4.1. CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ
Quản lý tài nguyên nước sông NHK, sông Cầu là việc làm không đơn giản, để kiểm soát chất lượng nước và từng bước khắc phục dần tình trạng ô nhiễm môi trường cần ưu tiên thực hiện các biện pháp sau:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường cần hợp tác chặt chẽ với các cấp chính quyền, các Sở, Ban ngành, đoàn thể xã hội địa phương cùng làm tốt công tác BVMT. Phổ biến đến tận cơ sở sản xuất Nghị định 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 của Chính phủ về phí BVMT nước thải. Tổ chức kê khai lượng nước thải, lấy mẫu phân tích đánh giá thải lượng của từng cơ sở sản xuất. Thu phí nước thải theo nghị định ban hành.
Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện Tiên Du, Từ Sơn, Yên Phong, Thành phố Bắc Ninh cần phối hợp với thanh tra môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh tổ chức thanh tra các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nước sông NHK, sông Cầu, xử phạt hành chính nếu như đổ rác ra mương, ven sông.
Đối với các xã chưa có cán bộ phụ trách về môi trường cần phải thành lập ngay tổ phụ trách môi trường. Tuyên truyền và huy động cộng đồng cùng tham gia thu gom và làm sạch đường làng, ngõ phố. Vận động nhân dân trong thôn vớt rác, nạo vét các hố ga, cống rãnh thoát nước định kỳ.
2. Xây dựng và ban hành quy định cụ thể của địa phương về bảo vệ sông NHK, sông Cầu. Nạo vét lòng sông tránh hiện tượng ứ đọng vào mùa khô.
3. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và dân trí cho dân làng nghề để họ hiểu được những tác hại của việc suy giảm chất l ượng môi
trường do hoạt động của sản xuất gây ra, từ đó giúp họ có ý thức bảo vệ môi trường. Xây dựng các chương trình truyền thông môi trường thông qua các chương trình, các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, in áp phích, các ấn phẩm, tờ rơi về bảo vệ môi trường. Lồng ghép các hoạt động môi trường trong các hoạt động của thanh niên thôn, xã.
Kết hợp với UBND xã, huyện, MTTQ, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, hội các doanh nghiệp sản xuất, nhà trường,... thực hiện tuyên truyền rộng rãi và phát động các chiến dịch làm vệ sinh môi trường. Vận động nhân dân hai bên bờ sông không vứt rác thải, xả thải chưa được xử lý xuống sông.
4. Nghiên cứu xây dựng và thực hiện chương trình giám sát chất lượng nước sông, đặc biệt là tại những điểm tiếp nhận nguồn nước thải. Việc điều tra đánh giá thực trạng ô nhiễm, tìm nguyên nhân và các thông số ô nhiễm thông qua giám sát chất lượng nước là rất quan trọng.
5. Cần quy hoạch hai bên bờ sông, thu dọn sạch rác thải, trồng cây xanh để giữ gìn môi trường trong sạch. Quy hoạch hệ thống thoát nước mưa, nước thải.
6. Đẩy mạnh hoạt động vệ sinh làng xã, phát động và duy trì hoạt động vệ sinh công cộng. Huy động nhân dân trong xã cùng đóng góp công sức nạo vét khơi thông cống rãnh trong làng.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh cần thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất tại các làng nghề, các cụm công nghiệp. Kiểm soát định kỳ một năm hai lần và kiểm tra đột xuất khi có ý kiến của nhân dân. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra.
Đối với các cơ sở sản xuất mà các chủ doanh nghiệp có ý thức bảo vệ môi trường nhưng có khó khăn về tài chính, nhà nước nên có chính sách trợ giúp kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hỗ trợ, cung cấp thông
tin cho các cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ mới nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.