Tình hình kinh tế huyện Lập Thạch những198 6 1996

Một phần của tài liệu Đảng bộ huyện lập thạch (vĩnh phúc) lãnh đạo phát triển kinh tế từ năm 1997 đến năm 2009 (Trang 26 - 32)

Trong những năm 1986 - 1996, mặc dù có dấu hiệu phục hồi và phát triển, những tình hình kinh tế của huyện vẫn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất

nông nghiệp liên tiếp chịu thiệt hại do thiên tai, đặc biệt là trận lũ lịch sử năm 1986 đã gây vỡ đê sông Phó Đáy và sông Lô. Bên cạnh đó, tình hình trong nước lúc này đang lâm vào tình trạng khủng hoảng do một thời gian dài thực hiện cơ chế quan liêu bao cấp dẫn đến lạm phát trong cả nước tăng, giá cả đắt đỏ,... làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong huyện.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện và sự nỗ lực của nhân dân toàn huyện sản xuất nông nghiệp huyện vẫn đạt nhiều kết quả.

a.Về nông nghiệp – lâm nghiệp:

Diện tích gieo trồng mỗi năm của huyện đạt từ 22.500 – 27.700 ha, trong đó diện tích gieo trồng cây lương thực từ 19.500 – 21.200 ha tăng so với thời kì trước. Các diện tích cây rau màu cũng liên tục tăng. Do diện tích trồng lúa, ngô tăng, xu hướng chuyển sang trồng các cây lâm nghiệp và cây ăn quả nên diện tích cây sắn và cây khoai lang thời kì này đều giảm. Riêng đối với các loại cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, đậu tương,… có xu hướng tăng rõ rệt.

Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đưa các giống mới có năng suất cao, có sức chống chịu sâu bệnh tốt và tích cực chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, đặc biệt là chú trọng sản xuất vụ đông nên kết quả đạt khá. Năng suất lúa tăng lên 30 tạ/ha từ những năm 1995 - 1997. Tổng sản lượng lương thực quy thóc cũng đạt mức cao, từ 43.273 tấn năm 1991 tăng lên 52.903 tấn năm 1996 [10, tr.204].

Sản lượng cây công ngiệp đến trước năm 1997 liên tục tăng so với giai đoạn trước, giá trị sản lượng năm 1995 tăng 2,6 lần so với năm 1990.

Cùng với xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành chăn nuôi trong thời gian này phát triển với tốc độ năm sau cao hơn năm trước. Được sự chỉ đạo của Huyện ủy với các chính sách như nạc hóa đàn lợn, Sind hóa đàn bò, nhập nhiều giống gia cầm có năng suất cao,… ngành chăn nuôi phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đàn bò toàn huyện đến năm 1996 có 30.708 con trong đó có 258 con bò lai Sind, tăng hơn 10.000 con so với năm 1991. Đàn trâu tăng lên 12.625 con. Chăn nuôi trâu bò vừa nhằm đáp ứng sức

kéo cho ngành nông nghiệp đồng thời tăng thu nhập cho gia đình. Tổng đàn lợn có 79.188 tỉ lệ nạc từ 80 - 90%, chăn nuôi lợn được xác định là một trong những mũi nhọn để phát triển kinh tế của huyện; đàn gia cầm có 1.137.000 con; do tận dụng diện tích mặt nước với việc triển khai mô hình “một lúa một cá” diện tích thả cá năm 1996 đạt 869 ha [10, tr.205].

Về lâm nghiệp, diện tích trồng rừng đạt được 595 ha. Chất lượng rừng trồng đảm bảo tốt, giải quyết việc làm cho 300 lao động ở 5 xã Lãng Công, Đồng Quế, Tân Lập, Vân Trục, Ngọc Mỹ. Giải quyết 25 hộ giãn dân trong vùng dự án với số vốn đầu tư trên 700 triệu. Đã giao quyền sử dụng đất rừng lâu dài cho 1.151 hộ với 993 ha. Phong trào trồng cây ăn quả được đẩy mạnh, một số mô hình kinh tế trang trại vườn đồi, vườn rừng đang phát triển, nhiều hộ gia đình cải tạo vườn tạp để thành vườn quả có giá trị kinh tế cao như vải, nhãn, hồng, na.

Các ngành dịch vụ như vật tư, thú y, bảo vệ thực vật, thuỷ nông có nhiều cố gắng cung ứng đủ giống, phân bón, thuốc trừ sâu, đảm bảo đủ nước tưới cho mùa vụ đã đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân.

