Từ trước năm 1986 thời kỳ trước đổi mới

Một phần của tài liệu CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH, TIỀN TỆ, TÍN DỤNG NGÂN HÀNG QUA CÁC HỌC THUYẾT KINH TẾ VÀ NHẬN THỨC VẬN DỤNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 54 - 60)

1.1. Bối cảnh lịch sử và tình hình chung.

Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975 đất nước ta bắt đầu bước vào quá trình khôi phục những tàn dư của chiến tranh và phát triển đất nước. Chúng ta áp dụng cơ chế quản lý kinh tế là cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Tức là nhà nước quản lý nền kinh tế chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính dựa trên hệ thống chi tiêu pháp lệnh chi tiết từ trên xuống dưới. Các doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chỉ tiêu pháp lệnh được giao. Tất cả phương hướng sản xuất, nguồn vật tư, tiền vốn, định giá sản phẩm, tổ chức bộ máy, nhân sự, tiền lương… đều do các cấp có thẩm quyền quyết định. Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch, cấp phát vốn, vật tư cho doanh nghiệp, doanh nghiệp giao nộp sản phẩm cho Nhà nước. Lỗ thì Nhà nước bù, lãi thì Nhà nước thu.

Chế độ bao cấp được thực hiện dưới các hình thức chủ yếu sau:

- Bao cấp qua giá: Nhà nước quyết định giá trị tài sản, thiết bị, vật tư, hàng hóa thấp hơn giá trị thực của chúng nhiều lần so với giá trị thị trường. Với giá thấp như vậy, coi như một phần những thứ đó được cho không. Do đó, hạch toán kinh tế chỉ là hình thức.

- Bao cấp qua chế độ tem phiếu (tiền lương hiện vật): Nhà nước quy định chế độ phân phối vật phẩm tiêu dùng cho cán bộ, công nhân viên, công nhân theo định mức qua hình thức tem phiếu. Chế độ tem phiếu với mức giá khác xa so với giá

thị trường đã biến chế độ tiền lương thành lương hiện vật, thủ tiêu động lực kích thích người lao động và phá vỡ nguyên tắc phân phối theo lao động.

- Bao cấp qua chế độ cấp phát vốn của ngân sách, nhưng không có chế tài ràng buộc trách nhiệm vật chất đối với các đơn vị được cấp vốn. Điều đó vừa làm tăng gánh nặng đối với ngân sách vừa làm cho sử dụng vốn kém hiệu quả, nảy sinh cơ chế “xin cho”.

Trong thời kỳ kinh tế còn tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng thì cơ chế này có tác dụng nhất định, nó cho phép tập trung tối đa các nguồn lực kinh tế vào mục đích chủ yếu trong từng giai đoạn và điều kiện cụ thể, đặc biệt trong quá trình công nghiệp hóa theo xu hướng ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Nhưng nó lại thủ tiêu cạnh tranh, kìm hãm tiến bộ khoa học – công nghệ, triệt tiêu động lực kinh tế đối với người lao động, không kích thích tính năng động, sáng tạo của các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Khi nền kinh tế thế giới chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu dựa trên cơ sở áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại thì cơ chế quản lý này càng bộc lộ những khiếm khuyết của nó, làm cho kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, trong đó có nước ta, lâm vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng.

Hiển nhiên chúng ta đã vấp phải rất nhiều khó khăn và mâu thuẫn trong kinh tế. Nền kinh tế tăng trưởng chậm, lạm phát nghiêm trọng. Nhiều chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm lần thứ 2 và 3 không thực hiện được. Cơ sở vật chất kĩ thuật yếu kém, thiếu đồng bộ, trình độ kĩ thuật lạc hậu. Đại bộ phận vẫn là lao động thủ công, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nhỏ, phân công lao động xã hội kém phát triển, năng suất lao động rất thấp. Sản xuất phát triển chậm chạp, không đủ cho tiêu dùng, làm không đủ ăn phải dựa vào bên ngoài rất lớn; phân phối lưu thông rối ren. Thị trường, tài chính tiền tệ không ổn định. Ngân sách nhà nước bội chi liên tục. Giá cả thì leo thang từng ngày. Ví dụ chỉ số giá năm 1975 là 1 lần thì 1980 là 2,5 lần và 1985 đã là 38,5 lần. Do đó đời sống nhân dân ngày càng khó khăn, nhất là công nhân viên, lực lượng vũ trang và một bộ phận nông dân. Tiêu cực và bất công xã hội tăng lên. Trật tự xã hội bị giảm sút. Lòng tin của nhân dân vào Đảng bị lung lay, nguy cơ mất chính quyền là rất lớn.

