Từ những phân tích ở trên, mặc dù công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 4 đã có nhiều cố gắng trong việc phấn đấu tăng lợi nhuận và đã đạt được những thành tựu nhất đinh. Tuy nhiên, công ty vẫn còn có một số tồn tại nhất định đòi hỏi trong thời gian tới cần phải quan tâm giải quyết để không ngừng nâng cao lợi nhuận.
2.3.2.1. Về tình hình thực hiện doanh thu
Về kết cấu doanh thu: Qua phân tích ta thấy phần lớn doanh thu của công ty đều nằm ở hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi đó khoản doanh thu tài
chính và thu nhập khác đều không đáng kể. Nguyên nhân là do công ty vẫn tập trung chú trọng nhiều tới mảng xây dựng – hoạt động chính và truyền thống của công ty nên công ty vẫn chưa có những định hướng rõ nét và sự quan tâm đúng mực vào các lĩnh vực khác cho nên lợi nhuận chính của công ty vẫn là lợi nhuận từ xây dựng và các dự án xây dựng của mình. Theo đó công ty bị ảnh hưởng khá mạnh mẽ bởi sự biến động của thị trường xây dựng, nếu thị trường xây dựng biến động bất ổn thì công ty sẽ gặp bất lợi và khó khăn, khiến lợi nhuận theo đó có thể sụt giảm. Chính vì vậy, đa dạng hóa thêm hoạt động kinh doanh để phân tán rủi ro là vấn đề công ty cần quan tâm trong những năm tới.
Về hoạt động quảng bá hình ảnh của công ty: Công ty đã có những chính sách quảng cáo như hợp tác với các đơn vị có chuyên môn trong lĩnh vực marketing để đưa ra chiến lược phát triển thương hiệu phù hợp với tình hình thị trường. Tuy nhiên, là công ty con thuộc Tổng công ty xây dựng Hà Nội, công ty có được lợi thế về mặt thương hiệu từ phía tổng công ty. Nhưng cũng chính vì thế mà thường thì người ta vẫn biết đến Tổng công ty xây dựng Hà Nội nhiều hơn là biết đến công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 4
2.3.2.2. Về tình hình quản lý và sử dụng chi phí
Về việc phân tích định mức chi phí: Còn mang tính chủ quan,dự báo thiếu chính xác khiến chi phí sản xuất kinh doanh tăng vượt kế hoạch, làm giảm lợi nhuận mục tiêu. Công ty cần phải chú trọng tới sự biến động giá cả của các yếu tố đầu vào, đặc biệt với các vật liệu xây dựng thì giá cả biến động thường xuyên, liên tục. Chính vì vậy công ty cần phải theo dõi sự biến động của các yếu tố đầu vào. Bên cạnh đó, cần phải lập bảng tổng hợp chi tiết về mức độ hoàn thành phần việc đối với lao động trực tiếp và làm quen với phương pháp phân tích kỹ thuật chi phí định mức theo các công thức khoa học, có độ chính xác cao.
Về các khoản chi phí gián tiếp: Như tiền điện, nước, xăng dầu, điện thoại đều chưa quy định về hạn mức sử dụng nên gây ra hiện tượng lãng phí, thất thoát.
Với các khoản công tác phí, ngoài việc căn cứ vào bảng kê có xác nhận của giám đốc, cần có thêm việc trình báo hóa đơn, chứng từ đảm bảo tính minh bạch và nên đưa ra giới hạn công tác phí cho hợp lý.
2.3.2.3. Về tình hình quản lý và sử dụng vốn
Về công tác quản lý vốn: Công tác quản lý vốn của công ty chưa thực sự phát huy tối đa hiệu quả, thời gian thu hồi vốn của công ty còn quá dài (gần một năm mới thu hồi được), điều này sẽ gây khó khăn hơn cho công ty trong việc đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh, làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh bởi khi thiếu vốn công ty sẽ phải huy động từ các nguồn bên ngoài, điều này có bất lợi là công ty vừa phải chịu chi phí lãi vay, vừa gia tăng rủi ro về tài chính, rủi ro thanh toán, rủi ro vỡ nợ.
