Nhìn chung, kết quả khảo sát cho thấy chất lượng môi trường không khí xung quanh khu vực Chùa Dơi và các khu vực lân cận ít bị ô nhiễm. Không phát hiện (hoặc phát hiện ở mức thấp) nồng độ của NO2 và CO tại các điểm khảo sát, nồng độ bụi không vượt quá mức độ cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh QCVN 05:2013/BTNMT (trung bình 1 giờ), riêng lần đo 1 vào
ngày 16/4/2014 và lần đo 4 vào ngày 6/11/2014 cho kết quả vượt quá giới hạn cho phép.
Hình 4.23 Mức ồn trung bình trong 4 lần đo tại các vị trí quan trắc
Mức tiếng ồn trung bình tại các điểm khảo sát trong 4 lần đo không chênh lệch nhiều giữa các điểm A2, A3, A4 và A5 (giá trị mức ồn trung bình dao động từ 56,1 – 59,2 dB) đều nằm dưới giới hạn cho phép của quy chuẩn về tiếng ồn. Điểm A1 mức ồn khá cao (82,3 dB) vượt quá giới hạn cho phép theo QCVN 26:2010/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn đối với khu vực đặc biệt.(55 dB)
Theo những số liệu thu thập và tham khảo được từ các tài liệu trước đây, với giá trị tiếng ồn khác biệt giữa khu vực “yên tĩnh” (41,9 – 58 dB) khu vực “ồn ào” (58,6 – 65,5 dB) đã thấy sự suy giảm hoạt động của Dơi. Kết quả đo đạc tiếng ồn ở khu vực Dơi sinh sống trong khuôn viên chùa Dơi – Sóc Trăng thấy rằng tiếng ồn thấp nhất là 60 dB và cao nhất là 91 dB, cho thấy việc gây ồn ào tại khu vực đàn Dơi cư trú có khả năng gây ảnh hưởng đến sự suy giảm số lượng cá thể Dơi trong thời gian qua. Điều này cho thấy đàn Dơi có xu hướng tìm kiếm các khu vực có mức ồn dưới 60 dB để tìm kiếm thức ăn, cũng như trú ngụ. Các điểm A2, A3, A4, A5 là các khu vực đàn Dơi thường xuất hiện kiếm ăn vào ban đêm theo khảo sát, phỏng vấn từ các hộ dân lân cận. Đàn Dơi thường tiềm kiếm thức ăn ở các khu vực yên tĩnh, tối thường là vườn trái cây được trồng hay mọc tự nhiên trong vườn nhà người dân, những nơi ven sông, biển hay những nơi công cộng như cơ quan, trường học, chùa, tuyến vĩa hè, công viên,… như: nhãn, gòn, bần, xoài, chôm chôm, mận, mãng cầu, mít, vú sữa, mù u, chuối, cam, dừa, ổi, trứng cá, sao, thốt nốt, gừa, sung, trái bàng. Theo người dân cho biết Dơi thường đậu trên những cây có tán rộng và cao như gừa, dầu, sao, điệp,… do đó trong quá trình kiếm ăn có thể khiến số lượng cá thể đàn Dơi tại chùa giảm mạnh do bị săn bắt.
Mặc khác, mức ồn tại chùa Mahatup, nơi cá thể Dơi đang sinh sống đang có dấu hiệu bị ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt vào các ngày lễ hội. Đặc tính của đàn Dơi sinh
sống ở những chỗ yên tĩnh, bóng tối do đó môi trường sống của đàn Dơi bị xáo trộn, thay đổi nên chúng có thể đã bay đi tìm kiếm môi trường sống tốt hơn dẫn tới số lượng cá thể Dơi tại chùa giảm mạnh trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên, cần lưu ý là quy chuẩn tiếng ồn này chỉ dành cho con người chứ không phải cho Dơi. Vì vậy, cần có thêm những nghiên cứu sâu hơn về tác động của âm thanh đối với loài vật thính tai này.
Một số nghiên cứu liên quan đến loài Dơi đã cho thấy các mối liên hệ giữa loài Dơi và âm thanh.
