0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (121 trang)

Xây dựng con người phát triển toàn diện

Một phần của tài liệu QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ CON NGƯỜI MỚI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ VIỆC XÂY DỰNG CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 40 -43 )

Xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa là đào tạo, xây dựng con người phát triển toàn diện về: Đức, Trí, Thể, Mỹ. Hồ Chí Minh hay nhắc đến đức và tài, hồng và chuyên, song không hề coi nhẹ việc rèn luyện thể lực và giáo dục thẩm mỹ cho con người nhất là thế hệ thanh niên, thiếu niên.

Tiếp thu quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về con người toàn diện, Hồ Chí Minh nhìn nhận, tiếp cận con người toàn diện Việt Nam trên các mặt chủ yếu cấu thành nên phẩm chất, năng lực của nó, đó là: Thể lực, Trí tuệ, Thẩm mỹ, Đạo đức. Điều này thể hiện qua nhiều bài nói, bài viết của Người như: "Đời sống mới"; "Thư gửi lớp chuẩn bị tổng phản công" Trường trung học lục quân Trần Quốc Tuấn ngày 9/11/1949; "Gửi tướng Nguyễn Sơn" tháng 3 năm 1948; "Nhiệm vụ của người làm tướng" (8/1948) và nhất là trong bài "Gửi các em học sinh" trên báo Nhân Dân ngày 24/10/1955. Trong bức thư này, Hồ Chí Minh đã đứng trên quan niệm Đức, Trí, Thể, Mỹ, để nhìn nhận con người toàn diện và đặt ra yêu cầu phải rèn luyện, giáo dục đào tạo, phát triển con người theo những tiêu chí đó. Tư tưởng này được Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định trong "Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi" tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 1- nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1959). Người viết: "Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo dục thanh niên về Đức dục, Trí dục, Thể dục".

38

Như vậy, có thể nói con người toàn diện trong quan niệm của Hồ Chí Minh hiện ra như một thực thể vẹn toàn mà trong nó sự mạnh khỏe về mặt thể chất, sự phong phú về mặt trí tuệ (tri thức cũ và mới), sự hiểu biết sâu sắc về cái hay cái đẹp, cái tốt, cái cao cả... cũng như những phẩm chất đạo đức trong sáng, cao đẹp là những điểm cơ bản và chủ yếu nhất.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chỉ rõ, con người Việt Nam được sự dìu dắt, giáo dục, đào tạo của Đảng cộng sản và Hồ Chí Minh đã trở thành yếu tố quyết định, là động lực thực sự cho sự phát triển của cách mạng trong suốt mấy chục năm qua. Hơn thế nữa, đối với Hồ Chí Minh, con người không chỉ là động lực mà còn là mục tiêu cao cả nhất, là cái đích hướng tới của cách mạng Việt Nam. Chúng ta làm cách mạng là để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng và phát triển con người, nâng vị thế của con người lên một tầm cao mới, xứng đáng là chủ thể của mọi quá trình phát triển trong xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, phát triển con người về mọi mặt để không ngừng nâng cao trình độ, phẩm chất, năng lực của người chiến sĩ cách mạng, của công nhân, nông dân, trí thức và các tầng lớp nhân dân là tư tưởng rất quan trọng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Hồ Chí Minh.

Quan điểm phát triển con người mới xã hội chủ nghĩa của Hồ Chí Minh được trình bày một cách trực tiếp và gián tiếp qua rất nhiều tác phẩm, cũng như qua những hành động cụ thể trong hoạt động thực tiễn của Người. Đặc biệt, tư tưởng đó được Hồ Chí Minh nêu lên một cách trực tiếp ở ba văn kiện rất quan trọng đó là trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của chế độ mới (tháng 9/1945); trong bức thư cuối cùng mà Người viết cho ngành giáo dục nước ta (15/10/1968) và trong Di chúc thiêng liêng (1969) của Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng.

Ở bức thư nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Phải thực hiện một nền giáo dục "làm phát triển hoàn toàn các năng lực sẵn có của các cháu". Trong bức thư cuối cùng gửi ngành giáo dục ngày 15/10/1968, Người khẳng định: "Trên nền tảng giáo

39

dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết những vấn đề do cách mạng nước ta đề ra, và trong một thời gian không xa đạt tới đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật". Còn trong Di chúc thiêng liêng, Hồ Chí Minh khẳng định cần phải "chú trọng đến việc đào tạo những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội "vừa hồng" "vừa chuyên".

Các thành tựu nghiên cứu sinh học đã chứng minh: Mỗi một con người khi sinh ra đều có những khả năng, năng lực nhất định nhưng nó thường tồn tại dưới dạng tiềm năng. Để biến tiềm năng thành hiện thực cần phải có những điều kiện cần thiết về tự nhiên (dinh dưỡng) và xã hội (chăm sóc, giáo dục, đào tạo...) Thực tế cho thấy, có những đứa trẻ sinh ra có nhiều tố chất tự nhiên tốt, thể hiện một sự nổi trội về năng khiếu trên nhiều lĩnh vực, song, do điều kiện thiếu thốn về vất chất, và thiếu sự chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, đào tạo nên những năng khiếu đó là bị thui chột, không phát triển được. Ngược lại, có những người lúc sinh ra chỉ là đứa trẻ bình thường về mọi mặt, nhưng nếu được chăm sóc, nuôi dạy một cách đúng đắn, thì các năng lực tiềm ẩn trước đây được khơi dậy và phát triển tốt. Trong lịch sử nhân loại cũng như lịch sử Việt Nam, không thiếu những người hiền tài mà thuở nhỏ họ đã biểu lộ rõ những khả năng, năng khiếu của mình, được gia đình và xã hội chăm sóc nuôi dưỡng, dạy dỗ, đào tạo đúng đắn nên những năng khiếu đó đã phát triển thành tài năng. Họ đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước cũng như cho nhân loại.

Như vậy, yếu tố xã hội có tác động vô cùng to lớn đến sự phát triển toàn diện các phẩm chất, năng lực của con người. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tác động này diễn ra một cách có ý thức, có chủ đích rõ ràng. Điều đó được thể hiện một cách nhất quán qua hệ thống đào tạo, giáo dục từ tiểu học cho đến đại học ở nước ta trong gần sáu thập kỷ qua. Theo Hồ Chí Minh, cái đích của sự nghiệp xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa là phải tạo ra những người phát triển về mọi mặt. Người viết: "Làm cách mạng là phải biết

40

toàn diện, việc gì cũng phải biết làm - biết bắn súng thì khi súng hỏng cũng phải biết sửa chữa". Để đạt mục tiêu cao cả đó, khi tiến hành việc giáo dục, đào tạo "cần phải chú trọng đến các mặt: Đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất". Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu rằng, con người đó không tự nhiên xuất hiện mà là sản phẩm của những hoạt động có ý thức, có chủ đích của chế độ mới xã hội chủ nghĩa. Với quan niệm và cách nhìn nhận con người toàn diện như là một thể thống nhất, sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố, các mặt: thể lực, trí tuệ, trình độ thẩm mỹ, đạo đức cách mạng..., Hồ Chí Minh cho rằng phát triển con người toàn diện trước hết phải tập trung phát triển tất cả các mặt, các phương diện cấu thành chỉnh thể đó.

Một phần của tài liệu QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ CON NGƯỜI MỚI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ VIỆC XÂY DỰNG CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 40 -43 )

×