6. Kết cấu luận văn
3.1. Ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm thơ
Bàn về ngôn từ trong văn học, M.Goocki cho rằng: "Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học". Ngôn ngữ trong tất cả tính chất thẩm mĩ của nó là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Không có ngôn từ thì không thể có tác phẩm văn học. Nếu không có ngôn ngữ thì nhà thơ không làm sao thể hiện được bức tranh đời sống và truyền đạt thông điệp tư tưởng thẩm mỹ đến người đọc. Còn về phía người tiếp nhận, tất cả hình tượng nhân vật, cốt truyện, chủ đề, cảm hứng, … đều chỉ được nắm bắt thông qua những hình thức của ngôn từ. Như thế, việc khám phá thế giới phong phú của tác phẩm phải được bắt đầu bằng việc khám phá văn bản ngôn từ. Ngôn từ sẽ làm hiện lên vẻ đẹp hình thức, tư tưởng, tâm sự mà nhà thơ muốn gửi gắm vào đứa con tinh thần do chính họ tạo tác. Khi nói về ngôn ngữ thi ca M. Bakhtin từng nhấn mạnh: “Ngôn ngữ nhà thơ là ngôn ngữ của anh ta, anh ta làm chủ
nó triệt để và không chia sẻ, sử dụng từng hình thái, từng từ ngữ, từng thành ngữ theo mục đích trực tiếp…Dù nhà thơ có niếm trải những nỗi đau tìm chữ trong quá trình sáng tác thế nào đi chăng nữa – thì ở tác phẩm đã viết xong, ngôn ngữ vẫn là một công cụ ngoan ngoãn, phù hợp hoàn toàn với ý đồ tác giả” [9,103]. Các nhà lý luận cũng quan niệm: “Cấu trúc ngôn từ của tác phẩm văn học là hệ thống những phương thức tạo hình và biểu cảm của ngôn ngữ hoạt động trong văn bản và được tạo ra trong quá trình xây dựng tác phẩm. Chính nhờ phương thức này mà hệ thống hình tượng và nội dung tư tưởng được bộc lộ”. [30,169]. Ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học là ngôn từ toàn dân đã được nghệ thuật hoá. Ngôn từ đã được tác giả chọn lọc, gọt dũa, trau chuốt,... và đặc biệt ngôn từ ấy phải đem lại cho người đọc những cảm xúc thẩm mĩ. Điều đó khác hẳn với những xúc cảm khoa học - những rung động thông qua suy lý và chứng minh. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Tuân đã từng nói: "Nghề văn là nghề của chữ…Nó là cái nghề dùng chữ nghĩa sinh sự để sự sinh"
[54,123] bởi nhà thơtrước hết với tư cách là nghệ sĩ của ngôn từ, là con người xã hội, gắn bó mật thiết với dân tộc và thời đại, là người mang trọng trách truyền đạt lẽ sống và cái đẹp đến với con người. Như vậy, giá trị bền vững của một tác phẩm phụ thuộc
phần nhiều vào sức sống của ngôn từ; tinh hoa ngôn ngữ của một dân tộc được thể hiện đầy đủ nhất trong ngôn từ nghệ thuật. Tác phẩm văn học trước hết và cuối cùng là cuộc hành trình trọn vẹn của ngôn từ, là cuộc đời của ngôn từ. Do đó, mọi sự tìm tòi công phu, cân nhắc kĩ lưỡng, chọn lọc có sáng tạo là nhiệm vụ thường xuyên có ý thức của nhà thơ với phương tiện biểu hiện phong phú và rất biến hóa này.
