8. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN VĂN
1.2.1.3. Phân loại hứng thú
Dựa trên những căn cứ khác nhau, mà người ta có thể chia hứng thú thành nhiều loại tương ứng.
Căn cứ vào nội dung đối tượng của hứng thú và phạm vi hoạt động gắn với hứng thú, ta có thể chia thành các loại hứng thú sau:
Hứng thú vật chất : biểu hiện như thích thú có đủ chỗ ở, đủ tiện nghi, hứng thú ăn mặc.Trong xã hội tư bản, hứng thú vật chất chỉ mang tính chất ích kỷ, trở thành lòng ham muốn xa hoa.
Hứng thú nhận thức: hứng thú học tập được coi là một biểu hiện đặc biệt của hứng thú nhận thức. Hứng thú khoa học có tính chất chuyên môn như hứng thú toán học, văn học, sinh học, tin học, …cũng thuộc về hứng thú nhận thức.
Hứng thú lao động - nghề nghiệp: hứng thú sư phạm, hứng thú kỹ thuật... Hứng thú chính trị -xã hội: hứng thú với những hình thức nhất định của công tác xã hội, đặc biệt là hoạt động tổ chức, lãnh đạo, hứng thú đối với vấn đề chính trị, hứng thú với thời cuộc.
Hứng thú thẩm mỹ: bao gồm hứng thú đối với hội hoạ, điện ảnh, sân khấu, …
Căn cứ vào chiều hướng của hứng thú, ta có thể phân chia các loại hứng thú sau:
Hứng thú trực tiếp : là những hứng thú đối với bản thân quá trình nhận thức, hẹp hơn là quá trình nắm vững kiến thức, quá trình lao động và sự sáng tạo
Hứng thú gián tiếp : là hứng thú đối với kết quả của hoạt động, chẳng hạn như hứng thú muốn có học vấn, có nghề nghiệp, có chức vụ, có địa vị xã hội nhất định và có kết quả vật chất của quá trình lao động.
Sự tương quan đúng mức giữa hứng thú trực tiếp và hứng thú gián tiếp là điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động tích cực của cá nhân. Trong hoạt động học tập, người ta thường dùng hứng thú gián tiếp để kích thích hứng thú trực tiếp của học sinh.
Trong công tác giáo dục, cần làm cho học sinh kết hợp cả hứng thú trực tiếp và hứng thú gián tiếp với một đối tượng, như vậy, hứng thú mới bền vững.
Căn cứ vào tính hiệu lực của hứng thú, có thể phân chia hứng thú thành:
Hứng thú chủ động (hứng thú tích cực): là loại hứng thú khi con người không chỉ quan sát đối tượng, mà còn tiến hành hoạt động để chiếm lĩnh đối tượng. Hứng thú tích cực là nguồn kích thích sự phát triển nhân cách, hình thành kỹ năng, kỹ xảo, năng lực và tính cách, là nguồn gốc của sự sáng tạo.
Hứng thú thụ động (hứng thú tiêu cực) là loại hứng thú khi con người chỉ dừng lại ở sự thích thú ngắm nhìn, chiêm ngưỡng đối tượng gây nên hứng thú,
nhưng không thể hiện tính tích cực để nhận thức sâu sắc đối tượng, làm chủ nó và hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực đó.
Căn cứ vào khối lượng hứng thú (phạm vi khái quát của đối tượng) có thể chia hứng thú thành hai loại:
Hứng thú rộng: là hứng thú bao quát nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, nhiều ngành. Hứng thú hẹp: trên cơ sở của hứng thú rộng, hứng thú hẹp đưa con người đi sâu vào một ngành một lĩnh vực cụ thể nào đó.
Căn cứ vào tính bền vững của hứng thú, người ta chia hứng thú thành hai loại là :
Hứng thú bền vững: thường gắn với năng lực cao và sự nhận thức sâu sắc của cá nhân về nghĩa vụ và thiên hướng của mình.
Hứng thú không bền vững: thường bắt nguồn từ sự nhận thức hời hợt đối tượng hứng thú. Loại hứng thú này xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn.
Trong thực tế, ở mỗi cá nhân các loại hứng thú này có thể kết hợp với nhau theo một cách riêng, tiêu biểu cho cá nhân đó. Các cách phân loại hứng thú trên chỉ mang tính chất tương đối thôi.