1.2. Phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế Việt Nam từ năm 1975-1985.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4 của Đảng Cộng sản Việt Nam: Quản lý chặt chẽ tiền mặt và việc lưu thông tiền tệ nói chung, bảo đảm sự cân đối tích cực giữa khối lượng tiền lưu hành với nhu cầu sản xuất và lưu thông, ổn định tiền tệ và giữ vững sức mua của đồng tiền. Quản lý ngoại tệ, thông qua việc khuyến khích xuất khẩu hàng hóa đem lại nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia.

Nghiên cứu để chuyển một phần chế độ cấp phát tài chính không hoàn lại hiện nay sang chế độ cấp phát dưới hình thức tín dụng, nhằm nâng cao trách nhiệm của các ngành, các đơn vị sản xuất đối với việc sử dụng có hiệu quả tiền vốn. Công tác quan trọng nhất của ngân hàng là sử dụng mạnh mẽ đi đôi với cải tiến chế độ tín dụng. Cần nâng cao hơn nữa tỷ lệ vốn tín dụng trong vốn lưu động của xí nghiệp quốc doanh, thực hiện chế độ lãi suất có phân biệt, có thưởng, phạt, để khuyến khích các tổ chức quốc doanh và hợp tác xã quay vòng vốn nhanh và thanh toán đúng thời hạn. Từng bước thực hiện cho vay vốn đầu tư đối với các công trình dưới hạn ngạch, cũng như đối với một số công trình trên hạn ngạch. Mạnh dạn cho vay đối với các thành phần kinh tế tập thể và tư doanh để mở mang sản xuất và lưu thông theo đúng kế hoạch nhà nước. Thể hiện rõ chức năng trung tâm thanh toán, ngân hàng cần tăng cường quản lý và đề cao kỷ luật thanh toán, thông qua đồng tiền để giám đốc sát các hoạt động của mọi cơ sở kinh tế, góp phần thúc đẩy quay vòng vốn nhanh và đưa lại hiệu quả lớn của tiền vốn.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 5 của Đảng Cộng sản Việt Nam: Điều chỉnh sự mất cân đối về tiền tệ, tài chính và ngoại tệ, theo đó gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa giá cả và chính sách tài chính, tiền tệ, thương nghiệp, quản lý thị trường. Tăng cường quản lý tiền tệ, tăng nhanh vòng quay đồng tiền qua ngân hàng.

Cải tiến và mở rộng hoạt động tín dụng ngân hàng gắn liền với mở rộng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Cải tiến cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản thông qua ngân hàng. Đẩy mạnh quản lý và huy động vốn, huy động tiền tiết kiệm. Bằng nhiều biện pháp tích cực, phấn đấu giảm dần bội chi tiền mặt trên cơ sở cân đối ngân sách và cân đối tín dụng, bảo đảm hiệu quả kinh tế của vốn tín

dụng; cung ứng vốn tín dụng và tiền mặt cho các nhu cầu hợp lý và cần thiết của sản xuất và đời sống.

1.3. Chính sách tài chính – tiền tệ.

Bàn về chính sách Tài chính trong thời kỳ này, trước hết phải nói đến điểm nổi

bật của thời kỷ này - chế độ mà nước ta lựa chọn là chế độ quản lý tập trung, bao cấp. Theo đó Nhà nước quản lý hết tất cả, nên các chính sách tài chính liên quan đến việc quy định thuế như thuế nhập doanh nghiệp hay thuế thu nhập cá nhân… gần như là chưa có.