Về quản lý tài sản cố định: Mặc dù đã có những đầu tư cho máy móc thiết bị, tuy nhiên công ty vẫn chưa thực sự chú trọng đầu tư vào loại tài sản này. Hầu hết các máy móc thiết bị của công ty đều đã cũ, năng suất không vượt quá 90%, thậm chí có những máy như máy ủi chỉ hoạt động ở mức công suất 70% gây chậm tiến độ công trình, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và từ đó tác động đến lợi nhuận.
Tóm lại, lợi nhuận của công ty năm 2010 đã có những chuyển biến tích cực so với các năm trước, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty năm 2010 là khả quan. Qua các đánh giá về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và tình hình thực hiện lợi nhuận nói riêng của công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 4 trong chương II. Với những thành tích riêng có và những hạn chế còn tồn tại, em xin mạnh dạn đề xuất thêm một số kiến nghị trong chương III.
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM TĂNG LỢI NHUẬN Ở CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG SỐ 4
Ngành xây dựng ngày càng phát triển, đồng nghĩa với điều này là sự cạnh tranh càng trở nên quyết liệt hơn. Vì thế để có thể tồn tại, phát triển và đứng vững thì vấn để lợi nhuận và làm thế nào để tăng lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu của mỗi doanh nghiệp.
Với hơn 50 năm kinh nghiệm, trải qua rất nhiều khó khăn và thử thách, đến nay công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 4 đã và đang đứng vững trên thị trường có sức hấp dẫn trong cạnh tranh, doanh thu và lợi nhuận làm ra ngày càng nhiều và khả năng tài chính đang dần vững mạnh. Phải khẳng định rằng, đây là thành tích rất đáng ghi nhận và tự hào của toàn thể cán bộ công nhân viên – những người sát cánh cùng công ty trong mọi hoàn cảnh để tạo ra một chặng đường phát triển đáng nhớ và mở ra một chặng đường đầy hứa hẹn cho công ty.
Năm 2010 đã khép lại với những kết quả khả quan mà công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 4 đạt được như Doanh thu và Lợi nhuận đều tăng; đời sống người lao động nói chung đều tăng, giá trị của từng cổ phiếu cũng dần tăng. Đó là kết quả của cả một bộ máy trong công ty, từ lãnh đạo tới nhân viên đã cố gắng không ngừng để vươn lên, cải tiến quy cách tổ chức, quản lý sản xuất một cách đúng đắn và hợp lý, đoàn kết nhất trí cả bộ máy trong việc thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tạo nên một khối thống nhất từ trên xuống dưới thúc đẩy hoạt động của công ty.
Tuy nhiên, có thể nói rằng kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của công ty, cộng với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, nâng cao hơn nữa thu nhập và đời sống cho cán bộ công nhân viên...luôn thôi thúc đòi hỏi công ty phải phấn đầu nhiều hơn nữa. Làm thế nào để doanh thu và lợi nhuận thu được ngày càng nhiều, thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao, giá trị cổ
phiếu ngày càng tăng là một vấn đề nóng hổi và là một thách thức không nhỏ đối với Ban lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ công nhân viên của công ty.
Mặc dù, ban lãnh đạo và tập thể cán bộ công nhân viên trong công ty không ngừng học hỏi và cố gắng vận dụng hiểu biết để đưa ra các biện pháp vận dụng làm tăng lợi nhuận nhưng trong quá trình hoạt động còn một vài hạn chế làm ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu đó, bởi vậy công ty cần nhìn nhận rõ các hạn chế cũng như tìm ra nguyên nhân của những hạn chế đó, tìm ra các biện pháp khắc phục trong thời gian tới nhằm đưa lợi nhuận của công ty tăng cao.
Quản lý kinh doanh thông thường là một khoa học, nhưng quản lý để đảm bảo mức lợi nhuận tăng cao và ổn định là cả một nghệ thuật, nó đòi hỏi mỗi quá trình sản xuất kinh doanh cần phải được xuất phát từ những phán đoán tinh tường để mang lại hiệu quả cao nhât.
3.1. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA CÔNG TY TRONG NHỮNG NĂM TỚI