Khi nghiên cứu ngôn từ nghệ thuật, ta cần đặt chúng trong một văn bản nghệ thuật nhất định. Lúc ấy mới thấy rõ ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học là một chuỗi ngôn từ được lựa chọn và tổ chức để thể hiện được mạch nổi và mạch ngầm của văn bản nghệ thuật. Mạch nổi của ngôn từ nghệ thuật thể hiện qua hệ thống từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, ngữ điệu, nhịp điệu…mang một thông báo nhất định nào đó. Mạch ngầm của ngôn từ nghệ thuật nằm trong sự hàm ẩn về ý và nghĩa - Giống như R. Wellek xem ngôn từ nghệ thuật là ngôn từ hàm ẩn, đa nghĩa; N. Frye hiểu ngôn từ nghệ thuật là ngôn từ hướng nội, khác với ngôn ngữ hàng ngày với tính hướng ngoại. Và khi văn bản nghệ thuật có sự đan kết giữa mạch nổi và mạch ngầm trong ngôn từ nghệ thuật thì sẽ tạo nên những giá trị tư tưởng- thẩm mĩ.
Ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm thơ mang những đặc trưng riêng và theo nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương thì khi: “Làm sáng tỏ những đặc điểm của ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học sẽ giúp ta nhìn nhận rõ hơn văn học với tư cách là nghệ thuật ngôn từ” [74,135]
Tuy ngôn từ nghệ thuật bắt nguồn từ ngôn từ của đời sống, nhưng về bản chất nó vẫn là ngôn từ nghệ thuật với những đặc trưng:
Ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học là ngôn từ chọn lọc, hàm súc. Mỗi từ, mỗi câu trong văn bản thơ được tác giả xếp theo trục ngang để chọn lựa thích hợp. Vấn đề đặt ra đối với mỗi nhà thơ là phải chọn một cách nói tốt nhất đến mức độ người ta cảm thấy không thể khác được. Đây chính là cách dùng từ sao cho đắt nhất, có giá trị biểu hiện cao nhất.Kiểu như Nguyễn Du đã "giết chết" các nhân vật Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến, mỗi tên chỉ bằng một từ: cái vô học của Mã Giám Sinh: Ghế trên ngồi tót sỗ sàng; cái gian manh của Sở Khanh: Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào; …Như cách Khương Hữu Dụng lựa chọn từ “sáng” trong câu thơ:
vừa bước từ bóng tối ra ánh sáng, thật sung suớng; …Phải làm công phu như thế vì theo R. Jakobsonkết luận: Chức năng thi ca đem nguyên lý tương đương của trục tuyển lựa chiếu lên trục kết hợpsẽ khiến cho một lời nói có chức năng thông báo bình thường trở thành lời văn nghệ thuật, có chức năng thẩm mĩ. Do đó, mỗi nhà thơ đều rất cần tích lũy cho mình một vốn từ phong phú và ý thức về sự lựa chọn, sự tổ chức ngôn từ là ý thức đáng trân trọng của người cầm bút.
Không những thế, ngôn từ còn cần sự tinh luyện, cô lắng, hàm súc. Hàm súc được hiểu là cái hàm ý, hàm nghĩa rộng trên một đơn vị ngôn từ mà tác giả sử dụng; là lời chật ý rộng, ý tại ngôn ngoại, lời ngắn ý dài, lời gần nghĩa xa…Vì phải tuân
thủ nguyên tắc tiết kiệm vật liệu ngôn từ, nên tính hàm súc là một yêu cầu cao đối với nghệ sĩ ngôn từ, đặc biệt là nhà thơ. Và cũng bởi thế, văn chương là lĩnh vực “quí hồ
tinh bất quí hồ đa”hay nói như Ôgiêrốp: "Bài thơ là một lượng thông tin lớn nhất trong một diện tích ngôn ngữ nhỏ nhất". Chính sự hạn định số tiếng trong câu thơ, bài thơ buộc người nghệ sỹ phải "thôi xao", nghĩa là phải phát huy sự tư duy ngôn từ để lựa chọn từ ngữ cho tác phẩm. Điều này đòi hỏi nhà thơ phải thật sự là nhà chỉ huy chữ nghĩa. Càng hàm súc, sức công phá của ngôn từ càng lớn. Có thể thấy, ngôn từ nghệ thuật có một đòi hỏi thật khắt khe và lao động chữ nghĩa là một thứ lao động sáng tạo đầy khổ hạnh. Bởi thế, Maiacôpxki gọi lao động ngôn từ nghệ thuật của nhà thơ là "trả chữ với với giá cắt cổ":
Nhà thơ trả chữ với giá cắt cổ Như khai thác chất hiếm radium
Lấy một gam phải mất hàng bao công lực Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ.
