Từ sơ đồ khối hình (1.4), chúng ta có thể thấy rằng nguồn thông tin và khối tạo khuôn tín hiệu có thể xem là một nguồn tin số với đầu ra là các chuỗi bít, cho dù nguồn tin thực tế là nguồn tin rời rạc hay liên tục (bất luận dịch vụ được sử dụng là dịch vụ gì : thoại, truyền số liệu hay truyền hình…). Do các khối trong khoảng nét đứt là không nhất thiết đối với mỗi loại hệ thống nên ta có thể bỏ qua các khối đó và xem hệ thống truyền dẫn số là hệ thống thực hiện truyền đưa các tin số từ đầu ra của nguồn tin số đó. Trong trường hợp khi hệ thống có bao hàm cả các khối mã nguồn, mã kênh, mã mật và ghép kênh đi nữa thì ta cũng có thể mở rộng khái niệm nguồn tin số tới tận cuối các khối đó mà không mất tính tổng quát. Tức là toàn bộ khối trong nét đứt trên hình (1.4) có thể gộp thành một khối nguồn tin số. Tương tự, các khối tương ứng ở phần thu có thể gộp thành khối nhận tin số.
Hệ thống truyền dẫn số như vậy hình thành một kênh số (có tín hiệu lối vào và tín hiệu lối ra là các tín hiệu số). Kênh số này được tính từ đầu vào khối điều chế tới lối ra bộ giải điều chế. Như vậy kênh liên tục là một đặc tính của kênh số và ta có thể định nghĩa kênh liên tục như sau :
Hiện nay con người chưa tìm ra được một phương thức hữu hiệu nào để truyền trực tiếp các tín hiệu số băng gốc trên cự ly lớn và do các hệ thống truyền dẫn tín hiệu trước đây vốn là các hệ thống analog nên vệc sử dụng các đường truyền analog để truyền các tín hiệu số là một vấn đề có tính nguyên tắc và là sự kế thừa có tính hợp lý. Do vậy, kênh số nối trên sẽ bao hàm trong nó một kênh có đặc tính liên tục, với tín hiệu lối vào là các tín hiệu dạng sóng liên tục chứ không phải là các con số thuần túy mặc dù các tín hiệu như thế vẫn là các tín hiệu số do độ dài thời gian của từng tín hiệu là hữu hạn và số các dạng sóng có thể được phát đi cũng là hữu hạn. Kênh truyền các tín hiệu dạng sóng liên tục như vậy được gọi là kênh liên tục. Do vậy ta có thể biểu diễn hệ thống truyền dẫn số bằng sơ đồ sau. [2]
Hình 2.2. Sơ đồ khối hệ thống thông tin số