6. Cấu trúc luận án
4.2.2. Các loại hình nhân vật theo môtíp truyền thống
Đây là cách xây dựng nhân vật dựa theo mẫu hình nghệ thuật dân gian truyền thống. Qua tìm hiểu, phân tích các tác phẩm văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số, chúng tôi thấy nhân vật được xây dựng theo ba môtíp sau: môtíp Tiên hóa, môtíp “nhân vật xấu xí” và môtíp ra đi.
Ở môtíp thứ nhất, môtíp Tiên hóa là dạng kế thừa của truyện cổ dân
gian. Trong những truyện cổ tích từ xa xưa thường có sự xuất hiện của những lực lượng thần kì như ông Bụt, bà Tiên, hay các vị thần có phép thuật thần thông. Những nhân vật này được nhân dân tưởng tượng ra để che chở, giúp đỡ những người nghèo khó, lương thiện trước khó khăn, hoạn nạn. Một số nhà văn dân tộc thiểu số đã vận dụng đặc điểm này để xây dựng nên những nhân vật có chức năng giống như loại nhân vật thần kì trên mà chúng tôi gọi đó là môtíp Tiên hóa. Kiểu môtíp này có trong sáng tác của Hà Lâm Kỳ, Vi Hồng, Vi Thị Kim Bình… với những nhân vật đã được Tiên hóa như cậu bé Hoàng Thìn (Con trai bà chúa Nả - Hà Lâm Kỳ) sau khi giúp dân bản đưa
cây lúa từ trên nương cao xuống trồng dưới cánh đồng, cậu đã đi lên ngọn núi cao nhất và không bao giờ trở về. Cô Ngà (Pặm - Vi Hồng) hiện ra như một nàng Tiên cứu rỗi cuộc đời của Pặm, làm cho Pặm đổi thay kì diệu từ xấu xí, chậm chạp trở nên xinh đẹp, nhanh nhẹn. Nàng Nọi (Đi tìm giàu sang - Vi Hồng) đóng vai nàng Tiên giúp eng Háo thoát khỏi ảo ảnh của nàng tiên nâu. Bẩy nàng Tiên (Kho báu của bảy nàng Tiên - Vi Thị Kim Bình) để trừng trị tên quan tham đã bay về trời và để lại cho dân làng một hang chứa đầy báu vật. Cậu bé Nọi (Ông Tiên - Vi Hồng) được Tiên ông hiện ra và giảng giải cho cách làm bài toán khó. Thu (Lòng dạ đàn bà) bí hiểm như nàng Tiên trong cổ tích nhưng đã cứu mạng Linh Thang Nghít. Mo Chư trong tác phẩm cùng tên của Mã A Lềnh lại mang dáng dấp của một thầy mo có năng lực siêu nhiên dị biệt. Ông đã dùng năng lực ấy của mình để cứu giúp những người nghèo khổ, mang đến cho kẻ yếu thế niềm tin và sức mạnh để sống tốt hơn.
