C. Ngành nghề:
5. Hướng nghiệp không quan trọng bằng luyện thi đại học?
Hỏi: Nếu hướng nghiệp là cần cho mọi lứa tuổi học trò, đặc biệt từ cấp II – III, tại sạo ở trường THPT của em không thấy nói nhiều đến hướng nghiệp mà chỉ nói nhiều
đến luyện thi? Hướng luyện thi cũng chỉ đề cập đến ôn luyện theo khối A/B, cùng lắm là khối D, mà phải là Đại học! Kể cả những bạn học yếu, không mấy ai trong họ nghĩ đến việc “rẽ ngang” qua trường chuyên nghiệp hoặc trường dạy nghề. Như vậy có đi lệch lạc với tinh thần hướng nghiệp không?
Trả lời: Muốn học lên cao là nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của mỗi học sinh, không ai cấm điều này. Luật giáo dục (đã được Quốc hội thông qua) bảo vệ cho mỗi công dân quyền được học lên cao. Vấn đề còn lại là mỗi người biết tự lượng sức mình và điều kiện cho phép để theo học tới đâu và theo học ngành nào cho phù hợp. Đừng vì áp lực thi cử mà ép mình phải khiên cưỡng.
Tinh thần hướng nghiệp phảm thấm từ các bài dạy và bài học trong từng bộ môn ở trường phổ thông. Không phải chỉ đến ngày bước vào giảng đường đại học mới nói tới việc học theo tinh thần hướng nghiệp. Khi học từng bài, từng môn, nếu bạn có ý thức định hướng nội dung theo yêu cầu ứng dụng thực tế và lấy thực tế minh họa cho kiến thức, đó là một căn bản của tinh thần hướng nghiệp. Phát triển cao hơn, có hướng nghiệp tổng quát (chung cho mọi môn học, mọi ngành học) và hướng nghiệp chuyên ngành (riêng cho từng lĩnh vực nghề nghiệp chuyên môn). Với nghĩa đó, luyện thi theo các khối (A/B/C/D…) chỉ là luyện kiến thức căn bản để hướng tới một đầu vào nào đó của tuyển sinh. Đó chưa phải là căn bản của hướng nghiệp.
Hướng nghiệp căn bản là giúp mỗi người học tự xác định được mình phù hợp hay không phù hợp, dù có thích hay không thích đối với một lĩnh vực trí tuệ nào (cả kiến thức, kỹ năng, xu hướng và thái độ), nhất là đối với một lĩnh vực hoạt động nào mang tính ứng dụng (chứ không chỉ có tính lý thuyết). Vì thế, dù được bình đẳng về cơ hội hướng nghiệp (trong đó có cơ hội được học hành) nhưng thật khó bình đẳng như nhau về sức học, về ngành học, về xu hướng lập nghiệp và chọn nghề.
Hướng nghiệp như cuộc chạy marathon: mỗi người có một sức chạy khác nhau, không thể bình đẳng về đường dài và tốc độ. Cho nên, tuy học cùng lớp, nhưng có bạn thi vào ngành B sẽ hợp hơn khối A, cũng có bạn thi lên đại học lại không phù hợp bằng thi vào trung cấp,…
Đừng chạy theo “phong trào” hoặc “a dua” theo người khác. “Liệu cơm mà gắp mắm” vẫn là sự lựa chọn khôn ngoan. Nếu chọn sai, sẽ lỡ mất cơ hội tiến thân, vì sự chọn lựa chọn đó không phù hợp với mình suốt đời. Và đừng ngộ nhận rằng, tương lai hoặc cơ hội tiến thân được xác định bởi cái mốc “Trung cấp” hay “Đại học”.
Nhiều người thành đạt nổi tiếng như Thomas Edison ngày trước và Bill Gates ngày nay, họ không đi lên từ tấm bằng đại học. Nhiều bạn trẻ hiện nay lập nghiệp để thành công trước, học tập để lấy bằng sau, vẫn có tiền đồ tươi sáng