Iran là một đất nước hồi giáo với 1,25 triệu ha đất trồng trọt, lúa mỳ, lúa gạo và lúa mạch là một trong những loại ngũ cốc quan trọng nhất. Sản xuất đủ lương thực là mục tiêu quan trọng của nước này. Lượng gạo bình
quân trên mỗi đầu người ở Iran là 34 – 35 kg/người/năm. Diện tích trồng lúa thay đổi từ năm này sang năm khác, đạt lớn nhất là năm 1998 với diện tích 615 nghìn ha, sản lượng đạt 2,77 triệu tấn. Sản lượng lúa bị ảnh hưởng nặng nề bởi sâu bệnh, kỹ thuật trồng trọt, sự khác nhau về phương thức canh tác và điều kiện kinh tế [23].
Những lý do chính mà SRI được quan tâm ở Iran là:
- Sự phổ biến của trang trại nhỏ với những cánh đồng trồng lúa có diện tích dưới 0,7ha.
- Giá phải trả cho công lao động ở đây là rất lớn. - Nguồn nước tưới bị thiếu.
- Nhu cầu của mỗi địa phương là khác nhau, làm giảm sản lượng, và dễ bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh.
- Vấn đề về sức khỏe và ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất [23].
SRI bắt đầu được nghiên cứu và thực hành ở Iran vào năm 2004 với diện tích thử nghiệm là 2ha, với 3 khoảng cách cấy là 25 x 25cm, 30 x 30cm, 40 x 40cm, sử dụng mạ non tuổi và chỉ cấy 1 dảnh, với 3 phương thức canh tác đó là: Canh tác theo truyền thống của địa phương, theo SRI và phương thức canh tác sử dụng lúa lai. Kết quả cho thấy canh tác theo phương pháp truyền thống đạt sản lượng thấp nhất. Đặc biệt việc sử dụng mạ non tuổi, cấy 1 dảnh và khoảng cách cấy hàng rộng đã làm tăng cường hoạt động của hệ vi sinh vật đất, làm tăng khả năng thông thoáng của đất, từ đó làm cho bộ rễ cây khỏe, lan xa và rộng, cây lúa có khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt hơn.
Những công thức cấy với khoảng cách 25 x 25cm và 30 x 30cm cho năng suất cao nhất, đạt từ 6,95 tấn/ha đến 7,03 tấn/ha. Lượng hạt giống đã giảm từ 60, 70 kg/ha xuống còn 10 kg/ha [23].