Môtíp thứ hai được các nhà văn dân tộc thiểu số vận dụng trong xây
dựng nhân vật là môtíp “nhân vật xấu xí”. Qua khảo sát chúng tôi thấy môtíp này có dạng thức biểu hiện khá đặc biệt theo chiều hướng hướng thiện và đầy tính nhân văn với những nhân vật mang hình hài thú vật nhưng lại có phẩm chất tốt đẹp, lương thiện và đầy cao thượng. Đó là những nhân vật như Ò Linh (Nơi đây không một bóng ngƣời - Cao Duy Sơn) với lớp lông khỉ trên người nên bị loài người xa lánh và xua đuổi. Sau khi dũng cảm lao vào đám cháy cứu người, cậu bé câm ấy chỉ biết chạy về để ẩn nấp nơi núi rừng với người mẹ tội nghiệp. Tiếng gọi mẹ đầu tiên cũng là tiếng nói cuối cùng của chú bé mang hình dáng khỉ nhưng có tâm hồn thật thánh thiện và cao thượng. Cũng xấu xí, dị dạng ở ngoại hình, thằng Câm (Nấm mồ hoang - Mã A Lềnh)
được miêu tả đặt trong thế đối lập: thằng câm đã câm lại điếc “Nhƣng khuôn mặt, con mắt nó toát lên vẻ lanh lợi, khôn ngoan, chứ không bè thộn nhƣ
những thằng đần thỉnh thoảng ta vẫn gặp trên đời này” [143, tr. 430]. Còn tôi
“dáng con gấu đá đen sì, nhƣng vì biết dị tật của mình nên tôi cố gắng đi
đứng nghiêm chỉnh, nhẹ nhàng nhƣ con hƣơu, con nai… Khi “tôi” cất tiếng nói, là miệng buột ra những lời hoa mỹ ví von với giọng điệu du dƣơng trầm
bổng, ngữ điệu ngọt ngào nhƣ nƣớc chắt cơm mới” [143, tr. 430]. Dáng hình
con gấu đá được lặp lại 3 lần nhằm khắc sâu hơn vẻ ngoài đã bị vật hóa của nhân vật. Nhân vật Oong trong Ngƣời ma (Hà Lý) lại bị cả bản xua đuổi, ném đá khi thấy mặt. Với vẻ ngoài bẩn thỉu, tanh tưởi của một “con ma người”, Oong không nhận được bất cứ sự cảm thông hay thương xót nào từ đồng loại. Thậm chí, chính Oong đã phải đau đớn khi bị những người trong bản đốt lều
và ném đá đến chết. Thằng Bân (Ngƣợc nắng - Đoàn Ngọc Minh) dù dị dạng, tật nguyền nhưng vẫn khao khát được bước đi trên chính đôi chân của mình. Mỉn (Hoa vông đỏ - Cầm Hùng) dù bị câm nhưng lại có một tấm lòng nhân hậu và trái tim đầy tình yêu thương. Đau khổ trước cái chết của người yêu nhưng Mỉn vẫn vững vàng chiến đấu để bắn rơi máy bay địch và bắt sống phi công Mỹ, anh coi chiến công này như một món quà dành tặng Tim ở thế giới bên kia. Như vậy, qua môtíp “nhân vật xấu xí”, các tác giả đã ít nhiều thể hiện sự cảm thông, trân trọng và ngợi ca đối với những con người vốn khiếm khuyết ở vẻ ngoài nhưng lại đẹp đẽ ở nhân cách, thiện lương ở tâm hồn. Trong văn xuôi hiện đại người Kinh, người ta ít gặp kiểu nhân vật này. Điều đó cho thấy cái nhìn đầy ưu ái của các nhà văn thiểu số dành cho chính những con người miền núi của dân tộc họ.
Môtíp thứ ba xuất hiện trong văn xuôi dân tộc thiểu số là môtíp ra đi.