Ngôn ngữ ra đời và phát triển được là nhờ những công phu rèn luyện phi thường như thế.
Ngôn từ nghệ thuật thường mang tính đa nghĩa. Ngôn từ trong văn bản thơ
không quy vào một thuộc tính, một đặc trưng hay một khía cạnh duy nhất; ngữ nghĩa của từ trong thơ không dừng lại ở nghĩa gốc, nghĩa đen, nghĩa trong từ điển … mà biên độ về nghĩa của nó luôn luôn mở rộng, phong phú, sâu sắc, tinh tế hơn. Đó là thứ nghĩa được tạo sinh nhờ quan hệ và trong quan hệ như nghĩa bóng, nghĩa rộng; nghĩa
trực tiếp- nghĩa gián tiếp; nghĩa lấp lửng; nghĩa tượng trưng; nghĩa ngoài lời…. Ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm tạo điều kiện cho người đọc khơi mở những ý nghĩa tiềm tàng và thông điệp mà thơ ca đem lại là thông điệp sản sinh. Nó đem lại cho chúng ta nhiều vẻ đẹp khác nhau với mỗi lần tiếp xúc. Nên có thể nói, tính đa nghĩa là một đặc quyền, là ưu thế của ngôn từ nghệ thuật. Để tạo nên sự đa nghĩa của ngôn từ nghệ thuật, nhà thơ phải sử dụng nhiều biện pháp chuyển nghĩa khác nhau như ẩn dụ, hoàn dụ, so sánh, nhân hóa, tượng trưng…
Ngôn từ nghệ thuật mang tính tạo hình- biểu cảm. Trong văn học, ngôn từ mở ra hình ảnh trong tâm trí người tiếp nhận văn bản. Do người nghệ sĩ ngôn từ vẽ bằng từ ngữ, nên tính tạo hình mà ngôn từ nghệ thuật đem lại không hiện ra trực tiếp, nó là cái đẹp cuộc sống được tái tạo lại trong hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ. Bằng cách vẽ
này, người nghệ sĩ tạo dựng trong tác phẩm của mình những cảnh, những hình sống động, vừa cụ thể vừa mới lạ…
Để thực hiện các chức năng của mình, ngôn từ nghệ thuật tác động đến người đọc qua một hệ thống các đơn vị ngôn từ mang tính hình tượng. Hiện tượng này được gọi là sự vượt quá giới hạn về bản chất tín hiệu của các đơn vị ngôn ngữ. Nói cụ thể,
khi các đơn vị ngôn từ tham gia với tư cách là các tham tố tạo nên hình tượng nghệ thuật, tự nó đã làm mờ nhạt đi tính bản thể của tín hiệu ngôn từ để tạo nên một loại nghĩa mới ngoài bản thể, hay là siêu tín hiệu. Trong trường hợp này, việc nhận biết ý nghĩa của câu thơ không phải bằng con đường phản ánh của tín hiệu ngôn từ mà bằng con đường lý giải quá trình biểu tượng hoá các tín hiệu này thông qua các thao tác tư duy trừu tượng.
Tác phẩm văn học là sản phẩm của cảm xúc của người nghệ sĩ trước cảnh đời, cảnh người, trước thiên nhiên… Cho nên, ngôn từ trong tác phẩm văn chương phải biểu hiện được cảm xúc của tác giả và phải truyền được cảm xúc của tác giả đến người đọc, khơi dậy trong lòng người đọc những cảm xúc thẩm mĩ. Tính tạo hình của ngôn từ nghệ thuật gắn bó mật thiết với tính biểu cảm là vậy.
