1.4.1.1. Khái niệm tích hợp dạy học.
Tích hợp được hiểu là sự kết hợp một cách hữu cơ, có hệ thống, ở những mức độ khác nhau, các kiến thức, kĩ năng thuộc các môn học khác nhau hoặc các hợp phần của bộ môn thành một nội dung thống nhất, dựa trên cơ sở các mối liên hệ về lí luận và thực tiễn được đề cập đến trong các môn học hoặc các hợp phần của bộ môn đó.
1.4.1.2. Tính chất cơ bản của tích hợp
- Tính liên kết: liên kết phải tạo thành một thực thể toàn vẹn, không còn sự phân chia giữa các thành phần kết hợp.
- Tính toàn vẹn: dựa trên sự thống nhất nội tại các thành phần liên kết, chứ không phải sự sắp đặt các thành phần bên cạnh nhau.
Hai tính chất trên có liên hệ mật thiết với nhau, quy định lẫn nhau. Không thể gọi là tích hợp nếu các tri thức, kĩ năng chỉ được thụ đắc, tác động một cách riêng rẽ, không có sự liên kết, phối hợp với nhau trong lĩnh hội tri thức hay giải quyết một vấn đề, tình huống.
1.4.1.3. Tích hợp nội dung GDMT trong dạy học hóa học
Là sự kết hợp một cách hệ thống kiến thức môn học với kiến thức GDMT, làm cho chúng quyện vào nhau thành một thể thống nhất.
1.4.1.4. Các kiểu tích hợp vào bài giảng
- Tích hợp một phần vào bài giảng mới. - Tích hợp vào toàn bài giảng.
1.4.1.5. Nguyên tắc khi tích hợp giảng dạy
- Đảm bảo tính đặc trưng và tính hệ thống của bộ môn, tránh mọi sự gượng ép ảnh hưởng đến khả năng lĩnh hội của học sinh cả về kiến thức khoa học của bộ môn lẫn nội dung và ý nghĩa giáo dục.
- Tránh làm nặng nề thêm các kiến thức sẵn có, xem xét và chọn lọc những nội dung có thể tích hợp vào giảng dạy một cách thuận lợi nhất và đem lại hiệu quả cao nhất.
1.4.1.6. Các phương pháp dạy học tích hợp
- Phương pháp giảng giải, thảo luận nhóm, đàm thoại. - Phương pháp tham quan, điều tra, khảo sát, nghiên cứu. - Phương pháp khai thác kinh nghiệm thực tế để giáo dục. - Phương pháp thí nghiệm.
- Phương pháp giao bài tập về nhà. - Phương pháp hoạt động thực tiễn. - Phương pháp đóng vai.
- Phương pháp động não.
- Phương pháp học tập theo dự án. - Phương pháp nêu gương.
- Phương pháp tiếp cận kĩ năng sống.
1.4.1.7. Dạy học hóa học theo định hướng tích hợp
Dạy học hóa học theo định hướng tích hợp vẫn theo đuổi quan điểm “lấy HS làm trung tâm”, tích cực hoá hoạt động học tập của HS trong mọi mặt, mọi khâu của quá trình dạy học; tìm mọi cách phát huy năng lực tự học, năng lực sáng tạo của HS. Do vậy, việc lựa chọn và sử dụng các phương pháp dạy học cần chú ý bảo đảm các yêu cầu sau:
- Giúp HS tích hợp các kiến thức và kĩ năng đã lĩnh hội, xác lập mối liên hệ giữa các tri thức và kĩ năng đã học bằng cách tổ chức, thiết kế các nội dung, tình huống tích hợp để HS vận dụng phối hợp các tri thức và kĩ năng riêng rẽ để giải quyết vấn đề đặt ra, qua đó lĩnh hội các kiến thức và phát triển năng lực, kĩ năng tích hợp.
- Tổ chức, thiết kế các hoạt động phức hợp để HS học cách sử dụng phối hợp những kiến thức và kĩ năng đã được học.
- Đặt HS vào trung tâm của quá trình dạy học để HS trực tiếp tham gia vào giải quyết các vấn đề, tình huống tích hợp; biến quá trình truyền thụ tri thức thành quá trình HS tự ý thức về cách thức chiếm lĩnh tri thức và hình thành kĩ năng.
- Phát huy tính tích cực chủ động và sáng tạo của HS; chú trọng mối quan hệ giữa HS với SGK; phải buộc HS chủ động tự đọc, tự làm việc độc lập theo SGK, theo hướng dẫn của GV.