hồn, tư tưởng của con người Việt Nam mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy. Do đó trong tiêu chuẩn đánh giá sự phát triển của con người Việt Nam hiện đại, yếu tố truyền thống cần phải được hết sức coi trọng.

Đổi mới quan điểm xem xét, đánh giá sự phát triển mọi mặt của con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới của đất nước để sắp xếp, bố trí công

98

việc phù hợp với sở trường, năng lực của mỗi người là giải pháp không thể thiếu trong tổng thể các giải pháp nhằm phát triển con người mới dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên cơ sở quan điểm mới đó, chúng ta không những đánh giá đúng đắn, chính xác sự phát triển về mọi mặt mà còn định hướng cho sự phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn về trí lực, thể lực, đạo đức, năng lực thẩm mỹ, khả năng sáng tạo... của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, đổi mới quan điểm xem xét, đánh giá trình độ phát triển về mọi mặt của con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới là một đòi hỏi bức thiết, mang tính tất yếu khách quan.


Một phần của tài liệu QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ CON NGƯỜI MỚI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ VIỆC XÂY DỰNG CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 95 -101 )

×