Về chi tiêu công, Nhà nước chi tiêu khá mạnh tay. Trong kế hoạch 5 năm 1976- 1980, Nhà nước đã chi 1/3 ngân sách để đầu tư xây dựng cơ bản (theo giá so sánh năm 1982), xấp xỉ tổng 1 mức đầu tư xây dựng cơ bản của miền Bắc 21 năm trước đây. Do đó, cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân tăng lên đáng kể. Công suất của nhiều ngành công nghiệp tăng lên rõ rệt đồng thời sự đầu tư cũng tác động khá tốt đến ngành nông nghiệp và ngành giao thông vận tải. Tuy nhiên, sự tăng lên này chưa tương ứng với chí phí đã bỏ ra. Đa phần, các hoạt động kinh doanh của nhà nước không hiệu quả, khiến nhà nước phải bủ lỗ liên tục.

Trong khi đó, các hoạt động kinh doanh cá thể, hộ gia đình hay loại hình doanh nghiệp… được cho là bất hợp pháp, chưa được quy định. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhà nước mất đi một nguồn thu thuế không hề nhỏ từ các chủ thể nói trên vào ngân sách. Kết hợp với chi tiêu nhiều, bù lỗ cho các DNNN, điều này dẫn đến hậu quá bội chi Ngân sách nghiêm trọng.

Ở một khía cạnh khác, khi nói về chính sách tiền tệ của nước ta đương thời cũng có nhiều vấn đề còn trăn trở.

Trong những năm 1975 cho đến năm 1985, sau khi đất nước hòa bình thống nhất, mục tiêu hàng đầu của Nhà nước là ổn định chính trị, khôi phục kinh tế còn non yếu và phát triển đời sống vật chất cho người dân. Những chính sách tiền tệ trong giai đoạn này được đưa ra làm nền tảng cho việc điều chỉnh nguồn cung tiền tệ, ổn định lưu thông tiền trong kinh tế, đưa ra công cụ lưu thông hàng hóa thị trường hiệu quả nhất, trong đó, tiêu biểu là các lần đổi tiền vào năm 1978 và 1985. Sau giải phóng mặc dù đã

thống nhất hai miền Nam Bắc, tuy nhiên lúc này Nhà nước ta vẫn chưa thấy được sự bức thiết của chức năng lưu thông và thước đo giá trị hàng hóa của tiền tệ nên xảy ra tình trạng ở Miền Bắc sử dụng đồng tiền của NHNN, trong khi Miền Nam thì sử dụng đồng tiền của chế độ cũ tiền giải phóng. Điều này gây ra một sự rối loạn nghiêm trọng trong trao đổi lưu thông hàng hóa giữa hai miền khiến tình hình kinh tế đã khó khăn lại thêm phần khó khăn. Mãi đến ngày 02 tháng 05 năm 1978, dựa trên Nghị quyết 236/NQ-QHK6 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội do đồng chí Trường Chinh ký, đã thống nhất phát hành một đồng tiền NHNN mới duy nhất, với tỷ lệ một đồng tiền NHNN cũ và 0.8 đồng tiền giải phóng đổi lấy một đồng mới. Điều này có một ý nghĩa lớn trong chính sách tiền tệ của nước ta giai đoạn này, coi trọng việc phát hành tiền ra ngoài lưu thông như một công cụ điều hành chính sách vĩ mô.

Lần đổi tiền thứ hai là vào năm 1985 thông qua pháp lệnh số 18/LCT/HDNN7 của Hội đồng Nhà Nước ban hành ngày 13 tháng 09 năm 1985 do đồng chí Trường Chinh ký, qui định về việc ban hành đồng tiền mới theo tỷ lệ 10 đồng tiền NHNN cũ đổi 1 đồng tiên NHNN mới. Nguyên nhân của lần đổi tiền này là do nạn khan hiếm tiền trong lưu thông, Nhà nước đã cho phát hành thêm vào lưu thông một khối lượng lớn tiền tương đương với 1,38 lần khối lượng tiền mới đã phát hành trong đợt đổi tiền trước đó để phục vụ công cuộc cải cách lương và giá.