Theo Sales và Pye (1974) loài Dơi có giới hạn chịu ồn với tần số âm thanh như sau: giới hạn dưới < 1000 Hz, độ nhạy cảm tối đa ở mức 30.000 - 100.000 Hz và ngưỡng giới hạn trên vào khoảng 150.000 Hz. Trong khi đó, con người lần lượt có các ngưỡng chịu ồn tương ứng ở mức 16 - 20.000 Hz (EPA, 1974). Qua đó cho thấy Dơi là loài động vật có vú rất nhạy với một quãng rộng các tần số âm thanh so với con người và cả phạm vi siêu âm.
Theo nghiên cứu của Jessie Bunkley (đại học Boise State, Idado) đối với loài Dơi pallid (pallidus Antrozous) thì loài Dơi này sẽ mất nhiều thời gian hơn để định vị con mồi trong môi trường thường phát ra tiếng động. Cụ thể, loài Dơi này thường mất khoảng 3,5 giây để xác định vị trí con mồi trong không gian không có tiếng ồn, tuy nhiên sẽ mất khoảng 6 – 8 giây để làm điều tương tự khi chúng thực hiện ở môi trường có tiếng động do hoạt động giao thông trên đường cao tốc hoặc từ các máy nén khí tại các giếng khí.
Và theo nghiên cứu với các phần thực nghiệm khá chi tiết của Andrea Schaub, Joachim Ostwald và Björn M. Siemers về việc “Dơi tránh tiếng ồn khi kiếm ăn” (Foraging bats avoid noise) cho thấy rằng Dơi kiếm ăn sẽ tránh khu vực tiếng ồn xung quanh đặc biệt lớn. Các thí nghiệm được thực hiện trên loài Dơi tai chuột là loài tìm mồi bằng cách định vị âm thanh nhỏ (tiếng xào xạc) do chuyển động gây ra, trong đó nghiên cứu sự “nghe thụ động” và ảnh hưởng của các âm thanh chồng chéo trong khu vực kiếm ăn của loài Dơi này. Trong nghiên cứu không chỉ xét trên phương diện tiếng ồn ảnh hưởng đến con người (thường tính theo đơn vị dB) mà còn xem xét trên quan điểm nghe của Dơi, theo đó ghi nhận phổ tần số của tiếng ồn giao thông lên đến 60 kHz. Qua các thí nghiệm cho thấy loài Dơi tai chuột có khả năng dễ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn trong cả việc “nghe thụ động” và định vị bằng tiếng vang. Tuy nhiên, cần lưu ý là ở đây nghiên cứu trên chỉ quan tâm đến hành vi kiếm ăn của Dơi tai chuột mà không đề cập đến các hoạt động khác. Do đó, một dẫn chứng khác trong nghiên cứu cho thấy đối với âm thanh lớn như tiếng chuông nhà thờ ít ảnh hưởng tới loài Dơi trong tình huống không kiếm ăn.
Từ nghiên cứu trên có thể lý giải tại sao trước đây khi nhà chùa tổ chức các hoạt động lễ hội có sử dụng tiếng chuông với âm thanh lớn vẫn không ảnh hưởng nhiều đến
đàn Dơi khi đang treo mình trên cây nhưng ngược lại các ảnh hưởng từ tiếng ồn do hoạt động giao thông và các hoạt động khác lại và cho kết quả suy giảm đàn Dơi cục bộ trong thời gian các lễ hội gần đây diễn ra.
Hình 4.24 Diễn biến nồng độ trung bình bụi lơ lửng tại các vị trí quan trắc
Tương tự như tiếng ồn, nồng độ bụi trung bình cho thấy trong 4 lần đo đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh (QCVN 05:2013/BTNMT). Nồng độ bụi trung bình biến động từ 45,05 – 270,65 µg/m3, trong đó tại vị trí A1 có giá trị cao nhất do đây là khu vực chùa, khách du lịch, viếng bái chùa đông vào các ngày lễ.
Từ kết quả tiếng ồn và bụi, cho thấy là trong các dịp lễ như Ok Om Bok và Chol Chnam Thmay, Sel Dolta, môi trường xung quanh chùa có dấu hiệu ô nhiễm bụi và tiếng ồn trong khuôn viên chùa, nơi có đàn Dơi đang đậu.