Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)

Một phần của tài liệu bài giảng kinh tế quốc tế mới (Trang 46 - 47)

- Các Ủy ban và cơ quan: Hiện tại có 13 Ủy ban ,3 nhóm công tác và 3 Ủy ban đặc thù.

4.4.2. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)

IMF được thành lập tại Hội nghị Tiền tệ - Tài chính quốc tế ở Bretton Woods (Mỹ) tháng 7/1944, có hiệu lực từ ngày 27/12/1945 với 29 thành viên. IMF chính thức hoạt động từ ngày 01/03/1947. Tính đến nay, số thành viên của IMF đã có gần 190 nước. Trụ sở chính của IMF đóng tại Washington (Mỹ) và có 2 chi nhánh đóng tại Paris và Giơnevơ.

Cơ cấu tổ chức của IMF bao gồm:

- Hội đồng thống đốc (gồm các thống đốc do từng nước cử ra), mỗi năm họp 1 lần đánh giá các hoạt động.

- Ban giám đốc điều hành (gồm 6 người và Tổng giám đốc do ban giám đốc bầu ra, nhiệm kỳ 5 năm),

- Ủy ban lâm thời.

Mục tiêu hoạt động của IMF:

- Thúc đẩy hợp tác tiền tệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự mở rộng và phát triển cân đối thương mại quốc tế.

- Duy trì sự ổn định về tỷ giá hối đoái, duy trì việc dàn xếp hối đoái có trật tự giữa các nước thành viên.

- Giúp các nước thành viên khắc phục sự mất cân đối trong cán cân thanh toán quốc tế thông qua việc cho vay từ nguồn vốn chung của IMF.

Chức năng của IMF:

- Chức năng giám sát: giúp các thành viên duy trì giá trị đồng tiền, xây dựng và thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính – tiền tệ lành mạnh và ổn định.

- Chức năng trợ giúp tài chính: hỗ trợ các nước giải quyết khó khăn do thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế. Các hình thức trợ giúp của IMF thường kèm theo những điều kiện chặt chẽ bao gồm: vay dự phòng (trợ giúp cán cân ngắn hạn), vay bù đắp thất thu xuất khẩu, vay điều chỉnh cơ cấu (tối đa là 65% cổ phần đã góp), vay điều chỉnh cơ cấu mở rộng (tối đa là 350% số cổ phần đã góp).

- Chức năng tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp thông tin: giúp các nước thành viên tận dụng các công cụ quản lý kinh tế mới, xây dựng các chính sách tài chính – tiền tệ, hệ thống thông tin, hệ thống luật pháp và đào tạo cán bộ.

Khi tham gia IMF, mỗi nước sẽ đóng góp một số tiền nhất định gọi là cổ phần đóng góp để tạo quỹ chung. Cổ phần đóng góp phụ thuộc vào tỷ trọng kim ngạch xuất

nhập khẩu của từng nước so với kim ngạch xuất nhập khẩu trên thế giới. Nó là cơ sở để quyết định mức vay từ IMF hoặc nhận phân bổ tài sản đặc biệt gọi là là quyền rút vốn đặc biệt (SDR – Special Drawing Rights) và quyết định quyền biểu quyết của các nước thành viên. Hiện tại, các nước có cổ phần lớn nhất là Mỹ chiếm 18,25% tổng số vốn, Đức chiếm 6,11%, Nhật chiếm 6,26% tổng số vốn, Anh và Pháp mỗi nước chiếm 5,1%.

Các loại tín dụng:

1) Tín dụng thông thường: nước được vay phải có chương trình điều chỉnh kinh tế ngắn hạn; mức tối đa được vay là 100% cổ phần của nước đó tại quỹ; thời hạn 3 - 5 năm; ân hạn 3 năm với lãi suất khoảng 5 - 7,5%. 2) Vốn vay bổ sung: mức vay có thể từ 100% đến 350% cổ phần của nước đó, tuỳ theo mức độ thiếu hụt; thời hạn 3 - 5 năm; ân hạn 3,5 năm; lãi suất theo lãi suất thị trường. 3) Vay dự phòng: tối đa được 62,5% cổ phần; thời hạn 5 năm; ân hạn 3,5 năm; lãi suất thị trường. 4) Vay dài hạn: nước đi vay phải có chương trình điều chỉnh kinh tế trung hạn và mọi khoản vay phải theo sát với việc thực hiện chương trình theo từng quý, từng năm. Mức vay bằng 140% cổ phần; thời hạn 10 năm; ân hạn 4 năm; lãi suất 6 - 7,5% năm. 5) Vay bù đắp thất thu xuất khẩu: cho các nước đang phát triển có đột biến thiếu hụt cán cân thương mại trong năm. Mức vay tối đa bằng 100% cổ phần; thời hạn và lãi suất như tín dụng thông thường. 6) Vay chuyển tiếp nền kinh tế: loại tín dụng mới xuất hiện để hỗ trợ cho các nước chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường; thời hạn vay 5 năm; ân hạn 3,25 năm; lãi suất thị trường. Ngoài ra, còn một số loại tín dụng khác như vay để duy trì dự trữ điều hoà, vay để điều chỉnh cơ cấu,...

Những tiến bộ nhanh chóng trong kỹ thuật công nghệ và thông tin liên lạc đã góp phần làm tăng hội nhập quốc tế của các thị trường, làm cho các nền kinh tế quốc dân gắn kết với nhau chặt chẽ hơn. Xu hướng hiện nay là mở rộng số quốc gia tham gia IMF. Ảnh hưởng của IMF trong kinh tế toàn cầu được gia tăng nhờ sự tham gia đông hơn của các quốc gia thành viên. Việt Nam là thành viên của IMF từ 1976.

Một phần của tài liệu bài giảng kinh tế quốc tế mới (Trang 46 - 47)