Đánh giá về chính sách tiền tệ ở giai đoạn này NHNN đã kịp thời đưa ra những thay đổi đúng đắn về việc phát hành đồng tiền chung nhằm phục vụ cho lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế. Vận dụng được quan điểm về chức năng thước đo giá trị và chức năng lưu thông của học thuyết tài chính, tiền tệ Karl Marx.Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng nặng nề của thời kỳ kinh tế bao cấp, quản lý kinh tế một cách máy móc, không đồng bộ lưu thông hàng hóa – tiền tệ với tự do kinh tế thị trường, dẫn tới sự mất cân đối trong việc diều hành chính sách tiền tệ. Hay nói cách khác, lượng tiền được cung ứng chưa thỏa mãn được nhu cầu trao đổi, lưu thông. Tình hình kinh tế giai đoạn trước đổi mới vẫn còn những bước chập chững của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, quá coi trọng vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường (đặc trưng của học thyết trọng thương).

1.4. Tín dụng ngân hàng.

Với mục tiêu mở rộng tín dụng, đưa vốn vào trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước dưới dạng vốn vay, ngày 01 tháng 01 năm 1981 chính thức ban hành quyết định số 134/HDBT của Hội đồng Bộ trưởng do đồng chí Đỗ Mười ký qui định về việc cấp tín dụng đối với Xí nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể, tư nhân, cá thể. Thông qua đối việc sử dụng vốn, thanh toán bằng chuyển khoản, nghiêm cấm thanh toán tiền mặt trên mức qui định. Các Xí nghiệp phải kịp thời nộp tiền mặt vào Ngân hàng và chỉ sử dụng vốn thông qua tài khoản mở tại Ngân hàng. Trong giai đoạn này, nước ta vẫn còn theo chế độ Ngân hàng một cấp, Ngân hàng Nhà Nước vừa đóng vai trò là nhà phát hành, điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng của Nhà nước, vừa là người kiểm tra, giám sát việc trao đổi hàng hóa, sử dụng và trả nợ vốn vay.

Trong những năm 1985, theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước số 06/CT ngày 01 tháng 01 năm 1985 do đồng chí Nguyễn Duy Gia ký, Nhà nước bắt đầu đưa ra mô hình mới hợp tác xã tín dụng ở các Phường, xã, thôn với các trang bị về tổ chức, nghiệp vụ, kế toán tài vụ nhằm thực hiện việc huy động vốn nhỏ lẻ từ người dân và cho vay tại chổ tại những nơi ở xa Ngân hàng Nhà nước. Tổ chức này còn có chức năng quản lý tiền mặt cho các đoàn thể, tổ chức xã hội, tôn giáo… Sau đó, hợp tác xã tín dụng được Ngân hàng Nhà nước ủy quyền cho vay mở rộng đối với các đối tượng hộ sản xuất thủ công, tiểu thương, cán bộ của hợp tác xã, và cho vay mục đích thâm canh, tăng vụ,…

Đưa vốn tín dụng và trong vốn lưu động cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao trách nhiệm hoạt động sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả cao hơn trong nền kinh tế thị trường. Thấy được vai trò của Ngân hàng trong trao đổi hàng hóa, như thanh toán không dùng tiền mặt, quản lý nguốn vốn tạm thời nhàn rỗi và cấp phát vốn khi có nhu cầu. Mặt khác, Ngân hàng hoạt động dưới hình thức một cấp, không tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng thương mại nên khó khăn cho việc đưa ra những chính sách chặt chẽ và rõ ràng về phương thức vay và hoàn trả nợ của Xí nghiệp, vẫn còn sử dụng vốn chung của Nhà nước. Chưa chỉ ra được bản chất của hoạt động tín dụng là quan hệ trao đổi vốn giữa hai lực lượng thừa vốn và thiếu vốn trên thị trường trên cơ sở có hoàn trả với giá trị lớn hơn ban đầu.

Một phần của tài liệu CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH, TIỀN TỆ, TÍN DỤNG NGÂN HÀNG QUA CÁC HỌC THUYẾT KINH TẾ VÀ NHẬN THỨC VẬN DỤNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 54 - 60)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(110 trang)
w