Môtíp này không liên quan đến ngoại hình mà chủ yếu nhằm khắc họa tính cách và số phận nhân vật. Ra đi như một sự dấn thân thoát khỏi không gian tù hãm hay những ràng buộc của luật tục. Ta gặp môtíp này trong hầu hết các tác phẩm từ truyện ngắn cho đến tiểu thuyết. Sử dụng môtíp ra đi trong xây dựng nhân vật, các tác giả muốn hướng đến một chân lý: cuộc đời con người không phải là sự tĩnh tại, bất biến mà luôn có sự trôi chảy giống như xã hội luôn phải vận động đi lên. Môtíp này được biểu hiện ở hai tầng ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất gắn với không gian “tuyến” - mà biểu tượng là con đường. Ý nghĩa thứ hai là sự đổi đời của nhân vật từ bóng tối ra ánh sáng, từ khổ đau đến hạnh phúc, từ thân phận nô lệ trở thành người tự do, do đó, nhân vật ra đi để tìm đến lý tưởng mới, cuộc sống mới, niềm vui mới. Dạng thức biểu hiện thứ hai này của môtíp ra đi từng được Tô Hoài thể hiện cụ thể trong bộ ba tác phẩm
của Truyện Tây Bắc. Trong đó, Vợ chồng A Phủ là tác phẩm tiêu biểu hơn cả
khi miêu tả hành trình từ bóng tối đau thương dưới chế độ cũ đến cuộc sống tự do dưới chế độ mới của Mị và A Phủ. Đọc những tác phẩm văn xuôi thời kì đầu của các nhà văn dân tộc thiểu số, ta cũng bắt gặp những kiểu nhân vật với số phận tương tự như trong những sáng tác trên của Tô Hoài. Ở truyện ngắn đầu tiên Ché Mèn đƣợc đi họp (Nông Minh Châu), kết thúc tác phẩm là cảnh Mèn rời bản để lên huyện họp, dù đây không phải là sự ra đi không trở lại nhưng nó vẫn là một dấu mốc quan trọng thể hiện sự thắng lợi về tư tưởng của Mèn trước những kẻ bảo thủ, lạc hậu. Đến tiểu thuyết Muối lên rừng và truyện ngắn Đoạn đƣờng ngoặt, các nhân vật đều chọn con đường ra đi theo Cách mạng để thay đổi tương lai, số phận. Pảo (Muối lên rừng), Lưu (Đoạn
đƣờng ngoặt) sau những đấu tranh nội tâm giữa đi hay ở lại đã quyết tâm
“bƣớc ra con đƣờng lớn” [181, tr. 49]. Ông Phổng trong Hoa chàm (Mã A
Lềnh) sau khi vợ con bị tên Đùa Lỷ Cháng giết chết đã bỏ làng vào rừng làm du kích. Môtíp này còn có trong các sáng tác viết về vấn đề định canh định cư, xây dựng cuộc sống mới, cái cũ phải nhường chỗ cho cái mới, cái tiến bộ như Ké Nàm, Ké Vinh, phải dời nhà nhường chỗ cho thủy điện (Ké Nàm - Hoàng Hạc); Già Pháy, A Páo (Bƣớc ngoặt của con đƣờng rừng - Triệu Báo) đi theo con đường lớn - hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn ở bản Tin Khau; Lèn (Cuốn nhật kí vẫn còn viết tiếp - Chu Thanh Hùng) ra đi để thực hiện lý tưởng của một người thanh niên góp phần xây nên những công trình mới nơi các bản làng xa xôi. Vi Hồng cũng để cho nhân vật của mình được “ra đi” tìm hạnh phúc như vãi Đàng (Vãi Đàng), La Bội Hoan (Đọa đầy). Ngay cả nhà văn giàu tính hiện đại như Cao Duy Sơn cũng không ít lần để cho nhân vật được tìm đến sự giải thoát bằng con đường “ra đi” như Du và
Lu (Song sinh) đi tìm hạnh phúc mới; Líu (Phía trời tây có cơn mƣa đá) quyết
tâm ra đi với người mình yêu dù phải bước qua những định kiến khắt khe của luật tục nhà chồng. Trong các sáng tác của Bùi Thị Như Lan cũng xuất hiện môtíp ra đi khi người mẹ trẻ đi theo tiếng gọi của ái tình (Sau lời hát sli), còn người cha (Núi đợi) ra đi nhưng không bao giờ trở lại, mé Lình (Lá bùa đỏ) bỏ lại đứa con trai bé bỏng vì không chịu nổi sự nghèo đói, người em (Mùa
Mắc mật) dẫu bước chân ra đi nhưng vẫn đầy âu lo về người chị đang mòn
héo tuổi xuân nơi quê nhà. Tính hiện thực và chất lãng mạn hài hòa tự nhiên và giàu cảm xúc trong môtíp ra đi này đã khiến tác phẩm được mở rộng hơn về chiều sâu phản ánh và không gian nghệ thuật trong mỗi sáng tác ở các giai đoạn khác nhau.