Về công tác quản lý HTX nông nghiệp là vấn đề khó khăn và phức tạp. Sau hơn 30 năm tồn tại, vai trò của các HTX không còn phù hợp do việc phát triển của kinh tế hộ gia đình. Huyện ủy chỉ đạo thận trọng để tạo dự đổi mới từng bước, hướng dẫn các HTX chuyển dần sang làm chức năng dịch vụ, một số mô hình HTX kiểu mới đã xuất hiện. Thực hiện Luật HTX và Chỉ thị số 68 của Bộ Chính trị, Huyện ủy ban hành nghị quyết số 03 ngày 01 – 01 – 1996, chỉ đạo việc đổi mới các HTX, toàn huyện còn 51 HTX hoạt động [10, tr.206].

Nhìn chung, kinh tế nông – lâm nghiệp của huyện sau 10 năm đổi mới đã có bước phát triển toàn diện. Những vấn đề về nông nghiệp, nông thôn được Đảng bộ huyện quan tâm chỉ đạo đạt được nhiều thành tựu.

b. Về công nghiệp – thủ công nghiệp, các ngành dịch vụ thương mại:

Sản xuất TCN có bước phát triển, nhiều ngành nghề mở ra như sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác cát sỏi, chế biến gỗ, sửa chữa cơ khí, điện tử, chế

biến nông sản thực phẩm và các nghề truyền thống như đan lát, rèn, đúc nhôm… vẫn được phát huy. Giá trị tổng sản lượng năm 1996 đạt 434 triệu. Một số mặt hàng tăng khá như gạch ngói: 27,6 triệu viên; cát sỏi 80 ngàn m3 tăng 73%, vôi 4.100 tấn.

Tuy nhiên việc quản lí các ngành nghề ở cơ sở chưa chặt chẽ, chưa phát huy hết thế mạnh tiềm năng sẵn có ở một số ngành như sản xuất vôi, khai thác vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, chưa phát huy được các làng nghề.

Dịch vụ thương mại mở rộng, mặt hàng phong phú đa dạng, phương thức mua bán thuận lợi, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, việc quản lý thị trường còn lỏng lẻo, còn để hàng kém phẩm chất, hàng giả tràn vào thị trường huyện.

Về xây dựng mạng lưới điện, giá dự toán xây lắp năm 1996 dự kiến khoảng 8 tỷ đồng, nhưng do khó khăn mới thực hiện được 2,57 tỷ đồng ở các xã Bạch Lưu, Ngọc Mỹ, Vân Trục, Liên Hoà, Liễn Sơn, Quang Yên, còn dở dang chưa đưa vào sử dụng được. Trong đó có 10 km đường 35 KV, 8 km đường 10 KV và 6 trạm biến áp loại 100 - 250 KVA.

Về giao thông vận tải, đã tiến hành duy tu sửa chữa cầu cống các tuyến đường trục và liên xã với số vốn đầu tư 696 triệu, đào đắp hơn 60.000 m3 đất đá, xây mới và sửa chữa 34 cống các loại, phương tiện vận tải tăng, có 3 xe khách, 7 ô tô tải, 83 xe công nông và nhiều phương tiện thô sơ khác, có 25 chiếc thuyền máy, có doanh thu 1,56 tỷ đồng.

Về duy tu đường giao thông, còn một số đoạn đường tu sửa chưa đảm bảo gây lãng phí, tốn kém ảnh hưởng xấu đến giao thông. Thực hiện Nghị định 36 của Chính phủ về xây dựng giao thông nông thôn, ở một số nơi làm tốt nhưng một số nơi còn lấn chiếm trở lại. Một số nơi làm đường nông thôn, xóm ngõ ra đồng chuyển biến chậm, tai nạn giao thông chưa giảm.

Công tác bưu chính viễn thông phát hành báo chí phục vụ kịp thời nhu cầu thông tin trên địa bàn huyện. Số máy điện thoại thuê bao toàn huyện lên 235 chiếc. Trong số đó ở cơ quan 82 chiếc, 12 trụ sở UBND xã có 15 chiếc, ở

các hộ tư nhân 123 chiếc, còn lại là điện thoại công cộng và kiốt bưu điện quản lý. Bình quân 950 người mới có 1 máy. Công tác phát hành báo chí có cố gắng, chuyển kịp đến tay người đọc, song một số địa phương đặt mua báo thất thường.

c. Công tác tài chính - tín dụng:

Về ngân sách, tổng thu ngân sách nhà nước năm 1996 là 7.888 triệu, trong đó thu trên địa bàn 6.178 triệu, thu từ ngân sách tỉnh cấp 1.710 triệu . Ngân sách huyện còn nhiều khó khăn, song do nắm chắc đặc điểm các nhu cầu chi nên đã chủ động bám sát kế hoạch để điều hành chi đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên và một số nhu cầu chi đột xuất khác.