Tính biểu cảm của ngôn từ nghệ thuật được thể hiện rất đa dạng dưới nhiều cung bậc, sắc thái trong tác phẩm văn chương. Hình tượng phải hướng tới biểu cảm, gắn liền với biểu cảm, thể hiện sự yêu, ghét, phẫn nộ, giận ... của tác giả. Nói cho
cùng, động lực của văn học là tình cảm. Tình cảm là ngọn nguồn, là sức sống, là linh hồn của cái đẹp. Cái đẹp trong ngôn từ nghệ thuật cũng không nằm ngoài qui luật chung ấy. Thiếu tính biểu cảm, người nghệ sĩ không thể phô bày thế giới cảm xúc phong phú mãnh liệt của mình. Cũng như tình trừu tượng, tính vô cảm là chỗ chết của nghệ thuật và ngôn từ nghệ thuật. Ngôn ngữ văn học không thể nào chấp nhận được sự khách quan lạnh lùng, xơ cứng, vô cảm. Mỗi một lời nói bao giờ cũng phải được chất chứa đầy tình cảm. Mỗi một ngôn từ bao giờ cũng phải hàm chứa một sắc thái biểu cảm nào đó. Để tất cả hợp lại mới thành điệu tình cảm chung, điệu hồn của tác phẩm.
Trong câu Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình, Nguyễn Du đã dùng từ "sắt" đi với từ "mặt" để miêu tả đầy đủ bản chất xấu xa, vô cảm của Hồ Tôn Hiến, đồng thời kết hợp với "lạ" và "cũng" để biểu hiện sự đối lập với "tình" và nói lên sự khinh bỉ, ghê tởm của tác giả đối với nhân vật này.
Chất biểu cảm của ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học được bộc lộ một cách tự nhiên, như một thuộc tính vô cùng tinh tế. Tính chất biểu cảm của ngôn từ nghệ thuật có thể nhận diện qua cách diễn tả, thái độ của tác giả; qua các hình thức như sử dụng từ láy, điệp từ, cách xuống dòng, dấu chấm lửng...và nhất là qua giọng điệu nhằm cảm hóa người đọc. Thơ văn có tình, biểu lộ xúc cảm thì mới hay. Có tình kín đáo, có tình nồng nhiệt.. Nhưng nhất định tính biểu cảm của ngôn từ thơ trước hết phải xuất phát từ xúc cảm chân tình, dào dạt của nhà thơ. Việc lựa chọn từ ngữ, hình ảnh để biểu đạt chỉ là phương tiện, là chất liệu. Có thể nói đoạn cảm động nhất trong
Truyện Kiều là đoạn Kiều dặn Vân thay mình đền nghĩa cho Kim Trọng, trong cái đêm nàng sắp phải từ biệt gia đình. Nàng đã quặn lòng khi lạy em để nhờ đáp nghĩa chàng Kim, khi trao những kỉ niệm quý giá của nàng, khi dặn em rảy chén nước cho
người thác oan, và hai câu cuối: Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!/ Thôi thôi! Thiếp đã phụ chàng từ đây. Rõ là tiếng khóc nức nở. Phải chăng Nguyễn Du đã đau khổ, nỗi đau khổ của nàng Kiều?
Khi xây dựng hình tượng ngôn từ mà thiếu biểu cảm- thiếu cái tình, thì hình tượng sẽ vô duyên vì không hồn. Cho nên, hai mặt tạo hình và biểu cảm trong ngôn từ nghệ thuật luôn hòa quyện, đan kết với nhau trở thành một đặc điểm quan trọng
của ngôn từ nghệ thuật. Tùy theo mỗi loại hình văn học, mỗi cá tính sáng tạo mà mặt này có thể nổi hơn mặt kia.
Một đặc điểm khác của ngôn từ nghệ thuật bao giờ cũng mang đậm dấu ấn cá
nhân. Mỗi nhà thơ thường có khuynh hướng sử dụng một số phương thức biểu hiện, những cách diễn đạt mới,..để thể hiện cá tính sáng tạo và phong cách ngôn từ của riêng mình.
Tìm hiểu Ngôn từ nghệ thuật trong thơ Trương Nam Hương chính là khảo sát phần nào những vấn đề đã đề cập trên.