1.3.8.1. Các yêu cầu đối với việc soạn giáo án
Việc chuyển trọng tâm từ thiết kế các hoạt động của GV sang thiết kế các hoạt động của HS là yêu cầu nổi bật đối với công việc soạn giáo án của GV.
Khi soạn giáo án, GV phải suy nghĩ trả lời các câu hỏi sau:
+ Trong bài học: HS sẽ lĩnh hội được những kiến thức, kĩ năng nào? Mức độ đến đâu?
+ Sự chiếm lĩnh những kiến thức, kĩ năng của HS sẽ diễn ra theo con đường nào? HS cần huy động những kiến thức, kĩ năng nào đã có? Cần những phương tiện dạy học nào?
+ Những hoạt động chủ yếu của HS trên con đường dẫn tới chiếm lĩnh những kiến thức, kĩ năng đó? Những hoạt động đó của HS diễn ra dưới hình thức làm việc cá nhân, làm việc theo nhóm hay làm việc chung cả lớp?
+ GV phải chỉ đạo như thế nào để đảm bảo cho HS chiếm lĩnh được những kiến thức, kĩ năng đó một cách chính xác, sâu sắc và đạt được hiệu quả giáo dục?
+ Hành vi trong quá trình học và ở đầu ra mà HS thể hiện được sau khi học là gì?
1.3.8.2. Những nội dung của việc soạn giáo án
Xác định những nội dung kiến thức của bài học: cần xác định những nội dung này thuộc loại kiến thức nào (khái niệm về sự vật, hiện tượng, quá trình vật lí; khái niệm về đại lượng vật lí; định luật, quy tắc, nguyên lí cơ bản; thuyết; ứng dụng kĩ thuật của vật lí), bao gồm những kết luận nào?
Thiết kế tiến trình xây dựng từng kiến thức trong bài học: để thiết kế tiến trình xây dựng từng kiến thức trong bài học, GV cần xác định kiến thức cần xây dựng được diễn đạt như thế nào, là câu trả lời cho câu hỏi nào? Giải pháp nào giúp trả lời được câu hỏi này?
Từ tiến trình xây dựng các kiến thức trong bài học đã thiết kế, xác định rõ ràng, cụ thể mục tiêu bài học (cái đích mà GV mong muốn HS đạt được khi học các kiến thức cụ thể trong bài học).
- Cần đổi mới việc xây dựng mục tiêu bài học, từ việc viết mục tiêu giảng dạy (điều GV phải đạt được) sang viết mục tiêu học tập (điều HS phải đạt được trong quá trình học và sau khi học bài học đó). Mục tiêu bài học luôn được diễn đạt theo người học.
- Mục tiêu bài học phải chỉ rõ mức độ HS đạt được trong quá trình học và sau bài học về kiến thức, kĩ năng, thái độ đủ để làm cơ sở đánh giá chất lượng và hiệu quả của
bài học. Mục tiêu bài học phải đặc biệt chú ý tới nhiệm vụ phát triển năng lực nhận thức, phù hợp với nội dung bài học (phát hiện vấn đề, đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề, nêu giả thuyết, phân tích, đối chiếu kết quả rút ra từ suy luận lí thuyết và kết quả rút ra từ thí nghiệm để rút ra kết luận….).
- Mục tiêu bài học phải chỉ ra những hành vi mà HS phải thể hiện ra khi học một kiến thức cụ thể. Vì vậy, mục tiêu bài học được bắt đầu bằng các động từ hành động (nêu được, đề xuất, xác minh được, quan sát, đo được,…). Khi viết mục tiêu bài học, GV cần tham khảo chuẩn kiến thức kĩ năng ở các chủ đề trong chương trình trung học môn Vật lí.
Xác định công việc chuẩn bị của GV (phương tiện dạy học, phiếu học tập…) và của HS, nhất là về các phương tiện dạy học cần sử dụng. Soạn thảo tiến trình hoạt động dạy học cụ thể:
- Việc soạn thảo tiến trình hoạt động dạy học phải thể hiện rõ hoạt động học và hoạt động dạy là hoạt động nào, diễn ra như thế nào và trình tự các hoạt động đó. Với mỗi hoạt động của HS, cần viết rõ mục đích hoạt động, cách thức hoạt động, hình thức thực hiện hoạt động (cá nhân, nhóm), kết quả cần đạt được.
- Với từng hoạt động của HS, cần viết hoạt động tương ứng của GV: lệnh hoạt động, câu hỏi, gợi ý để hướng dẫn hoạt động của HS, thông báo bổ sung của GV. Cần coi trọng việc chuẩn bị các câu hỏi, nhất là câu hỏi then chốt. Cần dự kiến các khả năng diễn biến với từng hoạt động của HS, các phương án trả lời, các sai lầm của HS và các giải pháp giúp đỡ HS. Trên cơ sở đó, khi lên lớp, GV sẽ phát triển thêm tùy diễn biến của giờ học.
- Xác định nội dung tóm tắt trình bày bảng. - Soạn nội dung bài tập về nhà.