Ngân hàng nông nghiệp huyện Lập Thạch hoạt động hiệu quả giúp cho việc dải ngân, giúp nông dân vay vốn phát triển kinh tế đạt nhiều thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế.

Như vậy, đến trước năm 1997, bức tranh tổng thể về tình hình kinh tế của Lập Thạch như sau:

1- Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá. Kinh tế nông nghiệp phát triển đều, chuyển dịch một bước cơ cấu nông nghiệp nông thôn đúng hướng. Sản xuất lương thực tăng, tổng sản lượng đạt gần 53.000 tấn đạt mục tiêu được đề ra tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn huyện phát triển, sản xuất vật liệu xây dựng trở thành một ngành mũi nhọn, mạng lưới dịch vụ phát triển đa dạng nhất là dịch vụ vận tải và dịch vụ thương mại. Giá trị tổng sản phẩm đạt 293.018 triệu đồng. Bình quân đầu người 1.317 ngàn đồng.

Cơ cấu trong giá trị tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp chiếm 69,6%, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản chiếm 13,4%; ngành dịch vụ vận tải và thương mại chiếm 17%, cơ cấu ngành so với đại hội lần thứ XVI của huyện chưa đạt, nhưng so với năm 1995, tỷ trọng

nông nghiệp giảm 3,1%, công nghiệp – xây dựng cơ bản tăng 2%, dịch vụ tăng ít, có tỷ trọng hợp lý theo đúng hướng.

2- Sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì và phát triển trên diện rộng. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân trong huyện được nâng lên rõ rệt.

3- Chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được đảm bảo, kỷ cương xã hội được củng cố, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm được coi trọng và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.

4- Xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, Đảng bộ huyện đã tập trung củng cố cơ sở Đảng phù hợp để hoạt động có hiệu quả và tự đổi mới để từng bước nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo của toàn Đảng lên ngang tầm nhiệm vụ mới.

Hoạt động của HĐND có đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả các kỳ họp. Vai trò quản lý và điều hành của chính quyền có nhiều tiến bộ, quản lý nhà nước về KT - XH có chuyển biến rõ nét. Vai trò của một số đoàn thể nhân dân nâng cao, được các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm.

Bên cạnh những thành tựu, KT - XH của huyện Lập Thạch trong thời kì này còn những khó khăn, hạn chế:

Tốc độ phát triển kinh tế tuy có tăng nhưng so yêu cầu chưa cao. Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp khá. Xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng còn chậm, việc tranh thủ các nguồn vốn của trên cũng như vận động nhân dân đóng góp còn thấp, thiếu vốn nghiêm trọng trong xây dựng cơ bản. Các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở còn lúng túng trong chỉ đạo đổi mới HTX nông nghiệp, việc thanh toán nợ còn chậm, dây dưa kéo dài. Một số đơn vị cơ sở thực hiện chưa nghiêm túc trong việc nộp thuế, huy động ngày công lao động công ích, thu nộp thuỷ lợi phí… ngân sách xã còn mất cân đối nghiêm trọng. Một số cơ sở chưa thực hiện đúng trong quản lý thu chi.

Công tác xoá đói giảm nghèo nhìn chung hiệu quả thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo nhìn chung còn cao hơn mức bình quân của tỉnh. Chỉ đạo thực hiện

chính sách đối với các xã miền núi và dân tộc còn yếu. Các mặt văn hoá xã hội đã chú ý nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

Chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở còn thấp, vai trò của Đảng uỷ, chi bộ một số nơi còn rất hạn chế. Tỷ lệ tập hợp quần chúng của các đoàn thể chưa cao. Chính quyền một số cơ sở còn vi phạm pháp luật phải xử lý.

Thực hiện chế độ thông tin báo cáo chậm, chưa đầy đủ, nhất là tình hình đột xuất như thiên tai, bão lụt, dịch bệnh gây khó khăn cho lãnh đạo, chỉ đạo của huyện.

Một phần của tài liệu Đảng bộ huyện lập thạch (vĩnh phúc) lãnh đạo phát triển kinh tế từ năm 1997 đến năm 2009 (Trang 26 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)